Đại Kỷ Nguyên

Kỹ sư phần mềm Ấn Độ khám phá ra ‘mật mã bí mật’ của hạnh phúc trong cuộc sống

Tốt nghiệp và nhận bằng Tiến sỹ tại đại học Columbia danh tiếng, từng làm việc cho hai ngân hàng thuộc top hàng đầu thế giới Godman Sachs và Merrill Lynch, hiện là kỹ sư phần mềm cao cấp trong một hãng phần mềm đa quốc gia, nhưng Sunam Srinivasan, chàng thanh niên người Ấn Độ hiện đang sinh sống tại Seattle, Hoa Kỳ lại thực sự chinh phục đồng nghiệp và bạn bè bằng sự dung dị, chân thành, thế giới quan sâu sắc và tích cực của anh.

Trong một buổi phỏng vấn với đài truyền hình Tân Đường Nhân, anh chia sẻ: “Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện thiền định cổ xưa của Trung Hoa với nguyên lý uyên thâm được gói gọn trong ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn đã cải biến vận mệnh và tâm hồn tôi”.

Trong ảnh là Sunam Srinivasan (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Đọc sách là niềm đam mê từ thuở ấu thơ

Suman Srivivasan sinh ra trong một gia đình giàu có tại Chennai, Ấn Độ. Các thành viên trong gia đình khi trưởng thành đều là những người thành đạt: bốn kĩ sư, một bác sĩ. Từ nhỏ anh đã có xu hướng thích nghiên cứu và ham đọc sách – có lẽ đây là bước khởi điểm tạo nền tảng cho tương lai của anh sau này.

Srinivasan chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã dành hầu hết thời gian của mình đọc sách, cả tiểu thuyết lẫn các sách kiến thức. Tôi đặc biệt rất thích đọc những cuốn bách khoa toàn thư! Không giống những đứa trẻ khác ưa thích những môn thể thao, tôi lại hay ngồi lì trong phòng và đọc sách”.

Cuộc sống sinh viên tự lập và con đường tìm hiểu tâm linh

Năm 2001, Srivivasan chuyển tới Floria để theo đuổi tấm bằng Cử nhân ngành Kĩ sư điện tử tại đại học Florida.

Cuộc sống ở Mỹ không hề dễ dàng. “Dù rất phấn khích trước một khởi đầu mới trong cuộc đời, tôi cảm thấy mình vẫn chưa thực sự sẵn sàng xa gia đình để sinh sống tại một nơi xa lạ. Từ nhỏ tôi đã luôn được gia đình bao bọc che chở, giờ bỗng nhiên phải tự lo liệu tất cả cho bản thân.”

Suman Srinivasana theo đuổi ngành Kĩ sư điện tử (Ảnh do nhân vật cung cấp)

“Trước khi sang Mỹ khoảng một năm, tôi đặc biệt quan tâm đến những cuốn sách về tâm linh. Tôi đã đọc không biết bao nhiêu sách về chủ đề này. Khám phá thế giới tâm linh huyền bí, cuộc đời của những yogi, thiền sư… cho tôi một thế giới quan rộng mở và sâu sắc hơn. Tôi phát hiện rằng con người hiện đại mặc dù có thể giàu có về vật chất nhưng lại đang mất dần khả năng liên hệ với chính bản thân mình, bởi vậy họ trở nên yếu đuối, cô độc, nghèo nàn trong tâm hồn. Cuộc sống vật chất đang kéo con người rời xa khỏi những giá trị tinh thần thuần túy có sức mạnh giúp thăng hoa tư tưởng, đạt đến trí huệ khai mở. Không muốn dừng lại ở việc tìm kiếm những tri thức bất tận từ những trải nghiệm của các vị hành giả, hay đơn giản là áp dụng một số chỉ dẫn mang tính kỹ thuật, tôi muốn tìm ra con đường tâm linh cho chính bản thân mình, để tự trả lời câu hỏi: “Ý nghĩa chân chính của cuộc đời này là gì?”.

Có lẽ bởi tâm nguyện cao quý và mạnh mẽ này, mà chỉ sau vài tháng Srinivasana đã có cơ duyên tìm được “mật mã” cho cuộc đời của anh.

“Tình cờ tôi được một sinh viên trong nhóm tập Pháp Luân Đại Pháp ở Florida cho một tờ giới thiệu. Tò mò, tôi thử tập các động tác và sau đó đọc sách và các bài kinh văn. Chỉ sau vài tháng đọc sách và tập luyện, tôi nhận ra đây chính là điều mà tôi đang tìm kiếm. Pháp Luân Đại Pháp đã lý giải được hết thảy các câu hỏi bấy lâu vẫn mơ hồ chưa có lời giải một cách thấu đáo trong tôi”, anh nói thêm.

Suman đang tập bài công pháp số 5 của Pháp Luân Công (Ảnh: Dai Bing/Epochtimes)

Không chỉ tìm thấy con đường tâm linh chân chính, giống như hàng trăm triệu học viên Pháp Luân Đại Pháp trên khắp thế giới, Srinivasan còn nhận được từ Đại Pháp những lợi ích dễ nhận thấy nhất cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Anh nói: “Tôi đã có thể ngủ như một đứa trẻ ngay sau lần tập đầu tiên. Hơn nữa, chứng đau nửa đầu từ nhỏ đã biến mất hoàn toàn. Trước đây hệ tiêu hóa của tôi rất nhạy cảm, tôi chỉ có thể ăn được những món ăn chế biến đơn giản. Nhưng ngay khi mới tập, tôi có thể ăn đủ các loại cao lương mỹ vị mà không gặp bất kể vấn đề gì”.

“Tôi cũng không còn suốt ngày lo lắng đủ chuyện như trước kia, tâm thái hết sức an bình, cuộc sống lại được cải thiện về mọi mặt”, anh nói thêm.

Sau khi hoàn thành chương trình học Thạc sĩ tại đại học Floria, năm 2005, Srinivasan tiếp tục theo học Tiến sĩ ngành Khoa học vi tính tại một trong những đại học danh tiếng nhất thuộc cụm trường đại học “Năm sao” – Đại học Columbia. Phải mất 6 năm để anh đạt được tấm bằng Tiến sỹ này.

Anh nói, “Bằng Tiến sĩ rất khó đạt được bởi rất nhiều lý do. Ngay từ đầu, nó đã là một núi công việc. Trong suốt quá trình thực hiện cho đến tận phút chót, áp lực phải tạo ra thứ gì đó mới mẻ và sáng tạo luôn đè nặng lên chúng tôi. Tôi hiểu vì sao rất nhiều người đã phải bỏ giữa chừng kể cả khi họ đã tiến sát đến chặng cuối. Tôi cảm thấy mình quá may mắn. Pháp Luân Đại Pháp đã giúp tôi khai mở trí huệ, cho tôi bản lĩnh vững vàng và tâm thái bình tĩnh để theo đuổi và hoàn thành được khóa học Tiến sỹ của mình”.

Suman trong ngày nhận bằng tiến sỹ tại đại học Columbia. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Trong quãng thời gian học tập và nghiên cứu tại đại học Columbia, Srinivisan là đồng tác giả hai bằng sáng chế của Hoa Kỳ. Chính vì luôn vững tin trên con đường đã chọn nên cũng rất tự nhiên anh đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp. Trong thời gian vài năm trở lại đây, Srinivasan công tác tại hai ngân hàng đầu tư nổi tiếng thế giới trên phố Wall là Goldman Sachs và Merrill Lynch tại Manhattan.

Là chuyên gia trong một lĩnh vực luôn cần đổi mới, sáng tạo và đầy cạnh tranh, nhưng áp lực công việc dường như không thể động đến con người Srinivisan. Ở anh luôn toát lên vẻ điềm tĩnh bình an đến kỳ lạ. Srinivasan chia sẻ chính đức tin mạnh mẽ vào Đại Pháp đã cho anh dũng khí và sự tự tin để hoàn thành thành xuất sắc công việc.

“Bài thiền định của Pháp Luân Đại Pháp khơi dậy trong tôi những xúc cảm thánh thiện, thuần khiết, mang đến cho tôi một trí tuệ minh mẫn và tâm thái bình tĩnh. Điều này khiến khả năng suy xét vấn đề của tôi trở nên thấu đáo hơn, khi gặp những tình huống hóc búa, chỉ cần lắng tâm lại, tôi sẽ tìm ngay được cách giải quyết”.

Suman đang tập bài công pháp số 2 của Pháp Luân Công (Ảnh: Edward Dai/Epoch Times)

Pháp Luân Đại Pháp (hay còn được gọi là Pháp luân Công) bắt đầu được phổ truyền ở Trung Quốc vào năm 1992 như một môn khí công và thiền định cổ xưa dựa trên những giá trị đạo đức truyền thống của Trung Quốc. Khác với các môn khí công thông thường lấy các động tác làm cơ sở rèn luyện thể chất, Pháp Luân Công dạy người thực hành biết đề cao tâm tính, lấy nguyên lý “Chân Thiện Nhẫn” làm nguyên tắc ứng xử, từ đó cải biến tinh thần, thăng hoa tư tưởng.

Vì tác dụng chữa bệnh tuyệt vời và những nguyên lý uyên thâm của Pháp Luân Đại Pháp, trong vòng sáu năm 1992 – 1998 đã có khoảng 70-100 triệu người theo tập tại Trung Quốc. Chỉ vì đố kị cá nhân và nỗi sợ hãi hoang tưởng về quyền lực, khi đó ông Giang Trạch Dân là Tổng Bí Thư, Chủ Tịch nước kiêm Tổng tư lệnh quân đội – nắm quyền lực tuyệt đối tại Trung Quốc đã bất chấp sự phản đối của hầu hết các thành viên trong Bộ Chính Trị, đơn phương phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Để thực hiện được cuộc đàn áp, Giang Trạch Dân đã huy động bộ máy truyền thông khổng lồ trên toàn quốc, thực hiện chiến dịch “tuyên truyền một chiều” để lừa dối, phỉ báng, bôi nhọ, tạo dựng chứng cớ giả… cố tình dán nhãn Pháp Luân Công là một tà giáo, gieo vào lòng người dân và các cấp chính quyền thù hận đối với môn tu luyện ôn hòa này, từ đó tước đoạt quyền công dân của các học viên và chuyển hướng dư luận sang phía chống lại Pháp Luân Công.

Chiến dịch đàn áp của ĐCSTQ đã khiến hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị bắt giam bất hợp pháp (con số này cho đến nay vẫn không thể xác định chính xác). Với những khẩu hiệu do Giang đưa ra như “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”, “học viên Pháp Luân Công bị chết trong trại giam được tính là tự sát”, “hỏa thiêu ngay không cần được thân nhân đồng ý”…

Srinivasan đã từng sửng sốt và rất bất bình khi nghe về cuộc bức hại học viên Pháp Luân Đại Pháp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc từ các phương tiện truyền thông trước khi tu luyện, nhưng giờ đây, sau khi tự mình trải nghiệm những lợi ích tuyệt vời mà Pháp Luân Đại Pháp mang lại, anh càng nhận thức được sâu sắc hơn sự tàn bạo vô nhân tính và sự dối trá vô song của chính quyền Trung Quốc.

(Ảnh: Edward Dai/ Epoch Times)

Không thể thờ ơ đứng ngoài cuộc, Srinivasan tích cực tham gia vào các hoạt động nâng cao nhận thức về cuộc bức hại cho cộng đồng trong khu vực. Anh cũng trực tiếp tổ chức các buổi giới thiệu về vẻ đẹp của Đại Pháp. “Tôi tận dụng các công cụ trực tuyến để giúp nhiều người hơn nữa biết về những gì đang diễn ra tại Trung Quốc”.

Khi được hỏi điều gì là “bộ quy tắc” hoàn hảo của anh trong cuộc sống, Srivinasan chia sẻ: “Là một kĩ sư phần mềm, tôi được đào tạo để xây dựng những hệ thống chuẩn mực, thiết thực và mạnh mẽ, cung cấp cho người sử dụng những trải nghiệm mới mẻ thú vị. “Bộ quy tắc hoàn hảo” trong cuộc sống với tôi càng đơn giản hơn. Chỉ cần bạn biết trân trọng và tuân thủ những giá trị đạo đức cao quý, tự bạn đã trở nên chuẩn mực, hữu ích và khiến những người xung quanh trở nên hạnh phúc hơn”.

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Theo NTD Ấn Độ 

An Nhiên 

Exit mobile version