Đại Kỷ Nguyên

Người thông minh không nói lời thị phi sau lưng kẻ khác

Người thông minh không nói lời thị phi sau lưng kẻ khác

Ảnh: Shutterstock.

Người xưa nói: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, ý tứ vốn không phải khuyên người ta nói năng khéo léo, lấy lòng người khác. Nguyên do chủ yếu là lời nói quả thực có thể hại người khôn lường. Người thông minh thường tự biết tiết chế lời nói của mình. Về cơ bản, họ sẽ không bao giờ nói ra những điều dưới đây. 

1. Không nói lời thị phi, nói xấu sau lưng người khác 

Nói lời thị phi đã là không nên, nói lời thị phi sau lưng người khác lại càng là hành động khó chấp nhận hơn. Người xưa coi kẻ gièm pha, khích bác, “thọc gậy bánh xe” như vậy là hạng tiểu nhân nhỏ mọn. Thực ra hạng người này ở thời đại nào cũng có. Đó là những kẻ thích lấy chuyện không tốt của người khác ra để mua vui, hoặc thêm mắm, thêm muối, hoặc dựng chuyện, đơm đặt. Dù là cách thức nào cũng chính là dùng miệng lưỡi xảo quyệt, gian ngoa mà hại người, ngậm máu phun người.

Người thích nói xấu sau lưng chắc chắn sẽ không có nhiều bạn bè. Bởi vì họ luôn bán đứng bạn bè. Họ cũng đang không ngừng tạo ra “khẩu nghiệp”, ác nghiệp. Phật gia giảng những người mang nhiều khẩu nghiệp khi còn sống khi xuống địa ngục sẽ phải hoàn trả rất ghê gớm. Ngoài ra, ở kiếp sau, họ cũng phải gánh chịu tất cả nghiệp chướng mà bản thân mình đã gây ra.

Người xưa nói: “Thiện ý một câu ấm ba đông. Lời ác lạnh người sáu tháng ròng“. Lời nói xấu cũng mang theo năng lượng không tốt, có thể thực sự như là “giết người không dao”. Một lời vu khống có thể kết hàm oan cho kẻ khác, thậm chí lấy đi tính mạng của họ. Điều ấy là hoàn toàn có thực.

Mỗi người đều có một con đường để đi, một cuộc đời để sống, là tốt hay xấu, phúc hay hoạ cũng đều là tự mình đối diện, tự mình gánh chịu. Cớ chi phải bàn tán, lời ra tiếng vào khi ai đó phạm sai lầm, hoặc giả gặp chuyện phiền phức? Cứ mải săm soi kẻ khác, rồi có khi người kia lãng quên, bỏ bê ngay chính cuộc đời mình. Như vậy liệu có phải là cách sống của kẻ thông minh được chăng?

Đã là người thông minh, hiểu đời thì hầu như đều rất minh bạch được việc nào nên làm, lời nào nên nói, có thể điều chỉnh, dàn xếp tốt các mối quan hệ, chuyển thù thành bạn, kết giao rộng rãi, bao dung, độ lượng. Có như thế mới gặp dữ hoá lành, biến hoạ thành phúc mà cũng tích được phúc báo cho con cháu đời đời về sau.

2. Không nói lộng ngôn ngông cuồng

Lộng ngôn là những lời nói trong lúc cao hứng mà sinh ra. Người nói lời lộng ngôn ngông cuồng thường là kẻ tự phụ, ỷ vào cái gọi là sở trường, tài năng của mình, vốn đã coi người khác bằng nửa con mắt từ lâu. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng những kẻ tự phụ thường chịu nhận kết cục đau thương nhất.

Cổ nhân giảng, kẻ khôn thực sự lại thường giả ngu ngơ. Và chuyện “Thùng rỗng kêu to” là rất phổ biến. Kẻ không có thực tài thường chỉ mạnh miệng bề ngoài, chỉ là lấy khẩu khí để lấp đầy sự thiếu hụt của trí tuệ và tài năng.

Nói lời ngông cuồng cũng thường là bước đầu tiên dẫn người ta đến việc làm điều ngông cuồng. Họ có thể nói ra được lời lẽ lộng ngôn thì cũng hoàn toàn đủ gan làm những chuyện tày trời, bất chấp. Như thế không thể gọi là người thông minh được.

Bởi người thông minh luôn biết giấu cái tài năng của mình bên trong, thường không thể hiện ra ngoài, đặc biệt là qua lời nói. Người thông minh hiểu rằng hiển thị tài năng chỉ là chuốc thêm rất nhiều sự đố kỵ, ghen ghét của người đời. Ở một phương diện khác, bậc quân tử thường giữ được phong thái trầm tĩnh, vui buồn không để lộ ra ngoài và có thể nhún mình, nhường nhịn người khác mà thu phục nhân tâm.

Một người đã ở cảnh giới cao thường xét đoán sự việc khác hẳn. Kẻ tiểu nhân thường tranh hơn nhau khẩu khí, còn bậc quân tử chỉ cần dùng hành động để chứng minh trí tuệ của mình. Đó là hai việc hoàn toàn khác nhau vậy.

3. Không nói chuyện phiếm

Vì để mua vui, tạm quên sầu, nhiều người thường trong lúc nhàn nhã, “trà dư tửu hậu” mà mang chuyện phiếm ra trút bầu tâm sự. Ở một khía cạnh nào đó mà xét thì đó cũng là chuyện bình thường, không có gì quá nguy hại như nói xấu sau lưng hay nói lời ngông cuồng. Nhưng dù không nguy hại, nó cũng không có lợi ích gì.

Chuyện phiếm thường là khởi đầu của những lời nói thị phi. Cổ nhân dạy: “Nhàn cư vi bất thiện” (ý nói nhàn nhã quá thì thường làm chuyện xấu). Cũng như vậy, chủ đề của những câu chuyện phiếm chắc chắn là không đứng đắn, đôi khi là nhằm vào người khác mà đơm đặt, bàn tán. Như vậy, nó chính là nguyên nhân tạo ra những lời thị phi sau lưng người khác như đã nói ở trên.

Người thông minh luôn biết bố trí và sử dụng thời gian của mình hợp lý. Chuyện phiếm khẳng định là tiêu tốn thời gian, là một loại gặm nhấm tư duy người ta. Thay vì thiêu đốt thì giờ vào những chuyện phiếm không đầu, không cuối, người thông minh hoặc trầm tĩnh bên đèn sách, hoặc rèn giũa, tu luyện bản thân, hoặc du sơn ngoạn thuỷ, xem ngắm cảnh tượng, hoặc chăm sóc, phụng dưỡng thân nhân. Nói chung, người thông minh không có thời gian bàn chuyện phiếm.

4. Không nói lời ác nghiệt, oán hận

Khi gặp chuyện không vừa ý hoặc cảm thấy bị đối xử bất công, người ta thường có xu hướng thất vọng, phàn nàn, thậm chí buông lời oán hận. Một khi đã oán thì họ hận tất cả, kể cả là trời đất, Thần Phật. Thực tế, những gian nan, khổ ải mà một người thường mắc phải không có gì là bất công. Phật gia giảng về nghiệp lực luân báo rằng mọi khổ nạn mà con người phải gánh chịu đều là nghiệp báo cho những hành vi, ý nghĩ bất hảo của họ trong đời này hoặc từ kiếp trước. Đã nợ nghiệp mà không muốn trả nghiệp, lẽ nào lại có lý như vậy?

Lời oán hận thường mang theo những năng lượng rất xấu bởi nó xuất phát từ tâm oán trách, đố kỵ, lòng sân hận của người ta. Oán hận sẽ che mờ lý trí của họ, sẽ khiến họ không còn phân biệt được thật giả, đúng sai, phải trái. Như thế, hậu quả gây ra thậm chí còn tai hại hơn. Từ nói lời oán hận, người ta còn có thể gây ra việc ác nghiệp, hại người hại mệnh.

Người thông minh thường có cách ứng xử khác. Đứng trước khổ nạn, gian khó hay sự thua thiệt, mất mát về lợi ích cá nhân, họ đương nhiên không một lời oán trách. Họ biết học cách chấp nhận, học cách thích nghi. Đứng trước sóng gió, bão giông, người thông minh luôn giữ được tâm thái bình hoà, thanh thản. Cũng nhờ thế, họ không bị mê mờ trong oán hận, tầm nhìn lại có thể rộng mở hơn. Chỉ cần có được sự tỉnh táo, mọi khó nạn trong đời họ thảy đều bước qua, đúng hơn là vui vẻ bước qua. Như vậy gọi là:

Nhân sinh một kiếp mỏi mòn
Mê trong dục vọng mãi còn chưa buông
Nghìn năm chẳng thoát khổ buồn
Hỏi đâu là chốn linh hồn tựa nương? 

Exit mobile version