Đại Kỷ Nguyên

Những nhà toán số kỳ lạ thời cổ đại: Tính chính xác được thời điểm mình qua đời

Toán học hiện đại chỉ có thể tính toán và đo lường, nhưng toán số cổ đại lại có thể tính được mệnh, thậm chí tính được hết thảy vũ trụ, tự nhiên và xã hội.

Hoàng Phủ Tung Chân đời Tây Hán rất tinh thông thuật toán số, ông là người vùng Ninh Hạ, Cam Túc ngày nay.

Một hôm, Hoàng Phủ Tung Chân nói với vợ rằng: “Tôi tính ra tuổi thọ của mình là 73 tuổi, giờ Thân ngày 25 tháng Giêng năm Tuy Hòa thứ nhất (năm thứ 8 TCN) sẽ qua đời”.

Ông còn nói ông muốn được an táng ở một nơi: “4 trượng về phía tây cây giả đơn độc ở Thanh Lũng núi Bắc Mang, đục sâu 7 thước”.

Sau đó ông viết kết quả tính toán này lên bức tường trong nhà, muốn để sau này kiểm nghiệm xem tính toán có chính xác không. Vợ ông xem xong, lúc đó cũng không nói gì. Sau này bà nói với người khác rằng: “Khi Hoàng Phủ Tung Chân tính toán, tôi nhận thấy ông ấy đã tính thừa một ngày. Lúc đó muốn nói với ông ấy, lại sợ ông ấy suy nghĩ nên tôi đã không nói”.

Quả nhiên trước ngày ông tính một ngày, Hoàng Phủ Tung Chân đã qua đời vào giờ Thân ngày 24 tháng Giêng năm Tuy Hòa thứ nhất, giờ chết không sai. Chiểu theo địa điểm mà Hoàng Phủ Tung Chân khi còn sống đã chỉ, người nhà khiêng thi thể ông đến đó, quả nhiên có một cây giả cô độc. Đi về phía tây khoảng 4 trượng, người nhà bắt đầu đào, đào đến lúc sâu 7 thước, quả nhiên phát hiện ra có một bộ quan tài và quách để trống ở đó, thế là an táng ông vào đó.

Đo kích thước bát ngọc tính ra thời gian bát vỡ

Viên Hoằng Ngự nhà Hậu Đường đời Ngũ Đại tinh thông toán thuật, làm quan tòng sự Sơn Tây. Tiết độ sứ đương thời là Trương Kính Đạt có 2 chiếc bát ngọc, Viên Hoằng Ngự đo chiều sâu và chiều rộng của chiếc bát, tính toán một lúc rồi nói: “Giờ tỵ ngày 16 tháng 5 sang năm, hai chiếc bát này nhất định sẽ bị vỡ”.

Trướng Kính Đạt lập tức sai người lấy vải và bông bọc 2 chiếc bát ngọc lại, bỏ vào một cái lồng trúc lớn rồi cất vào trong kho. Trương Kính Đạt trong lòng thầm nghĩ, mình cất giữ cẩn thận như thế này xem chúng còn có thể bị vỡ không?

Giờ tỵ ngày 16 tháng 5 năm sau, ai cũng không thể ngờ được, chiếc xà trên mái kho đột nhiên bị gãy rơi xuống, đè đúng lên trên cái lồng trúc đó. Kết quả hai chiếc bát ngọc cất giữ trong đó đều bị vỡ. Thái bộc thiếu khanh khi đó là Tiết Văn Mỹ cũng ở trong phủ, tận mắt chứng kiến sự tình này.

Viên Hoằng Ngự đo chiều sâu và chiều rộng của chiếc bát, tính ra thời gian bát vỡ. (Ảnh minh họa: epochtimes.com)

Dùng đũa tính ra kho lương có bao nhiêu thóc

Triều Hán có người tên là Tào Nguyên Lý, sống ở vùng biên giới Trung – Triều ngày nay.

Có lần ông đến nhà bạn là Trần Quảng Hán chơi. Trần Quảng Hán nói: “Tôi có 2 cái kho thóc tròn, đựng đầy thóc, nhưng quên mất có bao nhiêu thạch (1 thạch khoảng 50 kg). Ông giúp tôi tính toán xem”.

Tào Nguyên Lý chẳng đi ra cái kho, cứ ở nguyên một chỗ dùng chiếc đũa ăn cơm xoay mười mấy vòng trên bàn, sau đó nói: “Kho thóc phía đông có 749 thạch 2 đấu 7 thưng” (10 đấu là 1 thạch, 10 thưng là 1 đấu).

Tiếp theo, ông lại dùng đũa quay khoảng 10 vòng rồi nói: “Kho thóc phía tây có 697 thạch 8 đấu”.

Thế là Trần Quảng Hán viết con số tính toán của Tào Nguyên Lý lên của kho.

Sau khi Tào Nguyên Lý về, Trần Quảng Hán cho lấy thóc ra đong. Kết quả kho thóc phía đông không sai một ly, kho thóc phía tây ít hơn kết quả Tào Nguyên Lý tính 1 thưng. Người gia bộc nói: “Khi lấy thóc ra, trong kho thóc đột nhiên có một con chuột lớn chạy ra”.

Trần Quảng Hán hỏi tiếp: “Chuột nặng khoảng bao nhiêu?”.

Gia bộc nói: “Khoảng 1 thưng”.

Trần Quảng Hán cho lấy thóc ra đong. (Ảnh minh họa: epochtimes.com)

Sau này Tào Nguyên Lý nghe tin mình tính sai 1 thưng thì vô cùng buồn bã: “Sao lại có thể như thế được?”.

Trần Quảng Hán nói: “Trong kho có một con chuột, vừa vặn nặng 1 thưng”.

Tào Nguyên Lý vỗ tay lên giường nói: “Mất mặt quá, sao tôi lại không tính được ra con chuột ăn thóc nhỉ?”

Lão Tử nói: “Người giỏi tính toán không cần công cụ”. Người giỏi toán thuật không cần dụng cụ đo lường, vậy dùng phương pháp nào để tính đây? Nội hàm và phương toán số thời cổ đại đã bị thất truyền từ lâu rồi, những gì người hiện đại kế thừa chẳng qua là công thức, công lý ở bề mặt, mà nội hàm thực chất huyền diệu của nó kỳ thực có liên quan đến văn hóa nửa Thần cổ đại, hiện nay lại bị khoa học thực chứng coi là mê tín.

Nguồn tham khảo: “Tây Kinh tạp ký” của Cát Hồng đời Tấn, “Thái Bình quảng ký” đời Tống.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version