Đại Kỷ Nguyên

Mùng 8/3 của nội: Về già mới thấy cô đơn, chẳng mong gì bằng được quây quần bên con cháu

Mùng 8/3 giản dị và ấm áp của nội…

“Con về khi nào vậy?”. Nội cười móm mém, ánh mắt nheo nheo lấp lánh nhìn Hằng cười hạnh phúc. “Dạ, con mới về tối qua. Con có cái này biếu nội, nội xem này!” – Hằng ra vẻ bí mật, hồ hởi đưa hộp quà lại cho nội. Đó là một chiếc hộp xinh xắn được bọc bằng giấy màu thiên thanh và chiếc nơ xanh dìu dịu.

“Cha bố cô, lại bày vẽ gì thế? Con về là nội vui rồi”. “Thì nội cứ mở ra xem đi ạ!”. Đôi tay nội sần sùi, đầy những nốt chai sạn và làn da đồi mồi nâu nâu lóng ngóng mở hộp quà. Nội nhìn chiếc áo bà ba bằng lụa màu vàng sậm hồi lâu. Tay nội mân mê tà áo, nụ cười vừa nở trên khóe môi móm mém, nội lại chợt nhíu mày: “Cái áo này đắt không con? Nội nhiều áo lắm rồi. Đồng tiền khó kiếm, phải biết dành dụm con ạ”.

“Con biết rồi ạ, nội đừng lo, con có tiền mà! Để con sang bên kia mua bịch sữa chua về con với nội cùng ăn nhé!”, Hằng đã quá quen thuộc với câu nói này của nội, chỉ mỉm cười đáp lại. Nội cười hiền từ: “Ừ, con đi nhanh rồi về!”. Cô bé nhảy lò cò chạy sang quán tạp hóa đối diện ngay bên kia đường.

Hằng cẩn thận bóc nhẹ lớp vỏ trên mặt hộp sữa chua nha đam mà nội thích và cầm chiếc thìa bé nhỏ đưa lại cho nội. Nội vừa ăn vừa tíu tít kể với Hằng chuyện làng trên xóm dưới, cứ như “đi guốc trong bụng” người ta vậy. Hằng lắng nghe thi thoảng phụ họa đôi câu: “Thế à nội?”, “Nội là trung tâm thu thập tin tức ở cái làng này ý nhỉ?”. Nội cười nheo nheo con mắt và càng thêm cao hứng. Ánh nắng vàng nhẹ buông xuống gian hàng nhỏ bé đơn sơ của nội.

Nhiều người trong thôn không khỏi thắc mắc nội đã tuổi cao sức yếu sao không về ở cùng con cháu mà cứ cố bám trụ ở gian hàng bé nhỏ, ồn ã bên đường này? Cha mẹ và các bác cũng sốt ruột muốn đón nội về nhà cho tiện chăm lo, phụng dưỡng nhưng nội không đồng ý.

Nội bảo: “Tao ở đây vừa bán hàng vừa chơi. Thi thoảng mới có khách, đứng lên ngồi xuống cho nó trơn khớp. Ở đây còn có người ra người vào, nói dăm ba câu chuyện cho đỡ buồn. Về nhà con cháu đi làm cả ngày, có mình tao thui thủi, buồn lắm!”. Nhiều lần thuyết phục không thành, nên mọi người cũng đành chiều theo ý nội. Tối tối con cháu lại đến gõ cửa hàng nội xin ngủ cùng cho yên lòng.

Mẹ kể rằng hồi trẻ nội ít nói lắm, có khi cả ngày chẳng nói câu nào. Nhưng phải chăng càng già người ta lại càng thấy cô đơn, lại càng thích nói chuyện hơn? Hằng đi làm xa nên cuối tuần mới có thể về thăm nội. Mỗi lần về đến nhà, Hằng chân trước chân sau lại ra ngồi nghe nội kể chuyện ngày xửa ngày xưa cả tiếng đồng hồ. Dẫu rằng những câu chuyện ấy không biết nội đã kể đi kể lại biết bao nhiêu lần, đến mức Hằng đã thuộc nằm lòng câu chuyện.

Nhưng phải chăng càng già người ta lại càng thấy cô đơn, lại càng thích nói chuyện hơn. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Thi thoảng Hằng muốn nằm dài trong nhà trọ một ngày, nhưng nhớ tới ánh mắt trông ngóng của nội, Hằng lại nổ máy, cưỡi “con vịt lạch bạch” đi hơn 50 cây số về nhà với nội. Suốt 7 năm Hằng đi làm xa, lần nào về nội cũng hồ hởi cho Hằng gói bánh, gói kẹo. Nếu đúng vào ngày rằm, ngày tết, nội lại cất cất giấu giấu mấy trái thanh long, quả cam, quả bưởi để dành cho Hằng.

Tuổi thơ ngọt ngào, ấm áp của Hằng gắn liền với bóng dáng tần tảo của nội

Hằng vẫn còn nhớ những buổi trưa hè nhổ tóc bạc cho nội, chỉ loáng một cái Hằng nhổ được cả một nắm, chẳng phân tóc sâu với tóc không sâu, vì tóc nội đã bạc gần nửa đầu.

Mỗi dịp vào phiên chợ quê, nội lại mua đủ thứ bánh kẹo, hoa quả đội trên đầu, đi bộ cả 5 cây số mới về đến nhà. Cả một bầy cháu nội, cháu ngoại ở gần đó lại thi nhau chụm đầu lại xem nội lấy ra những món đồ ngon lành từ trong cái thúng nhỏ. Nội không “nhất bên trọng nhất bên khinh” với đám cháu nhỏ, đứa nào nội cũng cưng như nhau, có gì ngon là nội đều chia phần.

Quán nhỏ của nội ở ngay đầu ngõ, nên cứ bước chân ra khỏi cửa nhà, tụi cháu nhỏ lại tạt ngang tạt ngửa qua hàng nội. Mỗi ngày chị em Hằng không biết có mặt ở quán của nội biết bao nhiêu lần. Bất kể sáng, trưa, chiều, tối, hễ rảnh là hai chị em Hằng lại ngồi chễm trệ trên cái ghế dài. Khi thì nắm bỏng ngô, khi thì túi bánh đa quế, lúc lại nhóp nhép cái kẹo dồi, kẹo lạc hay thổi kẹo cao su phập phồng, rồi thổi kêu tanh tách.

Biết mấy đứa cháu thích ăn chân giò hầm, nội ninh cả nồi to đùng để “ăn dần”. Nội móm mém không ăn được cá mực nướng, nhưng vẫn hăm hở nướng lấy nướng để, rồi cuộn vào trong một tờ báo và dùng cái chày đập ra cho thật mềm. Nhìn mấy đứa cháu nhỏ ríu rít bên cạnh, háo hức chờ đợi, nội vui lắm. Nội ngồi tước nhỏ con cá mực vào chiếc đĩa và nhìn đám cháu nhỏ vừa nhai ngồm ngoàm vừa tấm tắc khen ngon.

Mỗi lần chợ phiên, nội cũng không quên mua bánh đa vừng về quạt cho tụi trẻ con. Dẫu mồ hôi lấm tấm trên trán, nhưng nghe tiếng cười giòn tan của đám nhóc là nội vô cùng mãn nguyện. Nội thường bóc những quả chuối chín trứng quốc ra cho vào một cái đĩa, đậy mảnh vải xô và phơi dưới trời nắng to, cho đến khi quả chuối quắt lại. Hằng vẫn nhớ món mứt chuối thiên nhiên của nội, dẻo dẻo, dai dai, ngon đáo để. Hôm nào không thấy bóng dáng các cháu, nét mặt nội lại rầu rầu và nhắc tên.

Hôm nào không thấy bóng dáng các cháu, nét mặt nội lại rầu rầu và nhắc tên. (Ảnh minh họa: soha.vn)

Hàng năm mùa Đông chớm về trên đất Bắc là nội lại đi tàu vào Nam tránh rét. Nội sinh được hơn chục người con thì một nửa trong Nam, một nửa ngoài Bắc. Nội ra Bắc thì đám cháu nhỏ trong Nam gọi điện ra nhắn nhủ: “Nội ơi, bao giờ nội về lại vậy nội?”. Nội vào trong Nam thì tụi nhỏ ngoài Bắc lại bịn rịn, níu áo nội thì thào: “Nội ơi, nội sớm về nhé!”. Hằng còn nhớ một lần được theo chân bác gái ra ga Hà Nội tiễn nội vào Nam. Đoàn tàu nổ máy, những toa tàu khẽ chuyển mình và xình xịch dần trôi xa khỏi bến. Nội ngồi trên tàu xua tay chào mấy bác cháu. Bác gái lặng lẽ quay mặt đi giấu những giọt nước mắt chia ly.

Mãi đến sau này khi chân nội yếu đi, đôi mắt mờ hơn thì nội không còn đi lại hai miền Nam Bắc nữa. Nội chọn ở lại miền Bắc cho vui cửa vui nhà vì đa phần con trai, con gái đều dựng vợ gả chồng quanh quẩn nơi đây, không phân tán như trong Nam. Mùa Đông Hằng lại vạch tà áo đếm xem nội mặc bao nhiêu cái, hay ngồi xoa tay cạnh chiếc lò sưởi của nội. Nội thường bị đau đầu, đến mức Hằng ngửi mùi dầu gió của nội cũng thấy thơm thơm.

Đến khi về già, mới thấy cô đơn, chẳng mong gì bằng được quây quần bên con cháu

Hằng lớn lên mỗi ngày và nội cũng già đi dần theo năm tháng, nếp nhăn ngang dọc khiến da nội nhăn nheo hơn. Cả cuộc đời của nội chẳng có gì, đến khi về già nội cũng chẳng có mấy đồng dắt lưng. Bởi lẽ có bao nhiêu tiền của nội lại cho con, cho cháu hết. Nội thương bác cả, cô út lấy chồng nghèo, thương đàn cháu nhỏ. Thi thoảng bác cả, cô út xuống chơi nội lại dúi cho túi bánh mỳ cũ, mấy gói bánh, gói kẹo cho bọn trẻ con và vài trăm nghìn về trang trải cuộc sống.

Đến khi Hằng lớn lên thì nội cũng già hẳn đi. Có lần Hằng phải đi công tác nước ngoài 1 tháng. Nội cứ đi ra đi vào, dặn Hằng: “Con gái đi xa phải biết tự chăm sóc mình, sang đến nơi thì gọi về cho nội yên tâm”. Sang xứ Mianma còn chưa phát triển, cước điện thoại đắt đỏ, mạng thì chập chờn như ma chơi, Hằng cũng quên cả gọi về nhà hỏi thăm nội. Đến khi trở về gặp nội, nội mừng mừng tủi tủi, nắm lấy tay Hằng bảo: “Con ơi, con đi một tháng thì nội mất ngủ một tháng. Nội lo lắng không ngủ được mà con không gọi về cho nội yên tâm!”. Nghe thấy những lời này, Hằng chợt cay cay nơi sống mũi, thầm trách mình thật vô tâm.

Một lần khác, Hằng đi công tác nước ngoài xa vài ngày giữa mùa Đông rét mướt, nội cũng thấp thỏm không ngủ được. 5 giờ sáng Hằng kéo vali ra đầu xóm đợi taxi thì ánh đèn trong quán của nội đã sáng tự bao giờ. Giữa bốn bề vẫn còn chìm trong đêm tối, nội vẫn để cửa không khóa vì trông ngóng bước chân của Hằng trước khi cô cháu gái đi xa.

Năm tháng thoi đưa, nội ngày càng già hơn. Mỗi khi về thăm nội, thi thoảng Hằng lại thấy nội buồn. Giọng ngậm ngùi, nội kể: “Ở xóm Bến có cụ Đào ốm liệt giường ba năm vừa mới mất, ở xóm Miễu ông Năm bị tai biến cũng qua đời rồi. Nội chỉ mong đến khi về với ông bà tổ tiên thì nhắm mắt một cái là xong. Ốm đau liệt giường, liệt chiếu để con cháu phải hầu hạ khổ lắm con ạ. Nội sợ lắm”.

Có những khi mẹ Hằng bắt gặp hai hàng nước mắt của nội. Nội mếu máo kể với mẹ Hằng: “Ngẫm lại như con cũng sướng. Cha mẹ, anh em, họ hàng đều ở đây, muốn gặp đi vài bước chân là đến. Như ta, anh chị em ở một nơi, con cái cũng nửa Nam nửa Bắc. Đến khi về già, mới thấy cô đơn, chẳng mong gì bằng được quây quần bên con cháu”. Rồi nội nhìn xa xăm, thương cho chị gái bị ốm mà chẳng thể ở bên, thương cho ông cậu bị đau cánh tay mà chẳng thể gặp mặt. Thi thoảng có bà con, cô bác trong Nam ra thăm nội vui lắm, cái miệng móm mém cứ cười bỏm bẻm mãi.

Niềm vui của nội khi được gặp người thân. (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn)

Chẳng bao lâu sau nội bị ốm nặng. Lúc này nội mới chịu dọn về ở nhà Hằng. Việc ăn uống, đi lại của nội đều cần có người đỡ đần. Phải một tháng sau nội mới tự mình đi lại được bình thường. Đôi chân đã yếu, nội chỉ dám quanh quẩn ở trong nhà và ngoài hiên. Mỗi lần muốn xuống sân phơi nắng nội lại lò dò từng bước một, vịn vào mấy bậc thang, bò lồm cồm. Hằng vẫn nhớ như in khung cảnh một buổi chiều nắng nhạt, nội ngồi một bên sưởi nắng, hai đứa cún và miu lim dim ngủ gật ở hai bên. Khung cảnh thật bình yên và ấm áp.

Khi trời còn tờ mờ sáng, đột nhiên Hằng nhận được cuộc điện thoại nhỡ của mẹ. Chợt thấy lo lo, Hằng chưa kịp quay số gọi lại thì chuông điện thoại lại reo. Ở đầu dây bên kia, mẹ Hằng nghẹn ngào: “Con ơi, về ngay đi, nội mất rồi!”. Hằng thảng thốt, không tin vào tai mình: “Mẹ bảo gì cơ ạ? Sao nội lại đi nhanh vậy?”. “Nội bị trúng gió, không biết đi lúc nào. Mẹ không thấy nội thở phì phò như thường ngày mới sờ vào người nội thì đã thấy lành lạnh. Chân chỉ còn chút âm ấm. Con thu xếp về sớm đi!”. Hằng nghẹn giọng không hỏi thêm được lời nào, nước mắt ngắn, nước mắt dài hối hả gọi taxi về nhà.

Về đến nơi trời mới tờ mờ sáng, Hằng đã thấy bóng người thân, họ hàng rảo bước lặng lẽ đi lại chuẩn bị lo tang sự cho nội. Hằng nhanh chân bước vào trong nhà thì thấy nội nằm yên như đang ngủ. Mong ước của nội đã thành sự thật: Nội ra đi thật thanh thản và không phải lo làm vướng bận gì đến con cháu. Hằng lặng lẽ ngồi bên cạnh nội cố ngăn không cho nước mắt trào ra. Khi lo xong hậu sự cho nội, mẹ mới thủ thỉ với Hằng: “Nội đi rồi, nội để lại cho hai chị em mỗi đứa một chỉ vàng làm của hồi môn đấy”. “Ôi, nội của tôi!”, Hằng chợt lặng người.

Mùng 8/3 năm nay Hằng không còn được tặng quà cho nội nữa. Cả cuộc đời nội đều dành trọn tình yêu cho con, cho cháu, mà chẳng giữ lại thứ gì cho riêng mình. Hằng vẫn mua một bịch sữa chua nha đam và ngồi lặng lẽ vừa nhấm nháp hương vị nha đam vừa nhớ lại chuỗi ngày hạnh phúc được sống bên nội.

Đào Viên 

Exit mobile version