Đại Kỷ Nguyên

Những bức thư để đời (Kỳ 2): Tình yêu nồng nàn Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh

Chuyên mục Văn Hoá – Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu loạt bài: “Những bức thư để đời”. Trong loạt bài này, chúng tôi sưu tầm và giới thiệu những bức thư nổi tiếng của các danh nhân tự cổ chí kim, hoặc từ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc. Ấy là những lời tâm huyết nhất của những người trong cuộc gửi trao cho nhau biết bao nỗi niềm tâm sự và tư tưởng tình cảm tốt đẹp, nhân văn, cao thượng; qua đó cung cấp cho ta sự tham khảo tốt để xử lý những tình huống trong cuộc sống; hay đơn giản là mang đến một góc nhìn mới mẻ về con người và sự kiện.

Kỳ 2: Thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh

Chiến tranh, đói nghèo, xa cách và cho đến cả cái chết nghiệt ngã cũng không thể chia lìa được Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ… Đã 30 năm trôi qua, nhưng tình yêu của họ dường như vẫn còn đang phập phồng hơi thở.

Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) là nhà soạn kịch, nhà thơ và nhà văn tài hoa nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ 20. Năm 40 tuổi, ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch; rất nhiều trong số đó đã trở thành hiện tượng của sân khấu Việt Nam lúc bấy giờ. Trong cuộc đời mình, Lưu Quang Vũ từng có mối nhân duyên với một vài người phụ nữ, tuy nhiên nữ sĩ Xuân Quỳnh (1942 – 1988) có lẽ là người ghi dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời cũng như trong thơ ông. Không khó để lý giải tình yêu mà họ dành cho nhau, bởi Xuân Quỳnh cũng có một hồn thơ giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau, khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ suy tư, nhưng lúc nào cũng gần gũi, đằm thắm như một người phụ nữ đang làm vợ, làm mẹ. Có những vần thơ của Xuân Quỳnh mà ai ai cũng thuộc:

“Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”.

(“Tự hát” – Xuân Quỳnh)

Và Lưu Quang Vũ cũng nồng nàn đáp lại tình yêu ấy: “Anh thì mãi mãi vẫn thế: vẫn là anh của em với tất cả những nhược điểm và ưu điểm mà anh có, nhưng sẽ mãi mãi yêu thương em, hơn cả những ngày qua cộng lại”.

Với Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, thơ là đời và đời cũng là thơ. Cả thơ và đời đều tắm đẫm suối nguồn của tình yêu và tâm hồn mong manh dễ rung động. Có lẽ bởi thế mà đọc những dòng thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, chúng ta như được sống cùng cái nhớ, cái thương, cho đến cả cái nóng bức của mùa hè năm nao trong căn buồng nhỏ chật hẹp. Đến với nhau bởi cái tình, nhưng có lẽ sau bao gian khó, nhọc nhằn của đời sống từng phải “cầm cự” với cá khô, tôm khô [1], thì giữa hai người họ đã nảy nở cái Nghĩa vợ chồng thiêng liêng, trân quý.

Gia đình của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ dù khó khăn nhưng luôn đầy ắp tình yêu. (Ảnh theo zing)

Trong hồi ức của Lưu Quang Định, em trai Lưu Quang Vũ [2]: “Chị Quỳnh làm dâu trong nhà tôi đã mười lăm năm, thật sự cả mấy anh em chúng tôi đều coi chị như chị ruột. Chúng tôi vẫn nhớ ngày anh chị mới về với nhau, tài sản giá trị nhất chỉ là chiếc phích nhọ. Những ngày hè nóng cháy, chị đi giặt ở cái máy nước công cộng ngoài phố Trần Nhân Tông về, cái chậu quần áo to tướng vẹo một bên người”.

“Cũng mùa hè năm đó, anh Vũ chị Quỳnh có một tin vui: Được Hội Nhà văn phân nhà, một căn hộ hai phòng trên tầng ba khu tập thể Ngọc Khánh. Tôi đã một lần đạp xe đèo chị Quỳnh lên xem nhà. Đi đường Kim Mã, rồi rẽ trái. Hồi đó chưa có đường Liễu Giai, phải dắt xe đạp vượt qua những đống đất đá lổn nhổn mới tới khu tập thể. Chị Quỳnh tấm tắc: “Rộng quá, ở thế nào cho hết!” Thực ra diện tích nhà tổng cộng chỉ hơn 40 mét vuông thôi, nhưng so với cái chuồng cu 6 mét mà anh chị đang ở thì quả là rộng thật”.

Và trong hồi ức của nhà báo Lưu Minh Vũ, con riêng của Lưu Quang Vũ với người vợ đầu tiên, thì “má Quỳnh” là người chu đáo, rất yêu thương anh: “…Tôi nhớ là từ bé tôi chưa phải đến nha sĩ bao giờ, má tự nhổ những cái răng sữa của tôi. Rồi chuyện cắt tóc cho tôi đến việc họp phụ huynh, chuyện đưa tôi đi bệnh viện, chuyện vá quần vá áo, bình thường đối với người mẹ, nhưng cao cả hơn vì đó là tình cảm cho một đứa trẻ do một người khác sinh ra với chồng của mình” [3].

Trong dòng cảm xúc ấy, Đại Kỷ Nguyên xin gửi tặng quý độc giả hai lá thư mà Lưu Quang Vũ viết cho Xuân Quỳnh, một là lúc Xuân Quỳnh đi công tác xa nhà, và một là khi Xuân Quỳnh bị đau tim phải nằm viện. Có ai ngờ, đó cũng là bài thơ cuối cùng của Lưu Quang Vũ. Họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ: Khi xảy ra tai nạn ô tô vào mùa hè định mệnh 1988, Xuân Quỳnh mới 46 tuổi còn Lưu Quang Vũ mới 40; nhưng điều kỳ diệu là, đến cái chết cũng đã không thể chia lìa họ.

Thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh ngày 5/6/1976

Quỳnh thương yêu,

Em gắng đi về bằng máy bay cho khoẻ, không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh.

Những ngày này nhớ và thương Quỳnh lắm, không nên bực bội về Sài Gòn và người Sài Gòn làm gì. Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?

Nếu chúng ta là kẻ không có tài chí lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.

Hôn em rất lâu.

Yêu thương trong từng chữ của bức thư Lưu Quang Vũ gửi Xuân Quỳnh. (Ảnh theo tintuconline)

“Thư viết cho Quỳnh trên máy bay”, ngày 7/5/1988

Có phải vì mười lăm năm yêu anh

Trái tim em đã mệt?

Cô gái bướng bỉnh

Cô gái hay cười ngày xưa

Mẹ của các con anh

Một tháng nay nằm viện.

 

Chiếc giường trắng, vách tường cũng trắng

Một mình em với giấc ngủ chập chờn

Thương trái tim nhiều vất vả lo buồn

Trái tim lỡ yêu người trai phiêu bạt

Luôn mắc nợ những chuyến đi, những giấc mơ điên rồ, những ngọn lửa không có thật

Vẫn là gã trai nông nổi của em

Người chồng đoảng của em

15 mùa hè chói lọi, 15 mùa đông dài

 

Người yêu ơi

Có nhịp tim nào buồn khổ vì anh?

Thôi đừng buồn nữa, đừng lo phiền

Rồi em sẽ khoẻ lên

Em phải khoẻ lên

Bởi ta còn rất nhiều dặm đường phải đi

Nhiều việc phải làm nhiều biển xa phải tới

Mùa hè náo động dưới kia

Tiếng ve trong vườn nắng

Và sau đê sông Hồng nước lớn

Đỏ phập phồng như một trái tim đau

Từ nơi xa anh vội về với em

Chiếc máy bay bay dọc sông Hồng

Hà Nội sau những đám mây

Anh dõi tìm: đâu, giữa chấm xanh nào

Có căn phòng bệnh viện nơi em ở?

 

Trái tim anh trong ngực em rồi đó

Hãy giữ gìn cho anh

Đêm hãy mơ những giấc mơ lành

Ngày yên tĩnh như anh luôn ở cạnh

Ta chỉ mới bắt đầu những ngày đẹp nhất

Vở kịch lớn, bài thơ hay nhất

Dành cho em, chưa kịp viết tặng em

Tấm màn nhung đỏ thắm

Mới bắt đầu kéo lên

Những ngọn nến lung linh quanh giá nhạc

Bao nỗi khổ niềm yêu thành tiếng hát

Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh

Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh…

Thanh Ngọc

Chú thích:

[1] Trong thư gửi Xuân Quỳnh ngày 9/6/1978, Lưu Quang Vũ có viết: “Nhuận bút tập thơ của em mẹ bảo có lẽ phải hàng tháng mới có tiền. Mấy bố con cũng túng, nhưng cũng “cầm cự” được vì có cá khô, tôm khô rồi”.

[2] Tham khảo:

http://vietbao.vn/Van-hoa/Luu-Quang-Vu-Xuan-Quynh-va-mua-he-dinh-menh/20028389/181/

[3] Tham khảo:

https://news.zing.vn/dung-de-me-toi-noi-ve-xuan-quynh-luu-quang-vu-post79082.html

Exit mobile version