Đại Kỷ Nguyên

Nhanh thì hiệu quả, nhưng chậm mới là khôn ngoan

Trong cuộc sống thế kỷ 21 đầy hối hả, chỉ có “chậm” lại một chút, ta mới vượt qua được những chướng ngại trong đời.

Nghe thì có vẻ hơi vô lý nhưng thử quan sát cuộc sống của những người thành công trong xã hội, ta thấy họ đều có một điểm chung: học cách sống chậm lại ngay trong những lúc bận rộn nhất. 

Ta vẫn luôn hâm mộ, ngưỡng phục những người tài giỏi, thành công. Họ dường như lúc nào cũng có thể nắm bắt chính xác những cơ hội tốt nhất, hoặc được thăng chức nhanh, hoặc luôn kiếm được những khoản lợi tức tốt. Ta không khỏi cảm thấy họ phải là những người sở hữu IQ siêu việt Trời phú, người bình thường có lẽ mãi cũng không thể theo kịp. Lại có người ngao ngán lý giải kiểu: “Bản thân họ đã có xuất phát điểm cao, có gia đình giúp đỡ, thành công là chuyện đương nhiên”.

Nhưng nếu để ý kỹ một chút, bạn sẽ nhận ra rằng, những người thành công phần lớn đều giữ được tĩnh khí, có nội tâm tĩnh như nước, gặp chuyện không biến sắc.

Ảnh minh họa: Lovepik.

Bài học từ những chú lạc đà

Lạc đà là loài vật rất kỳ lạ. Nó dường như lúc nào cũng chậm rãi, bước đi thong dong, miệng nhai cũng chậm. Nhưng dù vậy, đi chậm vẫn sẽ đến đích, nhai chậm vẫn ăn no. Lạc đà là loài vật hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất, có thể đi xuyên qua sa mạc nhiều ngày mà không cần ăn uống. 

Thế kỷ 21 được gọi với rất nhiều tên, nào là kỷ nguyên mới, thời đại số, thời cách mạng 4.0… Nhưng tựu lại, điều duy nhất người ta cảm thấy từ những cái tên ấy chính là sự bận rộn, là tốc độ. Người hiện đại đang sống nhanh, sống gấp, sống hối hả. Họ dường như luôn cảm thấy rằng mình chỉ cần “chậm” một chút thôi cũng đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội và thua cuộc. Chúng ta luôn lo lắng rằng mình sẽ không thể theo kịp bước tiến của thời đại nên vẫn luôn liều mạng, tăng tốc đuổi theo.

Nếu nói rằng phải chạy thật nhanh để theo kịp thời đại, thế thì tại sao ta không thử nghĩ ngược lại rằng, chậm một chút thì chính là ta đã tìm ra được thời đại riêng cho mình? 

Nhanh thì hiệu quả, nhưng chậm mới là khôn ngoan

Duy chỉ người giữ được nội tâm thản đãng, tĩnh tại mới có thể từ trong cái “thanh nhàn” mà tìm thấy hạnh phúc. Benjamin Franklin, một trong những người lập quốc của Hoa Kỳ, đã luôn khép mình tuân thủ một bộ quy tắc vô cùng nổi tiếng, gọi là “Quy tắc 5 giờ”. Mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, dù bận rộn đến đâu, ông cũng vẫn dành ra một giờ cho riêng mình.

Ảnh minh họa: Medium.

Người ngoài nhìn vào sẽ khó mà hiểu được, trong một giờ ấy người ta có thể làm được bao nhiêu việc, nhất là với một người nổi tiếng thì thời gian chính là tiền bạc, tài sản. Nhưng không chỉ riêng Franklin, rất nhiều các tỷ phú và người nổi tiếng trên thế giới như Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg… cũng đều dành cho mình những khoảng thời gian riêng tư. Mỗi tuần như vậy, họ sẽ có được khoảng 5 giờ thật sự sống chậm giữa cả một cuộc đời vốn đã quá hối hả của những yếu nhân. Trong 5 giờ ấy, họ chắc chắn không thể làm được nhiều việc nhưng lại đã bồi bổ, rèn luyện cho bản thân có một sự điềm tĩnh phi thường. Và đó mới là khoản đầu tư dài hạn tuyệt vời nhất. 

Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ, có thể coi là một trong những chính khách bận rộn nhất hành tinh, phải nghe điện thoại và nhận báo cáo liên tục từ 6 giờ 30 phút sáng cho đến 23 giờ đêm. Thế nhưng ông lại cho rằng những khoảng thời gian rảnh rỗi nên được xem “là tích cực, không phải tiêu cực”. 

Nhiều người hẳn đang dần dần nhận ra rằng, nhanh thì hiệu quả, nhưng chậm mới là khôn ngoan. Khi trong tâm lúc nào cũng gấp rút, nóng vội thì càng khó thành công, càng dễ gặp phải nhiều thử thách. Công việc rất quan trọng nhưng đừng bao giờ biến nó trở thành tâm điểm của cuộc sống, đừng bao giờ khiến bạn liên tục phải xoay quanh nó, chạy theo nó. Là bạn làm chủ công việc chứ không phải công việc làm chủ bạn. 

Trâm Anh
Theo Cmoney

Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 647: Học cách sống “lành”

Exit mobile version