Đại Kỷ Nguyên

Khi lâm bước đường cùng, chuyển biến quan niệm thì sẽ tìm ra lối thoát

Ảnh dẫn theo Vision Times.

Nếu như một người có thể bảo trì thanh tỉnh, biết mình biết người, buông xuống đúng lúc, rời đi đúng thời điểm thì có thể giúp cho bản thân luôn được bình an. 

Người sống trên đời, mấy ai đi hết đường đời mà luôn được thuận buồm xuôi gió? Con người phải đối diện với sinh lão bệnh tử, nhân sinh tại thế cũng chỉ trên dưới 100 năm, tại đường đời còn phải trải qua không ít khổ nạn lớn nhỏ. Tục ngữ có câu: “Nhân sinh xử thế như đi đường, thường có núi non sông hồ ngăn trở bước đi”

Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc thay đổi góc nhìn khi gặp phải khó khăn? Nếu không thể nghĩ ra phải bước tiếp như thế nào thì bạn thử chuyển biến quan niệm nhìn vấn đề một chút xem? Nếu thấy trong lòng buồn khổ thì hãy ngẫm lại xem bản thân có nên đảo ngược suy nghĩ một chút không? 

‘Kinh Dịch’ có câu: “Cùng đường sẽ có biến, biến rồi thì sẽ thông, thông rồi thì sẽ dài lâu. Đây là lẽ tự nhiên, có lợi mà vô hại”

Khi bạn học được thay đổi cách nhìn thì nhân sinh sẽ đổi vận. Đây cũng chính là trí tuệ cao cấp nhất đời người. 

Thứ nhất, cần hiểu được “vật cực tất phản, thịnh cực tất suy, đến lúc thì cần biết thay đổi quan niệm”

Phạm Lãi là người nước Sở thời Xuân Thu. Ông là một chính trị gia và nhà quân sự nổi tiếng, từng trợ giúp Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Cho nên, khi ban thưởng cho quần thần, Câu Tiễn đã phong cho Phạm Lãi làm tướng quân. Lúc đó sự nghiệp của Phạm Lãi đã đạt đến mức cực điểm, quyền lực của ông chỉ dưới một người mà trên vạn người. 

Tuy nhiên, Phạm Lãi không bị danh lợi làm cho mờ mắt. Ông rất tỉnh táo nhìn xét tình cảnh của bản thân. 

Bây giờ nước Ngô, đối thủ lớn nhất của nước Việt, đã bị diệt vong. Các nước chư hầu khác nếu không cách xa thì cũng là nước yếu nên không có khả năng đe dọa tới nước Việt. Thiên hạ lúc này đã thái bình, mà ông lại có công cao lấn chủ, đây là tình thế vô cùng nguy hiểm. 

Phạm Lãi biết rất rõ tính cách của Câu Tiễn, là người có thể cùng chung hoạn nạn mà không thể cùng hưởng vinh hoa phú quý. Vì vậy, ngay khi con đường làm quan đang rất hanh thông, ông lại xin từ chức. 

Đương nhiên, Câu Tiễn không muốn mất đi Phạm Lãi nên đã lấy việc phân chia đều lãnh thổ quốc gia làm điều kiện để níu giữ. Tuy nhiên, Phạm Lãi vẫn lặng lẽ dắt theo vợ con rời đi. 

Bên cạnh Câu Tiễn lúc này chỉ còn lại đại thần là Văn Trọng làm phụ tá. Nhưng không lâu sau đó, quả nhiên Câu Tiễn sinh lòng nghi ngờ nên đã tìm gán một trọng tội để xử tử Văn Trọng. Còn đối với Phạm Lãi mà nói, nhờ thay đổi góc nhìn vấn đề, ông chọn công thành thân thoái mà tránh được họa sát thân. 

Trong thăng trầm của cuộc đời, mấy ai có thể làm được thân thoái, trí tuệ thanh tỉnh? ‘Đạo Đức Kinh’ viết có nói: “Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh, tệ tắc tân, thiểu tắc đắc, đa tắc họa” (Cái gì khiếm khuyết, thì làm cho toàn vẹn. Cái gì cong, thì làm cho ngay ngắn. Cái gì trũng thì làm cho đầy. Cái gì cũ thì làm cho mới. Ít thì lại được, nhiều thời lại mê). 

Nếu như một người có thể bảo trì thanh tỉnh, biết mình biết người, buông xuống đúng lúc, rời đi đúng thời điểm thì có thể giúp cho bản thân luôn được bình an. 

Tục ngữ có câu: “Trăng tròn thì khuyết, nước đầy thì tràn”, tất cả vạn sự vạn vật khi phát triển đến cực điểm thì sẽ bắt đầu suy tàn. 

Lúc đời người đang hanh thông cũng không tham công, không níu giữ, đến lúc cần thay đổi cách nghĩ, giã từ sự nghiệp khi đang ở đỉnh vinh quang, đó lại chính là đại trí tuệ. 

Thứ hai, việc gì cũng có hai mặt, vì thế làm người thì nên nhìn vào điều tốt 

Nếu ai đó hỏi chúng ta một chuyện tốt và một chuyện xấu, bạn muốn nghe cái nào trước? Hầu hết mọi người đều trả lời rằng muốn nghe chuyện tốt trước, bởi vì bản chất con người là cảm thấy vui khi nghe được điều tốt, và lo nghĩ phiền lòng khi nghe thấy điều xấu.

Cho nên mới nói, hãy nhìn thế giới từ góc độ tích cực với tấm lòng bao la rộng lớn như biển cả. 

Lão Tử nói: “Phúc hề họa sở ỷ, họa hề phúc sở trí”, tức là họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa, phúc nếu như hưởng hết thì tất sẽ chiêu mời họa. Tốt hay xấu tùy vào cách nhìn của người trong cuộc.

Một nông phu và người khuân vác cùng vào rừng sâu thám hiểm. Khi gọt hoa quả, người nông phu bất ngờ bị đứt tay. Người khuân vác đi cùng liền nói lớn: “Thật tốt quá! Ông trời đã ban thưởng cho anh rồi!”. Người nông dân nghe được lời này thì rất tức giận, vì thế đã ném người khuân vác xuống hố sâu và rời đi một mình. 

Ngày hôm sau, một nhóm người man rợ bắt được người nông dân và muốn giết anh ta để hiến tế, nhưng họ bất ngờ phát hiện ra rằng ngón tay của anh bị đứt. Đó là một vật tế không hoàn mỹ, vì vậy họ đã thả anh ta đi. 

Người nông dân vội chạy đến bên hố sâu để giải cứu và xin lỗi người khuân vác.

Thế nhưng người này lại nói: “Có gì phải xin lỗi chứ, nếu chúng ta đi cùng nhau, rất có thể tôi đã trở thành vật hiến tế”.

Có những sự việc tưởng là tốt lại hóa ra là xấu. Có những việc tưởng là xấu nhưng hóa ra lại là tốt. Bởi vậy mới nói, trong phúc có họa, trong họa có phúc. 

Vương Dương Minh từng nói: “Không có thứ gì ngoài tâm, không có lý gì ngoài tâm”. Tất cả các vấn đề trên thế giới đều là vấn đề của tâm con người, nếu tâm sáng thì không có việc gì không thể giải quyết. 

Các vấn đề khó khăn không ngừng khiến chúng ta phiền muộn. Khi thực sự không biết phải làm thế nào thì chúng ta nên chuyển đổi góc nhìn, hiểu thấu rồi sẽ thấy phúc họa nương tựa vào nhau và đời người vẫn luôn có lúc thăng lúc trầm. 

Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể làm được: Đắc ý thì xem nhẹ, thất ý thì thản nhiên. 

Thứ ba, khi lâm vào sơn cùng thủy tận thì biết đổi hướng mà đi

Hầu hết chúng ta đều không muốn thay đổi, giống như chúng ta luôn quen đến cùng một nhà hàng ăn cơm, đến cùng một cửa tiệm để mua quần áo và đi cùng một con đường tới cơ quan làm việc.

Thói quen khiến chúng ta cảm thấy an toàn.

Nhưng đến một ngày, kinh nghiệm trong quá khứ không thể đưa chúng ta thoát khỏi khốn cảnh, bạn có nên thay đổi cách nhìn vấn đề hay không? Lưu Vũ Tích, một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, từng nói: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ”

Có một câu chuyện như thế này, ngày xưa, có một người thợ làm giấy đã vô tình thực hiện sai công thức khiến cho lô giấy sản xuất ra không thể viết được. Người chủ rất tức giận nên đã quyết định sa thải anh.

Người thợ làm giấy tỏ ra rất thất vọng. Một ngày nọ bạn của anh khuyên rằng: “Bất kể sự việc gì đều có tính hai mặt, nếu không ngại thì bạn thử thay đổi góc nhìn xem, có thể từ trong đó mà tìm được lối thoát”. 

Câu nói của người bạn khiến anh bừng tỉnh. Anh phát hiện lô giấy này có khả năng hút nước vô cùng tốt. Thế là anh liền đem cắt lô giấy không viết được thành giấy gia dụng đem ra chợ bán, quả nhiên nó rất được mọi người yêu thích. 

Thay đổi góc nhìn, thoát khỏi khốn cảnh. “Núi cùng nước tận ngờ hết lối, bóng liễu hoa tươi lại một làng”. (Nguồn ảnh trên: Adobe stock)

Trong “Kinh Dịch” có câu: “Khúc thành vạn vật mà không di” (Uốn nắn thành vạn vật mà không bỏ sót thứ gì). Sự phát triển vạn vật đều không phải là một đường thẳng, mà là có khúc chiết và lặp lại. 

Trên đường đời khó tránh khỏi những lúc nghĩ không được thông suốt. Nếu đã vậy thì sao chúng ta không chọn cách thay đổi góc nhìn, nếu vẫn thấy không thông, thì lại tiếp tục thay đổi cho đến khi thấy được đường ra mới thôi. 

Nhân sinh là quá trình không ngừng tu chỉnh bản thân. Trong thiên hạ rộng lớn này, ai có thể đảm bảo rằng mọi việc bản thân gặp phải đều thông thuận?

Lúc gặp khúc mắc cũng chính là thời điểm mà Thượng Thiên nhắc nhở chúng ta tu chỉnh chính mình, nhìn rõ tình thế, kịp thời thay đổi quan niệm. So với việc khư khư cố chấp, đầu rơi máu chảy thì đây lại là việc làm vô cùng lý trí và trí tuệ. 

Trí tuệ cao cấp nhất của một người chính là có thể chuyển biến. Có thể thay đổi quan niệm chính là sự thanh tỉnh, chuyển biến góc nhìn chính là buông xuống định kiến. Khi ở nơi sơn cùng thủy tận, nếu làm được thay đổi góc nhìn ngay lập tức, thì sẽ thấy được “liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”. 

Theo Vision Times
San San biên dịch

Exit mobile version