Đại Kỷ Nguyên

Lòng đố kỵ như hòn than nóng, ném vào người khác nhưng chính mình lại bị thương

Lòng đố kỵ như hòn than nóng, ném vào người khác nhưng chính mình lại bị thương

Trong những thói hư tật xấu cơ bản, là nguồn gốc cho nhiều loại tội ác phái sinh của con người, duy chỉ có tâm đố kỵ, tật đố là không mang lại cảm giác thỏa mãn, vui thú hay dễ chịu nào. Vậy nhưng biểu hiện của tâm đố kỵ lại rất phong phú trong cuộc sống, kéo chúng ta xuống vũng lầy chật hẹp và hủy hoại chúng ta một ngày nào đó.

Không nhất thiết phải như Bàng Quyên, đố kỵ đến mức luôn bày mưu tính kế hại Tôn Tẫn, cuối cùng lại chính vì nhân tâm này mà lọt bẫy và chết thảm dưới hàng trăm mũi tên của quân Tôn Tẫn. Cũng không đến mức chỉ vì một quả táo mà dẫn tới cuộc chiến nổi tiếng muôn đời như cuộc chiến thành Troy. Nhưng biểu hiện của tâm đố kỵ lại tinh vi đến mức không ngờ mà chúng ta có thể giật mình khi nhận ra mình cũng có. Và sự thật là nó có thể hủy hoại chúng ta.

Đố kỵ nguy hiểm bởi nó có mặt ở mọi nơi và dưới nhiều hình thức ta không thể ngờ tới

Ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi hai tòa tháp đôi WTC biểu tượng thịnh vượng của New York, thành phố kiêu hãnh tự hào với giấc mơ Mỹ và tinh thần dân chủ, tự do bị sụp đổ, tôi cũng giống với khá nhiều người Việt Nam lúc đó, cảm thấy có chút đắc chí khi cuối cùng “đế quốc” cũng có ngày này. Tất nhiên vẫn đã có những cảm xúc nhân văn hơn đối với cái chết của gần 3.000 người, nhưng điều đầu tiên xuất hiện khi biết tin lại là một cảm giác phi nhân tính. Nó đã khiến tôi giật mình kinh sợ chính bản thân mình, không chỉ bởi sự thiếu hiểu biết, mà còn bởi sự nhẫn tâm đáng sợ.

Những năm sau này, trong dòng chảy cuộc sống hối hả, tôi cũng đã không ít lần thấy lại cái tâm đố kỵ đến mức vô lý ở mình. Khi cô bạn đồng nghiệp liên tiếp thăng tiến và nhận được những lời mời làm việc tốt hơn, tôi tự an ủi mình rằng chẳng qua vì cô ấy luôn tận dụng mọi cơ hội thể hiện bản thân và bon chen. Còn tôi, vốn không tranh đấu và thể hiện mình nên đương nhiên là sẽ không có nhiều cơ hội đến với mình, mặc dù lãnh đạo cũ cũng công nhận rằng tôi thông minh và có tầm nhìn hơn trong công việc.

Khi một người quen của gia đình luôn được mẹ tôi ca ngợi về sự khéo léo, đảm đang, tôi lại thể hiện cái sự ghen ghét nhỏ nhen khi bồi thêm rằng, cô ấy phải chăm sóc, chu toàn mọi việc gia đình là để giữ chân ông chồng có tính trăng hoa của mình. Chứ như tôi, vì có người chồng rất tốt và chân thành nên chả cần làm gì nhiều mà gia đình vẫn hạnh phúc. Rằng, phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng, lúc yêu thì phải tìm hiểu cho kỹ, phải có lý trí… Tôi như một bà cô nanh độc, để bảo vệ bản thân trước khả năng bị tổn thương khi được so sánh với người khác, đã tự mình trở nên nhỏ mọn đến như vậy.

Thậm chí khi thấy một diễn viên nổi tiếng đào hoa gặp scandal và gặp khó khăn trong sự nghiệp, tôi cũng hùa vào với dư luận phán xét rằng đó là quả báo nhãn tiền vì đời sống không đứng đắn của anh ta.

Tâm đố kỵ không chỉ biểu hiện khi chúng ta khao khát những ưu thế so với đối phương, sợ cảm giác thấp kém và thất vọng khi bị so sánh, thiếu hụt những ưu thế, mà nó còn thể hiện ở việc chúng ta xem thường những người thua kém chúng ta hoặc không được như mong đợi của chúng ta.

Khi thấy bạn đồng nghiệp mới vào làm mãi không được một cái báo cáo đơn giản, thay vì giúp họ, chúng ta lại tỏ ra mất kiên nhẫn và đay nghiến “sao có mỗi việc đơn giản thế mà không làm được”. Khi nghe những bình luận vô đạo đức từ người khác, chúng ta cảm thấy chán ghét và thành kiến với họ.

Ngày nay, khi truyền thông phát triển chóng mặt, báo chí và các kênh truyền thông thường đăng tải những tiết mục thảm họa của các cuộc thi truyền hình. Một anh chàng ẻo lả mặc váy tứ thân hát không ra hát, một cô nàng tự tin đến mức mắng cả ban giám khảo với tác phong không được bình thường cho lắm… những điều như thế là đủ mang lại tiếng cười cho người xem và những thước phim đó lan truyền với tốc độ chóng mặt. Người ta cười vào những người có vẻ bất ổn về tâm lý hay trong cách hành xử, thay vì thương cảm hay tôn trọng họ.

Đó thật ra chính là một mặt khác nữa của tâm đố kỵ, tật đố. Người hòa ái, luôn nhìn mọi người bằng con mắt cảm thông và bao dung thì sẽ không như vậy. Dù người khác có làm gì sai, có kém cỏi thế nào, người không so đo, đố kỵ sẽ luôn giữ tâm bất động mà dung chứa được tất cả mọi sự thiếu xót.

Trong tiếng Đức có một từ không thể dịch sang các thứ tiếng khác, đó là Schadenfreude, nghĩa là cảm giác vui sướng trước sự bất hạnh của người khác. Đây là từ ghép từ hai danh từ, Schaden là tai hại và Freude có nghĩa là vui sướng. Có thể nói người Đức là những triết gia thích quan sát cuộc sống, họ đã nhận ra trạng thái tâm lý khá phổ biến này ở con người và tạo ra riêng một từ cho nó. Bởi nó quá phổ biến, và ai trong chúng ta cũng có thể đã từng một lần trải nghiệm.

Lăng kính méo mó dẫn tới định hướng lệch lạc

Nhà văn Balzac từng nói:

Người có tính ghen tị đau khổ hơn bất cứ một người bất hạnh nào, bởi hạnh phúc của người khác cộng với sự bất hạnh của mình làm cho ta đau khổ gấp nhiều lần.

Khi đố kỵ, chúng ta ngay lập tức trở thành nạn nhân của mình, chúng ta tỏ ra châm biếm, khinh miệt, vô ơn… với ảo tưởng rằng những điều đó sẽ đẩy bản thân chúng ta lên, giảm thiếu mối đe dọa tồn tại bởi ưu thế của người khác đi. Cảm xúc tiêu cực ngay lập tức ảnh hưởng đến chúng ta trước tiên chứ không phải ai khác. Chúng kìm hãm chúng ta, làm ta phân tâm và che mờ mất con đường sáng, rộng hơn để đưa chúng ta tới những tiềm năng tối đa của bản thân.

Rồi từ những cảm xúc tiêu cực, chúng thúc đẩy ta bắt đầu hành động, có thể chỉ là những lời nói cay nghiệt, nhưng nó cũng có thể khiến mọi người xa lánh, làm suy yếu các mối quan hệ, làm thân và tâm ta tổn thương dẫn tới bệnh tật, mệt mỏi. Tiêu cực hơn, nó còn có thể dẫn tới hành động hãm hại, phá hoại hoặc sự dửng dưng, lạnh lùng trước nỗi bất hạnh của người khác.

Hồi còn đi học, lớp chúng tôi là lớp chuyên văn nên chỉ có ba bạn nam, trong đó có một bạn vừa học giỏi lại tốt tính, đẹp trai, ga-lăng nên được các bạn nữ trong lớp rất quý mến và quan tâm chăm sóc. Điều này vô tình đã làm hai bạn nam còn lại cảm thấy thua kém và bị cho ra rìa. Dần dà hai bạn đó chơi thân với nhau hơn là với bạn nam kia và hay đi cùng nhau. Một lần bạn nam ga-lăng bị mấy tên côn đồ chặn đường trấn lột, hai bạn nam còn lại nhìn thấy mà không có phản ứng gì hay gọi bảo vệ tới giúp, chỉ lẳng lặng bỏ đi và sau đó cũng chẳng hỏi han gì. Tất cả là vì họ vốn đã không ưa bạn nam kia mà nguyên nhân chỉ vì bạn ấy được chúng tôi quan tâm hơn. Sự dửng dưng trước nỗi bất công của người khác cũng là một kết quả buồn và không đáng có do tâm đố kỵ dẫn lối.

Trong “Bảy mối tội đầu” theo quan niệm của Ki-tô giáo, tương đương với tên bảy ác quỷ địa ngục, đố kỵ là Leviathan, tương ứng với từ envy (gốc latinh là invidia) trong tiếng Anh. Từ này có nghĩa là mất thị giác, nó gợi lên hình ảnh con người khi tật đố là đã tự mình che mờ mắt mình, nhìn mọi thứ sau lăng kính méo mó để rồi đâm quàng, đạp bậy trong vô minh. Như có một nhà báo phương tây đã ví von khi ta đố kỵ, ta như thuyền trưởng của một con tàu không định vị bằng la bàn hay những vì sao mà bằng chiếc kính viễn vọng bị méo mó. Con tàu rẽ ngang rẽ dọc để rồi đâm vào rạn san hô hay cơn bão lớn. Bằng cách kìm chế năng lực của chúng ta, sự đố kỵ làm ta ngày càng lấn sâu vào nó và luẩn quẩn không lối thoát.

Nguồn gốc của sự đố kỵ và cách làm chủ nó

Từ những năm 1950, nhà tâm lý học Leon Festinger đã xây dựng nên thuyết so sánh xã hội, theo đó, ta hay có xu hướng đánh giá bản thân thông qua việc so sánh mình với người khác. Ta thấy giá trị của mình được nâng lên khi người khác phạm sai lầm. Khi nhìn lên chúng ta thấy áp lực và mệt mỏi bởi những chuẩn mực cao hơn của người khác. Nhưng khi nhìn xuống thấy người khác không bằng mình thì chúng ta như được an ủi và thấy cuộc đời mình cũng không đến nỗi. Và cảm giác đó giống như giây phút đê mê của thuốc phiện, nó khiến ta nghiện và tìm cách thỏa mãn bằng việc tìm lỗi của người khác. Richard Smith, tác giả cuốn “Niềm vui từ nỗi đau” dùng thuật ngữ chuyên môn là “so sánh xuống” để giải thích cho hiện tượng tâm lý này và theo tác giả, nó đem lại một niềm vui khoái trá.

Tâm đố kỵ cũng là sản phẩm của những người tự ti vì sự kém ưu thế của họ. Nhà văn Pháp François de la Rochefoucauld đã từng viết:

Nếu bản thân chúng ta không có những khiếm khuyết thì chúng ta đã không khoái chí như vậy khi phát hiện ra những khiếm khuyết của người khác.

Thậm chí trần trụi hơn, sự đố kỵ được miêu tả bằng một câu nói được cho là của nhà văn Somerset Maugham rằng:

Sự thành công của ta không thôi không đủ, người khác phải thất bại nữa cơ.

Thường thì cảm xúc hả hê một cách độc địa được ngụy biện bởi việc ủng hộ lẽ phải và công lý. Nhưng trên thực tế, nó không liên quan gì hết. Hãy hình dung bố hay mẹ của bạn vi phạm pháp luật và chịu án tù. Bạn có thể vẫn đủ lý trí để thấy hình phạt là hợp lý, nhưng bạn sẽ không hả hê vì công lý đã được thực thi. Lúc đó, nhìn những người hả hê, bạn sẽ thấy sợ hãi.

Thời đại ngày nay, người ta tôn thờ sự bình đẳng, những học thuyết đầy sơ hở và sai lầm như lý thuyết cào bằng, thuyết tiến hóa thúc đẩy sự tranh đấu, khiến con người cảm thấy không có lý gì mình lại phải thua thiệt hơn người khác. Cùng với sự bùng nổ về truyền thông, người ta lại càng có cơ hội để so sánh bản thân mình với bất kỳ ai. Bên cạnh đó, những giá trị tâm linh, tín ngưỡng đề cao đạo đức dần bị quên lãng và lệch lạc, như loại bỏ đi một lực lượng đối kháng có thể làm dịu bớt ngọn lửa đố kỵ của con người.

Thay vì tin rằng cái gì là của mình thì sẽ là của mình, những gì không là của mình thì có cố gắng cũng không có được, người ta lại tin rằng mình có thể có được mọi thứ của người khác nữa. Người xưa tin vào số phận, vào nghiệp đức, nên ai có ưu thế hơn người khác là vì kiếp trước họ đã ăn ở tốt. “Mệnh lý hữu thì chung tu hữu, mệnh lí vô thì mạc cường cầu”, tức là trong mệnh có thì cuối cùng sẽ có, trong mệnh không có thì chớ cưỡng cầu. Người ta từ đó sẽ giảm bớt sự đố kỵ, ghen ghét mà khuyên răn nhau làm việc tốt để được phúc báo.

Các tín ngưỡng cổ xưa đều hướng con người ta đến cái Thiện, mà một biểu hiện của Thiện chính là biết đặt mình vào vị trí người khác, nghĩ cho người khác. Thế nên, trong cuốn “Đình huấn cách ngôn”, Hoàng đế Khang Hy đã viết:

Trong đối nhân xử thế, người ta cần phải thấy người khác đắc được gì thì nên sinh tâm vui mừng, khi thấy người khác bị mất mát gì thì nên sinh tâm thương cảm. Đây đều là điều tốt nên làm. Ghen ghét đố kỵ trước những thứ người khác đạt được, vui mừng trước thất bại của người khác, đều là những tâm xấu, tâm ác.

Người chỉ quan tâm đến thành quả của người khác thường sẽ bỏ qua câu chuyện đằng sau những thành tựu đó. Người đố kỵ với người khác không phát huy được điểm mạnh của mình mà chỉ sa lầy vào việc thỏa mãn trước điểm yếu của người khác. Họ cũng không học hỏi được gì từ sự thành công của người khác mà chỉ có mang lại sự trì trệ và thất vọng trong tâm. Nếu dành cả đời để đố kỵ, chúng ta sẽ không có thời gian và cơ hội nhận ra tiềm năng của mình, hoàn thiện bản thân một cách từ tốn, chắc chắn.

Trước thành công của người khác, chúng ta cũng phải tu dưỡng bản thân. Đầu tiên là từ thái độ nhìn nhận, thành tâm chúc phúc và cảm nhận được hạnh phúc của họ, điều đó chỉ mang lại cảm giác tích cực cho chúng ta mà thôi. Sau đó là đánh giá một cách toàn cảnh thành công của họ mà không để cảm xúc ghen tị che mắt, lúc đó chúng ta sẽ có cơ hội học hỏi. Đối với những thất bại của người khác cũng vậy, chúng tà hoàn toàn có thể rút được kinh nghiệm cho bản thân với sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Khi chúng ta không thể xót thương cho người khác dù là kẻ thù thì chúng ta đang mất đi nhân tính. Chúng ta sẽ mất niềm tin vào người khác bởi chính chúng ta cũng không thể bao dung. Khi đã mất niềm tin, nó lại là một vòng luẩn quẩn để tâm tật đố lộng hành và ăn mòn nhiệt huyết cũng như trí tuệ của chúng ta.

Ảnh minh họa: Shutterstock

Exit mobile version