Đại Kỷ Nguyên

Người sợ quỷ hay quỷ sợ người? Làm sao để khiến quỷ yêu không dám xâm phạm?

Dù người bạn khuyến giới thế nào, Tào quân vẫn nhất quyết ngủ trong gian thư phòng. Trong ảnh là "Sơn thủy sách - Tiểu linh tựu sơn quán đồ" của Cố Vân thời nhà Thanh (Phạm vi công cộng)

Người sợ quỷ? Hay quỷ sợ người? Có câu nói rằng “Quân tử hành chính khí, tiểu nhân hành tà khí”, nếu tinh thần chính trực khí khái, gặp chuyện không kinh không sợ, thì ngay cả ma quỷ cũng rất sợ hãi!

Tào Trúc Hư nạt ma

Một mùa hè nọ, Tào Trúc Hư, anh họ của thượng thư Bộ Hộ của nhà Thanh, còn gọi Tào quân, khởi hành từ huyện Thiệp đến Dương Châu, dọc đường đi ngang qua nhà một người bạn, thuận tiện ghé thăm.

Người bạn rất vui khi thấy Tào quân đến, nên đưa ông vào thư phòng để nghỉ ngơi. Hai người hội ngộ sau một thời gian dài vắng bóng, trò chuyện rất vui vẻ, hơn nữa thư phòng rất rộng rãi, mát mẻ, Tào quân chợt cảm thấy cái nóng đã hoàn toàn biến mất.

Đến tối, Tào quân định ở lại qua đêm, bèn nói với bạn mình rằng: “Xem ra, hôm nay tôi sẽ trú đêm tại thư phòng này!” Bạn của ông nghe vậy liền lắc đầu quầy quậy, rồi nói: “Không không, tuyệt đối không được!” Chuyện gì vậy? Tào quân cảm thấy có chút kỳ dị.

“Trong phòng này có quỷ! Ban đêm không ai có thể ngủ trong đó!” Người bạn nói.

“Hả?! Có quỷ ư!” Hóa ra là vậy! Không ngờ Tào quân lại mỉm cười đáp: “Không sao đâu.” Bạn ông nghe vậy rất lo lắng, vội vàng thuyết phục. Nhưng dù có cảnh báo thế nào, Tào quân vẫn kiên trì muốn ngủ trong thư phòng. Người bạn biết Tào quân là người lỗi lạc, luôn can đảm hơn người, không thể lay chuyển được, nên đành phải đồng ý.

Vào giữa đêm đó, quả nhiên xuất hiện dị sự.

Từ khe cửa của thư phòng có thứ gì đó từ từ lọt vào, thứ đó mỏng như một tờ giấy, sau khi tiến vào thư phòng dần dần triển hiện thành hình người, hóa ra là một người phụ nữ! Lúc này Tào quân nhìn mọi thứ trước mắt với vẻ mặt bình tĩnh, không chút sợ hãi. Tuy nhiên, điều này lại khiến thứ kia trở nên lo lắng.

Đột nhiên, thứ giống người phụ nữ biến thành một người đàn ông treo cổ với mái tóc rối bù, lưỡi thè ra ngoài. Tào quân lúc này không những không sợ hãi mà còn mỉm cười nói với nữ quỷ: “Tóc ngươi vẫn là tóc, chỉ là bù xù hơn một chút thôi, lưỡi ngươi vẫn là lưỡi, chỉ là dài thêm một chút thôi. Điều này có gì đáng sợ đây?”

Tiếp theo, nữ quỷ đột nhiên gỡ cái đầu của nó ra, đặt lên bàn.

Tào quân thấy vậy, lại cười nói: “Ngươi có đầu ta cũng không sợ, huống chi bây giờ không có đầu!”

Nữ quỷ nghe được lời này, sửng sốt một chút, sau đó biến mất trong nháy mắt.

Khi Tào quân trên đường trở về, ông lại ngủ ở nhà người bạn một đêm trong thư phòng.

Nửa đêm, nữ quỷ định lẻn vào thư phòng qua khe cửa, nhưng vừa ló đầu ra, Tào quân lập tức mắng lớn: “Sao lại là ngươi, cái thứ làm người ta mất hứng kia!” Nữ quỷ nghe thấy, lập tức rút lui, không dám vào thư phòng nữa.

Đây là những gì anh họ của Tào quân, thượng thư Bộ Hộ Tào Trúc Hư, đã nói với Kỉ Hiểu Lam, tác giả cuốn “Duyệt vi thảo đường bút ký”.

Kỉ Hiểu Lam tin rằng, nếu gặp chuyện không sợ, thì tâm thần sẽ an định; Tâm thần an định, thần chí sẽ kiện toàn, khi đó yêu ma quỷ quái sẽ không dám xâm phạm. Ông nói, điều này giống như tâm cảnh của Kê Khang gặp quỷ thời nhà Tấn.

Kê Khang gặp quỷ lưu lại giai thoại

Bức tranh thể hiện một phần bức tranh “Chân dung nhỏ của Dương Quý Tĩnh” do Văn Bá Nhân thời nhà Minh vẽ. (Phạm vi công cộng)

Kê Khang là một trong “Trúc lâm thất hiền” thời nhà Tấn. Ông không thích làm quan mưu cầu phú quý, mà lại yêu âm nhạc, đặc biệt là chơi đàn cổ cầm, nổi tiếng với bài “Quảng Lăng tản”.

Một đêm nọ, Kê Khang đang chơi đàn dưới ánh đèn thì đột nhiên có một hình người tí hon xuất hiện, một lúc sau, người tí hon này lớn lên thành một người đàn ông trưởng thành. Người đàn ông này có làn da ngăm đen, mặc quần áo đơn và đeo thắt lưng rơm, nhưng lại trông không giống con người chút nào.

Kê Khang chỉ nhìn chằm chằm vào nó, nhưng trong tâm không chút sợ hãi. Một lúc sau, Kê Khang thổi tắt ngọn nến rồi nói: Ta sẽ không tranh sáng với ma quỷ. Ý tứ ông là nói, ta không đứng dưới ánh nến với ma quỷ, ta là quân tử đường đường chính chính, đứng dưới ánh đèn cùng ma quỷ, ta cảm thấy sỉ nhục. Tất nhiên, hồn ma lập tức biến mất, không dám quấy rầy Kê Khang nữa.

Sau đó, Kê Khang lại lần nữa gặp quỷ, nhưng lần này ông đã lưu lại giai thoại.

Chuyện kể: Một lần, Kê Khang ra ngoài, tá túc ở một nơi tên là “Nguyệt Hoa đình”, tuy nhiên, tương truyền nơi này bị ma ám, không có du khách nào dám tá túc tại đây. Tuy nhiên, Kê Khang vốn là người tính tình khoát đạt, tự do tự tại, không hề để tâm.

Vào canh đầu tiên của đêm, Kê Khang đang chơi cổ cầm, đột nhiên nghe thấy tiếng ai đó hét lên trong không trung, Kê Khang ngừng chơi và hỏi: “Ngươi là ai?”

“Ta là một người xưa đã chết, vốn là chết ở chỗ này, bởi vì ta cả đời yêu thích âm nhạc, lại nghe ngươi đánh đàn cầm, cho nên mới tới nghe đàn.” Quỷ hồn lại nói tiếp: “Ta chết yểu, thân thể tan nát, do đó không muốn lộ diện dọa ngươi, xin ngươi hãy đàn thêm mấy bài nữa đi!”

Khi Kê Khang nghe thấy điều này, ông tiếp tục chơi đàn. Âm thanh của đàn cầm du dương, thực sự vui tai, quỷ hồn không khỏi đánh nhịp theo tiếng đàn.

Chơi một hồi lâu, Kê Khang buông đàn cầm xuống, nói: “Đêm đã khuya, sao ngươi không ra mặt với ta? Dù bộ dáng của ngươi có đáng sợ đến đâu, ta cũng không ngại.”

Nghe điều này, quỷ hồn liền hiện hình. Có lẽ e bản thân quá đáng sợ, nó đã dùng tay che đầu lại. Kê Khang nhìn nó, quả nhiên không hề sợ hãi trước sự xuất hiện của con ma.

Quỷ hồn nói: “Nghe ngươi đánh đàn, ta cảm thấy tâm tình thư giãn, như được sống lại vậy.”

Sau đó Kê Khang và con quỷ bắt đầu nói chuyện về âm nhạc. Khi hứng chí, quỷ hồn mượn đàn cầm của Kê Khang, gảy ca khúc nổi danh “Quảng Lăng tản”. Khi Kê Khang nghe thấy, ông rất ấn tượng, yêu cầu đối phương dạy cho mình ca khúc này.

Hai kẻ yêu âm nhạc âm dương cách trở này thập phần chí đồng ý hòa, họ đàm đạo với nhau đến khi trời sáng. Cuối cùng, quỷ hồn miễn cưỡng nói với Kê Khang: “Mặc dù chúng ta chỉ chuyện trò có một đêm, nhưng tình bạn này thì siêu việt ngàn năm! Giờ đây chúng ta vĩnh viễn xa cách.”

Trong lịch sử có ghi, Kê Khang vốn thực sự nổi danh với ca khúc cổ cầm “Quảng Lăng Tản”.

Nguồn: “Duyệt vi thảo đường bút ký”, “Thái Bình quảng ký”.

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version