Đại Kỷ Nguyên

Giữa đại dịch, xem lại chữ Nhân để tìm ra lối thoát

Ảnh minh họa: Pixabay.

Đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành thế giới. Trong một thời gian ngắn, thông tin về số người nhiễm và số người chết ở các nước khiến người ta không khỏi hoang mang. Trong thảm cảnh như vậy, con người dường như đều cầu mong sự cứu rỗi.

Ngày 13/3, Mỹ công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về sự bùng phát của dịch viêm phổi Vũ Hán. Hai ngày sau (15/3), nhân ngày Cầu nguyện quốc gia, Tổng thống Trump đã phát biểu trong tuyên bố của mình rằng: “Trong những thời khắc quan trọng nhất, người Mỹ chúng ta luôn tìm đến sự cầu nguyện để vượt qua thời kỳ khó khăn và bất định”.

Thẳm sâu trong sinh mệnh của con người đều có mối liên hệ rất tự nhiên với Thiên thượng, vũ trụ (1). Khi gặp khó khăn trắc trở, chỗ dựa vững chắc nhất của con người có lẽ là đức tin vào những vị Thần Phật, thành tâm cầu nguyện, sám hối để có được sự cứu rỗi của những Đấng Thiêng Liêng.

Chữ Nhân – 人 nhắc nhở con người đừng quên gốc gác

Trong văn tự truyền thống, chữ nhân (人 – con người) chỉ do hai nét là một nét phiệt và một nét mác tạo thành. Tuy đơn giản nhưng nếu viết nét phiệt ngắn và nét mác dài, thì sẽ ra chữ nhập (入). Nếu không biết làm người sẽ nhập vào mê lộ, nhập vào dục vọng… để rồi nếu quá xấu xa thì sẽ nhập địa ngục.

Chữ nhân (人) này, nếu chúng ta nhìn kỹ sẽ thấy giống thế hợp thập (chắp tay, lễ tiết của Phật môn). Mà lễ tiết này xuất hiện khi con người bái lạy, để thể hiện sự tôn kính cao độ đối với Thần linh. Tại sao lại như vậy? Bởi vì con người là do Thần tạo ra, chứ không phải do loài khỉ tiến hóa thành.

Trong thần thoại Hy Lạp, con người là do Prometheus sáng tạo ra. Đối với người Do Thái, thì họ cho rằng Thiên Chúa Jehovah làm điều này. Còn trong thần thoại cổ phương Đông lại là Thần Nữ Oa dùng đất bùn nặn ra con người rồi thổi vào đó luồng sinh khí.

Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, Sử thần Ngô Sĩ Liên có chép rằng: “Nước Đại Việt ở phía nam Ngũ lĩnh, trời đã chia vạch Nam Bắc. Thủy tổ ta ra từ con cháu họ Thần Nông, là Trời đã sinh ra chân chúa. Vì thế mới mới cùng với Bắc triều đều làm chủ một phương”. Mà Thần Nông là một vị Thần, là ông tổ của nông nghiệp.

Mỗi dân tộc khác nhau được sáng tạo ra bởi những vị Thần khác nhau. Do vậy mới có chủng người da trắng, da vàng, da đen, da đỏ… Các truyền thuyết xưa nói rằng, các vị Thần đều đã tạo ra con người theo hình dáng của chính bản thân họ. Vậy nên con người đều là con dân của Thần.

Vậy thì con người tôn kính thờ phụng những vị Thần – những đấng tạo ra họ – là điều hợp lý đúng đắn. Ấy thế mà trong mấy chục năm trở lại đây, con người đối đãi với những lời dạy của Thần như thế nào?

Hiểm họa từ việc không tin Thần

Lịch sử ghi chép rằng, Thần tạo ra con người. Ấy thế mà con người lại tin thuyết tiến hóa, nói rằng người là do vượn tiến hoá thành. Để rồi với tư duy như vậy, con người hình thành tư tưởng kẻ mạnh sinh tồn, kẻ yếu bị diệt, sẵn sàng giẫm đạp lên nhau mà sống.

Phật giáo giảng lục đạo luân hồi, dựa vào đức và nghiệp mà chuyển sinh vào những nẻo luân hồi khác nhau. Ấy thế mà, nhiều người thời nay không còn tin điều này. Họ tin rằng “chết là hết” làm gì có đời sau, cho nên mặc sức buông tuồng phóng túng, chỉ cần có lợi là làm không cần biết hậu quả.

Văn hóa truyền thống giảng rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”. Vậy mà, con người hiện đại không tin điều ấy, nghĩ rằng mình làm điều xấu thì không ai biết, vậy nên mới có những điều chua xót như “rau hai luống, lợn hai chuồng”… Chỉ cần ta sống tốt, còn người khác ta không quan tâm, luống rau và chuồng lợn phân chia như vậy chỉ có gia đình ta biết thôi.

Văn hóa truyền thống dạy nam nữ sống trong vòng lễ giáo. Ấy thế mà nam nữ bây giờ ra sao? Sống thử trước hôn nhân, bồ nhí, tình một đêm, chân dài đại gia… có thể thấy không ít ngoài xã hội. Còn có một điều nguy hiểm nữa là, có những người lớn tuổi cũng bị ảnh hưởng bởi trào lưu sống thử, họ hướng con trẻ đến việc sống thử trước hôn nhân, thậm chí có những “mẹ chồng tương lai” ra điều kiện cho con dâu là có bầu trước thì mới được phép cưới… 

Con người đã rời xa những điều Thần dạy, những điều trong văn hóa truyền thống rồi.

***

Thời điểm này, mọi thứ như bình lặng hơn, đây là lúc để suy nghĩ điều gì mới là quan trọng trong cuộc sống. Tiền bạc, danh vọng đều phù phiếm trước ôn dịch. Lúc này đây, con người chỉ muốn bình an vượt qua trận đại nạn này.

Bản thân hình tượng chữ nhân (人) đã nói rõ là con người nên tôn kính Thần linh thì mới nhận được sự bảo hộ. Thần luôn từ bi với con người, mỗi khi đại kiếp nạn xảy đến, dù kinh khủng đến đâu, cũng mở cho con người lối thoát.

Năm xưa khi đại hồng thủy, chẳng phải Thiên Chúa đã gợi ý về con thuyền Noah, hay trận hồng thủy trong câu chuyện sự tích hồ Ba Bể, chẳng phải cũng có hai vỏ trấu làm thuyền? Đến như câu chuyện sư tử mắt đỏ, chẳng phải cũng có bà lão nhắc nhở con người là sắp tới sẽ có nạn, bảo con người lánh trước?

Thần còn từ bi đến độ lưu lại các dự ngôn và lối thoát trong kiếp nạn. Ví như trong “Lưu Bá Ôn bia ký”, quân sư nhà Minh có nhắc đến việc niệm ba chữ chân ngôn để “Người người đều vui cười/ Ai ai cũng bình an”.

Trong văn hóa truyền thống cũng luôn nhắc nhở con người trọng đức hành thiện, từ đó có tương lai tốt đẹp. Những điều này dường như ai cũng biết, chỉ là có tin hay không. Đến thời khắc cuối, khi mà ôn dịch tiến đến rất gần, thì sự lựa chọn là tùy thuộc vào bản thân mỗi người.

Ghi chú:

(1) Đạo gia coi thân thể người là tiểu vũ trụ điều đó rất có lý. Khi chúng ta quan sát tế bào thần kinh, chúng ta phát hiện chúng không khác gì với sự sắp xếp hệ ngân hà trong vũ trụ mà kính thiên văn quan sát được.

Video: Học viên Việt Nam thắp nến tưởng niệm 20 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc

Exit mobile version