Đại Kỷ Nguyên

Hãm hại Nhạc Phi, tượng quỳ của vợ chồng Tần Cối đúc đi đúc lại 13 lần, nghìn năm không được đứng dậy

Năm 1141, Nhạc Phi và con trai Nhạc Vân bị gian thần Tần Cối hạ độc giết tại đình Phong Ba (Đại lý tự Lâm An). Vụ án oan thảm khốc của ông từ đó đi vào sử sách với tên gọi: “Mạc tu hữu” (không cần có). Sau hàng nghìn năm, những kẻ hạ sát ông vẫn phải chịu sự phỉ nhổ của người đời.

Lăng mộ tướng quân Nhạc Phi tọa lạc ở chân núi Thê Hà, cạnh bờ bắc Tây Hồ (Hàng Châu, Chiết Giang) luôn là nơi chốn viếng thăm của nhiều lữ khách. Năm 1979, sau khi được trùng tu, quần thể lăng mộ mang một phong cách cổ xưa, trang trọng, khu vườn xung quanh trồng những cây bách cao lớn.

Trên cây trụ đá ở cửa mộ, có đôi câu đối nổi tiếng của nữ sĩ Tùng Giang viết, lưu truyền suốt nhiều năm:

Thanh sơn hữu hạnh mai trung cốt
Bạch thiết vô cô chú nịnh thần”

Tạm dịch nghĩa: Núi xanh may mắn lưu xương cốt người trung nghĩa, sắt trắng vô tội phải đúc ra kẻ nịnh thần. 

Mộ cha con Nhạc Phi – Nhạc Vân. Ảnh dẫn theo airbooking.vn

Bức tượng của 4 tên gian thần hãm hại bậc trung lương là: Tần Cối, Vương Thị, Trương Tuấn, Vạn Sĩ Tiết được đúc lại mới, hai tay bị trói ngược ra đằng sau ở trong hàng rào sắt, ngực để trần quỳ trước mộ của Nhạc Phi, muôn đời để cho người đời phỉ nhổ. 

Nói về tượng quỳ của Tần Cối, khảo cứu từ trong tư liệu lịch sử thấy rằng hơn 800 năm trở lại đây, tượng của gian thần này đã được đúc đi đúc lại tới 13 lần. Bốn bức tượng này được rào lại bằng rào sắt nhưng ngày nay từ bên ngoài người ta cũng có thể với được tay để đánh vào đầu Tần Cối khiến đầu y trở nên láng bóng. 

Bức tượng của 4 tên gian thần hãm hại bậc trung lương Nhạc Phi: Trương Tuấn, Vạn Sĩ , Tần Cối, Vương Thị.

Án oan thấu trời xanh

Năm thứ 10 niên hiệu Thiệu Hưng thời Nam Tống (Năm 1141), quân đội Nhạc gia đang đánh bại quân Kim như trẻ che ở trấn Tru Tiên (vùng tây nam của Khai Phong, Hà Nam ngày nay), chẳng bao lâu nữa có thể có hy vọng lấy lại được Biện Kinh (tức Khai Phong). Chính ngay lúc “đánh thẳng đến phủ Hoàng Long, sảng khoái uống rượu mừng”, Tống Cao Tông Triệu Cấu mê muội, nghe lời gian thần Tần Cối, chỉ trong một ngày liên tiếp phát 12 đạo kim bài (tín bài bằng vàng) triệu hồi Nhạc Phi về kinh. 

Nhạc Phi ức quá, khóc: “Công mười năm, một sớm phải bỏ cả“, rồi hạ lệnh lui binh. Nhân dân níu ngựa ông lại, chùi nước mắt, van ông ở lại. Tướng ở chiến trường có quyền không tuân lệnh triều đình, ông quá trung với vua mà không báo quốc được, thật đáng hận biết bao.

Tống Cao Tông Triệu Cấu mê muội, nghe lời gian thần Tần Cối, chỉ trong một một ngày liên tiếp phát 12 đạo kim bài (tín bài bằng vàng) triệu hồi Nhạc Phi về kinh. Ảnh dẫn theo news.uc.cn

Sau khi Nhạc Phi về đến Lâm An, Tần Cối bí mật ra lệnh cho Trương Tuấn, Vạn Sĩ Tiết thêu dệt tội danh, vu cáo Nhạc Phi “mưu phản”. Cuối cùng vào ngày 29 tháng 12 năm thứ 12 niên hiệu Thiệu Hưng (tức ngày 28/1/1142), Tần Cối lấy tội danh “không cần có” (mạc tu hữu) mà giết chết hai cha con Nhạc Phi, Nhạc Vân cùng bộ tướng dưới trướng là Trương Hiến ở đình Phong Ba (bên bờ cây cầu Tiểu Đông, Hàng Châu ngày nay).

Ngục tốt Ngỗi Thuận mạo hiểm cả tính mệnh, cõng di thể của Nhạc Phi ra khỏi thành, chôn cất ở ngôi đền Cửu Khúc Tùng bên ngoài cổng thành Tiền Đường. Ngỗi Thuận lấy miếng ngọc bội mà Nhạc Phi thường hay đeo làm vật bồi táng, bên cạnh có hai cây quýt làm ký hiệu, trên bia mộ có viết 4 chữ “Giả nghi nhân mộ“.

Khi đó, có văn nhân viết thơ công kích hôn quân Triệu Cấu: “Tứ kỳ ký dĩ thức tinh trung, chỉ hợp tồn lưu tác cổ quăng. Hà sự phong ba đình tử thượng, thính sàm toàn bất niệm kỳ công”. Tạm hiểu là: Ban tặng cờ gấm rõ ràng đã biết được thần tử tận trung, lẽ ra phải giữ lại làm trụ cột triều đình. Chuyện gì đã xảy ra trên đình Phong Ba? Tin nghe những lời sàm tấu mà không nhớ nghĩ đến công lao kỳ vĩ trước. 

Năm đầu niên hiệu Long Hưng (năm 1163), Tống Hiếu Tông Triệu Thận kế vị. Dưới sự khuyên tâu của nhóm người Chu Hy, Tân Khí Tật, Hiếu Tông hạ chiếu giải oan cho Nhạc Phi, khôi phục chức tước của ông, đem di cốt của Nhạc Phi về an táng ở dưới núi Thê Hà, cạnh Tây Hồ, Hàng Châu.

Năm đầu niên hiệu Nguyên Khánh (Năm 1195), Tống Ninh Tông Triệu Khoáng truy phong Nhạc Phi là Ngạc Vương, đồng thời xây dựng Nhạc miếu thờ Nhạc Phi. Khi đó trước mộ phần của Nhạc Phi vốn không có bức tượng quỳ của bọn người Tần Cối.

Tượng quỳ của Tần Cối trước sau được đúc lại 13 lần

Tần Cối trước sau làm Tể tướng 19 năm, chuyên quyền độc đoán, thông đồng quân giặc, hãm hại trung lương. Thậm chí Tống Cao Tông cũng bị lấn át, hầu như mọi chuyện đều giao qua tay Tần Cối quyết định. Năm 1155, Tần Cối ốm bệnh, phải nằm liệt giường. Cao Tông thân hành đến thăm, Cối không nói được nhưng tinh thần vẫn còn tỉnh táo, bật khóc như mưa, chẳng bao lâu thì chết, thọ 66 tuổi.

Gian thần Tần Cối và Tống Cao Tông. Ảnh dẫn theo youtube.com

Người đời xem Tần Cối là kẻ tiểu nhân, gian thần số một nên đã đúc tượng Cối và vợ là Vương Thị bắt quỳ, còng tay ngược phía sau ở Nhạc miếu để người đời nghìn năm phỉ nhổ. Qua hàng mấy trăm năm như thế, tượng của Tần Cối cũng hỏng hóc nhiều lần nhưng lần nào cũng nhanh chóng được đúc lại.

1. Lần đầu tiên là vào năm thứ 11 niên hiệu Thành Hóa dưới thời Minh Hiến Tông (năm 1475). Danh sĩ người vùng Thường Thục là Chu Mục, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi, nhậm chức Bố chánh sử vùng Chiết Giang, Hàng Châu. Để tỏ rõ lòng kính ngưỡng với anh hùng Nhạc Phi và nỗi uất hận, căm ghét với bọn gian thần Tần Cối, đã trùng tu mộ Nhạc Phi, lần đầu dùng sắt đúc nên bức tượng quỳ của vợ chồng Tần Cối. Về sau, bởi năm tháng dài lâu, mưa dập gió vùi, hai bức tượng quỳ này đã trở thành hai đống sắt vụn, hình tượng không rõ ràng.

2. Lần thứ hai là năm thứ 8 niên hiệu Chính Đức thời Minh Vũ Tông (năm 1513). Tướng quân Lý Long, Đô chỉ huy sứ Chiết Giang vì kính ngưỡng Nhạc Phi mà đã dùng đồng đúc ba bức tượng hai tay bị trói ra đằng sau của Tần Cối, Vương Thị và Vạn Sĩ Tiết ở trước mộ Nhạc Phi. Về sau, mấy bức tượng này bị người đời đánh đập mà hư hại.

3. Lần thứ ba là năm thứ 22 niên hiệu Vạn Lịch thời Minh Thần Tông (năm 1594), Phạm Lai, nhà văn nổi tiếng và là danh sĩ vùng Hưu Ninh, An Huy, thi đỗ tiến sĩ năm Vạn Lịch, nhậm chức phó sứ án sát vùng Chiết Giang đã dùng đồng đúc lại tượng quỳ của Tần Cối, Vương Thị, Vạn Sĩ Tiết. Lần này, đặc biệt đúc thêm một bức tượng quỳ của Trương Tuấn, cũng là đồng bọn của Tần Cối trong việc tàn hại trung lương.

Ai ngờ, năm sau, Hữu phó đô Ngự sử của tuần phủ Chiết Giang là Vương Nhữ Huấn, vốn là người “cùng gia tộc” với Vương Thị (vợ Tần Cối), đem lòng xấu hổ, liền tự ý làm càn, sai khiến bọn thuộc hạ ngay trong đêm lén lút đem bức tượng quỳ của Vương Thị cùng đồng bọn nhấn chìm cả xuống Tây Hồ.

Ngờ đâu “Một tảng đá dấy lên sóng nghìn trượng”, vụ việc này ngay lập tức dấy lên sự căm phẫn của biết bao người dân. Nhân dân yêu cầu quan phủ truy tra ra hung thủ quăng bỏ bức tượng. Vương Nhữ Huấn sợ quá, ngay trong đêm trốn khỏi thành Hàng Châu.

4. Về sau, một thương gia bán muối là Mã Vĩ để thuận theo lòng dân đã đúc lại hai bức quỳ Vương Thị, Trương Tuấn đặt ở chỗ cũ. Khi ấy, lửa giận trong dân mới được dập đi. Mấy năm sau, bức tượng quỳ của bọn người Tần Cối lại bị mọi người đánh hỏng. Đây là lần thứ tư.

5. Lần thứ năm là năm thứ 13 niên hiệu Vạn Lịch thời Minh Thần Tông (năm 1602), Phạm Lai, người từng nhận Phó sứ án sát vùng Chiết Giang lại đến Hàng Châu một lần nữa, nhậm chức Bố chánh sử Chiết Giang. Nhìn thấy tượng quỳ của bọn người Tần Cối chẳng còn ra hình thù gì nữa, ông bèn lấy bổng lộc của mình quyên tặng, đúc ra bốn bức tượng quỳ bằng sắt.

6. Lần thứ sáu là năm thứ 34 niên hiệu Vạn Lịch thời Minh Thần Tông (năm 1606), Tôn Long, người chủ hàng dệt Tô Hàng, đã dùng đồng đúc lại bốn bức tượng Tần Cối, Vương Thị, Vạn Sĩ Tiết, Trương Tuấn. Mỗi bức tượng đều khắc họ tên ở ngực và dùng hàng rào gỗ vây quanh. Nhưng chẳng bao lâu sau mấy bức tượng quỳ này lại bị mọi người đánh hỏng.

7. Lần thứ bảy là vào những năm đầu thời Thanh Thế Tông Ung Chính, dưới chân núi Khê Hà, Hàng Châu, người dân kết thành từng nhóm mà đến, dùng thanh sắt gậy gỗ đánh mạnh vào bức tượng quỳ của Vương Thị, khiến cho phần cổ bị đứt đoạn. Năm thứ 9 niên hiệu Ung Chính (năm 1731), tuần phủ Chiết Giang Lý Vệ dâng tấu lên triều đình, được hoàng đế Ung Chính phê chuẩn, dùng binh khí tịch thu được đúc nên bốn bức tượng quỳ của bọn người Tần Cối. 

8. Lần thứ 8 là vào giữa thời Thanh Cao Tông Càn Long. Tượng quỳ của bọn người Tần Cối bị nhiều năm mưa gió ăn mòn và du khách đánh đập, thật chẳng còn ra hình thù gì nữa, huyện lệnh Tiền Đường thỉnh xin tuần phủ Chiết Giang Hùng Học Bằng, lần nữa đúc lại tượng. 

9. Lần thứ chín là năm thứ 12 Thanh Cao Tông Càn Long (năm 1747). Bố chánh sử Chiết Giang Sử Đường Mạc nhìn thấy mấy bức tượng quỳ trước mộ Nhạc Phi mơ hồ khó phân biệt, bị đánh đến hư hại nghiêm trọng, bèn lệnh cho người thợ đúc lại bốn bức tượng quỳ của bọn người Tần Cối và dùng hàng rào gỗ vây quanh.

10. Lần thứ mười là giữa những năm Thanh Nhân Tông Gia Khánh. Nguyễn Nguyên, đại học giả nhà Thanh vào năm thứ 3 niên hiệu Gia Khánh (năm 1798), nhậm chức tuần phủ Chiết Giang. Ông vừa đến nhậm chức đã trùng tu lại miếu Nhạc Vương.

11. Lần thứ mười một là năm thứ 4 Thanh Mục Tông Đồng Trị (năm 1865), Bố chánh sử Chiết Giang Tưởng Ích Lễ trong thời gian nhậm chức nhận thấy mấy bức tượng quỳ bị hủy hoại nghiêm trọng, lần nữa đúc lại mấy bức tượng này.

12. Lần thứ 12 là năm 23 thời Thanh Đức Tông Quang Tự (năm 1897), thi nhân nổi tiếng Trương Tổ Dực nhậm chức Bố chánh sử Chiết Giang, lần nữa cho đúc lại bốn bức tượng quỳ của bọn gian thần Tần Cối, và sáng tác “Nhạc Mộ trùng đúc tứ thiết tượng ký” (ghi chép về việc đúc lại bốn bức tượng sắt trước mộ Nhạc Phi).

Trong 1966, trong hỗn loạn dưới thời Đại Cách mạng Văn hóa, mộ phần của Nhạc Phi bị phá hoại, bốn bức tượng quỳ của bọn người Tần Cối cũng không cánh mà bay.

13. Lần thứ 13 là vào năm 1979, tỉnh Chiết Giang đã chi ra 400 nghìn Nhân dân tệ (hơn 1,3 tỷ đồng), một lần nữa xây lại mộ phần Nhạc Phi và đúc lại bốn bức tượng quỳ thân trên để trần, hai tay bị trói ngược ra đằng sau lưng của Tần Cối, Vương Thị, Vạn Sĩ Tiết, Trương Tuấn trước mộ Nhạc Phi.

Tượng quỳ của Tần Cối được đúc lại tới 13 lần đã nói rất rõ rằng gian thần có thể hung hăng đắc ý nhất thời nhưng vẫn phải chịu sự phán xét của lịch sử, của lòng dân, sự phán xét của thiên lý. Còn người anh hùng thì dù bị hãm hại bi thảm ra sao vẫn luôn bất tử trong lòng hậu thế. 

Video: Một câu nói ác ý có thể làm hao tổn phúc báo cả đời người

Exit mobile version