Đại Kỷ Nguyên

Người thanh niên và bà lão mù trên xe buýt chật cứng người

Vào một ngày mưa gió, một người thanh niên bước lên chiếc xe buýt chật cứng người. Vừa chen chúc được một chỗ đứng, bất giác anh ta thấy có một vật nhọn nhọn đâm vào mắt cá chân của mình. Anh ta nghĩ thứ đang đâm vào chân mình chắc chắn chính là chiếc ô của vị hành khách đứng bên cạnh.

Trong lúc không nhẫn nhịn được, anh ta vốn định cho hành khách này một bài học để răn dạy và chút bỏ nỗi bực tức trong lòng. Nhưng trong xe quả thực quá chật và anh ta không thể xoay người để thực hiện ý định mà anh ta đang nghĩ trong đầu.

Khi chiếc xe dao động, đầu chiếc ô kia đâm vào chân anh ta càng sâu hơn, đau hơn. Nỗi bực tức và giận giữ trong lòng anh ta cũng theo đó mà dâng lên cao hơn. Anh ta nghĩ thầm trong bụng: “Đợi lát nữa có cơ hội, mình phải dạy cho người này một trận mới được!”

Thật vất vả, nhưng cuối cùng chiếc xe buýt cũng đến một trạm dừng xe. Một số hành khách chen chúc nhau bước xuống khiến cho không gian trở nên rộng rãi hơn. Anh ta dự định sẽ dùng gót giày để giẫm lên chân vị hành khách kia, đồng thời sẽ dùng ánh nhìn tức giận để đối mặt với vị hành khách “không có mắt” này!

Nhưng kết quả, anh ta vừa xoay người nhìn thì phát hiện ra vị hành khách này đúng là một bà lão mù lòa. Vật nhọn đâm lên chân của anh ta cũng không phải là đầu chiếc ô giống như anh ta đã tưởng tượng mà chính là chiếc gậy mà bà lão dùng để dò đường. Một đống lửa giận căm tức trong lòng anh ta vốn không thể nén nổi đã trong nháy mắt mà biến mất không còn chút dấu vết nào. Hơn nữa, mắt cá chân của anh ta cũng không còn thấy đau như lúc trước nữa.

Vì cái gì mà tất cả cảm giác bực bội của anh ta đột nhiên biến mất? Đó chính là vì ý nghĩ, cách nghĩ của anh ta đã thay đổi. Từ bề ngoài mà xét, thì nguyên nhân gây ra sự tức giận, phẫn nộ của anh ta chính là người kia đã làm anh ta đau đớn. Nhưng kỳ thực, nó lại đến từ cách nghĩ “vô lễ và thô lỗ” của anh ta.

Cho nên, khi anh ta phát hiện ra vị khách kia là một bà lão mù thì lập tức “những suy nghĩ ấy” biến mất, thuận theo đó thì cảm giác của anh ta cũng biến mất. Nếu như ngay từ đầu, anh ta suy nghĩ khác đi một chút thì có thể anh ta đã không cảm thấy phẫn nộ đến như vậy.

Có một câu chuyện như thế này:

Trong một buổi sáng tràn ngập sương mù, có một người đang chèo thuyền ngược dòng đến một thôn trang nọ. Đột nhiên, người chèo thuyền thấy một chiếc thuyền nhỏ đang xuôi dòng đi thẳng về hướng của mình. Người chèo thuyền nghĩ rằng chiếc thuyền nhỏ này sắp đâm vào thuyền của mình liền gào lên: “Cẩn thận! Cẩn thận!”

Nhưng chiếc thuyền nhỏ kia vẫn thẳng hướng mà đi như không nghe thấy tiếng gì cả. Anh ta sợ rằng nếu đụng phải thì thuyền của mình sẽ bị chìm. Vì thế, anh ta “nổi trận lôi đình”, gào thét, chửi mắng người kia một cách vô cùng thậm tệ. Nhưng khi quan sát một cách cẩn thận hơn, thì anh ta mới biết đó là một chiếc thuyền trống bị trôi đi, vì vậy mà nỗi tức giận trong lòng anh ta cũng lập tức tiêu tan mất.

Nếu như, khi chúng ta đang đi đường mà bị một người nào đó ở trên tầng cao vẩy nước vào người, chúng ta rất có thể sẽ lớn tiếng quát to, mắng to phải không? Nhưng nếu như, bỗng nhiên trời mưa xối xả, làm chúng ta ướt hết thì cho dù là một người có tính tình không tốt, chúng ta cũng sẽ không có một chút giận giữ nào phải không?

Trong cuộc sống, có rất nhiều thời điểm, rất nhiều sự tình mà bản thân nó không làm tổn thương đến bạn, mà chính là cách nghĩ và cách nhìn nhận sự tình đó của bạn mới làm tổn thương đến bạn.

Khi xảy ra sự tình nào đó, hãy bình tĩnh mở rộng lòng mình, cho bản thân mình một khoảng hòa hoãn để nhìn nhận, bạn sẽ thấy rằng, cuộc đời này không có quá nhiều thứ làm mình phải bực tức, phẫn nộ đến như vậy đâu!

Theo Secretchina
Mai Trà biên dịch

Exit mobile version