Đại Kỷ Nguyên

Đường phố Hà Nội – Danh nhân và lịch sử: Phố Hàng Than ghi dấu hùng khí đất kinh kỳ

Nguồn ảnh: Theo Dantri.

Có người nói ý nghĩa của cái tên Hà Nội là thành phố ở trong những con sông: sông Hồng và sông Đáy. Hà Nội đã qua hơn 1000 năm tuổi với phần lớn thời gian được chọn làm thủ đô nước Việt. Hà Nội cũng có những lúc thịnh suy, thăng trầm theo thời cuộc nhưng Hà Nội luôn có một nét văn hóa rất riêng không giống bất cứ vùng đất nào khác. Mỗi con phố cũ của Hà Nội không chỉ là một chốn đi về mà là cả một không gian văn hóa, lịch sử. Từng gốc cây ngọn cỏ, những mái ngói nâu sồng, tường cũ rêu phong là những nhân chứng lịch sử vừa gần gũi, vừa huyền ảo về một Hà Nội vàng son và hào hùng. Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu loạt bài: “Đường phố Hà Nội với danh nhân và lịch sử” với hy vọng chia sẻ với độc giả chút tình cảm với Hà Nội và người xưa việc cũ.

***

“Hàng Than không chỉ là bánh cốm, caramen hay đơn giản là một lối đi từ phố lên đê. Hàng Than chính là hùng khí của đất kinh kỳ yêu dấu”.

Vị trí và tên gọi của phố Hàng Than

Phố Hàng Than dài 408m, đi từ đường Yên Phụ đến bùng binh Hàng Đậu – Quán Thánh. Nó là vết tích một con đê cổ của Nhị Hà, theo tác giả Nguyễn Văn Uẩn trong tác phẩm “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20” thì nó có thể là con đê cổ nhất Việt Nam nữa. Thời Pháp thuộc thì đầu phố là đi từ trên đê sông Hồng xuống. Con đê lúc đó rất thấp và đầu phía đó của phố Hàng Than cũng là một bến sông. Phố này trong một thời gian dài chỉ là một phố nhỏ ngoại ô với nhà cửa bé nhỏ cũ kỹ và có nhiều đình chùa.

Cái tên phố Hàng Than là tên cũ từ thế kỷ 19, lý do là có một số nhà trên phố bán than hoa, than tàu. Trước đó thì phố có nghề nung vôi. Theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi thì “Phường Hà Tân nung vôi”. Phường Hà Tân là tên gọi cũ của khu vực này.

Sang đến thời Pháp thuộc thì phố có tên là “rue du Charbon”, dịch ra tiếng Việt cũng là “phố Hàng Than”.

Bản đồ Hà Nội – 1936 (nguồn: Tranthanhnhan1963c).

Thời kỳ cuối thập niên ba mươi, đầu thập niên bốn mươi thế kỷ trước, phố có tới 5, 6 cửa hàng bán thuốc Đông y, để giúp giải quyết vấn đề “hậu ham vui” của các tay chơi đất Hà Thành giai đoạn 1933-1939. Sau mới nổi lên về nghề bán bánh cốm. Cửa hàng nổi tiếng nhất và có gốc gác lâu đời nhất về bánh cốm Hàng Than là bánh cốm Nguyên Ninh (số nhà 13), chủ nhà là người làng Lủ. Cốm làng Lủ thì thua cốm làng Vòng (Dịch Vọng), nhưng ông chủ có tài chế biến nó thành ra một món đặc sản là bánh cốm. Hàng bánh cốm thứ hai là An Hưng (số nhà 24 sau dọn xuống 60).

Đặc sản bánh cốm từng góp mặt trong hôn lễ của bao thế hệ người Hà Nội và là món quà đặc trưng của đất kinh kỳ

Nhà văn Thạch Lam trong “Hà Nội băm sáu phố phường” đã miêu tả bánh cốm như sau: “Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ; cái dây lạt đỏ như sợi dây tơ hồng buộc chặt lấy những cái ái ân. Nhân đậu xanh giã nhuyễn, vương mấy sợi dừa, và đường thì ngọt đậm”. Ông cũng ca ngợi: “Hai thứ bánh cốm và bánh xu xê của Hàng Than Hà Nội, có thể nói là đã nổi tiếng khắp Bắc Kỳ, từ kẻ chợ cho đến thôn quê”. Và rằng: “Một người Hà Nội về thăm quê, muốn đem ít quà thật là đặc biệt, thì người ấy lựa chọn những thứ gì? Bánh cốm hàng Than… Một thứ bánh ngon mà cũng không đắt, một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu”. Ông chỉ phàn nàn rằng nó hơi ngọt quá như đa phần các thứ bánh khác của ta.

Còn nhà văn Vũ Bằng trong “món ngon Hà Nội” sau khi say sưa kể về cốm thì kết luận rằng: “Bánh cốm, cũng như chè cốm, cũng chỉ có thể coi như là ‘một chút hương thừa’ của cốm Vòng mà thôi”. Ông thích ăn cốm Vòng tươi hơn.

Chẳng biết nên nghe ông nào trong hai ông vua ăn ngon và hay chữ này. Âu đó cũng là cảm nhận riêng về khẩu vị của từng cá nhân.

Ngày nay, phố Hàng Than còn nổi tiếng vì có thêm một món quà vặt khác: Caramen ở số nhà 29 Hàng Than. Caramen nguyên là một món ăn Tây có duy nhất một kiểu chế biến. Ở địa chỉ này thì có rất nhiều biến chiêu của món caramen cho bạn chọn lựa. Tác giả không có nhận xét gì về các chiêu thức phối trộn phức tạp đến hoa cả mắt này. Có lẽ bạn đọc tò mò phải tự mình thử nghiệm thôi.

Caramen ở số nhà 29 Hàng Than (ảnh: Toplist).

Ngôi chùa Hòe Nhai với chi tiết lý giải phố Hàng Than chính là Đông Bộ Đầu lừng danh

Phố Hàng Than có nhiều đình chùa. Ở đoạn đầu phố Hàng Than, số nhà 64 Yên Phụ là đình Thạch Khối thượng. Số nhà 12 Hàng Than là đình Thạch Khối hạ. Cả hai ngôi đình này thờ Uy Linh Lang, một nhân vật theo truyền thuyết có công chống giặc Nguyên.

Ở số nhà 19 Hàng Than là chùa Hòe Nhai, hay chùa Hòa Giai, tên chữ Hán là Hồng Phúc Tự. Tương truyền chùa này được xây vào thời Lý. Và cũng nhờ một chiếc bia cũ trong chùa được dựng năm Chính Hòa thứ 24 (1703) do tiến sĩ Hà Tông Mục soạn nội dung mà ta mới biết được phố Hàng Than ngày nay xưa kia chính là Đông Bộ Đầu (Trên bia ghi rõ chùa được thành lập tại phường Hòe Nhai ở Đông Bộ Đầu).

Đông Bộ Đầu chính là một địa danh lịch sử gắn liền với những chiến thắng hào hùng của quân dân Việt trước quân đội nhà Nguyên và nhà Minh. Ý nghĩa của cái tên Đông Bộ Đầu là “bến đỗ phía Đông”. Xưa kia, nó chính là một bến sông, cho nên là điểm cập bến của thủy quân nước Việt. Giặc Nguyên chiếm Thăng Long cũng là theo lối Đông Bộ Đầu, và khi thua chạy cũng theo lối ấy.

Thời Lý-Trần-Lê thỉnh thoảng có bắc cầu phao từ Đông Bộ Đầu qua bên tả ngạn sông Hồng để sang Kinh Bắc.

Chùa Hòe Nhai trên phố Hàng Than (nguồn: Tranthanhnhan1963c).

Năm tháng oai hùng thành lịch sử, bao chiến công tên tuổi còn vang

1. Chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất từ Đông Bộ Đầu

Trước khi nói tới Đông Bộ Đầu, chúng ta hãy ôn lại đôi dòng lịch sử về triều Nguyên và đạo quân Mông Cổ vô địch trên thế giới, chỉ trừ ở Đại Việt.

Mông Cổ là một dân tộc phía bắc Trung Nguyên, nổi lên từ thế kỷ 13 nhờ sức mạnh quân sự. Vị tù trưởng của môt bộ lạc Mông Cổ tên là Thiết Mộc Chân đã lập nên một đạo kỵ binh tinh nhuệ để chinh phục các thế lực Mông Cổ khác và thống nhất chúng lại. Ông ta được người Mông Cổ suy tôn là Thành Cát Tư Hãn.

Thành Cát Tư Hãn tổ chức lại quân đội khiến chúng có sức chiến đấu mạnh mẽ. Người Mông Cổ mang bản tính du mục, hiếu chiến, luôn luôn di chuyển trên vùng thảo nguyên để chiếm những bãi chăn gia súc mới. Đấy là cơ sở hình thành nên tinh thần thượng võ và bản tính không chịu cầu an của người Mông Cổ, của quân đội Mông Cổ mà Thành Cát Tư Hãn và các hậu duệ của ông ta khéo biết lợi dụng.

Đối với vùng đất Trung Nguyên, Thành Cát Tư Hãn cho quân vượt qua Vạn Lý Trường Thành, đánh Bắc Tống, sau diệt nốt Nam Tống. Về sau, cháu ông ta là Hốt Tất Liệt lên ngôi ở Trung Hoa lập ra nhà Nguyên.

Nhưng tham vọng của người Mông Cổ không chỉ dừng lại ở đất Trung Quốc. Suốt một dải đất chạy từ Trung Á sang Đông Âu đã từng bị giày xéo và bị chinh phục dưới vó ngựa của họ. Từ Tiểu Á, Tế Á, nước Nga, Hungary, Ba Lan… đã từng là vùng đất bị họ chiếm đóng và cai trị. Đó là “thời đại của các đế chế” mà Mông Cổ là một trong các đế chế hùng mạnh nhất.

Thế mà sức mạnh bạo tàn ấy đã ba lần phải chịu thất bại ở mảnh đất Đại Việt nhỏ bé. Học giả Nguyễn Lân trong tác phẩm “Những trang sử vẻ vang” đã viết: “Một dân tộc hùng dũng như thế đối với một nước nhỏ mọn như nước ta thực là một con voi đối với một con kiến. Ấy thế mà từ năm 1257 đến năm 1288, ba lần con voi khổng lồ định đè bẹp con kiến tí hon mà đều bị thất bại”.

Và trong hai lần thất bại ê chề ấy của hùng binh Mông Cổ trước Đại Việt, đều có dấu ấn của địa danh Đông Bộ Đầu.

Lần thứ nhất, quân Mông Cổ ồ ạt tiến về Thăng Long qua ngả sông Thao (một khúc của sông Nhị Hà, tức sông Hồng). Chúng chiếm Thăng Long và đốt phá kinh thành, tàn hại dân chúng. Để tránh thế giặc mạnh, Trần Quốc Tuấn lúc đó thân là Quốc Công Tiết Chế phải rút đại quân về Thiên Mạc (Hưng Yên). Vua Thái Tông Trần Cảnh lo lắng còn phải đi thuyền đến hỏi ý Thái sư Trần Thủ Độ và ông già quắc thước ấy đã trả lời đầy khí phách rằng: “Đầu tôi chưa rơi thì xin bệ hạ đừng lo”.

Quả nhiên, Mông Cổ có 3 điều bất lợi.

Thứ nhất, chiến lược tốc chiến tốc thắng quen thuộc đã bị phá sản. Quân đội bị cầm chân và bị tiêu hao dần dần bởi lối đánh du kích, quấy rối của quân dân địa phương.

Thứ hai, sức mạnh khủng khiếp của kỵ binh miền thảo nguyên bao la đã bị vô hiệu hóa trên một đất nước địa hình đồng bằng nhỏ hẹp, bị chia cắt bởi sông ngòi.

Thứ ba, khí hậu phương Nam nhiều lam sơn chướng khí khiến binh lính Mông Cổ mắc bệnh rất nhiều.

Thời cơ phản công lớn đã đến. Ngày 24 tháng Chạp năm Đinh Tỵ, niên hiệu Nguyên Phong thứ 7 (29/01/1258), Trần Thái Tông cùng Thái tử thống suất lâu thuyền, tiến quân lên Đông Bộ Đầu, tổ chức phản công, đại phá quân Mông Cổ, thu phục lại Thăng Long và kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh vệ quốc.

2. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai cũng bắt đầu khởi binh từ Đông Bộ Đầu

Năm Giáp Thân niên hiệu Thiệu Bảo thứ 6 đời Trần Nhân Tông (1284), sau khi có tin báo quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai thì “tháng 8, Trần Hưng Đạo điều động quân của các vương hầu duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu (rồi) chia quân đi đóng giữ Bình Than và các nơi xung yếu…” (Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Q.5, 44a).

Ngày 6 tháng Giêng năm Thiệu Bảo thứ 7 (11-2-1285), Ô Mã Nhi và giặc Nguyên đánh Vạn Kiếp, Phả Lại; ngày 12 (17/02/1258) giặc đánh Vũ Ninh (Võ Giàng), Đông Ngàn (Từ Sơn), Gia Lâm, đến Đông Bộ Đầu, dựng lá cờ lớn (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Q.5, 45).

3. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của Lê Lợi ở thế kỷ 15

Sau các chiến thắng lẫy lừng Tốt Động, Chúc Động mà Nguyễn Trãi đã viết trong “Cáo Bình Ngô”: “Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”, Lê Lợi thống suất đại quân từ Thanh Hoá tiến gấp ra Bắc, tổ chức vây hãm thành Đông Quan. Tháng 11 năm 1426, Lê Lợi trú quân ở Lung Giang (vùng sông Đáy). Trần Nguyên Hãn, Bùi Bị “theo Đại Lung Giang ra cửa sông Hát, thuận dòng xuôi đến bến Đông Bộ Đầu của sông Lô” (Đại Việt Sử Ký Toàn thư, Q.10, 23b; Cương mục, Q.13, tờ 29), tấn công vào mặt Đông thành Đông Quan, trong khi “Đinh Lễ đánh vào vùng cầu Tây Dương (Cầu Giấy) ở mặt Tây và Lê Lợi chỉ huy đạo quân chủ lực tiến lên cửa Nam Đại La thành, đánh vào mặt Nam” (Đại Việt Sử Ký Toàn thư, Q.10, 23b).

Ấy chính là:

“Thừa thắng đuổi dài, Tây Kinh quân ta chiếm lại,

Tuyển binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về”.

(Cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi)

Xem thế đủ biết Đông Bộ Đầu là một cửa ngõ quan trọng ở ngay phía Đông thành Đông Quan, tức kinh thành Thăng Long cũ. Bất cứ cuộc vận chuyển, tiến chiếm nào bằng đường thủy vào kinh thành Thăng Long đều phải qua cửa ngõ Đông Bộ Đầu.

“Đã mờ rồi ánh kiếm ánh đao, Lùi xa rồi tiếng loa tiếng trống”, có ai nghĩ phố Hàng Than đã từng oai hùng đến vậy

Đã bao giờ bạn bước chân đến phố Hàng Than mà lại có thể ngờ rằng con phố nhỏ khiêm nhường ấy xưa kia đã từng là một địa danh oanh liệt đến thế. Đó là nơi tụ hội quân dân Đại Việt để đánh đuổi những kẻ thù phương Bắc bạo tàn. Là nơi tinh kỳ lấp lóa, gươm giáo sáng choang, nơi mãi còn vang vang những tiếng loa, tiếng trống trận hùng tráng như âm vang cả bầu trời lịch sử. Là nơi cha ông ta đã cất lên những lời hiệu triệu kháng chiến làm nức lòng, làm sôi sục bầu máu nóng của những người con Đại Việt yêu nước. Cũng là nơi mà đám tàn binh phương Bắc khi đến với bộ mặt câng câng phách lối bao nhiêu, thì khi thua thảm, tan tác rút về trong bộ dạng bầm dập, thảm hại bấy nhiêu. Xin bạn cùng tôi hãy nhớ rằng: “Hàng Than không chỉ là bánh cốm, caramen hay đơn giản là một lối đi từ phố lên đê. Hàng Than chính là hùng khí của đất kinh kỳ yêu dấu”.

Bình Nguyên

Tài liệu tham khảo

Exit mobile version