Đại Kỷ Nguyên

Những tướng lĩnh nổi danh đã thất bại tại Đại Việt (P.4): Ô Mã Nhi, kiêu binh tất bại

Bài viết này không phải nhằm mục đích hạ thấp các tướng lĩnh đó, mà chỉ là mượn chút uy danh của họ để nêu bật lên sự huy hoàng của các tướng sĩ nước Nam…

Phần 4: Omar – Ô Mã Nhi

Ô Mã Nhi còn có biệt hiệu là Bạt Đô, gọi là Ô Mã Nhi Bạt Đô hay Omar Baghatur. “Baghatur” nghĩa là “mạnh mẽ” hay “dũng sĩ” trong tiếng Mông Cổ, nghĩa bóng là anh hùng hay chiến binh gan dạ, thiện chiến. Đặc sứ Giáo hoàng Plano Carpini đã so sánh danh hiệu Bạt Đô tương đương với các hiệp sĩ châu Âu.

Dòng dõi của nhà tiên tri Hồi Giáo Mohammad, dũng sĩ Mông Cổ

Omar hay Ô Mã Nhi là con trai của Nasr al-Din, tổng đốc Vân Nam đời thứ hai, và cũng là cháu của quan tổng đốc Vân Nam đầu tiên của nhà Nguyên Mông Shams al-Din.

Quan tổng đốc Shams Al-Din vốn xuất thân từ Bukhara thuộc Trung Á – đế quốc Khwazism (ngày nay là Uzbekistan). Khi quân đội Mông Cổ tấn công đánh bại hoàng đế Ala ad-Din Muhammad II, gia đình Sayyid Ajal Shams al-Din Omar đã chủ động đầu hàng.

Theo nhà truyền giáo Marshall Broomhall thì Shams Al-Din chính là hậu duệ đời thứ 27 của nhà tiên tri Mohammad của Hồi Giáo. Ông ta đã phục vụ triều đình Nguyên Mông tại Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) trước khi được chỉ định nhậm chức Tổng Đốc Vân Nam sau khi quân Mông Cổ thôn tính thành công nước Đại Lý. Nếu tính luôn người em trai kế vị sau khi cha Ô Mã Nhi bị xử tử vì tội tham ô, thì dòng họ của Ô Mã Nhi ba đời làm đến tổng đốc. Có thể nói là dòng dõi quý tộc danh giá của đế quốc Nguyên Mông.

Bản thân là con trai tổng đốc Vân Nam, được mang danh hiệu Baghatur danh giá ngay khi còn trẻ, Ô Mã Nhi là một tướng tài đầy triển vọng của triều đình Nhà Nguyên.

Ô Mã Nhi tham gia đoàn quân Nguyên Mông viễn chinh Đại Việt trong hai cuộc xâm lăng 1285 (Toa Đô, Thoát Hoan và Ô Mã Nhi) và 1288 (Thoát Hoan, Ô Mã Nhi và Trương Văn Hổ), nhưng đâu biết rằng định mệnh khốc liệt đã chờ đợi ông ta nơi vùng đất này.

Ô Mã Nhi. (Ảnh minh họa: violet.vn)

Xã tắc hai phen chồn ngựa đá

Hai lần xâm lược 1285 và 1288 có thể nói là 2 trận chiến lớn và khốc liệt nhất đối với quân dân nhà Trần. Tuy đã áp dụng thành công chiến dịch vườn không nhà trống, tránh mũi nhọn của giặc, đất nước vẫn phải gánh chịu không ít tổn thất vì sức giặc quá mạnh và gồm toàn những tay tướng giỏi nhiều kinh nghiệm.

Đầu tiên phải kể đến trận Vạn Kiếp. Sau khi thất trận tại ải Nội Bàng, Trần Hưng Đạo rút quân lui về căn cứ Vạn Kiếp. Phát hiện thấy Đại Việt có hơn 1.000 thuyền đóng ở gần Vạn Kiếp, Thoát Hoan liền cho quân đi tìm và đóng gấp thuyền chặn đường rút của quân binh Đại Việt.

Ngày 11 tháng 2, thủy quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy tấn công vào Vạn Kiếp và các trại quân Trần ở Chí Linh. Một trận chiến khốc liệt đã xảy ra. Tướng Nguyên cấp vạn hộ là Nghê Nhuận bị tử trận.

Tuy nhiên, quân Trần đã quyết định rút lui để tránh thế giặc mạnh, thực hiện nghi binh khiến địch mệt mỏi rồi mới phản công. Thấy bề tôi lo lắng, vua Trần cho khắc hai câu thơ cuối thuyền ngự:

會 稽 舊 事 君 須 記

驩 愛 猶 存 十 萬 兵

       “Cối Kê cựu sự quân tu ký,

Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh”.

Dịch nghĩa:

Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ,

Hoan Diễn còn kia mười vạn quân.

Ngày 14 tháng 2, Ô Mã Nhi đem quân vây quân của Trần Quốc Tuấn. Một trận thủy chiến lớn giữa 2 bên đã diễn ra. Vua Trần đem quân đến trợ chiến cho Trần Quốc Tuấn. Ô Mã Nhi đã không ngăn nổi quân Trần rút lui. Toàn bộ quân Trần rút khỏi Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than về dàn trận bên bờ sông Hồng gần thành Thăng Long. Quân Nguyên tiến theo đường bộ về Thăng Long.

Sau vài trận chiến nhằm kéo dài thời gian cho quân dân di tản khỏi kinh thành để làm tiêu thổ kháng chiến, cuối cùng quân đội nhà Trần đã di tản toàn bộ khỏi Thăng Long mà không bị tổn thất nhiều, để lại sau lưng một tòa thành nhẵn nhụi cho “Trấn Nam Vương” và đám thủ hạ của ông ta.

Nghe tin vua Trần chạy vào Thanh Hóa, Thoát Hoan lệnh cho Ô Mã Nhi lãnh thủy binh cùng Toa Đô đuổi theo.

Chiến sự dần xoay chuyển với các chiến thắng mở màn của nhà Trần ở Hàm Tử và Tây Kết. Toa Đô chiến bại và bị giết. Toàn quân Nguyên tan vỡ, Thoát Hoan rút chạy khỏi Thăng Long, Ô Mã Nhi cùng Lưu Khuê cũng chiếm một chiếc thuyền nhỏ trốn ra biển. Cánh quân Vân Nam của Nasr al-Din (cha của Ô Mã Nhi) cũng rút chạy về Vân Nam.

Thoát Hoan rút chạy khỏi Thăng Long. (Ảnh minh họa: violet.vn)

Trận Vân Đồn: Kiêu binh tất bại

Trong lần xâm lăng cuối cùng năm 1288, Ô Mã Nhi được giao cho chỉ huy thủy quân cùng với Phàn Tiếp hộ tống đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.

Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vốn được giao cầm quân thuỷ mở đường cho đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, Phí Củng Thìn theo sau. Sau khi đánh lui được quân nhà Trần, Ô Mã Nhi cho rằng thế quân Trần yếu không đáng lo, bèn tiến sâu vào nội địa để hội binh với Thoát Hoan và truy đuổi vua Trần.

Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư được giao trấn giữ đường biển nhưng để quân Nguyên đi qua, bị Thượng hoàng Thánh Tông sai sứ hỏi tội. Khánh Dư xin khất vài ngày để chuộc tội.

Đầu năm 1288, đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ kéo đến Vân Đồn, bị quân Trần Khánh Dư tập kích. Không có quân chủ lực bảo vệ, quân của Trương Văn Hổ mau chóng bị tiêu diệt. Văn Hổ cố gắng kéo vào đất liền nhưng đến Lục Thuỷ thì thuyền quân Trần đổ ra đánh càng đông. Hổ đại bại, đổ cả thóc xuống biển vì không muốn lọt vào tay quân Trần, rồi bỏ chạy về Quỳnh Châu.

Thuyền lương của Phí Củng Thìn kéo theo sau, mới đến Huệ Châu đã gặp bão, trôi giạt tới Quỳnh Châu. Đoàn thuyền lương do Từ Khánh chỉ huy thì đi lạc tới Chiêm Thành rồi quay trở lại Quảng Đông. Như vậy, các thuyền lương của quân Nguyên mất hoàn toàn.

Ô Mã Nhi tự phụ mình tài giỏi, nghĩ là đã đánh tan hải quân nhà Trần mà không biết rằng, chính mình là nhân tố lớn nhất làm cho quân Nguyên thua đau một lần nữa.

Trận Vân Đồn này, quân ta đại thắng, quân lương, khí giới được nhiều vô kể. (Ảnh minh họa: violet.vn)

Trận Bạch Đằng định mệnh: Làm ác phải trả giá

Khi còn đang tham gia viễn chinh tại Đại Việt, Ô Mã Nhi tỏ ra là một viên tướng hung hăng, giỏi thao lược, nhiều lần đánh bại và gây khốn đốn cho quân nhà Trần. Ông ta lãnh quân theo lệnh Thoát Hoan truy sát 2 vua Trần rút lui về Thiên Trường và chạy ra Thanh Hóa.

Ô Mã Nhi đã chỉ huy quân bộ chiến lẫn thủy chiến, mấy lần bám sát để tìm cách bắt các vua Trần, nhưng không thành công. Tức giận, Ô Mã Nhi cho quân phá hoại lăng tẩm tổ tiên nhà Trần, cũng như giết hại nhiều người. Nhưng có câu “thiện ác hữu báo”, ngay trong trận đánh lớn nhất cuối cùng của đời mình, Ô Mã Nhi đã bị bắt sống.

Ngày 9 tháng 4 năm 1288, Ô Mã Nhi không cho quân rút về bằng đường biển mà đi theo sông Bạch Đằng, vì tính rằng đường biển đã bị thủy quân nhà Trần vây chặt thì phòng bị đường sông có thể sơ hở, hơn nữa sông Bạch Đằng nối liền với nội địa Trung Quốc bằng thủy lộ, thuận lợi cho việc rút lui.

Khi Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng nhân lúc nước lớn, thủy quân nhà Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua chạy vào sâu bên trong. Ô Mã Nhi trúng kế khích tướng nên thúc quân ra nghênh chiến. Khi thuyền quân Nguyên đã vào sâu bên trong sông Bạch Đằng, tướng Nguyễn Khoái dẫn các quân Thánh Dực ra khiêu chiến và nhử quân Nguyên tiến sâu vào khúc sông đã đóng cọc, trong khi quân Trần đợi cho thủy triều xuống mới quay thuyền lại và đánh thẳng vào đội hình địch. Bình chương Áo Lỗ Xích của Nguyên Mông đã bị bắt sống trong cuộc chiến đấu quyết liệt của quân Thánh Dực.

Thủy quân Đại Việt từ Hải Đông – Vân Trà từ các phía Điền Công, Gia Đước, sông Thái, sông Giá nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng, với hàng nghìn chiến thuyền cùng quân lính các lộ dàn ra trên sông và dựa vào Ghềnh Cốc thành một dải thuyền chặn đầu thuyền địch ngang trên sông. Trong lúc thủy chiến đang diễn ra dữ dội thì đoàn chiến thuyền của hai vua Trần đóng ở vùng Hiệp Sơn (Kinh Môn, Hải Dương) bên bờ sông Giáp (sông Kinh Thầy, vùng Kinh Môn, Hải Dương) làm nhiệm vụ đánh cầm chừng và cản bước tiến của địch cũng tấn công từ phía sau, khiến quân Nguyên càng lúng túng và tổn thất rất nặng.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, “nước sông do vậy đỏ ngầu cả”. Bị bất lợi hoàn toàn, rất nhiều thuyền chiến của quân Nguyên bị cháy rụi. Bị tấn công tới tấp trên sông, một số cánh quân Nguyên bỏ thuyền chạy lên bờ sông bên trái của Yên Hưng để tìm đường trốn thoát, nhưng vừa lên tới bờ họ lại rơi vào ổ phục kích của quân Trần, bị chặn đánh kịch liệt. Trời về chiều khi giao tranh sắp kết thúc, Ô Mã Nhi cùng với binh lính dưới quyền chống cự tuyệt vọng trước sự tấn công của quân Trần. Vì quân Nguyên của Thoát Hoan không tới cứu viện, đạo quân này hoàn toàn bị quân Trần tiêu diệt.

Theo Nguyên sử – Truyện của Phàn Tiếp, kịch chiến xảy ra từ giờ Mão (5 đến 7 giờ sáng) đến giờ Dậu (5 đến 7 giờ tối) mới kết thúc. Nguyên sử có chép về tướng Nguyên Phàn Tiếp: “Tiếp cùng Ô Mã Nhi đem quân thủy trở về, bị giặc đón chặn. Triều sông Bạch Đằng xuống, thuyền Tiếp mắc cạn. Thuyền giặc dồn về nhiều, tên bắn như mưa. Tiếp hết sức đánh từ giờ Mão đến giờ Dậu. Tiếp bị thương, rớt xuống nước. Giặc móc lên bắt, dùng thuốc độc giết”.

Bia Lý Thiên Hựu cũng chép: “Tháng ba, đến cảng Bạch Đằng, người Giao chắn chiến hạm ngang sông để chống cự quân ta, đến lúc nước triều rút, thuyền không tiến được, quân tan vỡ…” Lý Thiên Hựu là một viên tướng Nguyên cũng tham gia trận Bạch Đằng.

Trận Bạch Đằng Giang năm 1288. (Ảnh: wikimedia.org)

Cái chết gây tranh cãi

Khi Ô Mã Nhi và nhiều tướng sĩ quân Nguyên bị quân nhà Trần bắt sống trong trận Bạch Đằng, các binh tướng khác đều được phóng thích về nước khi nhà Trần xin hòa và triều cống nhà Nguyên để tránh nạn binh đao.

Tuy nhiên, riêng Ô Mã Nhi thì lại chết đuối do đắm thuyền trên đường về nước. Về cái chết này thì có nhiều thuyết, tuy nhiên thuyết mà nhiều người chấp nhận nhất chính là bị vua nhà Trần sai người ngầm giết.

Có thể vì vua nhà Trần rất căm giận Ô Mã Nhi đã giết rất nhiều người và đã phá hoại lăng tẩm của tổ tiên nhà Trần (Trần Thái Tông), và cũng có thể vì Ô Mã Nhi là một dũng tướng tinh thông cả thủy chiến lẫn bộ chiến, lại đã quen chinh chiến ở Đại Việt, thông thuộc đường sá nên để sống sẽ là một mối họa lớn.

Trần Hưng Đạo cho thuyền lớn đưa Ô Mã Nhi về nước, rồi cho người giỏi bơi lặn sung vào phu thuyền. Ra đến ngoài biển, lừa lúc ban đêm, những phu thuyền cùng Yết Kiêu đục thủng đáy thuyền, vì vậy Ô Mã Nhi bị chết đuối.

Thay cho lời kết

“Nước trời: một sắc

Phong cảnh: ba thu

Ngàn lau xào xạc

Bến lách đìu hiu

Sông chìm giáo gãy

Gò đầy xương khô

Buồn vì cảnh thảm

Ðứng lặng giờ lâu

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá?

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu”.

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)

Hào khí Đông A – Bạch Đằng 1288 ( Tranh sơn mài của Nguyễn Trường Linh)

Sông Bạch Đằng nghìn năm chảy mãi, cuốn theo thời gian bao dấu vết điêu tàn của cuộc chiến oai hùng năm xưa. Đế quốc Nguyên Mông giờ cũng thành cát bụi, hậu thế cũng chỉ còn biết đến Hưng Đạo Vương qua những trang sử mà thôi. Ngẫm lại từ trong thành bại của bao nhiêu cuộc chiến, tất cả cũng đều không ra khỏi ý Trời. Người thuận lòng Trời thì tất thành, mà kẻ bạo ngược ắt sẽ tiêu vong. Vì đâu mà nhà Nguyên Mông có thể quật khởi lan tràn khắp thế giới, vì đâu mà nhà Trần và Hưng Đạo Vương với một nhúm quân nhỏ nhoi lại có thể 3 lần quét sạch đạo quân xâm lược khét tiếng kia?

Nếu như nói người Mông thuận ý Trời thay thế nhà Tống cai trị Trung Nguyên, thì cũng chính là ý Trời đã muốn bảo hộ Đại Việt, nơi đang được trị vì bởi một triều đại sùng kính Phật Pháp với những bậc quân vương nhân từ nhất. Vậy mới đúng là:

“Anh minh hai vị thánh quân

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh

Giặc tan, muôn thuở thanh bình

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao”.

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu)

Tĩnh Thuỷ

Tham khảo

Nguyên sử: https://sites.google.com/site/quankhoasu/nguyen-su

Exit mobile version