Trên đời này, có người thì bán rẻ thể lực, có người thì bán rẻ tri thức, có người thì bán rẻ bạn bè, lại có người bán rẻ sự tôn nghiêm. Đáng buồn nhất là còn có kẻ bán rẻ lương tâm của chính mình…
Có người nói: Lương tâm ở thời đại này quả thực là “chẳng đáng một xu”. Nào là thuốc giả, gạo giả, sữa bột giả, vắc-xin giả, thực phẩm bẩn, rau củ tẩm hóa chất… Chẳng phải đều là hành vi của những kẻ bán rẻ lương tâm đó sao? Nhất là trong việc kinh doanh buôn bán, nếu không giở mọi thủ đoạn thì không thể phát tài. Thậm chí có người chỉ vì chút lợi cỏn con mà sẵn sàng giết người hại mệnh. Bạn khuyên họ rằng đừng nên làm chuyện thất đức như vậy, anh ta vẫn không tin rằng bản thân đã sai, mà trái lại cho rằng điều anh ta làm là một lẽ bình thường và đương nhiên.
Nhiều trăm năm về trước, cổ nhân đã để lại không ít dự ngôn về thói đời suy bại của ngày hôm nay, và rằng những kẻ xấu xa suy bại ấy sẽ đối mặt với nguy cơ bị đào thải. Nhưng điều đáng buồn là con người chưa thức tỉnh, không biết chính mình đã đẩy bản thân đến bên vực thẳm của sự hủy diệt.
Tổ tiên chúng ta đã để lại câu nói: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc thôi”. Hiện nay thử hỏi còn có bao nhiêu người ghi nhớ, bao nhiêu người tin theo? Con người ta không tin nhân quả báo ứng, khi tai họa ập đến thì người đang phải chịu nhận quả báo kia trông thật yếu đuối, thật đáng thương biết bao. “Không thấy quan tài không đổ lệ”, đợi đến bước cuối cùng thì có hối cũng đã muộn rồi. Đời người không có thuốc hối hận, thời gian cũng không thể quay ngược trở lại, mỗi người đều phải tự gánh chịu hậu quả cho những việc mình làm.
Con người thời nay bị đầu độc bởi “thuyết tiến hóa”, luôn coi bản thân mình là “động vật cao cấp”. Kỳ thực con người là anh linh của vạn vật. Điều khác biệt lớn nhất giữa con người và động vật chính là có nhân tính, có lương tâm, như vậy mới xứng được gọi là “người”. Không phải chúng ta thường nói những kẻ tội ác tày trời là “không bằng cầm thú” hay sao? Con người rơi rớt đến bước này quả thực là có lỗi với bản thân, cũng đã cô phụ ân huệ của Thiên thượng.
Phật giáo giảng về sáu nẻo luân hồi, cũng chính là nói đời này làm người, đời sau rất có thể sẽ chuyển sinh thành động vật. Vậy nên có được thân người quả thật là quá đỗi may mắn. Nhưng rất nhiều người đã bị “thuyết vô Thần” đầu độc, cho rằng con người ta chỉ có một đời này, dẫu cho có làm tổn hại người khác đi chăng nữa thì cũng phải tranh thủ thời gian tận hưởng thú vui.
Trong Phật giáo có một câu chuyện nhỏ như thế này: Một lần có đệ tử hỏi Đức Phật rằng, cớ sao lại nói thân người khó được. Đức Phật dùng ngón tay khẩy nhẹ mặt đất, nói với chúng đệ tử rằng nếu đem hết thảy sinh mệnh so với hết thảy đất bùn trên thế gian, thì những sinh mệnh đắc được thân người chỉ như số bùn đất dính trong ngón tay này mà thôi. Bạn hãy thử nhìn xung quanh xem, chim muông, cá tôm, sâu bọ… tất cả chẳng phải đều là sinh mệnh hay sao? Khi bạn oán trách làm người sao mà lắm khổ đau, sao vất vả gian nan đến vậy, thì những sinh mệnh đó đều đang ngưỡng mộ bạn. Khi bạn làm chuyện xấu, thì những sinh mệnh đó đều đang vì bạn mà cảm thấy vô cùng ái ngại, vô cùng tiếc nuối.
Con người là trân quý nhất bởi vì con người có lương tâm. Thế thì, khi người ta đánh mất lương tâm, họ đã trở thành sinh mệnh đáng thương nhất rồi. Dù cho có cầu Thần bái Phật thì cũng khó tránh được kiếp nạn, bởi ông Trời sẽ không bảo hộ cho những kẻ biến dị vô lương tâm. Vậy nên, trước khi làm điều gì hãy tự hỏi chính mình rằng, làm như vậy liệu có tổn thương người khác hay không, hãy thử suy xét xem lương tâm của mình liệu có còn hay không. Lương tâm vẫn còn, thế thì kiếp nạn đã rời xa rồi…
Thuận An
Theo dusheng.org
Bạn đang đọc bài viết: “Lương tâm nếu còn, kiếp nạn sẽ rời xa” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |