Đại Kỷ Nguyên

Hán Vũ Đế gặp chuyện quái lạ, Đông Phương Sóc giỏi việc phá mê

Sau những năm dài chinh chiến, đánh Đông dẹp Bắc, gây dựng cơ nghiệp oai hùng, Hán Vũ Đế không ngừng cho xây dựng đền đài, cung thất xa xỉ để tỏ rõ uy danh. Nhưng cuộc tao ngộ với một ông lão thần bí đã khiến Hán Vũ Đế phải giật mình nhìn lại tất cả.

Có một lần Hán Vũ Đế thiết yến ở cung Vị Ương. Lúc sắp dùng bữa, bỗng nghe thấy có người cất tiếng nói: “Lão thần liều chết đến đây có chuyện muốn nói“. Thế nhưng chỉ nghe tiếng mà không thấy bóng người đâu. Hoàng đế lệnh cho quân sĩ tìm kiếm, một hồi sau thì thấy trên xà nhà có một ông lão. Thân hình lão chỉ tầm tám, chín tấc, gương mặt hồng hào rất nhiều nếp nhăn, râu tóc đều đã bạc trắng cả, tay chống gậy, hai lưng còng xuống, thật sự đã quá già rồi.

Hán Vũ Đế hỏi: “Lão đây họ gì, nên xưng hô thế nào đây, nhà ở nơi đâu? Có gì đau khổ xin hãy cứ nói với trẫm đây“. Ông lão men theo cột trụ đi xuống, buông cây gậy, dập đầu bái lạy, chỉ thở dài chứ không nói chuyện. Sau đó, ngẩng đầu lên nhìn gian phòng, lại cúi người xuống chỉ vào chân của Vũ Đế, rồi bỗng không thấy đâu nữa.

Hán Vũ Đế vừa kinh ngạc vừa lấy làm khó hiểu, không biết là chuyện gì, sau đó nghĩ: “Đông Phương Sóc nhất định biết“. Thế là, hoàng đế bèn cho mời Đông Phương Sóc đến, kể lại câu chuyện kỳ quái khi nãy với ông. Đông Phương Sóc thủng thẳng đáp: “Ông ta tên Tảo, là tinh hoa của thủy mộc, mùa hè sống trong rừng sâu, mùa đông ẩn thân dưới hồ sâu. Bệ hạ liên tục xây dựng cung thất, chặt phá nơi ở của ông ấy, vậy nên mới đến đây kể lể. Ông ta ngẩng đầu nhìn căn phòng, lại cúi người xuống chỉ vào chân, ý là “túc” (bàn chân, một nghĩa khác là đầy đủ – ND), muốn nói rằng bệ hạ xây dựng cung thất đến đây là đủ rồi”.

Hán Vũ Đế gặp một ông lão kỳ bí. Ảnh dẫn theo youtube.com

Hán Vũ Đế lấy làm kinh ngạc và cảm động, lập tức bèn cho dừng việc xây dựng lại. Một thời gian sau, Vũ Đế đến sông Hồ Tử, nghe thấy dưới đáy nước có tiếng đàn sáo, tấu nhạc ca hát. Ở dưới nước nhìn thấy ông lão bí ẩn ở trên xà nhà ngày trước cùng với rất nhiều người trẻ, mặc y phục có buộc giải lụa, thắt lưng và ngọc bội, trông rất tươi sáng. Người cũng cao tầm tám chín tấc, cũng có người cao đến hơn một thước. Họ lao ra khỏi mặt nước, áo quần cũng không bị ướt chút nào, còn có mang theo nhạc cụ nữa.

Vũ Đế đang chuẩn bị dùng bữa, thấy họ đến cũng không thiết ăn nữa, bảo họ xếp thành hàng ngồi trước bàn ăn. Vũ Đế hỏi: “Trẫm nghe thấy dưới đáy nước có tấu nhạc, chính là các ông phải không?“. Ông lão trả lời: “Lão thần đây dạo trước liều chết đến giãi bày, may được bệ hạ ban cho ân huệ to lớn khắp trời đất như thế, lập tức dừng việc xây dựng cung điện, nhờ vậy nơi ở của chúng tôi đã được giữ lại. Chúng thần vô cùng cảm kích, vậy nên đến đây ăn mừng“.

Vũ Đế nói: “Có thể diễn tấu một lần nữa cho trẫm nghe được không?“. Ông lão đáp: “Chúng thần đều đã đem nhạc cụ đến cả rồi, sao dám không diễn tấu chứ?“. Đoạn, tất cả già trẻ lớn bé đều thổi sáo, múa lượn xung quanh bàn ăn của hoàng đế. Người cao lớn nhất gảy đàn hát rằng:

Thiên địa đức hề thùy chí nhân
Mẫn u phách hề đình phủ cân
Bảo quật trạch hề tí vi thân
Nguyện thiên tử hề thọ vạn xuân

Đại ý là: Đức sáng trong thiên hạ đến với bậc đại đức, thương xót linh hồn ngừng búa rìu. Giữ được nơi ở chở che tấm thân bé nhỏ, nguyện chúc thiên tử trường thọ vạn năm.

Vũ Đế rất lấy làm vui mừng, nâng chén rượu lên khuyên rằng: “Trẫm đây nào có nhân đức gì đáng để cho mọi người khen ngợi như vậy“. Ông lão cùng mọi người đều đứng dậy hành lễ đón lấy chén rượu, mỗi người uống mấy thăng rượu cũng không say, sau đó dâng lên Vũ Đế một chiếc vỏ ốc biển màu tím, bên trong có vật lạ, giống như mỡ trâu.

Vũ Đế hỏi: “Trẫm thật quá hồ đồ không biết vật này là gì?“. Mọi người đáp: “Đông Phương tiên sinh ắt biết“. Vũ Đế nói: “Có thể mang đến kỳ trân dị bảo cho trẫm xem thử nữa được không?“. Ông lão quay người lại ra lệnh cho người đi lấy bảo bối trong động huyệt. Một người nhận lệnh, nhảy xuống nước sâu không thấy đáy, một lát sau đã trở về, mang về một viên minh châu lớn, đường kính khoảng tầm mấy tấc, tỏa sáng lấp lánh, thiên hạ vô song. Vũ Đế rất yêu thích cầm lấy ngắm nghía. Đột nhiên, ông lão và những người đi cùng lại biến mất không tăm hơi.

Vũ Đế hỏi Đông Phương Sóc bên trong vỏ sò là vật gì. Đông Phương Sóc nói: “Là xương tủy của giao long, dùng để thoa mặt, có thể khiến sắc mặt của người ta trở nên sáng đẹp hơn. Còn nữa, nếu phụ nữ mang thai dùng nó thì sinh đẻ sẽ dễ hơn rất nhiều“.

Sau này trong hậu cung có ca khó sinh, người ta thử nghiệm một chút thứ dầu ấy, quả nhiên rất có hiệu nghiệm. Vũ Đế dùng dầu trong vỏ ốc biển màu tím đó thoa mặt, gương mặt nhẵn mịn, sáng bóng. Vũ Đế lại nói: “Vì sao viên trân châu này gọi là động huyệt châu?“. Đông Phương Sóc nói: “Dưới đáy sông có một hang động, sâu mấy trăm thước, bên trong hang động có một con trai màu đỏ, trai sản sinh trân châu, vậy nên dùng cái tên này“. Vũ Đế vừa cảm thấy kinh ngạc về sự thần kỳ trong chuyện này, lại bội phục trước hiểu biết uyên bác của Đông Phương Sóc. 

Chân dung Đông Phương Sóc. Ảnh dẫn theo afamily.vn

Đông Phương Sóc (154 – 93 TCN) là một đại thần thẳng thắn, không ngại nói lời can gián dưới thời Hán Vũ Đế. Theo ghi chép trong “Thái Bình Quảng Ký”, Đông Phương Sóc là sao Mộc trên thiên thượng hạ phàm, bởi vậy không gì không hay biết. Ông từng kể với Vũ Đế về sự tồn tại của Thần Tiên, nhưng điều kiện để có thể nhìn thấy được Thần Tiên ắt là phải là người “có đạo”.

Lý Bạch cũng có thơ viết rằng: “Thế nhân bất thức Đông Phương Sóc, đại ẩn Kim Môn thị trích tiên” (Người thế gian không biết rằng Đông Phương Sóc là tiên bị lưu đày ẩn trong Kim Môn). Đông Phương Sóc hạ phàm và bầu bạn bên cạnh Vũ Đế lại cũng như Lý Bạch bầu bạn với Đường Huyền Tông sau này. Đây hẳn là an bài dụng tâm vất vả của thiên thượng vậy.

***

Từ xưa, chuyện lạ trong thiên hạ đâu đâu cũng có, thời nào cũng lưu truyền. Người xưa vì tín Thần, một lòng hướng về thiên thượng nên cái tâm kính ngưỡng ấy đôi khi cảm động các đấng trên cao. Thần Phật cũng vì thế mà thường hiển linh, lúc là giúp đỡ, lúc là cảnh báo con người. Muốn thấy được Thần linh thì ắt trong tâm người ta phải có Đạo vậy.

Vũ Dương

Exit mobile version