Đại Kỷ Nguyên

Lý Bạch, ánh trăng nghìn năm toả sáng bầu trời thi ca (P.5): Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Lý Bạch (701 – 762), tự Thái Bạch, được đánh giá là một trong những ngôi sao chói lọi nhất của thi ca thời Đường. Ông được người đời sau tôn kính gọi là “Thi Tiên”, đã làm hàng ngàn bài thơ. Thơ Lý Bạch thấm đẫm phong cách lãng mạn, trữ tình, phong thái siêu trần, thoát tục, từ hàng ngàn năm qua đã in sâu vào lòng độc giả Á Đông. Loạt bài về Lý Bạch sẽ giúp bạn có được cái nhìn toàn diện nhất về thi nhân vĩ đại này. 

Xem thêm:  Phần 1,  Phần 2,  Phần 3,  Phần 4

Thuở thiếu thời, Lý Bạch học rộng, am hiểu nhiều lĩnh vực, ngoài các kinh điển Nho – Thích – Đạo và các trước tác nổi tiếng văn sử cổ đại ra, còn xem các sách Bách gia chư tử, đồng thời “mê kiếm thuật” như chính ông tự nhận xét về mình. Lý Bạch là một người tu luyện Đạo gia, thích ẩn cư ở núi rừng, cầu tiên học Đạo. Nhưng ông cũng muốn “bàn chuyện Quản Yến (Quản Trọng và Yến Anh – hai tể tướng, chính trị gia kiệt xuất thời Xuân Thu – ND), mưu tính thuật đế vương, phát huy trí năng, nguyện làm phò tá, để khắp cõi thái bình, nơi nơi yên ổn” (trích “Thay Thọ Sơn trả lời văn thư Mạnh Thiếu Phủ Di”).

Thơ ca Lý Bạch thời thiếu niên viết ở đất Thục còn lưu lại rất ít, nhưng chỉ mấy bài như: “Phỏng Đái Thiên sơn đạo sỹ bất ngộ” (Thăm đạo sỹ núi Đái Thiên nhưng không gặp), “Nga My sơn nguyệt ca” (Bài hát trăng núi Nga My)… cũng đã hiển thị tài hoa trác tuyệt của bậc Thi Tiên.

Thơ Lý Bạch phóng khoáng ung dung, phiêu diêu siêu thoát, bút pháp mới lạ, kỳ vĩ tráng lệ. Nào là chuyện lên trời xuống đất, cõi Thần cảnh Tiên, nào là truyền thuyết ly kỳ, tất cả đều hun đúc trong lời thơ âm luật hài hòa, biến hóa. Câu thơ của ông giống như bông sen nhô mặt nước, chẳng cần tô điểm, khí thế hùng hồn, phong cách phóng khoáng thực đã đưa nghệ thuật thơ ca Trung Hoa ngàn năm lên đỉnh cao không thể vượt qua. Hàn Dũ viết: “Văn chương Lý Đỗ còn đây, hào quang vạn trượng trời mây chín tầng” (Lý Đỗ văn chương tại, quang diệm vạn trượng trường). Lý tức là Lý Bạch còn Đỗ chính là Đỗ Phủ vậy. 

Lý Bạch sáng tác thơ Nhạc phủ rất nhiều, nay còn lưu lại khoảng hơn 140 bài. Trong đó, Hành ca là một thể thơ phát triển từ ca dao cổ, Nhạc phủ cổ. Hành ca của Lý Bạch đã phá vỡ hình thức khuôn khổ sáng tác thơ ca, với các câu dài ngắn biến hóa, âm tiết đan xen, thể hiện khí thế lay động, ý tứ uốn lượn. Điển hình của thể Hành ca này là những bài như: “Thục đạo nan” (Đường đất Thục khó đi), “Tương tiến tửu” (Mời rượu), “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” (Mơ dạo chơi Thiên Mụ ngâm lời ly biệt)… đều là những tác phẩm rung động tâm can. Chính Hoàng đế Đường Văn Tông từng hạ chiếu: “Lấy thơ ca Lý Bạch, kiếm pháp Bùi Mân, thư pháp Trương Húc làm Tam tuyệt” (“Tân Đường thư – Lý Bạch truyện”)

(Lý Bạch. Ảnh dẫn theo epochtimes.com)

Thục đạo nan (Đường đất Thục khó đi)

Ôi, chao ôi!
Nguy hề, cao thay!
Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh
Tàm Tùng và Ngư Phù
Mở nước bao xa xôi!
Đến nay bốn vạn tám ngàn năm
Mới cùng ải Tần liền khói người
Phía tây núi Thái Bạch có đường chim
Vắt ngang đến tận đỉnh Nga Mi
Đất long, núi lở, tráng sĩ chết
Rồi sau thang trời, lối đá mới nối liền
Trên đỉnh có sáu rồng, lượn quanh vầng nhật
Dưới có dòng sâu rẽ ngược, sóng cả đua chen
Hạc vàng bay qua còn chẳng được
Vượn khỉ toan vượt, buồn với vin
Rặng Thanh Nê quanh co
Trăm bước, chín vòng núi nhấp nhô
Ngẩng trông Sâm Tỉnh, không dám thở
Lấy tay vỗ bụng ngồi thở dài
Hỏi bạn sang tây, bao giờ trở lại?
Đường hiểm núi cao, khó lắm thay
Chỉ thấy chim buồn gào cổ thụ
Trống bay theo mái lượn rừng cây
Lại nghe tiếng cuốc kêu trăng tối
Buồn tênh, núi vắng người
Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh
Khiến người nghe nói héo mặt son
Núi liền cách trời chẳng đầy thước
Thông khô vắt vẻo vách cao ngất
Thác đổ dồn mau tiếng rộn ràng
Vỗ bờ, tung đá, muôn khe vang
Hiểm nghèo là như vậy
Đường xa, thương cho ai
Vì sao lại đến đây?
Kiếm Các cheo leo cao ngất mây
Một người giữ cửa quan
Muôn người khôn mở ải
Chẳng phải là người thân
Biến thành ra sài lang
Sớm lánh hổ dữ
Tối tránh rắn dài
Mài nanh, hút máu
Giết người như gai
Cẩm thành tuy vui thú
Đâu bằng sớm về nhà
Đường Thục khó, khó hơn lên trời xanh
Nghiêng trông sang tây, mãi thở than.

(Bản dịch của Trần Trọng San)

“Thục đạo nan” là đề tài cũ của Nhạc phủ, nội dung phần lớn tả về đường đi đất Thục gian nan hiểm trở. Thơ “Thục đạo nan” hiện nay còn bảo tồn thì ngoài bài này của Lý Bạch ra, vẫn còn có 2 bài của Giản Văn Đế nhà Lương, 2 bài của Lưu Hiếu Uy, 1 bài của Âm Khanh, 1 bài của Trương Văn Tông đời Đường. Bài thơ của Lý Bạch làm khi ông ở Trường An nhân tiễn bạn đi vào đất Thục.

(Bài thơ Thục Đạo Nan của Lý Bạch. Ảnh dẫn theo epochtimes.com)

Cả đời Lý Bạch đã để lại rất nhiều thơ cổ, thơ luật, thơ Nhạc phủ tuyệt mỹ, trong đó thơ tuyệt cú của Lý Bạch đặc biệt được độc giả yêu thích và đánh giá cao. Vào những năm Khang Hy đời Thanh, Tào Dần chủ trì biên soạn “Toàn Đường thi” đã ghi chép được 86 bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú của Lý Bạch.

Thơ ngũ tuyệt Lý Bạch bao đời nay vẫn được mọi người yêu thích, rất nhiều bài phổ biến đến mức già trẻ gái trai đều thuộc, đọc lên nghe sảng khoái lòng người. Trong các nhà thơ thời Thịnh Đường, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên sở trường về thơ ngũ tuyệt (5 chữ), Vương Xương Linh thơ thất tuyệt (7 chữ) đặc biệt hay. Giỏi cả ngũ tuyệt và thất tuyệt mà đạt đến cảnh giới siêu phàm quả thực chỉ có mình Lý Bạch. 

Hồ Ứng Lân đời Minh trong “Thi tẩu” nói: “Thơ ngũ tuyệt thất tuyệt của Lý Bạch, từng chữ đều ở cảnh giới Thần, mỗi bài đều là Thần vật”. Thơ tuyệt cú của Lý Bạch, sử dụng ngôn từ đơn giản, thuần khiết, sáng sủa, khoan khoái, chân thực, cô đọng mà nội hàm phong phú. Hãy cùng thưởng thức một vài kiệt tác của Thi Tiên Lý Bạch:

Độ Kinh Môn tống biệt (Đi thuyền qua Kinh Môn tiễn biệt)

Độ viễn kinh môn ngoại
Lai tòng Sở quốc du
Sơn tuỳ bình dã tận
Giang nhập đại hoang lưu
Nguyệt hạ phi thiên kính
Vân sinh kết hải lâu
Nhưng liên cố hương thuỷ
Vạn lý tống hành chu

Dịch thơ: 

Kinh Môn vượt núi ra ngoài
Đến miền nước Sở đường dài biết bao
Đồng bằng chấm dứt núi cao
Dòng sông thăm thẳm chảy vào xa khơi
Trăng tà bay tấm gương trời
Biển xanh mây dựng lâu đài xa xa
Thương thay dòng nước quê nhà
Tiễn đưa muôn dặm thuyền ra xứ người.

(Bản dịch của Trần Trọng San)

Năm Khai Nguyên thứ 13 (năm 725) Lý Bạch ra khỏi đất Thục, sáng tác bài thơ này ở ngoài Kinh Môn. “Thi cảnh thiển thuyết” bình rằng: “Thái Bạch thiên tài siêu tuyệt, bút pháp như buồm no gió, như ngựa chiến, vun vút như Thần… Hai câu đầu bài thơ này nói nơi tiễn biệt khách, hai câu tiếp (vế đối) tả cảnh Kinh Môn bao la bát ngát. Chỉ câu cuối mới thấy nghĩa tiễn biệt. Hai câu tiếp (vế đối) cảnh tượng hoành tráng, núi non Thục Sở liền mạch, đến Kinh Môn bắt đầu dứt, dòng sông bắt đầu tuôn chảy, nên “Đồng bằng chấm dứt núi cao”, đến Kinh Môn thì cắt đứt… Câu 5 và 6 tả cảnh vật nhìn thấy trên sông, dùng “Tấm gương trời” ngụ ý ánh sáng của bóng trăng, dùng “Lâu đài” trên biển ngụ ý sự kỳ lạ của mây trời… Hai câu kết nói ý tiễn biệt, nói nơi khách đến, sông nước và xa xôi, người tiễn biệt lòng cũng theo cùng vậy”.

(Nhà thơ Lý Bạch tiễn biệt khách. Ảnh ĐKN)

Một bài thơ nổi tiếng khác của Lý Bạch là “Độc tọa Kính Đình sơn” (Ngồi một mình trên núi Kính Đình), chỉ 4 câu ngắn ngủi nhưng đã khắc họa chân thực được niềm vui của người tu Đạo khi con người và thiên nhiên hòa làm một, được ngồi thiền định một mình trong thanh tịnh. 

Độc toạ Kính Đình sơn (Ngồi một mình trên núi Kính Đình)

Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn
Tương khán lưỡng bất yếm
Chỉ hữu Kính Đình sơn.

Dịch thơ:

Cao cao chim bay hết
Thơ thẩn chòm mây trôi
Nhìn nhau hoài chẳng chán
Còn núi Kính Đình thôi 

Bài này làm vào mùa thu năm Thiên Bảo thứ 12 (năm 753) khi Lý Bạch dạo chơi Tuyên Châu. Lúc đó nhà thơ của chúng ta đã 52 tuổi, rời Trường An tròn 10 năm. Lý Bạch viết tới 45 bài thơ về núi Kính Đình, trong đó “Độc tọa Kính Đình sơn” chính là tuyệt tác hiếm có. Các văn nhân qua nhiều triều đại đã đi tìm dấu chân Lý Bạch, lên núi Kính Đình, vung bút tưới mực, từ đời Đường đến đời Thanh, đã có trên 300 thi nhân, họa sĩ để lại gần một nghìn tác phẩm nơi đây. 

Bài thơ tuyệt cú bình dị, điềm tĩnh này sở dĩ gây xúc động lòng người là do tư tưởng tình cảm của nhà thơ đã hòa hợp cao độ với cảnh vật tự nhiên, đã đạt đến cảnh giới “tịch tĩnh” (yên tĩnh, tịch mịch). Động cũng là tĩnh, tĩnh cũng là động. “Cao cao chim bay hết. Thơ thẩn chòm mây trôi”, là trong động có tĩnh, bầy chim bay trên cao, chòm mây cô độc bồng bềnh nhẹ trôi, làm tôn lên sự tĩnh lặng của núi Kính Đình.

Nhìn nhau hoài chẳng chán. Còn núi Kính Đình thôi”, là trong tĩnh có động, nhà thơ và núi Kính Đình đẹp như thơ, như tranh tĩnh lặng đối diện, nhìn nhau mãi. Ấy chính là cái tĩnh của cái tâm người tu luyện vậy. 

(Lý Bạch độc tọa trên núi Kính Đình. Ảnh dẫn theo ĐKN)

Cửu nhật Long Sơn ẩm (Ngày Tết Trùng Cửu uống rượu trên núi Long Sơn)

Cửu nhật long sơn ẩm
Hoàng hoa tiếu trục thần
Tuý khán phong lạc mạo
Vũ ái nguyệt lưu nhân 

Dịch thơ:

Trùng Cửu rượu Long Sơn
Hoa cười giễu tội thần
Say nhìn gió bay mũ
Mê múa trăng giữ chân

Bài thơ này Lý Bạch viết vào năm Bảo Ứng thứ nhất (năm 762). Nhà thơ lúc đó đã 61 tuổi, ở Đương Đồ. “Gió thổi rơi mũ” là một điển tích rất đẹp trong văn chương cổ. Thời Đông Tấn, đại tướng quân Hoàn Ôn vào tết Trùng Dương dẫn quan lại dưới trướng đến Long Sơn, leo núi, uống rượu, thưởng thức hoa cúc, ăn bánh cửu hoàng, viên tham quân Mạnh Gia cũng trong đó.

Trong bữa tiệc, một cơn gió núi thổi tới, làm rơi cả mũ trên đầu Mạnh Gia xuống mà ông ta hoàn toàn không biết, vẫn cứ phong độ trang nhã. Hoàn Ôn hứng thú lệnh cho Tôn Thịnh làm bài văn trêu Mạnh Gia. Ai ngờ Mạnh Gia không cần suy nghĩ, lập tức đối đáp, mở miệng thành văn, tất cả mọi người không ai không khâm phục tài năng mẫn tiệp, khí chất phi phàm của ông. Đời sau dùng “Lạc mạo Long Sơn” (Rơi mũ Long Sơn) để miêu tả phong độ thong dong, nhàn nhã.

Tết Trùng Dương ngày 9 tháng 9, Lý Bạch uống rượu ở núi Long Sơn (phía tây bắc Giang Lăng, Hồ Bắc), hoa cúc nở rộ khắp nơi, bất kể nhà thơ đi đến đâu, cũng thấy những đóa cúc vàng nở bung như mỉm cười đón mình. Lúc say ngắm di tích “gió rơi mũ” năm xưa, nhớ lại cổ nhân phóng khoáng, uống rượu dưới trăng, ngắm nhìn nàng tiên trên cung trăng ca múa uyển chuyển.

Cuối cùng, bài thơ kết thúc bằng 3 chữ “nguyệt lưu nhân” (trăng lưu giữ người), đã để lại một bức tranh vô cùng sinh động. Nhà thơ và tiên nữ cùng say múa nhạc khúc thần tiên. Nhà thơ chìm đắm trong cảnh thoát tục quên trần thế, trăng thanh gió mát này, mà tiên nữ trên cung trăng cũng bằng điệu múa tiên uyển chuyển biểu đạt ý lưu luyến chẳng rời vậy. 

Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Lý Bạch phải kể đến là “Tĩnh dạ tứ” (Suy nghĩ trong đêm yên tĩnh), nổi danh thiên cổ, đọc lên quả là khoan khoái tâm hồn.

(Lý Bạch uống rượu trên núi Long Sơn. Ảnh ĐKN)

Tĩnh dạ tứ

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương

Dịch thơ:

Ánh trăng sáng trước giường
Ngỡ mặt đất mờ sương
Ngẩng đầu trông trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương 

“Tĩnh dạ tứ” viết vào dịp rằm tháng 9 năm Khai Nguyên thứ 4 (năm 726). Năm đó Lý Bạch mới 25 tuổi, đang ở một lữ quán tại Dương Châu lúc đó. Từ khi ra đời đến nay, đây luôn là bài thơ mà người đời ngưỡng mộ, hầu như tuyển tập Đường Thi nào cũng sao lục, ghi chép lại. 

Cả bài chỉ 4 câu ngắn ngủi, mỗi câu 5 chữ, tổng cộng 20 chữ, nhưng ý tứ thâm sâu, xa xôi. Về mặt chữ nghĩa biểu đạt tình cảm nhớ nhung sâu sắc đối với quê hương của một người khách lãng du nơi đất khách quê người. Lý Bạch dùng ngôn ngữ dung dị, khéo léo nói ra, như nước trong sen nở, chẳng chút điểm tô, tiện tay nhặt lấy, chẳng vết mài rũa, chẳng trách người đời sau ca ngợi là “diệu tuyệt cổ kim” (tuyệt diệu xưa nay chưa từng có). 

Nhưng “Tĩnh dạ tứ” còn có một tầng ý nghĩa thực sự thâm sâu hơn. “Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương”, Lý Bạch nhớ cố hương. Tứ Xuyên quê hương ông chẳng cách đó bao xa, muốn về nhà là về được, cớ sao phải ngậm ngùi đến thế? Có phải chỉ cần Lý Bạch về quê thì sẽ không còn phiền não, hạnh phúc hơn chăng?

Không phải! Thế gian có bao người sống ngay tại quê nhà mà những chuyện phiền não vẫn như sóng nổi, cơn này chưa dứt, cơn sau lại ập tới, phiền não khôn nguôi, nói gì đến hạnh phúc? Có lẽ cố hương mà Lý Bạch nói đến không phải quê hương chốn nhân gian. Ông là Thi Tiên, Trích Tiên, nghĩa là trời cao thánh khiết kia mới là cố hương tâm linh, tinh thần ông.

Ngẩng đầu ngắm trông cố hương, cúi đầu nhớ nhung. Lý Bạch thân tại chốn hồng trần, lúc nào cũng nhớ nhung cố hương thực sự trên trời thánh khiết, tươi đẹp. Bởi nơi ấy mới chính là mái nhà thực sự của ông, là nơi sinh mệnh của ông thuộc về. Phải chăng đó chính là nội hàm thâm sâu của bài thơ, cũng là lý do khiến người ta đọc lên mà thấy lòng thực sự khoan khoái, lưu truyền thiên cổ.

Hàng nghìn năm nay, đã có biết bao nhiêu người ngâm tụng bài thơ này. Trong sâu thẳm tâm hồn họ, bản tính “phản bổn quy chân”, muốn được trở về với nguồn cội đã cộng hưởng với tấm lòng xúc động khiến người ta tuy không ngộ đạo rõ ràng nhưng cũng vui thích không diễn tả nổi. Thực sự “Tĩnh dạ tứ” đã chạm đến được phần thẳm sâu nhất bên trong sinh mệnh của con người. 

Bức tranh “Lý Bạch hành ngâm đồ” (Lý Bạch vừa đi vừa ngâm thơ) của Lương Khải đời Tống, hiện lưu giữ ở Bảo tàng quốc lập Tokyo Nhật Bản.

Mấy thế kỷ sau, đại văn hào Tô Đông Pha đời Tống cũng có một bài thơ nổi tiếng lưu truyền thiên cổ có tên: “Thủy điệu ca đầu – Minh nguyệt kỷ thời hữu” (Trăng sáng có từ thời nào – bài hát theo điệu Thủy điệu). Trong đó có những câu rất đồng điệu với tâm sự của Lý Bạch trong “Tĩnh dạ tứ” thế này:

Minh nguyệt kỷ thời hữu?
Bả tửu vấn thanh thiên
Bất tri thiên thượng cung khuyết
Kim tịch thị hà niên

Dịch thơ:

Vầng trăng sáng có tự khi nào
Nâng chén rượu lên hỏi trời cao
Chẳng biết cung điện trên chốn ấy
Đêm nay đã là đêm năm nao?

Nam Phương biên dịch

Xem thêm:

 

Exit mobile version