Đại Kỷ Nguyên

Những cách nói chuyện dễ đắc tội với người khác

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Sách xưa có viết: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, lời nói xuất phát từ tấm lòng thiện lương có thể nhận được sự tin tưởng và khiến trái tim người khác ấm áp. Lời nói nếu không xuất phát từ việc nghĩ tới người khác sẽ khiến họ đau lòng, còn khiến ta đắc tội với họ.

Dưới đây là những cách nói chuyện dễ đắc tội với người khác. Nếu có những cách nói chuyện này, chi bằng hãy sửa đổi kịp thời, lấy lại thiện cảm của người khác, cũng là thay đổi vận khí của mình.

Chỉ ra khuyết điểm của người khác một cách thiếu từ bi

Trong xã hội ngày nay có rất nhiều người không thích người khác chỉ ra khuyết điểm của mình, mà chỉ thích nghe người khác nói lời hay. Thế nên việc chỉ ra khuyết điểm của người khác cũng là một việc đòi hỏi sự tinh tế và xuất phát từ tấm lòng thực sự muốn tốt và nghĩ cho tự trọng của họ khi lựa chọn cách nói.

Có những khuyết điểm của người khác mà bạn có thể coi nhẹ không chấp nhặt chúng, nhưng cũng có những khuyết điểm có thể ảnh hưởng tới công việc chung, tới tập thể, thậm chí tới chính tương lai, an nguy của họ. Với những khuyết điểm đó, bạn có lẽ phải lựa chọn buộc phải nói thẳng ra với họ để tránh những rắc rối và mất mát không cần thiết.

Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ ra khuyết điểm của người khác chỉ vì thấy khó chịu, không thể chấp nhận được và việc chỉ ra có ẩn chứa mục đích phê phán, hả hê, dạy bảo, hạ thấp người khác và đề cao chính mình thì lời nói sẽ không ít thì nhiều có những dấu hiệu thiếu từ bi, thiếu tôn trọng người khác.

Dù có là người tài trí và khéo léo thế nào, có lẽ lời nói xuất phát từ việc không nghĩ cho cảm nhận của người khác sẽ vẫn làm tổn thương họ và đẩy họ sang phía đối lập không muốn nghe không muốn hiểu, thậm chí chống đối lại. Cuối cùng, mục đích muốn làm họ thay đổi, muốn giúp họ của chúng ta lại không đạt được, mà chỉ mang lại phiền toái do đã đắc tội với người ta. 

Nói ra bí mật của người khác, không biết giữ mồm giữ miệng

Có người rất có hứng thú với những bí mật của người khác, cho dù là bất cứ chuyện gì, đều muốn “hỏi đến cùng”. Họ đem mọi chuyện hỏi một cách rõ ràng sau đó truyền bá ra ngoài, cũng không cần biết chuyện này có phải là bí mật của người khác hay không.

Ví dụ như công ty tổ chức thưởng cho một số người, vì thế chuyện này chỉ là chuyện kín giữa công ty với những người được thưởng, tuy nhiên có người không chịu giữ miệng, nói ra với những đồng nghiệp khác, tạo nên sự ghen tỵ lẫn nhau. Kết quả là công ty quyết định không khen thưởng cho ai cả, và những người vốn dĩ được thưởng sẽ trách cứ kẻ nói ra.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Ai cũng có bí mật, mọi tập thể cũng có bí mật của riêng họ, bạn tùy tiện đem bí mật đó nói ra, chính là không biết giữ mồm miệng. Đối với những người như bạn, ai cũng sẽ tránh xa, hoặc khi đứng trước mặt bạn đều không dám nói bất cứ điều gì, sau đó không ai muốn tâm sự hay nói chuyện với bạn nữa.

Khi nhiều người ỏ cùng nhau, thích nói thì thầm với người khác, giả vờ bí mật

Rất nhiều người thích dùng cách nói chuyện “thì thầm” giống như nhìn thấy chuyện gì đó không quang minh chính đại, nhất định phải nói thì thầm với nhau. Khi chỉ có hai người, nói như thế này cũng không sao cả, bởi vì họ lo lắng tường có tai thì đó cũng là chuyện của họ. Nhưng khi có đông người, cũng nói chuyện bằng cách này, những người xung quanh sẽ nghĩ rằng bạn đang nói xấu người khác, trong lòng sẽ có chút phản cảm.

Tư thế thì thầm với người khác nhìn rất không có giáo dưỡng, nếu bạn thường xuyên dùng cách này để nói chuyện với người khác, những người bên cạnh sẽ không chỉ nghĩ rằng điều này là không tốt mà dần dần xa lánh bạn. Bởi vì họ lo lắng, bạn đang truyền bá những điều không hay về người khác, và cho rằng bạn không phải là một người lương thiện.

Tranh luận tới cùng, trong tranh luận lại cố gắng đe nạt người khác

Trong hành trình của cuộc đời, tranh luận với người để được gì? Tranh luận thắng rồi thì sao mà thua thì sao? Người ngốc nghếch luôn muốn tranh luận với người khác cho đến khi thắng mới dừng lại, người hiểu chuyện thường không tranh luận. 

Nếu bạn thích tranh luận không ngừng nghỉ với người khác, và khi tranh luận rất lớn tiếng, hy vọng có thể nạt được người nghe thì bạn nên thay đổi. Vì bạn càng nói chuyện theo cách này, càng khiến cho người khác không muốn nghe, càng có thành kiến với bạn.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Khi người khác đang nói chuyện, nhảy vào cướp lời

Khi người khác nói chuyện, thích nhảy vào cắt ngang, đó là một hành vi rất bất lịch sự. Bạn ngắt lời người ta một lần, người ta chỉ cười cười với bạn cho qua, cho rằng bạn là vô ý. Nhưng bạn lần nào cũng ngắt lời người khác, người ta sẽ tức giận mà lườm bạn, hy vọng bạn đừng mở miệng. Nếu như bạn vẫn nhất quyết muốn ngắt lời người khác, thì dù người ta có buồn chán đến mức nào, cũng sẽ không tìm bạn nói chuyện.

Người thông minh, khi người khác nói, chỉ ngồi im lặng lắng nghe, nếu như người khác nói chuyện không liên quan đến mình thì cũng như đang nghe kể chuyện. Nếu như những lời của người nói có liên quan đến mình thì cũng chỉ cười nhẹ một tiếng, không cho đó là chuyện gì to tát. Nếu người khác nói sai, cũng không vội “cướp lời” để lên tiếng sửa đổi. Nếu thực sự thích “cướp lời”, vậy thì sau này hãy học cách lắng nghe, để người khác nói xong hãy nói dù đang có ý nghĩ nhảy ra rất mãnh liệt đi nữa, như vậy mới khiến người khác cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với bạn.

Hay hứa hẹn “lần sau”, “hôm khác”

Có người thích nói những câu như: “Lần sau lại nói tiếp”, “Hôm khác mời cậu đi ăn”, dù ai cũng hiểu là một lời khách sáo cho xong câu chuyện, nhưng một khi đã không làm được thì đừng nói trước.

Trên thực tế, lần sau gần như đồng nghĩa với không bao giờ, chỉ cần bạn nói câu “lần sau” với những người xung quanh, thì dần dần họ cũng chẳng còn tin vào lời nói của bạn nữa. Nếu như bạn là người làm ăn kinh doanh, trả lời khách hàng rằng, lần sau giao lô hàng này nhưng lại không chú ý đến chuyện đó, cuối cùng quên hẳn chuyện này. Nhưng đối phương lại ghi nhận những gì bạn nói như một lời hứa, tin tưởng bạn, một lần rồi hai lần. Đối phương không có được hàng, không kịp kế hoạch sản xuất, mất đi lợi nhuận thì có thể thành chuyện lớn mất rồi.

Thích nói những lời đố kỵ làm tổn thương người khác

Tôi có một người bạn học cũ tên là Lâm, làm việc trong một công xưởng điện tử nhỏ, bởi vì mọi người đều quen nhau nên cũng rất hay nói chuyện xã giao trong những giờ nghỉ ngơi. Một lần có một đồng nghiệp của Lâm được sếp khen thưởng vì hiệu quả lao động tốt, những người trong nhà máy đều vui mừng thay cho người đồng nghiệp đó, người hơi chạnh lòng thầm ghen tị thì cũng chỉ nói: “Lấy được tiền thưởng là phải mời một bữa đấy”.

Chỉ có một mình Lâm là nói: “Có một chút tiền thôi mà, đã là gì đâu, có bản lĩnh thì đến nhà máy lớn mà làm sếp, ở đây lên mặt làm gì?”. Câu nói đố kỵ này của Lâm khiến cho người đồng nghiệp kia mặt biến sắc, rơi vào trầm lặng, mọi người cũng không ai nói gì cả. Rất rõ ràng Lâm đã đắc tội với người đồng nghiệp xuất sắc kia và còn gây phản cảm với những người đồng nghiệp khác.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Những lời nói đố kỵ đừng nên nói, vậy thì bạn đố kỵ ai sẽ đắc tội với người đó, đừng nên đố kỵ họ mà nên học tập những ưu điểm của họ cùng nhau tiến bộ.

Nói xấu sau lưng người khác, thêm mắm thêm muối, thích tạo tin đồn

Nói xấu sau lưng người khác có thể nói là một hành động kém đạo đức. Lời nói của bạn, một chuyển thành mười, mười thành trăm. Dần dần lời nói đó càng ngày càng xa rời bản chất ban đầu của sự việc và trở thành tin đồn. Nếu muốn điều tra nguồn gốc của tin đồn thì bạn chính là thủ phạm đầu tiên, không tránh khỏi trách nhiệm. 

Những người “trước thế này, sau lưng lại thế khác” thường thâm sâu, hiểm ác. Đặc biệt là những người hay phao những lời đồn đại làm tổn thương người khác. Trên thực tế, giấy không gói được lửa, những người tạo tin đồn thất thiệt, sớm muộn cũng bị bại lộ, chắc chắn sẽ bị người khác coi thường.

***

Tóm lại nghệ thuật của lời nói chính là biết đặt mình vào vị trí người khác mà nói những lời khiến họ có thể nghe lọt tai, có thể xúc động tâm cam và khắc ghi trong lòng. 

Phó Bội Vinh từng nói: “Khi nói chuyện nhất định phải có lòng đồng cảm, đồng cảm là nói chuyện mà đứng trên vị trí của người mà suy nghĩ, thấu hiểu tình trạng của người khác, họ cũng có những nhu cầu như thế nào, bạn phải nói như thế nào người ta mới nghe, mới chấp nhận được”. 

Muốn trở thành người nói chuyện hay, duyên dáng và có sức thuyết phục, hãy đứng trên góc độ của người khác mà suy nghĩ. Hơn nữa, nếu không biết nói chuyện với người khác như thế nào thì thà bảo tồn sự trầm lặng không nói gì. 

Lời nhiều tất có lúc thất ý! Những người trầm mặc, không thích nói chuyện phiếm vô dụng thì cũng không đắc tội với người khác vậy. 

Ngọc Linh
Theo Aboluowang

Video: Một câu nói ác ý có thể làm hao tổn phúc báo cả đời người

Exit mobile version