Đại Kỷ Nguyên

Nhân ngày cuối năm, tìm hiểu về chữ Niên và con Niên

Thực ra, qua quá trình biến đổi ngôn ngữ, chữ Niên đã biến âm thành tiếng “Năm” trong các từ Năm Mới, Trăm Năm, Năm Tàn Tháng Tận… của người Việt Nam mình.

Tìm về cội nguồn xa xưa của chữ Hán cổ này, có nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng Niên là thu hoạch mùa màng; là lúa đã chín. Hình tượng ban đầu, người ta vẽ một nông phu đang cõng những bó lúa (đại mạch, hay tiểu mạch) đã được bó lại gọn gàng. Về thời gian chắc trùng với mùa thu hoạch của nông lịch tại Trung Hoa xưa.

Cho nên, khi mùa thu hoạch kết thúc, ngũ cốc chất đầy kho, người ta tổ chức những ngày lễ hội để hưởng thụ hạnh phúc một năm cực nhọc là chính đáng. Qua bao vất vả, qua bao dầm mưa dãi nắng, giọt mồ hôi đắng cay nhỏ xuống bao ngày thì mới có bát cơm thơm dẻo hôm nay. Vui được mùa, thư giãn để đợi một năm sau tiếp tục vất vả là điều cần thiết để phục hồi năng lượng, là chu kỳ cần nghỉ ngơi để bước sang mùa màng mới.

Bỗng dưng nhớ đến một bài ca dao nói về giá trị hạt cơm chúng ta ăn hàng ngày:

“Cày đồng đang buổi ban trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.

Ai ơi, bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”.

Đâu ngờ đây lại là một bản dịch tuyệt hảo từ một bài cổ phong thời Đường của Lý Thân. Nó đã được Tương Như dịch sang tiếng Việt:

“Ra công xới lúa giữa trưa,

Mồ hôi thánh thót như mưa luống cày.

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần”.

Mọi người có thể tìm hiểu thêm từ nguyên tác:

* 古風(憫農)其二

鋤禾日當午,

汗滴禾下土。

誰知盤中飧,

粒粒皆辛苦。

*Phiên âm: Cổ phong (Mẫn nông) kỳ 2

Sừ hoà nhật đương ngọ

Hãn trích hoà hạ thổ

Thuỳ tri bàn trung xan

Lạp lạp giai tân khổ.

*Dịch nghĩa

Cày lúa ngày đang lúc trưa,

Mồ hôi giọt xuống chân cây lúa.

Có ai biết rằng bát cơm trong mâm,

Mỗi hạt đều là đắng cay cực khổ?

*Bản dịch của Khương Hữu Dụng

Xới lúa, trời đứng bóng,

Mồ hôi đổ xuống ruộng.

Ai biết cơm trong mâm,

Hạt hạt đều cay đắng.

Cảnh ăn mừng thu hoạch ngày mùa còn là dịp để mọi người vui vẻ gặp nhau,chúc nhau tốt lành. Đặc biệt, trong văn hóa xưa mọi sướng khổ buồn vui của con người đều chịu ảnh hưởng của Trời Phật, Thần linh. Con người sống tốt, thuận hòa với trời đất thì được Phúc Báo; sống cần cù, có nghĩa tình thì được Phúc ấm từ Đức mà Tổ tiên tích góp cho tự bao đời!

Tết là dịp để có những nghi lễ kính trọng với Thần Linh, với ông bà Tổ tiên là vậy.

Ngày xưa, do điều kiện khí hậu, đa số nông dân  chỉ làm được một vụ. Rất ít nơi khí hậu, điều kiện ôn hòa hơn có một vụ khác nhưng rất hên xui. Nói đến Niên, nói đến dịp Tết âm lịch ,không thể không nhắc tới tác phẩm bất hủ của Lục Du:

遊 山 西 村  (Du Sơn Tây Thôn)

莫 笑 農 家 臘 酒 渾,(Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn),

豐 年 留 客 足 雞 豚。( Phong niên lưu khách túc kê đồn)

山 重 水 復 疑 無 路,(Sơn trùng thuỷ phúc nghi vô lộ)

柳 暗 花 明 又 一 村。(Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn)

簫 鼓 追 隨 春 社 近,(Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận)

衣 冠 簡 樸 古 風 存。 (Y quan giản phác cổ phong tồn)

從 今 若 許 閑 乘 月, (Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt)

拄 杖 無 時 夜 叩 門。(Trụ trượng vô thì dạ khấu môn).

Dịch Nghĩa:

Xin đừng cười chê thứ rượu tế lễ không được trong của nhà nông

Năm nay khấm khá, giữ khách lại, mổ heo gà để đãi

Núi liền núi sông liền sông ngỡ rằng không còn đường để đi

Thấp thoáng trong bóng râm rặng liễu và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ có một thôn làng.

Trống tiêu như giục giã vì ngày tế lễ đầu xuân đang gần kề

Áo mũ giản dị theo tục lệ cũ còn giữ lại

Nếu như ngày nay được rảnh rỗi như trăng

Sẽ chống gậy gõ cửa chẳng kể đang lúc đêm tối.

Dịch Thơ: Dạo Núi Thôn Tây

Nhà nông rượu lễ chẳng cao sang

Mùa tốt gà heo đãi bạn vàng

Khuất núi sông liền không lối nẻo

Sau bờ hoa liễu hiện thôn trang

Trống tiêu nôn thúc ngày xuân sắp

Áo mũ đơn sơ vốn lệ làng

Nếu rảnh như trăng nào có ngại

Trong đêm gậy gõ cửa đâu màng.

Để  hiểu rõ bài thơ và sự liên quan của nó với chữ Niên mọi người cũng nên tìm hiểu một số từ ngữ trong tác phẩm :

*LẠP TỬU: Lạp là Tháng Mười Hai Âm Lịch, ta đọc trại thành Tháng CHẠP, nên Lạp Tửu là rượu của tháng Chạp, rượu được ủ để uống vào dịp Tết Âm Lịch.

* PHONG NIÊN 豐 年: là Năm Được Mùa.

* XUÂN XÃ 春 社: là Ngày Mậu Nhật thứ 5 sau tiết Lập Xuân làm ngày XUÂN XÃ để cúng tế Thần Làng, như ta cúng Đình Làng vậy, để cầu cho sang năm lại được trúng mùa. Vì thế mà có thổi tiêu đánh trống …

* 從 今 若 許 閑 乘 月 Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt: Từ nay về sau nếu như có rảnh rổi thì hay thừa lúc trăng sáng …

* 拄 杖 無 時 夜 叩 門 Trụ trượng vô thì dạ khấu môn: Hãy chống gậy mà đến gõ cửa nhà ta bất cứ lúc nào trong đêm (hai chữ VÔ THÌ: là Bất cứ lúc nào.)

Cảnh nhà  nông ăn Tết ở Tây Thôn (một làng miền núi) của một năm được mùa được Lục Du miêu tả rất chất phác chân thật mà nhiệt tình…Đây  là đời sống thôn dã sau một năm cày sâu cuốc bẫm. Tuy nhiên, đây cũng là một thế giới thuần hậu, nguyên sơ mà nhà thơ mong ước được trở lại để sống hồn nhiên chân thực, sống với tự nhiên, tùy kỳ tự nhiên; tách biệt với nơi phồn hoa ồn ào nhiều giả tướng. Người ta dùng rất nhiều từ kết hợp với Niên để biểu đạt nhiều khía cạnh của cuộc sống. Chẳng hạn:

* quá niên 過年 ăn tết,

* nghênh niên 迎年 đón tết.

* phong niên 豐年 thu hoạch trong năm tốt (năm được mùa)

* niên cảnh 年景 tình trạng mùa màng.

* niên giám 年鑑 sách ghi chép việc trong năm, thống kê hằng năm,

* niên biểu 年表 theo thứ tự thời gian, niên sản lượng 年產量 sản lượng hằng năm.

Đón Tết, ta hay nói đón TẤT NIÊN畢年 . Chữ TẤT ở đây là “Làm xong, hoàn thành” là “Đủ cả, hoàn toàn, toàn bộ”.

Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy có chữ ĐIỀN ở trên .Trong xã hội trọng nông ngày xưa, “Tất” rất có thể bắt đầu từ cái nghĩa: Hoàn tất một vụ mùa bội thu để bước vào những ngày tháng xả hơi vui với hội hè, quan tâm tới các Đấng Thiêng liêng.

Tuy nhiên, theo truyền thuyết, thì NIÊN ở đây là một con vật. Người xưa, cho ta gặp trong sách vở rất nhiều các giống vật, loài hoa cỏ mà khi có những biến đổi đặc biệt ở cõi người nó mới xuất hiện. Cứ đọc Tư Mã Thiên, Tam Quốc, Đông Chu ….thì thấy thời ấy, Thần linh dường như đồng hành với con người. Khi nào thì chim Phượng Hoàng về đậu đầy các cây ngô đồng nhảy múa và hót; khi nào thì con Kỳ và con Lân xuất hiện; khi nào thì rồng uốn lượn trên bầu trời Thăng Long; khi nào thì con Giải Trãi vào trong triều húc vào những tên hôn quân, bạo chúa… Tất cả đều báo hiệu những sự kiện lớn có ảnh hưởng tới cuộc sống con người.

Cũng vậy, người xưa cho rằng, vào dịp sau mùa thu hoạch đã xuất hiện một loài quỷ tác oai tác quái đối với dân lành. Và cũng nhờ Thần Phật bảo hộ mà người ta tránh được tai họa.

Chữ TẤT (hình trái) NIÊN (hình giữa) NGƯU (hình phải).Ta thường nói đón Tất Niên, cũng là đón Tết, đón năm mới.

Chữ NIÊN như là biến thể của chữ NGƯU ( bò, trâu). Câu chuyện về con Niên chắc có liên quan tới chữ tượng hình này

Nhìn chữ NIÊN, quả thật ta thấy nó là biến thể của chữ NGƯU (bò, trâu). Trong chữ Hán bộ Ngưu này thường đứng bên cạnh những danh từ chỉ súc vật. Gõ vào Google ta có thể gặp rất nhiều biến thể dài ngắn về câu chuyện con NIÊN này. Có câu chuyện như thế này:

“Tết Âm lịch trong tiếng Hán là Guo Nian (tạm dịch “Quá niên”), trong đó Guo nghĩa là “đã qua” còn Nian ( NIÊN) hay “Năm” thực ra là tên một con quỷ mang đến vận xui trong quan niệm của người Trung Quốc.

Theo một truyền thuyết lâu đời của người Trung Hoa kể lại, Niên là một con quái vật có sừng quanh năm sống dưới đáy biển sâu và chỉ mò lên bờ đúng vào đêm giao thừa để ăn thịt gia súc, gia cầm và cả người dân trong làng Hoa Đào.

Niên là một con quái vật có sừng quanh năm sống dưới đáy biển sâu và chỉ mò lên bờ đúng vào đêm giao thừa để quấy phá dân lành.

Niên là một con quái vật có sừng quanh năm sống dưới đáy biển sâu và chỉ mò lên bờ đúng vào đêm giao thừa để quấy phá dân lành. Chính vì vậy, dân làng bảo nhau bỏ nhà chạy lên núi để tránh quái vật Nian quấy phá. Cứ đến đúng ngày đó là không ai dám ngủ, cả nhà phải quây quần lại với nhau đề phòng quái vật nên mới có tục thức đêm lúc giao thừa.

Thế nhưng, một đêm trừ tịch nọ khi dân làng chuẩn bị rủ nhau đi trốn thì một ông lão ăn xin râu tóc bạc phơ, tay bị tay gậy từ đâu xuất hiện. Ai cũng sợ sệt, vội vàng chạy trốn nên chẳng có ai để ý đến ông lão ăn xin trừ một người phụ nữ tốt bụng. Người phụ nữ này cho ông lão ăn rồi còn bảo ông cùng lên núi trốn quái vật Niên. Nghe vậy, ông lão ăn xin chỉ cười và nói: “Thưa bà, nếu bà để tôi ngủ lại nhà bà đêm nay, tôi hứa sẽ diệt trừ con quái vật Nian đó giúp bà”.

Bà này hết sức ngạc nhiên, nhìn ông lão từ đầu đến chân. “Rõ ràng, ông lão này cũng là người trần mắt thịt, lấy đâu ra cái nhuệ khí đó?”, bà thầm nghĩ và tiếp tục thuyết phục ông cụ đi theo nhưng ông chỉ cười mà không trả lời. Không còn cách nào khác, người phụ nữ đành chạy đi để ông lão ở lại một mình trong căn nhà.

Đêm đến, Niên hùng hổ chạy vào làng nhưng nó ngay lập tức nhận thấy có điều gì đó rất khác lạ. Con quái vật nhìn quanh và phát hiện ra tờ giấy đỏ dán trên cửa nhà người phụ nữ kia. Trong nhà thắp nến sáng bừng.Niên tru lên một tiếng rồi điên loạn lao về phía căn nhà. Vừa bước chân tới cửa, con quái vật bị giật mình bởi tiếng pháo nổ. Ngay lúc đó, cửa đột ngột mở ra, ông lão ăn xin bước ra trong bộ quần áo đỏ và bật ra một tràng cười. Quái vật Niên sợ quá, mặt cắt không còn giọt máu, vội vã ù té chạy.

Sáng hôm sau, dân làng trở về và vô cùng ngạc nhiên khi thấy mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn chứ không phải cảnh hoang tàn như những năm trước. Lúc này, người phụ nữ kia chợt nhớ lại chuyện ông lão ăn xin tối qua và liền kể lại với dân làng. Dân làng lập tức kéo nhau tới nhà người phụ nữ để xem chuyện gì đã xảy ra. Tại đó, họ thấy hai dải giấy đỏ dán trên cửa, xác pháo và nến vẫn còn đang cháy. Mọi sự đã được hóa giải. Thì ra con quái vật Niên sợ màu đỏ, tiếng pháo nổ và ánh sáng.

Vui sướng vì từ nay đã có cách đối phó với con quái vật gian ác, dân làng tổ chức tiệc tùng linh đình đón chào năm mới và mong chờ vận may sẽ tới. Tất cả đều diện quần áo mới và chúc nhau những câu tốt lành.

Cứ mỗi dịp tết đến, người dân Trung Quốc lại mua câu đối đỏ về dán trước cửa, thắp đèn lồng và đốt pháo

Từ đó, cứ tới đêm giao thừa, nhà nào cũng dán câu đối đỏ trước cửa, thắp đèn lồng, đốt pháo và thức để đón năm mới sang. Ngày đầu tiên của năm mới, anh em làng xóm sẽ sang nhà nhau chúc tết cùng với bao lì xì đỏ thắm.”

(Theo Thu Trang,Tri thức trẻ)

Nếu kết hợp câu chuyện kể và tục ăn Tết sau mùa thu hoạch thì ta thấy điều này rất rõ trong chuyện CÂY NÊU NGÀY TẾT của người Việt. Con quỷ gian xảo lừa mị người dân trồng hoa màu cho hắn được lợi. Hắn bóc lột tàn nhẫn công sức của những người đáng được hưởng thụ thành quả quả lao động của mình. Nhưng Bụt (Phật) đã dạy bảo con người, khiến cho quy luật BẤT THẤT BẤT ĐẮC được thực thi một cách công bằng.

Mặc dầu bị thua cuộc nhưng Quỷ ở biển cứ đến kỳ lại lên quấy rối. Ngoài những tràng pháo hân hoan đón chào Thần Phật, xua Quỷ; ngoài những câu đối đỏ ghi chữ Thánh Hiền với nội dung Đạo Đức gửi những thông điệp trừ yêu; người Việt mình còn dùng vôi bột, dùng cành dứa và đặc biệt là cây nêu bắt Ma Quỷ phải thực hiện điều ước.

Cuộc sống dưới trần thế này luôn là mâu thuẫn giữa  Ma Quỷ và Thần Phật trong Tâm của mọi người. “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với Ma mặc áo giấy” .Cha ông mình nói như thế. Và tự ngày xưa mọi người đặt hết tín tâm hướng về Thần Phật. Chỉ có hành Thiện và sống ngay thẳng, đường đường chính chính như những người dân ở Thiên Quốc Sơn Tây Thôn của Lục Du thì chúng ta mới có những cái Tết đích thực. Con Niên phải tránh xa và Thần Phật xích lại gần ta. Lúc ấy cho dù: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ”. Thì bạn hãy tin rằng: “LIỄU ÁM HOA MINH HỰU NHẤT THÔN.”

La Vinh

Xem thêm:

Exit mobile version