Đại Kỷ Nguyên

Nhân quả báo ứng: ‘Nào chỉ mình tôi biết thôi, khắp trời đất có ai không biết chứ?’

Người cưỡi ngựa đi đến trước mặt ghé vào tai ông ta nói nhỏ mấy câu. Ông ta lập tức kinh hãi, lưng đẫm mồ hôi lắp bắp hỏi: “Sao ông lại biết được?”. Người cưỡi ngựa cười nhạt nói: “Đâu chỉ mình cá nhân tôi biết thôi, khắp trời đất này quỷ thần có ai không biết chứ?”.

Năm 1733 là năm thứ 11 thời Hoàng đế Ung Chính nhà Thanh. Lúc ấy tại huyện Giao Hòa, tỉnh Hà Bắc, một cử nhân tên là Tô Đẩu Nam vừa tham gia thi hội ở kinh thành và đang trên đường trở về quê làng. Khi dừng chân trong quán rượu bên sông Bạch Câu, ông gặp được một người bạn cũ, cả hai cùng nhau ngồi uống chén rượu chuyện trò.

Thì ra, người bạn cũ của ông vừa mới bị cách chức quan, trong lòng vô cùng uất ức và bực tức. Khi đã ngà ngà say, ông luôn miệng thốt ra những lời oán hận trời xanh, rằng người hành thiện thì chẳng thấy ban thưởng, mà kẻ hành ác thì chẳng bị trừng phạt bao giờ, khắp đất trời này căn bản không hề có nhân quả báo ứng, đạo trời sao quá bất công.

Lúc này, vừa hay có một người cưỡi ngựa đến quán rượu. Sau khi buộc dây ngựa vào cây, ông ta vừa uống rượu vừa lắng tai nghe người bạn cũ của Tô Đẩu Nam càu nhàu.

Nghe được một hồi lâu, người cưỡi ngựa đi sang vái chào hai người rồi nói rằng: “Ông hoài nghi nhân quả báo ứng không tồn tại là chẳng đúng lúc đâu! Ông hãy nghĩ thử xem, phàm là những kẻ háo sắc đều đổ bệnh, kẻ ham mê cờ bạc ắt nghèo túng, xu thế chung đều là vậy cả. Phàm kẻ cướp tranh tài sản của người khác ắt bị tru diệt, kẻ sát nhân cũng nhất định phải đền mạng, đấy là Thiên lý. Tuy nhiên, cùng là phường háo sắc mà trạng thái thân thể có người khỏe mạnh có người suy nhược; cùng là người ham mê cờ bạc nhưng kỹ năng đánh bạc có người cao kẻ thấp, đây đều không thể hoàn toàn giống nhau được. Cùng là đạo lý đó, cùng là đi cướp tranh tài vật ắt có người chủ mưu với kẻ tòng phạm, cùng đi giết người cũng tồn tại ngộ sát và cố ý giết người. Từ trên pháp lý cũng theo đó mà phân định luận tội. Những tình tiết trong này cũng cần phải cân nhắc và nghiên cứu một cách nghiêm túc thận trọng”.

Ông hãy nghĩ thử xem, phàm là những kẻ háo sắc đều đổ bệnh, kẻ ham mê cờ bạc ắt nghèo túng, xu thế chung đều là vậy cả. (Ảnh: brzii.com)

“Trong thời gian này có người công tội bù đắp cho nhau, xem như không có báo ứng, thật ra đã báo ứng rồi đó. Có những người tội đáng ra phải gặp hoặc phúc đáng được hưởng vẫn chưa kết thúc, vậy nên báo ứng không lập tức đến ngay. Khác biệt ở đây là vừa công bằng mà lại vi tế, chỉ có ông Trời mới có thể nắm giữ. Ông lại dựa vào những gì thấy ở trước mắt, mà hoài nghi, phủ nhận phán quyết thiện ác của đạo Trời, thế chẳng phải là điên đảo trắng đen hay sao? Hơn nữa chúng ta chỉ là những kẻ phàm nhân, sao có thể oán trách đạo Trời cho được?”.

“Bây giờ tôi sẽ nói về ông: Vận mệnh của ông vốn dĩ là nên được thăng tiến bên ngoài, chức quan có thể lên đến thất phẩm. Nhưng ông là người gian trá giảo hoạt, đối nhân xử thế thì xem xét nhiều mặt, rất giỏi bợ đỡ nịnh hót, làm việc thường hay chọn việc nhẹ tránh việc nặng, luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm. Hơn nữa ông còn rất giỏi về việc đổ lỗi cho người khác. Bởi những hành vi này của ông nên Trời mới tước giảm lộc vị xuống thành quan bát phẩm. Nhưng khi được làm quan bát phẩm rồi, ông lại cho rằng địa vị ấy là bởi bản thân có tâm kế sâu dày, từ cửu phẩm mà tấn thăng lên, chứ không biết là do ông tâm kế đa đoan nên đáng lẽ từ thất phẩm lại bị giáng hạ xuống bát phẩm”.

Lúc này, người cưỡi ngựa đi đến trước mặt người bạn Tô Đẩu Nam, ghé vào tai ông ta nói nhỏ mấy câu, nói xong lớn tiếng hỏi ông ta: “Ông đã quên rồi sao?”. Ông bạn đó lập tức kinh hãi, lưng đẫm mồ hôi hỏi người cưỡi ngựa: “Sao ông lại biết được?”. Người cưỡi ngựa cười nhạt nói: “Đâu phải chỉ mình cá nhân tôi biết thôi đâu, khắp trời đất này quỷ thần có ai không biết chứ!”. Nói xong, bèn xoay người lên ngựa. Chỉ thấy bụi đất cuồn cuộn, chốc lát không thấy tăm hơi đâu nữa. 

(Trích từ “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký”)

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Thuận An biên dịch

Exit mobile version