Vào một ngày chủ nhật của năm 1880 tại tiểu bang Pennsylvania nước Mỹ, một cô gái bé nhỏ cố nhích dần nhích dần qua đám đông đang đứng bên trong ngay khu vực cửa ra vào của nhà thờ. Không lâu sau, cô bé bị đẩy ra ngoài cùng những cái nhíu mày và những tiếng chép miệng. Nhà thờ đã quá đông và cô bé không thể tham gia lớp học ngày chủ nhật. Cô bé đứng mãi ở bên ngoài với gương mặt thất vọng và đầy tiếc nuối.
Trong cái nắng càng lúc càng gay gắt, cô bé ngồi tựa đầu vào bức tường và mắt nhắm nghiền. Vừa lúc đó một vị mục sư với dáng vẻ cao lớn và khuôn mặt hồng hào, hiền từ đi ngang qua. Thấy cô bé kiên quyết chịu đựng cái nắng để được ngồi gần cửa nhà thờ thay vì ngồi dưới những tán cây và bãi cỏ xanh mướt ở công viên đối diện, vị mục sư vô cùng xúc động.
Ông đặt cô bé lên vai rồi len lỏi qua đám đông để vào trong, rất khó khăn cuối cùng cũng tìm được một chỗ ngồi trong góc phòng, nơi tối tăm nhất trong nhà thờ cho cô bé.
Buổi học ngày Chủ nhật kết thúc. Dù phải chịu đựng cái nóng dữ dội và mùi ẩm mốc nơi góc phòng nhưng cô bé vô cùng hài lòng. Trên khuôn mặt bầu bĩnh của em là sự thuần khiết rạng ngời và nụ cười trong trẻo. Những bài học hôm nay đã nuôi dưỡng và bồi đắp tâm hồn em, dưỡng dục niềm tin của em vào những Đấng Tối cao, dù không hiện diện trong cuộc sống thường hằng, nhưng họ lại luôn có mặt trong trời đất, quan sát và dõi theo con người.
Một ngày sau đó, cô bé lại ngồi tựa đầu ở trước cửa nhà thờ cũng vì lý do không thể vào bên trong. Lần này, vị mục sư ngồi xuống trước mặt em, vừa vỗ nhẹ vào đôi vai gầy guộc mỏng manh của cô bé, ông an ủi: “Đợi tới lúc gom đủ kinh phí, ta nhất định sẽ xây dựng một phòng học to hơn nữa”.
Lần cuối cùng vị mục sư nhìn thấy cô bé là khi em đang mắc bệnh nặng và không lâu sau cô bé qua đời. Sau khi hoàn thành những thủ tục mai táng cuối cùng, gia đình của cô bé đã trao cho vị mục sư một chiếc ví tiền nhỏ vừa sờn rách vừa cũ nát, bên trong có 57 xu. Ở thế kỷ 19, đối với gia cảnh nghèo nàn như nhà cô bé, đó thực sự là một số tiền lớn.
Gia đình cô bé giải thích rằng đây là số tiền em đã chăm chỉ tiết kiệm trong hai năm qua. Với tình yêu trong sáng và mong ước rất đỗi chân thành, em hi vọng số tiền này sẽ giúp xây dựng một nhà thờ to lớn hơn chút nữa, để có thêm nhiều trẻ em được đến học vào ngày Chủ nhật.
Biết được điều đó, vị mục sư nghẹn ngào đón nhận chiếc ví. Ý định xây dựng nhà thờ to lớn hơn của ông chỉ vừa mới bắt đầu được một vài ngày, khi ông thấy cô bé đang héo hon ngồi chịu đựng cái nắng gay gắt ở bên ngoài. Nhưng cô bé đã nhen nhóm ý tưởng này và bắt tay vào thực hiện từ hai năm trước đó.
Mục sư ngay ngày hôm sau đã mang chiếc ví rách với 57 xu lên bục giảng Kinh. Ông kể lại câu chuyện về cô bé khiến tất cả mọi người đều xúc động. Họ thương cảm cho sự ra đi của em, họ suy nghĩ về ước mơ và hành động của em với sự cảm mến và khâm phục.
Nhà thờ sau đó quyết định huy động quyên góp tiền từ 57 xu và rất nhanh đã có thể huy động được 250 USD. Một vài năm sau, 57 xu của cô bé, đã huy động được đến 30.000 USD.
Họ dùng số tiền ấy mua một mảnh đất để xây dựng nhà thờ lớn hơn, nhưng thật không ngờ rằng tiền đất đã lên tới 30.000 USD và không còn đủ tiền xây dựng nữa. Lúc này, vị mục sư nghĩ đến tâm nguyện của cô bé. Ông không thể để vấn đề này khiến cho việc xây dựng nhà thờ bị trì hoãn, do đó ông quyết định đi tìm chủ đất để trình bày rõ lý do.
Chủ đất trước đây chưa từng đến nhà thờ, nhưng khi nghe xong câu chuyện về ước nguyện chân thành và thánh khiết của cô bé, trong tâm ông vô cùng cảm động. Ông ấy đã bán mảnh đất với giá 25.000 USD, đồng thời chấp nhận số tiền 57 xu làm tiền đặt cọc, tuy nhiên sau đó chủ đất đã tặng lại 57 xu cho nhà thờ.
Qua một thời gian, vào một buổi tối khi vị mục sư trở về nhà, ông phát hiện trong nhà có rất nhiều người. Mọi người vừa tự nguyện vừa kêu gọi người khác và họ đã quyên góp được 10.000 USD.
Ngày nay, nếu đến thăm thành phố Philadelphia, bạn đừng quên dừng chân tại Nhà thờ Temple Baptist – nơi có thể chứa tới 3.300 người. Và cũng đừng quên ghé thăm Đại học Temple, bệnh viện Good Samaritan và trường học ngày Chủ nhật. Bạn sẽ thấy ước mơ đẹp đẽ và cao cả của cô bé đã được mọi người biến thành hiện thực như thế nào.
Thú vị hơn nữa, nếu thăm một trong các phòng ở tòa nhà trường học ngày Chủ nhật này, bạn sẽ nhìn thấy bức ảnh dễ thương của cô bé nhỏ đã hiến tặng 57 xu cho nhà thờ – Hattie May Wiatt
-
Cô bé lương thiện Hattie May Wiatt (Ảnh: North27worshipcenter.wordpress.com)
Sẽ không ai nghĩ rằng 57 xu có thể tạo nên những điều kỳ diệu. Nhưng khi điều kỳ diệu xuất hiện, người ta đã hoàn toàn tin rằng 57 xu ấy đã làm thay đổi cuộc sống và thế giới sống của rất nhiều người. Cô bé đã dùng tấm lòng lương thiện trong sáng và thánh khiết của mình để tích lũy số tiền ấy với hi vọng mang lại thêm nhiều cơ hội cho những người khác. Và thực sự, thiện tâm đã đánh thức thiện tâm, lòng tốt tự bản thân nó đã có sức lan tỏa âm thầm mà mãnh liệt.
Lương thiện không chỉ là cá tính của một người, tố chất của một người, nó là nguồn năng lượng sống tích cực giúp con người không ngừng suy nghĩ về người khác, suy nghĩ cho người khác. Lương thiện như ánh trăng trên bầu trời cao rộng, soi sáng và khiến vạn vật trở nên huyền diệu, lấp lánh. Lương thiện là ngọn nguồn cho mọi việc tốt trên đời, là cách giải quyết cao nhất cho mọi ân oán, thù hận, là phương thức hữu hiệu nhất cho mọi tổn thương và nỗi đau.
Nếu mỗi hành động của con người đều xuất phát từ thiện tâm, mỗi lời nói của con người đều là thiện ý, mỗi suy nghĩ của con người đều là thiện niệm, thì cuộc sống này sẽ chính là một mảnh vườn với những hoa trái ngọt lành và thơm mát nhất. Cuộc sống có lương thiện thì đời người mới có thể thường xuyên ngập tràn niềm vui, hạnh phúc mới có thể lâu dài, tâm hồn vì thế mới không ngừng thăng hoa và viên mãn.
Mai Hà biên dịch