Kết cục tồi tệ nhất của hôn nhân không phải ly hôn, mà là chịu đựng. Là phụ nữ, bạn có thể nhẹ nhàng chia sẻ chứ đừng nên im lặng.
Phụ nữ khi yêu đều mù quáng
Hai ngày qua, Ngọc, cô bạn thân của tôi luôn trong tâm trạng nóng nảy, bất an. Hôm qua mới 2 giờ sáng Ngọc đã gọi điện cho tôi để kể khổ, chuyện chẳng có gì ngoài những mâu thuẫn với bạn trai.
Ngọc và Huy đã yêu nhau được 7 năm. Vì tình yêu, nên sau khi tốt nghiệp cô không chút do dự quyết định ở lại thủ đô cùng bạn trai, mặc cho bố mẹ đã sắp xếp cho cô một công việc khá lý tưởng ở thành phố quê nhà.
Lúc mới bắt đầu, tình cảm của cả hai đều rất tốt, ngày nào cũng lên mạng xã hội công khai thể hiện tình cảm. Nhưng những ngày tháng tươi đẹp không kéo dài lâu, sau 3 tháng mặn nồng, trạng thái mật ngọt trên trang cá nhân của cả hai đều biến mất. Cô bạn thường than vãn với tôi rằng tình cảm của hai người chẳng có gì ngoài những chuyện vặt vãnh trong cuộc sống.
Nhưng lần này thì khác, cuộc gọi lúc 2 giờ sáng khiến tôi linh cảm có gì đó bất ổn. Đầu dây bên kia là những tiếng khóc nức nở, mãi lâu sau cô bạn mới có thể cất lời: “Tớ thực sự không thể tiếp tục được nữa, tớ quyết định chia tay và về quê”.
Mối tình đã kéo dài 7 năm, quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không phải là ngắn, vậy mà nói chia tay liền chia tay. Chắc chắn Ngọc rất đau lòng, nhưng cô cũng hiểu rõ nguyên nhân là do đâu: Tính cách người bạn trai quả thực rất tệ, động một chút là doạ dẫm, động một chút là quát nạt bạn gái. Sau thời kỳ mật ngọt, cho dù Ngọc làm gì thì cuối cùng anh ta đều là người đổ lỗi cho đối phương.
Có lần nhóm bạn tôi hẹn nhau đi dã ngoại. Ngọc trang điểm hơi chậm khiến cả hai tới trễ, kết quả là từ lúc xuất hiện cho tới khi ra về, cậu bạn trai liên tục mắng nhiếc Ngọc, nói mãi những câu như ‘cô thật là rắc rối’, và ‘vì sao cô không nhanh nhẹn hơn chứ’, rồi thì ‘nếu cứ như thế, sau này sẽ không đi với cô nữa’…
Chúng tôi biết hai người không hợp nhau nên đã khuyên nhủ và an ủi Ngọc rất nhiều, nhưng cô khăng khăng nói: “Tớ yêu Huy, cũng yêu cả tính xấu của anh ấy”.
Phụ nữ khi yêu đều mù quáng. “Tớ yêu anh ấy, cũng yêu cả tính xấu của anh ấy”, nghe thật là lãng mạn và cao thượng làm sao! Một hai ngày còn có thể chịu được, tình yêu có thể làm chiếc áo đỡ đạn cho tính xấu. Nhưng thời gian dài cứ kéo dài như thế, chiếc áo đỡ đạn cũng có ngày bị xuyên qua.
Là bạn bè, là người yêu, thậm chí là thân nhân, cứ một mực chịu đựng không phải là cách để hoà hợp. Từ xưa cha ông ta đã dạy về “tam tòng tứ đức”, sống cùng nhau đương nhiên cần quan tâm chăm sóc nhau. Nhưng nếu đối phương có khuyết điểm mà bạn không chịu được thì cần phải nói ra, nếu bạn không nói ra, anh ấy làm sao sửa đổi được?
Bạn đối tốt với tôi, nhưng tôi cũng có lựa chọn của riêng mình
Hàng xóm nhà tôi là một cặp vợ chồng lớn tuổi, hễ ông đi đâu thì đều đưa bà đi cùng. Cặp vợ chồng đều hơn 70 xuân, con cái công tác ở thành phố khác, thỉnh thoảng cuối tuần về thăm cha mẹ, vì thế bình thường chỉ có hai ông bà chăm sóc cho nhau. Bà thì di chuyển khó khăn, chẳng muốn đi đâu, nhưng ông lại không nỡ để bà ở nhà một mình, vì thế dù đi đâu ông đều đẩy xe đưa bà đi cùng. Trong mắt chúng tôi, cặp vợ chồng già đáng yêu này là đôi uyên ương gắn với nhau như hình với bóng.
Một ngày khi vừa đến siêu thị tôi liền nhìn thấy ông bà đang ầm ĩ tranh luận. Câu chuyện chẳng có gì nhưng vẫn khiến cho mọi người một phen dở khóc dở cười. Thì ra vấn đề chỉ là muốn hay không muốn vào siêu thị, vậy mà họ cứ thế cãi nhau ở ngay cửa ra vào.
Chuyện là, hôm ấy ông muốn đi mua trứng gà, theo thói quen đẩy xe đưa bà cùng vào siêu thị. Bà vốn thích ở nhà xem ti-vi, chương trình đang đến hồi gay cấn vậy mà chẳng hiểu sao lại bị đẩy xe đi. Suốt chặng đường bà tỏ vẻ khó chịu nhưng ông đều bỏ ngoài tai. Mãi tới lúc đến cửa siêu thị, ông không chịu được mới nói: “Đưa bà tới siêu thị cho mát là vì muốn tốt cho bà, thế mà bà không cảm ơn tôi lại còn nổi nóng, sống chết nhất định không vào!”. Lời qua tiếng lại, hai người vô tình gây náo động ở cửa ra vào.
Tôi nghe mà không nén nổi cười, bèn quyết định cùng họ vào siêu thị mua trứng gà rồi lại cùng họ về nhà. Trên đường về, cụ bà buồn rầu nói với tôi: “Ông ấy lúc trẻ tính khí xấu lắm, cứ thích tự mình quyết định. Nhưng lúc đó tôi sợ ông ý, giờ không động nổi ông ý, không đấu nổi với ông ý”. Thì ra vấn đề là cụ ông thích tự quyết định, cụ bà chịu không nổi nên mới to tiếng phản kháng như vậy.
Tôi không nhịn nổi cười, vừa nói vừa trêu bà: “Thế mà bác có thể nhẫn được thì nhất định là tình yêu đích thực rồi!”. Nào ngờ cụ bà hậm hực nói: “Tôi không chịu được, tôi ghét nhất tính xấu đó của ông ấy. Hồi trẻ tôi muốn mua chiếc váy màu vàng, ông ấy lại cứ khăng khăng rằng màu hồng mới đẹp rồi đổi sang chiếc màu hồng. Lúc đó tôi giận lắm, trong bụng nghĩ nếu cả đời sống với người thế này thì mình sẽ tức khí mà chết mất. Chị thấy đấy, tôi còn có chút tự do nào không? Những ngày đó tôi không muốn tiếp tục sống với ông ấy, trong tâm còn nghĩ rằng qua được thì sẽ qua, không được thì buông xuôi luôn đấy!”.
Cụ ông ở bên cạnh cười hà hà, lắc đầu rồi nói: “Đúng rồi, đúng rồi, là tôi xấu tính. Chẳng phải bà muốn xem phim đúng không, nào, bây giờ tôi cùng về xem với bà nhé?”.
Yêu ghét đều cần lên tiếng
Trong tình yêu và hôn nhân, điều đáng sợ nhất có lẽ là: “Anh tự ý làm thế là vì muốn tốt cho em”, hay là: “Em yêu anh, cũng yêu cả tính xấu của anh”. Cũng giống như tình yêu của Ngọc và Huy: Yêu cả tính xấu, nhẫn chịu cả những điều tưởng như không chịu được. Dần dần trong mắt người bạn trai, cách đối xử tệ bạc kia trở thành lẽ đương nhiên khiến anh ta mất đi cảm giác trân trọng lúc ban đầu. Rồi đến một ngày, Ngọc không thể chịu đựng nổi nữa, khóc lóc khổ sở nói chia tay. Lúc này người bạn trai sẽ không hiểu được: Chẳng phải chúng ta vẫn như thế sao, vì sao lúc đầu không có chuyện gì, giờ thì lại không được? Có phải em không còn yêu anh?
Bạn không nói, anh ấy sẽ không hiểu, và cũng không biết được trong lòng bạn nghĩ gì. Đừng nói rằng: “Em yêu anh, và yêu cả tính xấu của anh”, cũng đừng hy vọng tính xấu kia sẽ tự nhiên cải thiện. Bạn cần cho anh ấy hiểu rằng như vậy là không được, rằng bạn không muốn thế. Nếu thực sự yêu bạn, anh ấy sẽ nguyện ý vì bạn mà dần dần thay đổi bản thân. Khi mối quan hệ xấu đi, chúng ta hãy tìm ra các cách tốt nhất để vượt qua, đừng vì mềm lòng mà chấp nhận việc “anh làm vì muốn tốt cho em” làm cái cớ. Bạn có thể nhẹ nhàng, nhưng không được im lặng, với anh ấy im lặng nghĩa là cho phép. Đừng đợi tới ngày những dồn nén trong lòng bùng nổ, nó có thể phá hỏng mối quan hệ tốt đẹp trước đây.
Có thể đến được với nhau đã là khó, mà cùng bên nhau đến cuối con đường thì lại càng khó hơn. Ai cũng đều biết tình cảm chân thật của cụ ông và cụ bà trong câu chuyện trên. Nhưng nếu như thời trẻ cụ bà vì yêu mà chọn cách im lặng, rất có thể cụ ông sẽ trở nên tệ hơn một cách không tự biết. Nếu vậy, liệu họ có thể nắm tay nhau mà đi tới ngày hôm nay hay không? Dù sao, có thể khẳng định rằng tình cảm của họ tuyệt nhiên sẽ không được bền bỉ như bây giờ. Chính bởi vì sự ‘không nhẫn chịu’ của cụ bà, mới khiến cụ ông dần dần ý thức và nhận ra vấn đề của bản thân, và rồi dần dần cải biến thái độ với vợ. Vợ chồng như vậy, dù đôi lúc bát đũa xô nhau, thì tình cảm ấy mới có thể bền vững, cuộc hôn nhân như vậy mới có thể tốt đẹp lâu dài.
Tình cảm hoàn mỹ không phải là những tháng ngày mặn nồng ân ái, cũng không phải là lãng mạn như giấc mơ, mà là cả hai biết bao dung cho nhau, giúp nhau hoàn thiện, cùng nhau trưởng thành, cùng nhau đồng thuận. Tình cảm ấy không phải sự yêu thương nhẫn chịu tới mức vô nguyên tắc từ một phía, mà là dẫu tranh cãi nảy lửa thì trong lòng vẫn luôn hướng về nhau. “Em yêu anh, yêu cả tính xấu của anh” cũng gần giống như “Anh nuôi em”, ấy là lời ái tình độc hại nhất trong tình yêu.
Nguyệt Hạ
Bạn đang đọc bài viết: “Kết cục tồi tệ nhất của hôn nhân không phải ly hôn, mà là chịu đựng” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |