Đại Kỷ Nguyên

Dục vọng gọi yêu ma, thanh tâm mời điều thiện

Ảnh minh họa: Ỷ Vân Hiên.

Trong lòng lúc nào cũng mong ngóng chuyện “gió trăng quyến phường hoa liễu”, tâm trí vẩn đục thì điều thiện sẽ chẳng thể chen vào. Son phấn tình nồng thì “bút nghiên chí nản”, cái còn lại sau một đoạn xuân dương cũng chỉ là tấm thân úa tàn.

Được mệnh danh là “Thiên cổ kỳ bút”, Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (sống vào khoảng thế kỷ 16) ghi lại những câu chuyện bí ẩn hàm chứa các bài học đạo đức dựa trên giá trị phổ quát vẫn luôn đúng cho tới ngày nay. Đa phần người thời nay nói đó là tác phẩm văn học hư cấu, người có đức tin lại xem như lời nhắc nhở chân thật về đạo làm người. Trong dòng chảy mải miết và dữ dội của lịch sử, những gì còn lưu lại chẳng phải vô duyên vô cớ, phần nhiều đều có đạo lý ở trong đó. Liệu có phải khi chúng ta ngày càng nhận thức cái gọi là hiện thực khoa học, thì ngày càng loại bỏ đi lịch sử chân chính, hiện thực chân chính hay không?

Đọc truyện xưa để nhớ đạo xưa, đạo xưa còn thì người xưa còn…

Dục vọng gọi yêu ma

Trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây (Tây viên kỳ ngộ ký), Nguyễn Dữ kể về một người học trò lên kinh sư để theo học cụ Ức Trai (Nguyễn Trãi). Mỗi buổi đi học, Hà Nhân đều phải đi qua phường Khúc Giang, trong phường có một cái trại gọi là trại Tây, là dinh cơ cũ của quan Thái sư triều Trần. Hàng ngày đi qua đều thấy hai người con gái đứng trong tường cười đùa, đôi lúc còn ném hoa trêu cậu. Lâu dần, Hà Nhân không thể làm ngơ, đến hỏi thăm, hai nàng xưng họ Liễu và Đào, vốn là tì thiếp của quan Thái sư. Nhưng từ ngày quan qua đời, hai nàng vẫn “phòng thu khóa kín”.

Thấy hai nàng lả lướt, tỏ ý muốn mây mưa trải chút “xuân quang”, Hà Nhân bèn rủ rê về chỗ trọ của mình cùng đắm say hoan lạc. Từ đó về sau, hai nàng sớm đi tối đến, có lúc rủ Hà Nhân về trại Tây, cùng gặp các chị em họ Vi, Lý, Mai, Dương, Kim, Thạch… của mình.

Rồi cũng đến lúc bố mẹ ở quê nhà tìm ý trung nhân cho Hà Nhân, chàng quyến luyến từ biệt hai chị em Liễu, Đào, về thoái thác việc hôn sự mà cha mẹ định cho. Lấy cớ có vợ sẽ làm ảnh hưởng tới việc sách đèn, chàng lại trở về kinh ôn thi. Nhưng bút nghiên chẳng đụng tới, chàng chỉ ngày ngày bên mỹ nhân, “khoát sóng hoa đào nghiêng ngả”.

Một đêm tiết đông lạnh giá, hai nàng mắt đẫm lệ, nói mình “không may mắc bệnh gió sương, khí xuân chưa về, mặt hoa dễ héo, thuốc thang khó tìm, hương hồn một mảnh, chưa biết rồi sẽ trôi dạt đến nơi nào”. Gió đông nổi lên, từ đó hai nàng không đến, Nhân buồn rầu ngơ ngẩn như mất hồn. Có cụ già láng giềng thấy vậy liền nói:

“Ôi! Cậu nói rõ chuyện chiêm bao chắc? Cái dinh cơ ấy từ khi quan Thái sư mất đi, trải hơn 20 năm nay, đã thành một nơi hoang lạnh. Mấy gian đền mốc, một người quét dọn cũng không có, làm gì có nhiều cô gái họ nọ, họ kia như cậu nói. Chẳng qua đó là những hạng gái lẳng lơ dâm đãng, nếu không thì cũng là những u hồn trệ phách, hiện lên thành yêu quỷ đó thôi”.

Hóa ra cô họ Kim là hoa Kim tiền, nàng họ Thạch là cây Thạch lưu, họ Lý họ Mai, họ Liễu, họ Đào đều là lấy tên hoa, tên cây mà đặt ra cả.

Lời bình cuối câu chuyện có viết:

“Than ôi, thanh lòng không bằng ít dục, dục nếu yên lặng thì lòng rỗng mà điều Thiện sẽ vào, khí bằng phẳng mà cái lý sẽ thẳng, tà quỷ còn đến quấy nhiễu làm sao được. Chàng họ Hà lòng trẻ có nhiều vật dục, cho nên loài kia mới thừa cơ quyến rũ. Nếu không thì những giống nguyệt quái hoa yêu, mê hoặc sao được mà chẳng phải thu hình nép bóng ở trước Lương Công là một bậc chân chính (Lương Công đời Đường là bậc chính nhân, Tố Nga vốn là yêu hoa thấy ông mà không dám đến gần). Kẻ sĩ gánh cặp đến học ở Trường Anh, tưởng nên chăm chỉ về học nghiệp, tuy không dám mong đến được chỗ vô dục, nhưng giá gắng tiến được đến chỗ quả dục thì tốt lắm!”

Ảnh minh họa: Photocnc.

Lại cũng có Chuyện cây gạo, nói về Trình Trung Ngộ là một chàng trai đẹp ở đất Bắc Hà, hay xuống phía Nam buôn bán, gặp và quen cô gái tên Nhị Khanh u sầu muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân cho đỡ tiếc đời ngắn ngủi. Hai người cứ thế qua lại, dù được bạn đi buôn cùng ngăn cản không làm việc bất chính, nhưng Trung Ngộ vẫn không dừng lại. Sau này biết được Nhị Khanh vốn là hồn cô gái chết trẻ, nhưng Trình Trung Ngộ vẫn quyến luyến rồi chết theo. Hai người thành cô hồn trú trên thân cây gạo, quấy nhiễu dân làng.

Sau có vị đạo nhân ra tay nhổ bật gốc gây, kêu gọi thần linh trừ loài nhơ bẩn nên hai kẻ dâm dật bị đầu trâu gông trói mang xuống địa phủ.

Lời bình ghi rằng:

“Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải. Trung Ngộ là một gã lái buôn không có tri thức, không đủ trách vậy. Vị đạo nhân kia vì người trừ hại, công đức lớn lao, nhà bình luận công bằng sau này, phải nên biết đến. Không nên lấy cớ huyễn thuật mà cho là chuyện nhảm, bảo rằng dị đoan mà dìm mất cái hay, ngõ hầu mới hợp cái ý nghĩa người quân tử trung hậu đối với người khác”.

Nghe chuyện xưa xin đừng phủ nhận điều hay lẽ phải

Hai câu chuyện trên trong Truyền Kỳ Mạn Lục nghe qua giống như Liêu Trai Trí Dị, chuyên kể chuyện cõi u linh, mang nhiều cái chất phong lưu giữa người và yêu ma. Nhưng ở Truyền Kỳ Mạn Lục, tác giả để lại lời bàn giúp thức tỉnh thế nhân. Theo đó, cũng lại nói người bình luận sau này không nên coi đây là chuyện huyễn hoặc mà phủ nhận hết cái hay, trong tâm không sợ hãi những chuyện cảnh giới về đạo đức xuống cấp.

Con người ta điều gì cũng dám làm, chẳng phải cũng vì không có một chữ sợ đó hay sao? Không sợ là vì không tin, không tin thiện ác đều có báo, không tin tâm chất nhiều tư dục thì sẽ kéo theo những thứ xấu xí giống như vật chất u tối, nặng nề vô hình ùa tới với vận mệnh mình, càng chẳng tin tu tâm dưỡng tính, thanh tâm quả dục thì phúc báo sáng bừng sẽ theo về.

Nghe chuyện xưa, thay vì nhanh chóng buông ra một câu “dị đoan”, hãy lắng lại nghĩ một chút. Người thời nay cũng đã phải mơ bao giờ cho tới ngày xưa, kể lại mà gật gù khâm phục cố nhân đức độ, thanh cao. Nhưng hành động lại chẳng thể như người xưa, chỉ có thể thầm công nhận cái giáo lý xưa nhưng chẳng cũ. Tất cả cũng bởi mê đắm chạy theo dục vọng ở mọi loại phương diện, buông lỏng bản thân, chẳng có ước thúc, nên cứ trôi dần, trượt dần trên hành trình của sinh mệnh.

Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?

Exit mobile version