Đại Kỷ Nguyên

Món quà cưới của mẹ kế

Dưỡng dục con cái trưởng thành là một quá trình vô cùng vất vả, đây chính là một nguyên nhân vì sao mà con cái phải tận hiếu đối với cha mẹ mình. Dưới đây là câu chuyện của một cô gái kể về người mẹ kế của cô.

Gia đình tôi có ba anh em, tôi là con gái út trong nhà, trên tôi là hai người anh trai. Mẹ tôi mất từ khi tôi mới được 5 tuổi. Vì để có người chăm sóc con cái và gia đình nên cha tôi đã chọn một người phụ nữ trong làng về làm mẹ kế của chúng tôi và nói chúng tôi gọi bằng dì Hai.

Dì Hai mặc dù không phải mẹ ruột của chúng tôi nhưng lại rất hiền hậu và tốt bụng. Bởi vì bà không còn khả năng sinh nở nên luôn yêu thương chăm sóc ba anh em tôi như con đẻ. Tôi ấn tượng nhất là, vào mỗi mùa đông giá rét dì Hai luôn dậy sớm và đem quần áo của chúng tôi sưởi ấm trên bếp lò để khi chúng tôi dậy sẽ có quần áo ấm mặc đi học. Tại vì được dì Hai chăm sóc yêu thương từ nhỏ nên trong lòng tôi đã xem dì Hai như mẹ ruột của mình. Dì Hai tôn trọng sự riêng tư trong lòng chúng tôi nên vẫn chỉ gọi chúng tôi bằng con và xưng dì.

Hai người anh trai của tôi vốn cũng rất tôn trọng dì, nhưng sau khi kết hôn đã nghe theo lời chị dâu mà đối xử lạnh nhạt với bà. Lâu dần, mối quan hệ giữa gia đình hai anh và dì Hai trở nên bất hòa.

Hai năm trước, dì Hai của tôi trong lúc trông con cho nhà anh Hai vì không cẩn thận nên dì đã bị ngã từ trên lầu xuống, bị thương thắt lưng và liệt người. Sau khi mẹ kế bị liệt, anh Hai tôi đã đưa bà về nhà và giao cho tôi chăm sóc.

Năm trước cha tôi vì tuổi cao đã qua đời, tôi cũng chuẩn bị kết hôn. Thế là, hoàn cảnh gia đình khiến tôi có chút phân vân, bởi vì khi tôi kết hôn rồi sẽ không có ai chăm sóc mẹ kế. Hai anh của tôi đưa đẩy nhau không ai muốn chăm sóc phụng dưỡng bà cả. Họ còn bắt ép dì Hai phải chuyển ra ngoài và đòi chia tài sản là ngôi nhà mà bà đang sinh sống cùng tôi.

Thời gian ấy, dì Hai thường hay ngồi lặng lẽ khóc  một mình. Ngày hôm đó tôi đi làm trở về, ngay từ bên ngoài tôi đã ngửi thấy nồng nặc mùi khí gas. Chạy vào trong nhà, tôi mới biết dì Hai không hiểu sao đã vào được phòng bếp và đang nằm bất tỉnh.

Tôi vội vã gọi điện cho xe cấp cứu và đưa dì đến bệnh viện. Thật may mắn là dì đã được cấp cứu kịp thời và qua khỏi. Nhưng điều khiến tôi đau lòng chính là câu nói đầu tiên ngay khi dì tỉnh dậy: “Tại sao con lại cứu dì? Dì không muốn liên lụy đến con đâu…” Tôi ôm chầm lấy dì, trong lòng cảm thấy vô cùng chua xót. Cả cuộc đời dì chịu thiệt thòi, khi còn trẻ thì chăm sóc cho gia đình không biết mệt mỏi, vậy mà khi về già thì ngay cả đi lại cũng không nổi…

Tôi trả lời: “Mẹ! Sao mẹ lại làm việc ngốc nghếch như vậy? Không phải mẹ còn có con sao? Cho dù con kết hôn con cũng chăm sóc mẹ. Nếu như anh Đại Quốc không đồng ý, con cũng sẽ không kết hôn nữa!”

Dì Hai nghe xong lời tôi nói, nở nụ cười trên gương mặt ướt nhòa. Hai mẹ con tôi ôm chầm lấy nhau cùng khóc.

Thật may mắn, chồng tôi là một người đàn ông phúc hậu và chất phác nên đã đồng ý với đề nghị của tôi. Ngày cưới của tôi cuối cùng cũng diễn ra, dì Hai ngồi trên xe lăn, mặc bộ quần áo mới. Nhìn gương mặt của dì hằn lên đầy những nếp nhăn cùng mái tóc bạc phơ và đôi chân như ngày một teo đi mà tôi chỉ chực khóc..

Trước khi đến hôn lễ, dì Hai gọi tôi vào và nói: “Con hãy cầm hộ dì chiếc hộp dì để dưới tấm hình cha con ở trên đầu giường. Dì nhất định phải mang theo chiếc hộp này!” Tôi làm theo lời dì nói, bà không cho tôi mở ra xem nên trong lòng tôi cũng có đôi chút tò mò.

Trước sự chứng kiến của họ hàng và bạn bè, ngay thời điểm vợ chồng tôi làm lễ bái lạy cha mẹ hai bên, dì Hai lại lấy chiếc hộp kia ra và nói: “Đây là lễ vật mà mẹ tặng cho con đi lấy chồng! Hãy cho mẹ được làm mẹ của con! Mẹ cảm ơn con!”. 

Dì Hai vừa nói vừa mở chiếc hộp ra, bên trong chiếc hộp là một chiếc nhẫn ngọc và hai tờ di chúc. Sau đó, dì hai đưa bản di chúc cho người dẫn chương trình đọc trước mặt mọi người. Một bản di chúc là của cha tôi. Trong đó viết rằng, tất cả tài sản của ông để lại đều dành cho mẹ kế thừa hưởng để an dưỡng tuổi già. Bản di chúc còn lại là của mẹ kế. Trong đó viết rằng, tất cả những tài sản mà cha tôi để lại cho mẹ kế, mẹ kế tặng lại hết cho tôi.

Trong lúc tôi còn chưa hết bàng hoàng thì dì Hai lại nói: “Chiếc nhẫn ngọc này là của tổ tiên mẹ để lại, mẹ tặng nó lại cho con, con xứng đáng nhận được nó!” Nói rồi mẹ đeo nó vào tay tôi.

Hai chị dâu và anh trai tôi ở dưới hội trường yên lặng đứng nhìn không nói lời nào, dường như đây là việc ngoài tưởng tượng của mọi người…

Cho dù ngay từ đầu cô gái ấy tận hiếu với mẹ kế của mình không vì  mong muốn được hưởng điều gì nhưng người mẹ kế đã cảm nhận được tấm chân tình của cô nên đã sẵn lòng giao lại hết những gì mình có cho cô. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, đã là con cái thì phải có bổn phận chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ dù cha mẹ có tài sản hay không, bạn có đồng ý không?

Theo Letu.life
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version