Người giỏi mưu tính hoạch định ắt có kế hoạch. Việc nên làm hay không nên làm, lợi hại chiếm bao phần, tất cả đều tính toán đâu vào đấy, không thể tùy tiện.
Cho dù là những chi tiết nhỏ vặt vãnh cũng không bỏ qua. Nếu không, mũi tên đã bắn ra thì không thu về được, sự việc đã triển khai rồi mà thu hồi lại thì đa phần là tổn thất.
Vì vậy, người trí tuệ đối diện với 4 sự tình sau thì họ chủ trương không mưu tính.
Không mưu tính việc không nắm chắc
Không đánh trận không có chuẩn bị, không làm việc không nắm chắc. Biết rõ khả năng thắng rất thấp, thế thì ẩn mình rèn giũa một thời gian, đợi đến khi thời cơ chín muồi rồi tính tiếp. Một khi đã bỏ thời gian và tinh lực thì phải dốc hết sức mình.
Còn biết rõ là không thể làm mà vẫn cứ cố làm, đại đa phần là không hiểu mưu tính hoạch định, lấy trứng chọi đá, đó là người hoang dại thô lỗ. Kết quả chỉ có thể là trứng vỡ nát mà đá chẳng mảy may hư tổn.
Hãy xem chơi cờ. Người trí tuệ biết tránh bại cục, tích trữ năng lượng, tích trữ nhiều tiêu hao ít. Đó mới là lý trí xử sự của người trí tuệ.
Không mưu tính việc hại người lợi mình
Mưu sự với người ta, bất kể đối phương đưa ra những điều kiện ưu đãi có lợi như thế nào, dù là cả ngàn lạng vàng nhưng tổn hại đến lợi ích của người khác thì việc này nhất định không được mưu tính hoạch định. Mưu tính hoạch định cần được dùng vào những sự việc đúng đắn thì mới có lợi cho mình và cho xã hội.
Nhạn bay qua để lại tiếng kêu, người đi qua để lại thanh danh. Người trí tuệ không mưu tính cái lợi nhất thời mà hủy hoại thanh danh của mình. Người trí tuệ đặc biệt chú ý bảo vệ thanh danh, giống loài chim yêu quý bộ lông của mình.
Những sự tình tự tư tự lợi, tổn hại lợi ích người khác, tổn hại lợi ích xã hội thì người trí tuệ nhất định sẽ từ chối tham gia. Đây chính là nguyên tắc làm người của người trí tuệ.
Không mưu tính sự việc không thực tế
Tất cả sự việc nếu muốn thành công thì ắt phải có nền tảng thực tế, không thể chỉ dựa vào tưởng tượng suông. Mọi việc đều cần từng bước, từng bước thực thi.
Trước khi mưu sự, phải xem xét xem nó có tính khả thi hay không. Nếu hoàn toàn là ảo tưởng không thực tế thì chỉ là việc lòe người, để mọi người ca tụng mà thôi, càng không cần phải mưu tính hoạch định, bởi vì đó chắc chắn là con đường cụt. Đây chính là năng lực phân biệt của người trí tuệ.
Không mưu tính việc đối thủ làm rồi
Những sự việc mà đối thủ chúng ta đã bắt tay làm rồi, cho dù có lợi ích lớn cũng không cần mưu tính hoạch định nữa. Làm người cần có phong thái khí tiết quân tử, việc gì phải khổ sở tranh giành bát canh trong tay người khác?
Khi đã thấy tính khả thi của việc đối thủ đang làm, vậy hãy khiêm tốn và vui vẻ chúc mừng họ.
Hãy nghiên cứu cách suy nghĩ của người khác, học tập tinh thần phát triển của người khác. Việc này chính là yêu cầu bản thân trở thành một cao thủ học tập, chứ không phải là kẻ đi sau copy bắt chước. Người giỏi học tập sẽ luôn đi đầu trong sáng nghiệp, còn người giỏi copy thì mãi mãi vẫn là bắt chước người khác, từ đó mất đi tinh thần sáng tạo của mình. Đây chính là chừng mực làm người của người trí tuệ.
***
Có một câu cổ ngữ rằng, trí tuệ có được từ kinh nghiệm thực tiễn. Chỉ cần chúng ta dụng tâm đối xử với cuộc sống thì chúng ta cũng sẽ trở nên càng ngày càng trí tuệ hơn, càng ngày càng có kiến giải độc đáo hơn.
Khi chúng ta có năng lực nhận thức và phân biệt chính xác thì chúng ta có thể mưu tính hoạch định kế hoạch, đánh giá được tính khả thi. Do đó, chúng ta sẽ không làm những việc lãng phí biết bao tinh lực và thời gian mà chẳng nên công cán gì.
Trong cuộc sống, chúng ta cần dũng cảm cự tuyệt những việc không thể mưu tính hoạch định, nhất định không thể biết rõ là không được mà cứ cố gắng gượng cầu may rủi, vì có thể sẽ tạo ra những tổn thất to lớn không gì bù đắp nổi.
Thanh Bình
Theo Apollo
Bạn đang đọc bài viết: “Người trí tuệ không mưu tính 4 việc này” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |