Có một năm trời hạn hán, hoa màu gần như mất trắng, người dân trong vùng lâm vào cảnh lao đao khốn khó. Vì để vượt qua cái đói, cái khát, người ta đua nhau đi hái rau dại, đào củ mài, thậm chí ăn cả lá cây cọng cỏ. Nhưng khi mùa đông đến, đất trời hanh khô rét mướt, ai nấy cũng ngao ngán e rằng khó mà vượt qua nổi.
Ngày kia có một lão hòa thượng đi qua thôn làng, thấy người dân nơi đây đều mặt mày xanh xao, thân thể gầy guộc, đói đến nỗi đi đứng loạng choạng, thở không ra hơi. Trong một con hẻm nhỏ, vị hòa thượng thấy một bà cụ nằm bệt trước cửa không đứng dậy được nữa, chỉ còn lại một hơi thở yếu ớt. Cậu con trai của bà cũng đã hơn 30 tuổi, thất thểu từ trong nhà đi ra với bộ dạng không còn chút sức lực.
Lão hòa thượng nói với chàng trai trẻ: “Phía đông ngôi làng của thí chủ là rừng cây dương, có một cây dương già vỏ cây đã nứt nẻ, cạnh gốc cây của nó còn có một gò đất nhỏ. Thí chủ đào gò đất đó lên sẽ thấy bên dưới chôn một cái hũ, bên trong đựng rất nhiều gạo kê. Số gạo kê này sẽ giúp gia đình thí chủ vượt qua những tháng ngày đói kém. Nhưng thí chủ hãy nhớ, chỉ được lấy gạo kê trong đêm và mỗi lần chỉ được múc duy nhất một gáo thôi”.
Theo lời căn dặn, cậu con trai vác theo cái cuốc và mang theo cái gáo hồ lô, lợi dụng ánh trăng sáng đi đến rừng cây dương ở phía đông ngôi làng. Quả nhiên đúng như lời lão hòa thượng miêu tả, anh đến chỗ gò đất nhỏ bên cây dương già, đào lên một hũ gạo kê. Từng hạt gạo vàng óng ả lấp lánh dưới ánh trăng sáng vằng vặc. Anh ta rất lấy làm vui mừng múc lấy một gáo, sau đó lại chôn chiếc hũ như cũ, rồi nhảy chân sáo vui vẻ trở về nhà.
Nhờ được ăn cháo gạo kê hàng ngày, người mẹ đã được cứu sống, không những thế còn trở nên khỏe khoắn nhanh nhẹn. Chẳng mấy chốc làng trên xóm dưới và người thân bạn bè biết được bí mật này, ai nấy cũng đều chờ đêm đến mỗi ngày để đi đến cái hũ múc một gáo gạo kê, nhờ vậy mà sống qua được những ngày tháng đói kém.
Trong làng có một ông lão họ Mễ nổi tiếng tham lam. Sau khi nghe nói về hũ gạo kê, ông Mễ liền dẫn cả hai cậu con trai lực lưỡng, mỗi người vác theo một cái túi lớn, không quên mang theo lỉnh kỉnh đủ các dụng cụ đào xới. Ba cha con nhà họ Mễ bí mật tìm đến gốc cây dương, định bụng sẽ khiêng cả hũ gạo kê về nhà để mãi mãi được giàu sang sung túc, hưởng thụ cuộc sống an nhàn đến cuối đời.
Rình rập mãi đến khi mọi người trong làng đi múc gạo về hết, ba cha con vội vàng mở nắp cái hũ, múc đầy ba túi gạo kê. Nhưng lòng tham không đáy, ba cha con lại tiếp tục đào sâu xuống, hòng lấy cái hũ lên khiêng về nhà. Nào ngờ, càng đào càng sâu, cái hũ cũng càng xuống càng sâu, không kể đào bới thế nào, phí bao nhiêu sức lực, họ vẫn không đào được đến đáy hũ. Canh bốn, canh năm, rồi tiếng gà gáy sáng vang lên, mặt trời sắp nhô lên rồi, họ phải vội vàng chôn cái hũ lại như cũ rồi vác bao tải về nhà. Nhưng không hiểu sao cái bao tải trên lưng càng cõng càng nặng, càng cõng càng nặng. Về đến nhà, ba cha con họ Mễ hí hửng mở ra xem thử mới biết gạo kê đều đã biến thành cát.
Từ đó, cái hũ bảo vật ấy cũng không bao giờ xuất hiện nữa. Người dân trong vùng đồn thổi rằng, cái hũ gạo kê là món quà của thần linh để cứu độ thế nhân, giúp những người lương thiện vượt qua nạn đói. Bởi vậy, gạo kê sẽ biến thành cát khi gặp những kẻ tham lam vô độ. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, tham lam không chỉ hại người mà còn hại chính mình.
Theo Secretchina
Thiện Sinh biên dịch
Xem thêm: