Đại Kỷ Nguyên

Lý Bạch, ánh trăng nghìn năm toả sáng bầu trời thi ca (P.7): Làm thơ tặng vua, kết tri kỷ cùng Đỗ Phủ

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. Loạt bài về Lý Bạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về thi nhân vĩ đại này. 

Xem thêm:  Phần 1,  Phần 2,  Phần 3,  Phần 4,  Phần 5,  Phần 6

Trong thời gian phụng sự Hàn lâm viện ở Trường An, có rất nhiều chuyện cho thấy học vấn trác việt của Lý Bạch, không phải bậc Trích Tiên ắt là không thể làm nổi. Một trong số đó là câu chuyện Lý Bạch “Túy tửu họa Phiên thư” (say rượu viết thư trả lời chữ Phiên) đến nay còn được hậu thế lưu truyền.

Lúc đó văn võ khắp triều đình Đại Đường không ai đọc được bức thư chữ Phiên do vua nước Phiên gửi, đành phải mời Lý Bạch lên điện. Lý Bạch trong lúc say đã họa lại (trả lời) thư Phiên, để lại giai thoại ngàn năm.

Người ta kể rằng khi ấy Lý Bạch còn bắt Cao Lực Sỹ tháo giày và Dương Quốc Trung mài mực đứng hầu. Người bình thường giải thích là Lý Bạch lúc nhỏ có ở Tây Vực thời gian ngắn, do đó biết chữ Phiên. Cũng có sách nói, bức thư Phiên này là nước vùng biển Đông Bột gửi…

Tranh vẽ Lực Sĩ cởi giày, Quý phi mài mực. (Ảnh: zh.wikipedia)

Thực ra, tất cả là do Lý Bạch là vốn không phải người thường, hai chữ “Trích Tiên” cũng hoàn toàn không phải là tâng bốc. Học vấn trong lòng Lý Bạch là vô hạn, không phải người thường có thể so sánh được. Đây cũng chính là nguyên cớ mà Đường Huyền Tông vô cùng hậu đãi một kẻ áo vải như thế.

Có lần, Lý Bạch say rượu liền vung bút viết cho Đường Huyền Tông 3 bài từ “Thanh bình điệu” và 10 bài thơ “Cung đình hành lạc” (Nhưng hiện nay chỉ còn 8 bài).

Chuyện kể rằng, Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi dưới ánh trăng thưởng ngoạn hoa mẫu đơn ở Trầm Hương đình. Đường Huyền Tông nhân lúc cao hứng truyền Lý Bạch làm thơ. Nhưng lúc đó, Lý Bạch đang cùng các bạn rượu thả sức uống say. Đến Trầm Hương đình, nửa say nửa tỉnh, Lý Bạch vung bút viết liền 3 bài từ “Thanh bình điệu” và 8 bài thơ “Cung đình hành lạc”. Vung mực khua bút, ào ào dào dạt, chẳng phải Thi Tiên ắt chẳng làm nổi.

“Thanh bình điệu” tam thủ (3 bài thơ “Thanh bình điệu”)

Kỳ 1 (bài 1)

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng

Dịch thơ: (bản dịch của Ngô Tất Tố)

Thoáng bóng mây hoa nhớ bóng hồng
Gió xuân dìu dặt giọt sương trong
Ví chăng non ngọc không nhìn thấy
Dưới nguyệt Dao Đài thử ngóng trông

Kỳ 2 (bài 2)

Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương
Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường
Tá vấn Hán cung thuỳ đắc tự
Khả liên Phi Yến ỷ tân trang

Dịch thơ (bản dịch của Linh Vũ)

Cành hồng xinh đẹp ngát hơi sương
Vu giáp mây mưa luống đoạn trường
Cung Hán nào ai so sánh được
Phấn son Phi Yến nghĩ mà thương

Kỳ 3 (bài 3)

Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan
Trưởng đắc quân vương đới tiếu khan
Giải thích xuân phong vô hạn hận
Trầm Hương đình bắc ỷ lan can

Dịch thơ (bản dịch của Ngô Tất Tố)

Sắc nước hương trơi khéo sánh đôi
Quân vương nhìn ngắm những tươi cười
Sầu xuân man mác tan đầu gió
Cửa bắc đình Trầm đứng lả lơi

Thanh bình điệu là tên điệu nhạc phủ, các bài “Thanh bình điệu” này Lý Bạch dùng thể thơ thất ngôn cách luật sáng tác.

Bức tranh “Lý Bạch sáng tác “Thanh bình điệu””, lấy từ bộ tranh “Thanh bình điệu” của Tô Lục Bằng đời Thanh, lưu giữ ở Mỹ thuật quán – Quảng Châu.

Cung trung hành lạc từ

Kỳ 6 (bài 6)

Kim nhật minh quang lý
Hoàn tu kết bạn du
Xuân phong khai tử điện
Thiên nhạc hạ chu lâu
Diễm vũ toàn tri xảo
Kiều ca bán dục tu
Cánh liên hoa nguyệt dạ
Cung nữ tiếu tàng câu

Dịch thơ:

Đêm nay dưới trăng sáng
Kết bạn nào chung vui
Gác tía xuân mở cửa
Lầu son thiên nhạc chơi
Thướt tha tươi điệu múa
E ấp dáng kiều ca
Tiếc thay đêm hoa nguyệt
Cung nữ cười thốn tim

Kỳ 8 (bài 8)

Thuỷ lục Nam Huân điện
Hoa hồng Bắc Khuyết lâu
Oanh ca văn Thái Dịch
Phụng xuý nhiễu Doanh Châu
Tố nữ minh châu bội
Thiên nhân lộng thái cầu
Kim triêu phong nhật hảo
Nghi nhập Vị Ương du

Dịch thơ:

Nước biếc Nam Huân điện
Hoa hồng Bắc Khuyết lâu
Oanh ca hồ Thái Dịch
Phượng hót cõi Doanh Châu
Tố nữ rung rinh ngọc
Thiên nhân giỡn tú cầu
Nắng gió ban mai đẹp
Đến Vị Ương vui đùa 

Mùa xuân năm Thiên Bảo thứ 3 (năm 744), Lý Bạch rời Trường An, bắt đầu hành trình phiêu du lần thứ hai với trung tâm là Lương Viên (phủ Khai Phong), trải qua 11 năm “Dấu tích lãng du khắp thiên hạ, nơi nơi thơ với rượu say sưa”.

Mùa thu năm Thiên Bảo thứ 3, Lý Bạch lần lượt gặp Đỗ Phủ và Cao Thích ở Lạc Dương và Biện Châu. Ba người liền kết bạn đồng hành, thỏa thích du ngoạn các vùng Lương Viên và Tế Nam. Chính nơi đây, Lý, Đỗ đã kết mối thâm tình.

Lý Bạch lần lượt gặp Đỗ Phủ và Cao Thích ở Lạc Dương và Biện Châu. Ảnh minh họa. Dẫn theo ydvn.net

Thời kỳ này, chính là lúc Lý Bạch thi hứng dâng cao, có sức sáng tác dồi dào nhất. Tác phẩm tiêu biểu có “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” (Mơ dạo chơi Thiên Mụ ngâm câu ly biệt), “Tương tiến tửu” (Mời rượu), “Bắc phong hành” (Đi trong gió bắc), “Lương Viên ngâm” (Ngâm thơ ở Lương Viên)… 

Cao Thích học thư pháp và kiếm thuật từ nhỏ, hùng tâm ngùn ngụt. Thơ ông tài khí hơn người, hùng tráng phóng khoáng, từ lâu danh đã bay xa. Ba đại thi nhân đương thời dắt tay nhau du sơn ngoạn thủy, cùng lên đài cao “Túy miên thu cộng bị, huề thủ nhật đồng hành” (Say ngủ sương thu đắp, tay dắt tay đồng hành), uống rượu say, say sưa hát, khảng khái hoài cổ.

Khi văn đàn tam kiệt hội ngộ nơi “Xuy Đài” đã viết ra những bài thơ truyền thế. (Xuy Đài còn có tên Cổ Xuy Đài là nơi Sư Khoáng – một âm nhạc gia nổi tiếng thời Xuân Thu thổi sáo, đánh đàn. Sử sách có chép, thời Xuân Thu, Tấn Bình Công ép lệnh Sư Khoáng đàn tấu “Thanh giác” (là khúc nhạc do Hoàng Đế sáng tác khi triệu tập đại hội quỷ thần), gây ra trận cuồng phong, bay hết ngói cung điện, làm cho nước Tấn bị đại hạn 3 năm, ngàn dặm đất trơ trọi – ND). Lúc này, Lý Bạch viết “Lương Viên ngâm”.  

Chính bài “Lương Viên ngâm” này đã khiến Tông Thị, phu nhân cuối cùng của Lý Bạch say đắm tài hoa của ông, sinh ra giai thoại “Thiên kim mãi bích” (Ngàn vàng mua bức tường) lưu truyền hậu thế. Lúc đó, Lý Bạch vung bút viết bài thơ này lên tường, sau này Tông Thị xem được, rất bái phục. Vì để ngăn người của nhà chùa xóa bài thơ này, Tông Thị đã không tiếc bỏ ra số tiền rất lớn mua lại bức tường này, cũng tác thành câu chuyện đẹp ngàn năm tài tử giai nhân. Lý Bạch – Tông Thị cuối cùng cũng kết duyên phu thê.

Tông Thị là khuê nữ tài sắc song toàn của gia đình đại tộc, là cháu gái của cựu Tể tướng Tông Sở Khách. Đồng thời bà cũng là người tín ngưỡng Đạo giáo trung thực. Năm Thượng Nguyên thứ 2 (năm 761), Tông Thị đến Quảng Sơn học đạo. Nhưng do hai người tình cảm sâu nặng, Tông Thị đã nhiều lần ứng cứu Lý Bạch trong án oan Vĩnh Vương Lý Lân. Từ đó, hai người không gặp lại nhau. Lý Bạch rất yêu quý người vợ cuối Tông Thị, đã từng viết thơ “Tự đại nội tặng” (Thay vợ viết thơ tặng mình), bày tỏ nỗi nhớ thương vợ.

Lương Viên ngâm (Ngâm thơ ở vườn Lương Viên)

Ta xuôi Hoàng Hà rời kinh đô
Giong buồm sóng dữ nổi gò đồi
Trời xa nước rộng đi xa ngại
Tìm danh thắng cổ đến Bình Đài

Bình Đài đón khách sầu lộ ra
Đối ẩm liền viết “Lương Viên ca”
Bỗng nhớ Bồng Trì ông Nguyễn vịnh
Ngâm dòng nước biếc nổi phong ba

Sóng lớn ngút trời mê cố quốc
Về tây chẳng được bởi đường xa
Nhân sinh tri mệnh vẫn nhàn sầu
Thôi đành uống rượu bước lên lầu

Đứa hầu khăn xếp phe phẩy quạt
Tháng năm không nóng ngỡ sang thu
Đãi ông đĩa ngọc dương mai thết
Muối Ngô trắng lóa như là tuyết
Muối đây nâng chén nào ta ca
Chớ học Tề Di thờ cao khiết

Người xưa tôn quý Tín Lăng Quân
Người nay trồng trọt trên mộ phần
Thành hoang núi biếc trăng vẫn chiếu
Lầu xưa gác cũ đã vào mây

Cung điện Lương Vương nay đâu nhỉ?
Mai Mã đi rồi chẳng đợi nhau
Điệu múa lời ca tan hồ nước
Chì còn Biện thủy chảy về khơi
Trầm ngâm lệ nhỏ ướt xiêm y
Hoàng kim đổi rượu chẳng hồi quy

Thôi nào đỏ đen ta cá cược
Chia bè cược rượu vui qua ngày
Ca rồi hát, ý sâu xa
Núi Đông nằm ngủ rồi thức dậy
Sinh linh chửa cứu đã già rồi

Xuy Đài là do nhạc sư trứ danh thời Xuân Thu Sư Khoáng xây dựng. Thời Hiếu Văn Đế nhà Hán, hoàng tử rất được sủng ái là Lưu Vũ được phong đến Khai Phong làm Lương Hiếu Vương. Lương Hiếu Vương xây dựng rất nhiều đình đài lầu các xung quanh Xuy Đài, rồi trồng kỳ hoa dị thảo, thường đến đó uống rượu làm thơ phú, do đó có tên là “Lương Viên”.

Đến đời Đường, Lương Viên to đẹp hoành tráng mỹ lệ xưa kia đã sớm tan tành mây khói, nhưng Khai Phong là trung tâm vận tải thủy toàn quốc thì ngày càng phồn thịnh. Ba đại thi nhân vẫy tay từ biệt Xuy Đài. Cao Thích đi về phía đông du ngoạn Giang Tô, Đỗ Phủ đi về phía tây đến Trường An. Lý Bạch thì khắc khổ tu luyện. Một năm sau, Lý Bạch và Đỗ Phủ lại gặp nhau một lần ngắn ngủi nữa ở Sơn Đông. Sau đó chia tay, mỗi người phiêu linh một nơi, như sao hôm sao mai, không còn có duyên tái ngộ nữa. 

Đỗ Phủ người dốc lòng vì tình nghĩa không ngày nào không nhớ tới Lý Bạch, đã viết rất nhiều bài thơ cảm động nhớ thương Lý Bạch: Tặng Lý Bạch, Ức Lý Bạch, Hoài Lý Bạch, Mộng Lý Bạch. Đỗ Phủ viết thơ về Lý Bạch trên chục bài mà dường như mỗi bài đều là những danh tác vắt từ tâm can, tình cảm chân thành thiết tha:

Tử biệt dĩ thôn thanh
Sinh biệt thường trắc trắc
Giang Nam chướng lệ địa
Trục khách vô tiêu tức
Cố nhân nhập ngã mộng
Minh ngã thường tương ức

Dịch thơ (bản dịch của Trần Tuấn Khải):

Chết đành lặng ngắt tăm hơi
Sống mà xa cách sao nguôi tấc lòng
Giang Nam chướng độc muôn trùng
Mong người bi đuổi tin hồng vắng tanh
Chiêm bao lẫn khuất bên mình
Tỏ rằng ta vẫn nặng tình nhớ nhung

Hay là:

Phù vân chung nhật hành
Du tử cửu bất chí
Tam dạ tần mộng quân
Tình thân kiến quân ý

Dịch thơ (bản dịch của Phạm Doanh):

Mây nổi suốt ngày trôi
Người đi mãi xa xôi
Ba đêm liền nằm mộng
Thảm thiết tình nhớ ai

Hoặc những câu như:

Lương phong khởi thiên mạt
Quân tử ý như hà?
Hồng nhạn kỷ thời đáo?
Giang hồ thu thủy đa

Dịch thơ (bản dịch của Trần Trọng San):

Gió đà thổi mát chốn chân trời
Không biết sao rồi ý nghĩ ai?
Hồng nhạn xa vời, tin tức vắng
Sông hồ tràn ngập, nước thu đầy

Ngàn năm sau đọc những câu thơ này, người ta còn xúc động, cảm khái khôn nguôi. 

Trong thơ Lý Bạch, cũng thường viết về Đỗ Phủ, cũng có những câu thơ biểu đạt tình bạn nhớ thương khôn nguôi như:

Tư quân nhược Vấn thủy
Hạo đãng ký nam chinh

(Nhớ anh sông Vấn khác sao
Mối tình gửi nước tuôn trào về nam) 

Hoặc như:

Hà thời Thạch Môn lộ
Trùng hữu kim tôn khai

(Bao giờ trên núi Thạch Môn
Chén vàng lại rót cùng ông mở lòng
)

Lý Bạch và Đỗ Phủ hơn kém nhau hơn chục tuổi đầu nhưng nguyện kết làm bạn vong niên. Cuộc đời, duyên phận là hợp tan, tan hợp. Những cuộc hội ngộ của hai ông bởi thế mà cũng thật chóng vánh. Ngày vui qua mau, những người bằng hữu chia lìa mà chẳng hẹn ngày tương ngộ.

Ngày vui qua mau, những người bằng hữu chia lìa mà chẳng hẹn ngày tương ngộ. Ảnh: ĐKN

Năm 744, Lý Bạch 44 tuổi được Đường Minh Hoàng tặng vàng rồi cho về quê. Ông rời Trường An lên đường về Đông đô Lạc Dương, vừa vặn lúc này Đỗ Phủ cũng đang chu du tại Lạc Dương. Hai nhà thơ vĩ đại không hẹn mà gặp, thật là ý trời sai khiến. Hai người vừa thấy nhau đã như gặp lại bạn cũ, thân thiết vô cùng, chẳng lúc nào rời.

Năm đó họ cùng nhau du ngoạn đất Lương, đất Tống. Năm sau, hai người lại sang chơi đất Lỗ, đất Tề. Đỗ Phủ viết rằng:

Dư diệc Đông Mông khách
Liên quân như đệ huynh
Túy miên thu cộng bị
Huề thủ nhật đồng du

Tạm dịch:

Ta cũng là khách ở Đông Mông (như ông)
Cùng nhau tình như huynh đệ
Trời thu lạnh thì đắp chăn ngủ chung
Ban ngày thì nắm tay cùng đi đây đó

Tình bạn của Thi Thánh Đỗ Phủ và Thi Tiên Lý Bạch chính là một trong những giai thoại đẹp nhất của văn học Á Đông. Sự trân quý hai người dành cho nhau khiến hậu thế cũng cảm nhận được nhiều dư vị vậy.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Nam Phương biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version