Đại Kỷ Nguyên

Lý do người Nhật Bản luôn xin lỗi vì những điều dường như không phải do họ gây ra

Hình ảnh người Nhật gập mình cúi đầu xin lỗi luôn gây ấn tượng tốt đẹp đối với người dân các nước khác. Nhưng văn hóa xin lỗi của xứ hoa anh đào còn gây ngạc nhiên hơn nữa bởi đôi khi người Nhật xin lỗi vì những điều mà hầu hết phần còn lại của thế giới đều cho rằng đó không phải lỗi của họ.

Một năm trước, cả nước Nhật đã có một phen choáng váng sau vụ scandal tấn công tình dục của nam diễn viên Yuta Takahata. Điều khiến người ta càng phải chú ý đến vụ việc hơn là những gì mẹ của Yuta đã làm ngay sau đó. Nữ diễn viên gạo cội trong làng nghệ thuật thứ 7 của Nhật, Atsuko Takahata (61 tuổi) đã gửi một lời xin lỗi chân thành trong nước mắt với cái gập người 90 độ vì hành động của con trai cô.

Bà đã phải tổ chức một buổi họp báo công khai tại Tokyo với 300 phóng viên và nhiếp ảnh gia. Nữ diễn viên nói: “Tôi là một người mẹ, cũng là một phụ nữ, tôi hiểu điều đó xảy ra đáng sợ như thế nào, và tôi cũng phải một phần chịu trách nhiệm cho hành động của con trai tôi”. “Con trai tôi đã làm điều tồi tệ. Tôi không biết dùng từ nào để diễn tả sự xin lỗi sâu sắc đến nạn nhân – người phụ nữ bị hại, đến những nhân viên đoàn phim”.

Nữ diễn viên gạo cội trong làng nghệ thuật thứ 7 của Nhật, Atsuko Takahata (61 tuổi) đã gửi một lời xin lỗi chân thành trong nước mắt với cái gập người 90 độ vì hành động của con trai cô. (Ảnh   japantimes.co.jp)

Bà tiếp tục nói trong nước mắt: “Nó sẽ phải xin lỗi mọi người cả đời vì những gì nó đã làm. Tôi nhắc nó phải hiểu hành động nghiêm trọng mà nó đã gây ra, nhưng tôi cũng nói với nó rằng, dù chuyện gì xảy ra, tôi vẫn luôn là mẹ nó”.

“Là một người mẹ, tôi luôn muốn đứng sau con mình để nâng đỡ nó. Nhưng tôi biết tôi đã không thể làm điều đó trong trường hợp này. Tôi phải nghĩ cho gia đình nạn nhân, và đặt trường hợp nếu cô ấy là cô con gái yêu quý của mình”.

Một chàng trai 22 tuổi bị cáo buộc vì đã cố ý kéo một nhân viên khách sạn vào phòng để tấn công tình dục cô tại Maebashi, quận Gunma. Và thành viên trong gia đình chàng trai này đã lên tiếng xin lỗi dù bà ấy đã ở vào tuổi trên 60, có lẽ đây là việc làm độc nhất vô nhị, có người nhận định: Nó chỉ có ở Nhật Bản.

Một bình luận viên kênh truyền hình Mỹ, Dave Spector nói rằng, nếu sự tình đó xảy ra ở Mỹ, bạn sẽ không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra. Một ví dụ gần đây là con trai của Michael Douglas bị vào tù 7 năm vì tội buôn bán ma túy, nhưng việc đó dường như chẳng ảnh hưởng tới người cha, Spector nói.

Thế nhưng ở Nhật bản, Spector lại thấy rằng, những người nổi tiếng thường chịu áp lực rất nặng nề về lỗi lầm của họ, bởi quan điểm của người Nhật họ cho rằng những người nổi tiếng là những người mang theo hình ảnh của đất nước con người Nhật, là quốc thể của Nhật Bản, nên việc mắc lỗi của họ được xem là khá nghiêm trọng. Ông nói:

Người Nhật bản luôn cảm thấy trách nhiệm của mình khi con cái của họ làm điều gì sai phạm, bất luận người cha mẹ đó bao nhiêu tuổi.

Vào tháng 6, nữ diễn viên Reiko Takashima đã phải đối mặt với các phóng viên thay cho chồng cô, Noboru Takachi, khi anh ta bị bắt vì tội ma túy. Cô đã lên tiếng xin lỗi vì cô cho rằng mình đã không làm tròn trách nhiệm của một người vợ. Tương tự như vậy vào năm 1998, khi nam diễn viên 18 tuổi Yuya Takahashi bị bắt vì tội tràng trữ ma túy, mẹ anh, nữ diễn viên Yoshiko Mita, đã triệu tập một cuộc họp báo và tự nguyện không tham gia chương trình truyền hình trong 10 tháng. Bà đã tự nhận hình phạt cho một lỗi lầm không phải do mình gây ra bằng việc hủy 7 hợp đồng quảng cáo.

Spector nói sự nghiệp của Mita đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề do triệu tập buổi họp báo để nói lời xin lỗi công khai quá muộn. Ông cũng cho rằng việc phản ứng nhanh chóng của Atsuko Takahata đã hạn chế được những mất mát trong sự nghiệp của cô.

Việc xin lỗi còn thể hiện thái độ tích cực, cầu tiến, có ý thức trách nhiệm. Dù có do hoàn cảnh khách quan, dù có lý do như thế nào đi nữa thì việc đầu tiên người Nhật làm vẫn là nhận lỗi về mình. Họ nghĩ con người bạn là do chính bạn điều khiển nó. Để cho nó mắc sai lầm là lỗi của chính bạn chứ không phải ai khác. Ví dụ như hôm nay bạn đi trễ, vì đường tắc đường thì bạn đã có lỗi vì nếu có tình trạng kẹt xe thì bạn phải là người tiên liệu được khả năng ấy và sau đó bạn phải trừ hao luôn khả năng bị kẹt xe vào giờ xuất phát đi làm của mình để nếu có lỡ kẹt xe bạn vẫn đến đúng giờ.

Vào năm 2011, hãng Sony đã phải xin lỗi vì cửa hàng online PSN bị hack, ảnh hưởng đến việc truy cập của khách hàng. Theo suy nghĩ thông thường của chúng ta, đây hoàn toàn không phải lỗi của Sony, thế nhưng với cách nghĩ luôn hướng nội để tìm ra khuyết điểm của mình, người Nhật cho rằng một doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng thì phải dự đoán và có biện pháp kiểm soát, khắc phục được mọi rủi ro có thể xảy ra. Lỗi của Sony là đã không thể kiểm soát được khả năng bị hack của cửa hàng online.

Đại diện hãng Sony cúi đầu xin lỗi vì cửa hàng online của hãng bị hack. (Ảnh: Dailymail)

Xin lỗi không đơn thuần là nhận lỗi sai về mình, mà đó là thể hiện trách nhiệm của bản thân với sai lầm đó mà không thể đổ lỗi cho ai. Với người Nhật, họ xin lỗi vì đó còn là sự tôn trọng với bản thân mình và những người có liên quan.

Trong khi nước Nhật đang tìm kiếm nguyên nhân sự cố cháy nổ ở nhà máy Điện hạt nhân Fukushima, chưa có ai quả quyết một nguyên nhân nào, thì lãnh đạo công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã đứng ra nhận lỗi và xin lỗi. Lãnh đạo TEPCO đã gập mình cúi đầu xin lỗi trong một cuộc họp báo, thừa nhận họ đã đánh giá quá thấp trận động đất và sóng thần vừa qua.

Hình ảnh đó thật quả cảm và đáng khâm phục. Cùng với những giọt nước mắt ân hận của Giám đốc điện lực Tokyo, ông Akio Komiri, sau buổi họp báo, buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về sự xin lỗi chân thành và đúng lúc của người Nhật.

Cái gập người khiêm nhường của họ không chỉ là thói quen văn hoá ứng xử tuyệt vời, mà còn cho thấy một phẩm cách rất đáng trân trọng: sự cao thượng. Không phải sự gập mình cúi đầu xin lỗi nào cũng là hạ mình, hèn hạ, với người Nhật, một khi họ gập mình cúi đầu xin lỗi vì một điều có thể không phải do họ trực tiếp gây ra, dường như hình ảnh của họ còn được tôn cao hơn lên.

Thủ tướng Yukio Hatoyama đã từng lên tiếng xin lỗi người dân đảo Okinawa vì không giữ cam kết khi tranh cử: đưa một căn cứ quân sự Hoa Kỳ ra khỏi hòn đảo này. Phó thủ tướng Taro Aso thậm chí đã xin lỗi vì một việc dường như chẳng liên quan gì tới mình, ông đã xin lỗi vì Bộ trưởng Tài chính của Chính phủ ông “đã gà gật như say rượu trong cuộc họp báo ở hội nghị G7.” Vì một hành vi xấu của một ông Bộ trưởng mà Thủ tướng đã đứng ra nhận lãnh trách nhiệm và xin lỗi trước bàn dân thiên hạ. Bởi người Nhật luôn ý thức được trách nhiệm kèm với quyền hạn và tầm ảnh hưởng tới xã hội mà người khác trao cho mình. Đã là người làm quan, người của công chúng thì trách nhiệm đối với thể diện quốc gia càng phải cao hơn.

Ở nước Nhật không ai ngạc nhiên chuyện này khi mà Thủ tướng và các Bộ trưởng luôn sẵn sàng nhận lỗi và xin lỗi những sai lầm của họ, kể cả một lời nói hớ hênh trước dân chúng. Chỉ vì các quan chức Nhật Bản biết rằng khi họ nhận lỗi và xin lỗi, nhất thời họ có thể bị mang tiếng xấu và thiệt hại quyền lợi riêng tư, nhưng về lâu dài, chính quyền của họ sẽ được dân chúng tin tưởng, quyền lợi quốc gia cũng như quyền lợi cá nhân họ sẽ nhanh chóng được phục hồi và phát triển. Niềm tin của người khác đối với họ là thứ có giá trị hơn hết thảy những lợi ích cá nhân nhỏ bé.

Bài học thật giản đơn nhưng tiếc thay không phải ai cũng hiểu và thực hành được tốt.

Tịnh Tâm – Thu Hiền

Xem thêm:

 

Exit mobile version