Đại Kỷ Nguyên

Đời người có 4 món nợ nhất định phải trả

Nợ người khác nhất định phải trả đặc biệt là người thân! Đời người có 4 khoản nợ không thể nợ người thân của mình! 

Với nhiều người chỉ cần gia đình có thể quây quần bên nhau, các thành viên đều khỏe mạnh, sống hòa thuận cho đến hết cuộc đời thì dù có ăn cơm chấm muối cũng thấy ngon hơn sơn hào hải vị. Nhưng dẫu là vậy, có những món nợ mà ngay cả dẫu là người thân của nhau ta cũng không nên dính mắc tới.

Người sống trên đời dĩ nhiên không phải là đơn độc, ai cũng có gia đình của riêng mình, người thân của riêng mình. Mối quan hệ giữa ta với họ là vô cùng bền chặt. Vì thế trong gặp hoạn nạn, họ sẽ là những người giúp đỡ bạn đầu tiên, sẵn sàng ở lại bên cạnh an ủi bạn. Thế nhưng càng là tình thân thì càng dễ làm tổn thương nhau. Ông bà ta nói: “Yêu nhau lắm, cắn nhau đau” là vậy. Bát đũa còn xô nhau, giữa những người thân không khỏi tránh có lúc làm nhau tổn thương. Những món nợ này, dù là người thân, nhất định cũng phải nên sòng phẳng. 

Món nợ ân tình

Đây cũng chính là món nợ khó trả nhất. Gia đình tôi có 5 anh chị em, tôi là em út nhỏ nhất nhà. Khi tôi thi đỗ đại học, bố mẹ tuổi đã cao không thể lo liệu cho tôi đi học được. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, học phí khoa nghệ thuật lại cao vì thế tôi quyết định bỏ ngang. Nhưng các anh chị tôi mặc dù sống trong nghèo khó vẫn cố gắng gom góp để cho tôi đi học, nhờ vậy tôi mới có thể tốt nghiệp đại học. 

Sau khi tốt nghiệp, có việc làm, tôi dành một phần tiền lương gửi cha mẹ, một phần cho bản thân và một phần tiết kiệm để trả nợ cho các anh chị. Mặc dù họ cho rằng việc dồn tiền cho tôi đi học là chuyện đáng làm, không cần tôi trả nợ nhưng trong lòng tôi vẫn không yên. 

Sau đó, cuối cùng tôi cũng tìm được cơ hội, tôi dùng những cách khác nhau để trả nợ họ. Sau khi trả nợ xong, tình cảm anh chị em chúng tôi không hề phân tách mà ngày càng thân thiết hơn. 

Vì thế giữa những người thân với nhau, ta phải cố gắng không để lại món nợ ân tình. Đương nhiên giữa người thân với nhau không dễ tính toán rõ ràng, bởi vì điều họ làm cho ta chính là cam tâm tình nguyện, đôi khi không cần sự hồi báo.

Nhưng ngay cả khi họ không cần báo đáp, ta cũng phải là một người sống có lương tâm, biết uống nước nhớ nguồn. Báo đáp những vất vả cực khổ của cha mẹ khi nuôi chúng ta khôn lớn, đó là nhớ ơn dưỡng dục. Ngoài ra, ta cũng phải báo đáp những người thân đã xuất hiện và giúp đỡ ta khi khó khăn, đó là nhớ ơn cứu giúp. Tất nhiên có những ân đức ta có dành cả đời cũng không trả hết nhưng bạn biết chăng: biết ơn chính là cách tốt nhất để tiếp tục truyền đi ngọn lửa tình yêu vậy. 

Ảnh minh họa: Weheartit.

Món nợ trách nhiệm

Cuộc sống là một sân khấu lớn, ta có thể đóng những vai khác nhau trong mối quan hệ thân thích: con cái, cha, mẹ, anh chị em, vợ, chồng… Mỗi vai diễn đều có nghĩa vụ và trách nhiệm riêng. Ví dụ như làm một người con, ta nên biết hiếu thuận, chăm sóc người già. Không thể nợ người già món nợ trách nhiệm ấy. Nhưng trên đời vẫn còn đầy người con bất hiếu đó thôi? Món nợ ấy, tự họ đã quên bẵng từ lâu mất rồi. 

Giống như ở trong một thôn nọ, có một bà lão họ Cao đã hơn 80 tuổi. Nhà bà có 4 người con trai nhưng con cháu đầy nhà mà không ai muốn chăm lo cho bà. Con cháu còn xem bà như quả bóng, đá qua đá lại. Nguyên nhân rất đơn giản, bởi vì năm đó bà cũng không hiếu thuận với người già trong nhà. Đó được gọi là trên không thẳng thì dưới cũng cong. Bởi vì bà có một món nợ hiếu thuận nên nghiệp quả luân hồi, đến bây giờ bà phải chịu cảnh tương tự. 

Làm một người con phải có trách nhiệm hiếu thuận và phụng dưỡng cha mẹ già, đừng để thiếu món nợ hiếu thuận với cha mẹ. Làm một người vợ, người chồng thì cũng phải có trách nhiệm độ lượng, khoan dung với nhau mà nắm tay nhau cho đến ngày đầu bạc. Là anh chị em ruột thịt có trách nhiệm hỗ trợ lẫn nhau, nếu có khó khăn phải tương trợ lẫn nhau. 

Món nợ kinh tế

Càng là anh em thân thiết, càng phải minh bạch về tiền nong. Giữa người thân với nhau có những chuyện không thể tính toán một cách rõ ràng, nhưng nợ nần không thể giải quyết một cách qua loa. Tiền bạc phân minh mới không tạo ra sự bất hòa. Ngược lại, tính toán một cách mơ hồ, dần dần sẽ gây ra sự nghi kỵ giữa những người thân thiết. 

Ảnh minh họa: Selbyjennings.

Có một câu chuyện như thế này, sau khi chồng qua đời, bà Từ lần lượt đến ở nhà của 6 đứa. Nhà bà Từ bị phá dỡ và phải di dời đi nơi khác. Bà nhận được một khoản bồi thường là 400 triệu. Khi biết mẹ nhận được tiền bồi thường, các con của bà Từ vì chuyện chia gia sản mà nảy sinh mâu thuẫn. 

Họ đều nói rằng bản thân đã vì cha mẹ già mà bỏ ra rất nhiều công sức, còn người khác thì chẳng làm gì, vậy thì bản thân phải được phần nhiều hơn mới đúng. Nhưng chẳng ai chịu chấp nhận ý kiến của ai, vì thế nhiều năm sau cuộc tranh chấp này trở thành một mớ hỗn độn, không thể tính toán rõ ràng được. 

Tranh chấp nhanh chóng trở thành cuộc đối đầu gay gắt giữa các anh chị em, cuối cùng họ quyết định ra tòa để xử lý. Nguyên đơn và bị đơn đối đầu tại tòa, hai bên cònt đưa cả người mẹ già 84 tuổi ra làm chứng. Cõi lòng bà Từ tan nát. Lòng bàn tay mu bàn tay đều là thịt, mười ngón tay cắn vào đâu đều đau. Cả đời người lần đầu tiên ngồi vào ghế nhân chứng, lại là làm chứng cho các con đấu tranh với nhau, bà làm sao không cảm thấy đau lòng đây? 

Nhưng tòa án không thể đưa ra phán quyết cuối cùng. Khi đó bà Từ tay nắm chặt cây gậy bước ra khỏi phòng xử án mà nước mắt tuôn rơi. Bà nói với các con của mình: “Mẹ xin các con đấy, đừng kiện tụng nữa, như thế là muốn lấy mạng mẹ!”. Mấy đứa con vẫn như vờ không nghe thấy gì. Hàng xóm xung quanh cũng xót xa nói: “Các cháu đừng kiện tụng nữa, để người già được sống yên ổn qua tuổi già đi!”. 

Đứng trước tiền bạc và lợi ích, ta nhất định phải tính toán rõ ràng, đặc biệt là với người thân. Đừng để các khoản nợ về kinh tế mập mờ với nhau. Nếu như bà Từ ngay từ đầu đứng ra chia khoản tiền đồng đều cho 6 người con, thì có lẽ họ cũng không cần đến tòa án. 

Món nợ thời gian

Có một cặp vợ chồng mới cưới được 3 tháng thì người chồng phải ra nước ngoài làm việc. Dù người vợ không nỡ nhưng đây là cơ hội hiếm có cho sự nghiệp của chồng nên cũng không muốn ngăn cản. 

Họ ước hẹn với nhau rằng, 2 năm sau người chồng sẽ quay lại. Nhưng 2 năm qua đi, người chồng vẫn không quay lại. Anh nói: “Không dễ mà có được cơ hội kiếm được nhiều tiền nên anh muốn ở lại kiếm thêm chút ít nữa. Sau này có tiền rồi thì không cần ra ngoài đi làm nữa, ở bên nhau mà không cần lo nghĩ tiền bạc nữa”. Rồi người vợ lại tiếp tục chờ đợi suốt 10 năm nữa. Chồng cô vẫn không quay về. 

Cô đã nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng vợ chồng mỗi người một nơi không thể làm thủ tục nhanh chóng được. Do đó người vợ quyết định lấy lý do chồng đã chết để kết thúc cuộc hôn nhân này. 

Lại có một vụ án bà lão 70 tuổi kiện con trai mình, không phải vì con trai không hiếu thuận mà vì công việc của con trai quá bận rộn đến mức hai mẹ con không còn thời gian gặp nhau. Bà lão phải đâm đơn kiện ra toà, như vậy hai mẹ con mới có được cơ hội nhìn mặt nhau. Thật chua xót biết bao!

Hãy dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu của bạn. Ai cũng mong người thân yêu của mình được sống tốt nhưng lại không hiểu rằng họ thực sự mong muốn gì. Họ đâu mong muốn ta áo gấm về làng, giàu sang phú quý, nhà cao cửa rộng, đi xe hơi đắt tiền, đeo vòng vàng ngọc bích. Họ chỉ cần một gia đình hạnh phúc, khoẻ mạnh, hoà thuận với nhau đến hết đời. Người ta thường vì theo đuổi công danh, sự nghiệp mà quên đi mất rằng ngày tháng đang cạn dần, số ngày được ở cạnh người thân chẳng còn bao lâu nữa. Món nợ thời gian có lẽ không cách nào trả được. 

Ngọc Linh
Theo Aboluowang

Video: Phong thủy quan trọng nhất trong gia đình, chỉ có một nơi

Exit mobile version