Ngay khi còn nhỏ, Carlos Madrid luôn thể hiện sự tò mò và ham hiểu biết của mình với cuộc sống xung quanh, đối với thiên nhiên vĩ đại và mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Chính điều ấy đã giúp ông khám phá ra vẻ đẹp mỹ lệ cũng như những bí ẩn của thiên nhiên và cuộc sống, và ông đem tất cả những vẻ đẹp bí ẩn đó thể hiện lên từng trang giấy. Những bức tranh của ông luôn mang đến cho người xem một cảm giác hài hòa và ấm áp.
“Tôi luôn cảm thấy hiếu kỳ về vũ trụ này, nó quá to lớn và tràn đầy bí ẩn. Rất nhiều câu hỏi luôn hiện lên trong đầu tôi: Con người chúng ta là ai; Chúng ta đến đây làm gì: Sau này chúng ta sẽ rời đi đâu; Ý nghĩa chân chính của cuộc sống là gì v.v. Tôi luôn cố gắng tìm ra những mảnh ghép cho câu hỏi ấy.” Carlos chia sẻ câu chuyện của mình.
Là một người nghệ sĩ, Carlos luôn tự xây dựng những hình ảnh biểu tượng cho riêng mình, ví dụ như nước đóng vai trò trọng yếu trong cuộc sống con người, vì vậy, ông liên tưởng hình ảnh “Ngọc trai” đại biểu cho đại dương và cuộc sống. Ngọc rubi là hình ảnh đại biểu cho những thứ đẹp đẽ như cây, hoa, chim, hình ảnh hoàng hôn. Cánh hoa hồng mong manh, đại biểu sự tinh tế như tình yêu, sự nhã ý. Quả trứng đại diện cho sự ra đời hoặc sự khởi đầu.
Carlos rất thích đem vẻ đẹp của những vật vô tri vốn vô cùng mộc mạc và bình thường như những viên đá đến cho nhiều người cảm nhận hơn nữa. Trong những bức tranh tĩnh vật của mình, ông coi chúng là hình ảnh của sự “cân đối hài hòa”.
Carlos thích ngắm nhìn hình ảnh con người đang đứng trong thiên nhiên, theo ông, có một sợi dây liên kết giữa con người yếu ớt và sự tráng lệ của thiên nhiên. Một bức hình khá nổi tiếng, mang tên “Falling Star”, là hình ảnh về một cô gái đang đứng trong một cái kén, ngước mặt nhìn lên những ánh sao lấp lánh, ngôi sao băng đang vút qua và bầu trời đêm lộng lẫy. Ông lấy hình ảnh là người vợ quá cố của mình, sáng tác trong quãng thời gian ông còn đang sống ở Na-uy.
Ông không vẽ tranh phong cảnh nhưng thiên nhiên luôn là phông cảnh nền trong các bức tranh của ông. Vì vậy Carlos mỗi ngày đều dành thời gian đi dạo hoặc chạy bộ trong công viên hoặc ngoài bờ sông Hudson, ông muốn hòa mình với thiên nhiên, để có thể cảm nhận được mùi hương dịu nhẹ, một vẻ đẹp chỉ có trong thiên nhiên.
Carlos chưa bao giờ cố gắng tìm ra một đối tượng đặc biệt để ông vẽ, ông thích sự “thuận theo tự nhiên”, cái ông tìm kiếm là ý nghĩa của cuộc sống. “Khi có hình ảnh gì đó lóe lên, tôi sẽ dùng giấy phác họa hình ảnh đại khái của nó. Đôi khi, chính bản thân tôi cũng hiểu không rõ lắm ý nghĩa của những hình ảnh ấy, nhưng cảm giác nó đem đến cho tôi luôn luôn là sự tĩnh lặng, hài hòa và giản đơn, mộc mạc”, Carlos kể lại.
Một bức vẽ khác Carlos rất ấn tượng, đó là bức “Cyclum Vitae”, tạm dịch là “Vòng đời”. Trong bức vẽ, nhân vật chính là một thai phụ đang nằm, bên cạnh có hình ảnh một thai nhi và một cái đầu lâu. Ông muốn tái hiện hình ảnh trọn vẹn cuộc đời một con người, “Đó là quá trình sinh sống của con người ta trong một đời, chúng ta được sinh ra, lớn lên rồi chúng ta biến mất”.
Ông chia sẻ: “Trong bức tranh, tôi rất thích hình ảnh thai nhi nằm bên cạnh người mẹ. Vì nó vẫn đang một thế giới khác với chúng ta, vẫn đang trong bụng người mẹ nên tôi để hình ảnh mờ một chút chứ không sắc nét như hình ảnh người mẹ”.
Bức tranh này ông bắt đầu vẽ từ một năm trước, nhưng nếu tính số giờ vẽ, thì có thể rút xuống làm hai tháng. Nhưng Carlos vẽ tranh cũng như khi ông tìm ý tưởng, ông không cố gắng thúc ép bản thân phải hoàn thành thật nhanh. Mỗi khi nghĩ ra một ý tưởng gì đó mới mẻ, ông sẽ lại vẽ thêm vào bức tranh, vì thế, có những khi ông chỉ thêm được một 1,2 nét vẽ.
Ngay từ khi còn nhỏ, Carlos luôn biết bản thân mình có năng khiếu nghệ thuật, cũng muốn sau này sẽ trở thành một nghệ sĩ tốt. Nhưng áp lực từ cuộc sống dần dần khiến ông quan tâm đến vấn đề kiếm sống hơn là ước mơ của bản thân.
Ở Israel, Carlos học chuyên sâu về thiết kế công trình và sau này đi làm, ông thiết kế xây dựng sân vui chơi. Ở New York, sau khi hoàn thành việc học ở trường thiết kế Parsons, ông trở thành nhà thiết kế đồ họa tự do, làm việc với các tạp chí lớn như Vogue, People và Time trong ba năm.
Carlos chia sẻ: “Tôi luôn dành sự tôn trọng cho những ai yêu mến các sản phẩm do tôi làm ra, nhưng càng về sau, tôi càng ý thức được đây không phải là công việc dành cho tôi. Những dự án quảng cáo, những sản phẩm như thuốc lá, sản phẩm đóng gói, mà tôi biết rõ chúng có hại, tôi hoàn toàn không muốn quan tâm gì đến chúng cũng như việc phải đỏ sức sáng tạo cho những thứ hại người như thế. Vì thế, tôi đã quyết định sẽ nghe theo sự mách bảo của con tim, trở thành một người người nghệ sĩ với một tinh thần hoàn toàn tự do”.
Một ngày nọ, Carlos vô tình nhìn thấy một tấm áp-phích tại một cửa hàng “Kỹ thuật vẽ trên vải bằng màu keo của một họa sĩ người Áo” (màu keo: sơn làm bằng một chất màu trộn với lòng đỏ hoặc lòng trắng trứng và nước). Năm 1977, lần đầu tiên nhìn thấy những bức tranh mang tính ẩn dụ của vị họa sĩ người Áo Ernst Fuchs này, ông bị các tác phẩm nghệ thuật làm say đắm, lần đầu tiên, Carlos nảy ra suy nghĩ: “Mình muốn vẽ”.
Ngay sau đó, Carlos đã viết một bức thư với mong muốn được trở thành học việc của Fuchs. Lá thư xin học này sau đó đã được Fuchs chấp nhận và Carlos đã nhanh chóng đóng gói đồ đạc di chuyển lên Vienna, Áo.
Tuy nhiên, do vấn đề sức khỏe suy yếu, Carlos chỉ ở lại Vienna 9 tháng. Trong một kỳ nghỉ trước đó ở Peru, Carlos đã được một người quen rủ cùng nhau sử dụng cocain, chỉ trong vòng 4 tháng ngắn ngủi, nó đã hủy hoại hoàn toàn sức khỏe của Carlos.
Đó là một ác mộng và là một bài học quan trọng của Carlos, ông nhận ra cuộc sống của ông đã có thể bị loại chất trắng này hủy diệt.
Để trị bệnh, Carlos đã phải trở về Peru, sống ở nhà người chị gái. Sau đó, ông chuyển về Munich, Đức sinh sống rồi chuyển đến New York, chính là nơi ông trở thành nhà thiết kế đồ họa tự do. Tại đây, Carlos bắt đầu thích những môn như yoga và thiền định, ông dành nhiều thời gian hơn để ngẫm nghĩ về bản thân, về cuộc sống.
Điều may mắn nhất trong cuộc đời, với Carlos, chính là người vợ đã mất của ông, bà Elizabeth Roberts. Chính bà là người đã giúp ông có thêm niềm tin với nghề họa sĩ, bà đã giúp ông đứng dậy đi tiếp với ước mơ, mà Carlos tưởng chừng như cả đời này, ông đành phải “vô duyên” với nó.
Năm 2008, Carlos ngày càng thành công trên con đường sự nghiệp nghệ sĩ của mình, các tác phẩm của ông được trưng bày ở ba buổi trưng bày cá nhân và ở hơn 40 buổi trưng bày khác.
Carlos chia sẻ: “Tôi sinh ra ở dãy núi Andes, Peru. Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày vui chơi bên những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với cánh đồng cỏ xanh ngát, những ngọn núi cao nhấp nhô, vớ nhịp sống chậm rãi của những con người vùng núi cao. Sau đó, tôi được cha mẹ cho đi học ở một ngôi trường Công giáo. Thời gian học tập ở đó, tôi đã được tham gia vào rất nhiều các chương trình nghệ thuật tôn giáo do nhà trường tổ chức. Các giáo lý, các loại hình nghệ thuật tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến trí tưởng tượng ngay từ khi còn rất bé của tôi”.
Theo Carlos, ý nghĩa của nghệ thuật là sự giao tiếp, thể hiện mong muốn được chia sẻ với mọi người về thế giới nội tâm người nghệ sĩ, “Tôi tìm kiếm sự hài hòa trong các tác phẩm của mình, bởi chính bản thân tôi cũng đang đi tìm sự cân bằng, bình yên trong cuộc sống ”.
Theo epochtimes.com
Bạn đang đọc bài viết: “Họa sĩ Carlos Madrid, người luôn tìm kiếm sự hài hòa trong nghệ thuật” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.nghethuat@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |
Clip hay: