Đại Kỷ Nguyên

Khoan dung với người khác chính là để lại cho mình một lối thoát, một đường lùi

Khi con người có thể bao dung, yêu thương nhau và thôi nhìn vào những khuyết điểm, sai lầm của người khác, lúc ấy cuộc sống này, thế giới này sẽ tuyệt vời biết mấy…

Một cao tăng được mời đi dự tiệc. Trên bàn bày đầy những món chay trang trí vô cùng đẹp mắt. Bỗng nhiên ông phát hiện trong đĩa lại có một miếng thịt lợn. Một đệ tử của ông cố ý lấy đũa bới miếng thịt lên, có ý để cho gia chủ trông thấy. Thấy vậy vị cao tăng mau chóng dùng đũa của mình đẩy miếng thịt khuất đi.

Lát sau, người đệ tử kia lại bới miếng thịt lợn lên. Nhưng rồi cao tăng lại thêm một lần nữa che miếng thịt lại. Bấy giờ ông mới gọi người đệ tử tới bên và nói khẽ vào tai: “Con mà còn lật nó lên một lần nữa ta sẽ ăn ngay”. Người đệ tử nghe thầy nói vậy thì dạ dạ mấy tiếng rồi không dám bới miếng thịt lên nữa.

Tiệc xong, thầy trò cao tăng từ biệt gia chủ ra về. Trên đường về, người đệ tử trong lòng vẫn không khỏi băn khoăn, nghi hoặc nói: “Thưa thầy, vừa rồi rõ ràng là đầu bếp không biết ý, để lẫn thịt vào trong đồ chay của chúng ta? Đệ tử chẳng qua muốn gia chủ biết mà trừng phạt ông đầu bếp”. 

Cao tăng từ tốn nói: “Người đầu bếp nào có tội gì, bất quá chỉ là vô ý trong lúc bận bịu cuống cuồng. Nếu chủ nhà thấy miếng thịt trong món chay ắt là sẽ nổi giận mà trừng phạt ông ấy. Người đầu bếp có thể còn bị đuổi việc. Ông ta có thể còn phải nuôi mẹ già, vợ dại con thơ ở nhà, nay bỗng dưng mất miếng cơm hỏi sẽ ra sao? Đây có phải là điều mà con muốn thấy không?“.

Hãy bao dung, yêu thương nhau và thôi nhìn vào những khuyết điểm, sai lầm của người khác. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Người đệ tử ngơ ngác, ấp úng: “Không thưa thầy… Con không hề muốn như thế…“.

Vị cao tăng lại tiếp lời: “Đời người ai mà chẳng mắc sai lầm. Đừng nên chỉ biết lý mà bỏ qua tình. Bỏ qua được một điều thì nhẹ lòng hơn được một chút“.

Người đệ tử chắp hai tay trước ngực cung kính như tạ lỗi với thầy: “Con hiểu rồi thưa thầy! Đoạt lý quan trọng nhưng không thể quên người“.

***

Hoàn cảnh, quan niệm sống của mỗi người không giống nhau. Sự khác biệt ấy khiến nhiều lúc người ta không thể chấp nhận dung thứ, hòa hợp với nhau. Khi không thể đối đãi khoan dung, họ lại hay soi mói vào lỗi sai và khuyết điểm của người khác.

Khi bản thân phải chịu đựng thiệt thòi, người ta hầu hết đều chọn hành xử như người đệ tử nọ, tức là ăn miếng trả miếng, vạch sai lầm, nghĩ cách trừng phạt. Hỏi mấy ai có thể suy nghĩ thấu đáo, lấy thiện đãi người như vị cao tăng kia đây?

Người đầu bếp cho thịt vào món chay, về lý mà nói là không tôn trọng và có phần bất kính với cao tăng. Nhưng phải chăng ông ta cố tình làm như vậy? Người luôn mang trong mình từ bi, hòa ái thì rất dễ cảm thông, tha thứ cho kẻ phạm sai lầm.

Cổ nhân nói: “Kim vô túc xích. Nhân vô thập toàn” (Vàng không thuần khiết, người không hoàn hảo). Trên đời, ai cũng có thể mắc lỗi lầm, phạm khiếm khuyết. Nếu chỉ nhìn vào những sai lầm để đánh giá một người, có lẽ bạn có đi khắp thế gian cũng không tìm được một người tốt thực sự.

Vàng không thuần khiết, người không hoàn hảo. Ảnh dẫn theo pinterest.com

Tha thứ, bao dung mới là khó, vạch lỗi, tìm sai lại dễ sao! Thế sự trăm năm như gió thổi mây trôi, hoa rơi nước chảy, được mất vinh nhục, phải trái đúng sai rồi cũng thành hư ảo cả. Trong những năm còn hưởng phúc Trời, hãy biết bao dung lấy người và trao đi yêu thương, yêu thương nữa…

Bởi vì:

Cho người khác một lối thoát cũng chính là để lại cho mình một đường lùi

Văn Nhược

Xem thêm:

 

 

 

Exit mobile version