Đại Kỷ Nguyên

‘Mẹ ơi! Mẹ có lạnh như con bây giờ không mẹ?’

Kéo lại đường khóa của chiếc áo choàng đang ủ kín thân con, quờ đôi bàn tay cứng đờ và tím tái vuốt nhẹ đôi bờ má mịn màng của sinh linh bé bỏng. Hôn con lần sau cuối, chị từ từ khép mắt!…

Đêm mưa sùi sụt, gió đông thổi buốt lạnh tựa hồ từng nhát roi vi vút quất lên thân của kẻ bộ hành. Trời rét quá! Không phải cái rét ‘cắt da cắt thịt’ như dưới vùng đồng bằng mà là cái ‘rét ngọt rét lọt tới xương’ nơi đỉnh cao chon von cuối trời Tây Bắc: cái rét gần âm độ C có mang theo mưa rừng và gió núi…

22 tuổi, chị vượt biên trốn về quê nhà sau 16 năm bị lừa bán sang Trung Quốc. Bụng chửa vượt mặt, tứ cố vô thân. Gia đình, quê hương ư? Không nhớ. Tiếng mẹ đẻ cũng quên gần hết cả rồi. Chỉ loáng thoáng vài cái tên đất (hay tên người?) hiện lên mơ hồ trong tiềm thức: Ô Quý Hồ, San Sả Hồ, Phàn Si Phàn, Hầu Thào hay Sha Pả… cũng không nhớ nữa. Cứ đi về phía đỉnh Hoàng Liên ấy!

Đói, rét và mệt rã rời. Bụng đau nữa. Từng cơn đau thúc xuống, nhói buốt!… Dường như có thứ gì đó âm ấm đang chảy men theo phía trong đùi… Khổ quá con ơi, sao con lại sinh ra vào lúc này! Biết tính sao giờ?… Chị nhìn như cầu cứu về phía trước. Nơi đó có cây cầu… lê lết xuôi theo bờ đất trơn trượt, chị chui xuống dưới gầm của cây cầu ấy. Cũng tránh được mưa, nhưng buốt lạnh.

Nước ối ộc ra nhiều quá. Máu chảy cũng nhiều…

– Oa… ng.. a…! .. oa…

Tiếng khóc của hài nhi xé toang màn đêm, xé toang mưa rừng và gió núi.

– Oa… ng.. a…!

Con đã ra đời. Chị hôn con, cuốn vội chiếc quần len màu xám gio của mình quanh thân em bé, thay cho tã lót.

– Oa… ng.. a…! .. oa…

Con lạnh quá, cứ khóc hoài! Chị cởi chiếc áo phao đang mặc bên ngoài ủ ấm cho con. Còn độc manh áo phông mỏng trên người, chị cởi nốt cuốn quanh đầu thay mũ, che ấm cả tai và cổ cho bé.

– Máu vẫn tuôn nhiều quá. Không được nữa rồi con ơi, mẹ kiệt sức rồi! Chị gắng sức tàn ôm con, lết người dựa lưng vào mố cầu…

Kéo lại đường khóa của chiếc áo choàng đang ủ kín thân con, quờ đôi bàn tay cứng đờ và tím tái vuốt nhẹ đôi bờ má mịn màng của sinh linh bé bỏng. Hôn con lần sau cuối, chị từ từ khép mắt!…

Hôn con lần sau cuối, chị từ từ khép mắt!… (Ảnh minh họa: zing.vn)

***

Mẹ nuôi – một người phụ nữ quá lứa lỡ thì. Mẹ nuôi ở một mình, sống qua ngày bằng nghề tráng bánh.

Như thường lệ, cứ năm giờ sáng mẹ nuôi đã sửa soạn chở hàng lên phố núi. Từ nhà tới chợ thị trấn, đi xe máy cũng hết gần một giờ. Thúng bánh cuốn được chằng buộc cẩn thận phía sau xe vẫn còn tỏa ra hơi ấm nghi ngút.

Bữa đó vừa đi đến chân cầu Tả Phìn thì xe chết máy. Mẹ nuôi dừng xe, miệng lẩm bẩm:

– Chết chửa! Chắc lại hết xăng.

Mẹ nuôi táp xe vào lề đường, cẩn thận hạ chân chống. Chợt nghe rợn rợn người, dường như có tiếng trẻ khóc đâu đây?…

– Oa… ng.. a…! .. oa…

Đúng rồi, là tiếng trẻ con khóc! Tiếng khóc nghe yếu dần và khản đặc. Mẹ nuôi hớt hải lần theo phía âm thanh, chui xuống dưới chân cầu.

Trời mới tang tảng sáng. Mẹ nuôi giật thót mình, chân tay rụng rời sợ hãi và đau đớn:

Trước mắt mẹ nuôi là một hài nhi vừa rời vòng tay mẹ đang khóc ngằn ngặt vì đói, vì sợ, vì lạnh… ngay bên cạnh là mẹ của bé: một phụ nữ còn trẻ lắm, trên người không mảnh vải che thân. Chị đã chết vì lạnh. Vì mất máu. Vì kiệt sức.

Quên cả nỗi sợ hãi, mẹ nuôi ôm chặt đứa bé vào lòng, run rẩy thốt lên trong tiếng nấc:

– Tội nghiệp!… ‘con tôi!’…

Buổi sáng hôm đó, gian chợ tuềnh toàng nơi phố núi chênh vênh trống vắng một chỗ ngồi.

Quên cả nỗi sợ hãi, mẹ nuôi ôm chặt đứa bé vào lòng run rẩy thốt lên trong tiếng nấc: Tội nghiệp!… ‘con tôi!’… (Ảnh minh hoa từ youtube)

***

Mấy đông nữa lại trôi qua. Con lớn dần trong tình thương của mẹ nuôi và mùi hương bánh cuốn…

Mùa đông thứ sáu, vào một chiều mưa rất lạnh, gió bấc gầm gào. Bên bếp lò, mẹ nuôi ngồi tráng bánh. Con ngồi đong đưa đôi chân lọ lem nhỏ xíu và ngắn cũn cỡn trên băng ghế bằng gỗ pơ-mu đã ngả màu bạc thếch. Cặp má bầu bĩnh của con ửng hồng bên ánh lửa, gương mặt thơ ngây, tóc mây vờn trên trán, đôi mắt trong veo nhưng sao mà buồn thương đến lạ! Mẹ nuôi nghẹn ngào kể lại cho con nghe về câu chuyện năm nào…

Những tưởng con sẽ khóc sướt mướt, sẽ gào lên đòi đi tìm mẹ, sẽ bắt đền mẹ nuôi… nhưng không, con chỉ ngồi lặng im, đôi mắt thơ ngây dõi nhìn qua ô cửa như tạc nỗi buồn vào chân trời mùa đông màu xám nhạt.

Hồi lâu sau, con đòi mẹ nuôi dẫn con đi thăm mộ của người mẹ đã quá cố.

Mưa phùn xiên xiên như muốn ghim qua áo. Gió rét căm căm, gió lùa qua dải hồ lan vun vút, gió táp bờ lau xạc xào. Cả triền lau man mác một màu trắng bạc.

Gió rét căm căm, gió lùa qua dải hồ lan vun vút, gió táp bờ lau xạc xào. Cả triền lau man mác một màu trắng bạc. (Ảnh minh họa: twitter.com)

Đến nơi, con ngước mắt nhìn mẹ nuôi nói khẽ:

– Con muốn đứng bên mộ mẹ một mình…

Mẹ nuôi lùi xa xa một chút, đứng phía bên kia con đường mòn, mắt vẫn không quên trông chừng đứa trẻ.

Con lặng lẽ tiến đến bên mộ mẹ, đôi tay bé tý xíu chậm rãi và vụng về cởi bỏ lớp y phục đang mặc trên người…

Mẹ nuôi thầm nghĩ:

– Trời đang lạnh buốt thế này mà! Chắc con chỉ cởi áo khoác thôi…

Nhưng không, con đã tự cởi áo quần cho đến khi trên thân mình không còn mặc gì cả! Hai chân con từ từ ríu lại, con dang tay ôm choàng lấy tấm bia bằng bê-tông màu xám ngắt trên mộ mẹ mà gào khóc lên nức nở:

– Hu hu!…Mẹ ơi! lúc sinh con ra mẹ có lạnh như con bây giờ không mẹ?

Mẹ nuôi cởi vội tấm áo phao đang mặc, chạy nhào tới choàng lên thân nó. Mẹ ôm chặt nó vào lòng. Hai mẹ con cùng khóc!

Cả không gian hư vô như thoang thoảng khói trầm, mùi cỏ lau và mùi hương bánh cuốn. Bao xúc cảm, buồn thương, tủi hờn và hạnh phúc… chợt ùa về miên man trong âm hưởng của lời ru thao thiết, khắc khoải suốt sáu đông trường trên rẻo cao chon von cuối trời Tây Bắc:

“À ơi!… À ời!…
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay!”…

Đường Phong

Exit mobile version