Có một bài hát rất hay kể về nguồn gốc của biển: Vì sao nước biển lại mặn, vì sao, ồ, tại vì sao? Bởi vì đó là giọt nước mắt từ bi của Phật, khóc cho những đứa con mê lạc của Ngài.
Ngày ấy, tại một tầng trời trên thiên giới có một khu vườn hoa lệ tên là Hồng Hoa Viên. Giữa vườn là hồ nước xanh trong màu lục bích, sóng sánh lấp lánh như ngàn vạn hạt pha lê. Xung quanh hồ trồng một thứ hoa tuyệt đẹp. Thứ hoa ấy không có ở nơi trần thế, chỉ biết rằng cánh hoa phơn phớt một màu hồng nhè nhẹ, rạng rỡ như hoa mai, mềm mại như hoa đào, và tú lệ như mạn-đà-la hoa. Dưới ánh trăng bàng bạc rọi chiếu xuống nước hồ trong vắt, từng cánh, lại từng cánh hoa bay bay giữa không trung rồi đáp xuống mặt hồ êm ả.
Cảnh tượng thơ mộng ấy khiến hồ nước trở thành điểm du ngoạn của các vị Thần tiên. Thậm chí, thiên đình còn dựng sẵn một “thưởng hoa đài” với giấy lụa và bút nghiên ngay bên hồ, để bất cứ vị tiên nào ghé chân tại đây cũng có thể tức cảnh sinh tình mà lưu lại lời vàng tiếng ngọc….
Và cây bút ấy đã nằm tại đó, khi thì ngắm mây bay, lúc lại xem hoa nở, khi thì thưởng thức tiếng chim ca, lúc lại phiêu du theo thư họa của các vị tiên nhân. Chưa bao giờ nó biết nhàm chán, bởi nơi đây luôn đông vui tấp nập như trong bữa tiệc Dao Trì.
Nhưng rồi một ngày kia thức giấc, nó ngơ ngác nhìn quanh và thấy không gian quạnh vắng lạ thường. Ơ kìa, sao hôm nay không có vị tiên nào ghé qua đây? Cảnh sắc vẫn đẹp vẫn thơ đến nao lòng, nhưng vì sao không còn ai thịnh hội như mọi ngày?
Rồi đột nhiên, từ không trung rơi xuống một giọt nước, giọt nước ấy ôm trọn lấy nó, khiến nó vì quá bất ngờ mà khẽ rùng mình một cái, làm giọt nước bắn văng ra và rơi xuống lòng hồ sâu thăm thẳm. “Ui chao, trước giờ ta chỉ thấy nước có vị ngọt, giọt nước này ở đâu ra mà mặn thế nhỉ?”, cây bút tự hỏi như vậy. Và vì hôm nay là một ngày nhàn nhã của nó, nó bèn nhảy ra khỏi chiếc bàn đá và chạy đến hỏi cây hoa nhỏ gần đó.
– Chị Tiểu Tiểu Hồng Hoa ơi, chị có biết giọt nước mằn mặn vừa rồi không?
Tiểu Tiểu Hồng Hoa nhìn nó trìu mến:
– Chẳng thứ nước nào có vị mặn đâu em, chỉ có nước mắt mới mặn thôi.
– Là nước mắt sao? Từ khi sinh ra đến giờ em luôn thấy cuộc đời vui vẻ, vậy chị nghĩ xem, liệu ai có thể khóc được nhỉ?
Tiểu Tiểu Hồng Hoa ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
– Những loài cây như chị không thể khóc, mà chỉ các vị Thần mới có thể khóc thôi.
Cây bút đột nhiên thấy trong tim đau nhói, nó chưa bao giờ chứng kiến vị Thần nào phải đổ lệ. Nó nói:
– Không lẽ nơi thiên giới mỹ diệu này đã xảy ra chuyện gì khiến các vị Thần phải khóc sao? Nhất định đó phải là điều gì kinh tâm động phách lắm mới khiến cho Thần tiên rơi lệ.
Thế là, cây bút tạm biệt Tiểu Tiểu Hồng Hoa rồi bắt đầu hành trình mới của mình. Đi đến đâu nó cũng hỏi thăm xem có vị Thần nào đang khóc không, nhưng không ai có thể trả lời nó. Nó hỏi ngọn cỏ, ngọn cỏ chỉ lắc đầu. Nó lại hỏi hòn đá, hòn đá chỉ lặng thinh rồi bảo rằng không biết. Nó hỏi hồ nước, hồ nước chỉ kể rằng giọt nước mắt kia đã rơi xuống một nơi rất thấp và rất xa xôi tên là Trái Đất, nhưng chủ nhân của nó là ai thì hồ nước hoàn toàn không hay biết.
Sau một hồi lâu, cây bút nhận ra rằng cứ loanh quanh trong khu vườn bé nhỏ này thì sẽ chẳng thể tìm được câu trả lời. Vậy là nó quyết định bước ra khỏi Hồng Hoa Viên, tìm đến các vị thiên nhân để hỏi.
Ra khỏi Hồng Hoa Viên, cây bút bé nhỏ lại lạc bước giữa thiên đình bao la vạn trượng, tất cả những linh thú và thánh vật của tiên giới nó đều đã gặp qua. Ở chỗ này là con Thanh Ngưu của Thái Thượng Lão Quân đang thảnh thơi gặm cỏ, tại chỗ kia là thỏ ngọc của Hằng Nga tiên tử đang chạy nhảy bên bờ hồ ngan ngát hương sen… Nhưng dẫu đi khắp mọi nẻo nó tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một vị Thần nào.
Đi mãi đi mãi, cuối cùng cây bút cũng gặp được hai tiên nữ đang cầm giỏ bay đi hái đào. Nó hớn hở chạy đến và nói:
– Hai chị Phi Thiên ơi, hai chị có biết giọt nước mắt rơi từ không trung là của vị Thần nào không?
Một tiên nữ bật cười:
– Giọt nước mắt sao? Ta chưa thấy, nhưng chỉ là một giọt nước mắt thôi mà, sao em phải bận tâm làm gì chứ?
Nói rồi tiên nữ khúc khích cười, và lại cầm giỏ bay đi. Tiên nữ còn lại nhìn thấy vẻ mặt sốt sắng của nó, bèn nói:
– Ta cũng chưa thấy, nhưng trong điện Linh Tiêu hôm nay có thịnh hội, cả Vương Mẫu Nương Nương, Ngọc Đế và các vị Thần tiên đều tụ hội tại đó, em hãy thử đến hỏi xem sao.
“Thảo nào hôm nay lại vắng vẻ hiu quạnh như thế, thì ra là vì tất cả Thần tiên đều đến điện Linh Tiêu cả rồi”, cây bút lầm bầm tự nhủ. Nhưng rồi nó vẫn không quên cúi chào Phi Thiên và háo hức chạy về phía điện Linh Tiêu.
Nhưng chưa kịp bước vào bên trong thì cây bút đã bị vị Thần canh gác cửa là Môn Thần giữ lại. Môn Thần nói với nó:
– Này Văn Bút, sao ngươi không ở trong Hồng Hoa Viên mà lại tự ý rong chơi thế này?
Lúc này cây bút mới sực nhớ ra rằng nó cũng có tên gọi. Bởi các vị Thần đến thăm Hồng Hoa Viên thường dùng nó để vẽ tranh, vịnh cảnh, ngâm thơ, đôi lúc còn họa cả câu đối nữa, do vậy ai cũng gọi nó là “Văn Bút”. Nó bèn kể lại câu chuyện xảy ra sáng nay cho Môn Thần nghe, rằng nó tuy chỉ là cây bút lông bé nhỏ nhưng lại cảm thấy rất thương tâm khi biết một vị Thần phải khóc, và rằng nó đã lặn lội xa xôi tìm khắp chốn thiên đình chỉ để tìm được vị Thần ấy. Môn Thần cảm động trước thành ý chân tâm của nó, bèn nói:
– Được, ngươi đã có nguyện vọng như vậy thì cũng có thể tham dự thịnh hội hôm nay. Bởi vì thịnh hội lần này không giống như mọi năm, Đức Phật Như Lai vừa trở về từ “Thánh hội Pháp Vương” và hiện đang giảng Pháp cho chúng Thần nơi thiên đình. Ngài nói rằng bất cứ ai đều có thể tham dự, nếu ngươi muốn thì cũng có thể vào. Nhưng có điều, Văn Bút, ngươi không thể mang hình hài của một cây bút mà vào được, như thế e rằng sẽ là bất kính. Ngươi hãy hóa phép ra thân người, phải có thân người thì mới được diện kiến Đức Phật.
Bởi tất cả mọi đồ vật trên thiên thượng đều có linh tính, và dĩ nhiên cũng có một chút thần thông. Văn Bút cũng vậy, mặc dù nó cảm thấy thoải mái và tự do nhất khi ở trong hình hài của một chiếc bút, nhưng nó cũng có thể biến thành hình người khi cần thiết. Văn Bút lắc mình một cái, biến thành một tiểu đồng chỉ chừng 8, 9 tuổi, khuôn mặt bầu bĩnh, hai má phinh phính như trái đào tơ, còn mái tóc thì búi tó thành hình ngọn bút lông dựng ngược lên trời. Môn Thần thấy thế bật cười thích thú, và mở rộng cánh cửa điện Linh Tiêu cho Văn Bút bước vào.
Trong điện Linh Tiêu trang nghiêm lộng lẫy, Đức Phật Như Lai đang ngồi đả tọa trên đài sen, toàn thân Ngài tỏa ra ánh hào quang màu vàng kim rực rỡ. Xung quanh Đức Phật là tầng tầng lớp lớp các chư Thần, chư tiên và các vị thiên nhân, tất cả đều cung kính lắng nghe Đức Phật thuyết giảng. Khi Văn Bút bước vào thì cũng là lúc Như Lai vừa kết thúc phần giảng Pháp, Ngài nhìn quanh thánh điện rồi nói, giọng Ngài vang xa khắp chín tầng mây:
– Vậy là Thánh Vương Phật Chủ sắp hạ thế truyền Đại Pháp, các vị tiên gia có ai nguyện ý xuống trần trợ giúp Phật Chủ không?
Các vị tiên gia trầm tư suy ngẫm, không ai nói một lời khiến cả thánh điện đều im ắng như một bức tranh. Ai cũng biết rằng trần gian là tầng thứ thấp nhất trong vũ trụ, là nơi dơ bẩn ô uế và đầy cạm bẫy, vậy nên chẳng có vị Thần nào muốn hạ xuống nơi nhơ bẩn như thế.
Đức Phật lại từ bi nhìn khắp một lượt và nói:
– Các vị tiên gia, nếu còn băn khoăn điều gì, xin hãy nói.
Văn Bút không biết Thánh Vương Phật Chủ là ai, cũng không hiểu vì sao một vị Phật lại phải hạ thế truyền Đại Pháp. Nhưng nó biết đây là cơ hội duy nhất của mình. Nó bèn quỳ xuống chắp hai tay cung kính, tỏ ý muốn được thỉnh ý Như Lai. Như Lai Đức Phật nói với nó:
– Văn Bút, con hãy cứ nói đi đừng ngần ngại.
Văn Bút bèn kể lại câu chuyện về giọt nước mắt và về cuộc hành trình của nó suốt cả ngày hôm nay, sau đó nó nói:
– Thưa Đức Như Lai, xin hãy cho con biết giọt nước mắt ấy đến từ đâu, và vì sao một vị Phật lại khóc?
Như Lai gật đầu nhìn Văn Bút, bởi tất cả các vị Thần đều biết lai lịch của giọt nước mắt, nhưng chỉ duy nhất Văn Bút là tỏ ra quan tâm về điều ấy. Ngài từ tốn nói:
– Văn Bút, ta đã giảng về điều ấy trong buổi thịnh hội ngày hôm nay. Nhưng vì con đến muộn nên ta sẽ giảng thêm một lần nữa…
Và Đức Phật từ bi bắt đầu kể, một câu chuyện vĩnh hằng từ rất xa xưa… Đó là thuở hồng hoang sơ khai, đất trời vừa mới phân chia và các vị Thần bắt đầu tạo ra nhân loại. Mỗi dân tộc đều có một truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc loài người, nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm: ấy là con người được tạo ra bởi các vị Thần. Bởi các vị Thần đều phỏng theo hình tượng của mình mà tạo ra con người, nên mỗi vị Thần khác nhau sẽ tạo ra một nhân chủng khác nhau, thế nên trên địa cầu mới có người da vàng, da trắng, da đen, và giữa các chủng tộc mới khác nhau nhiều đến vậy.
Các vị Thần tạo ra con người, rồi lại vì con người mà truyền cấp văn hóa cho nhân loại. Nên mới nói, văn hóa đích thực của loài người là văn hóa Thần truyền, là nền văn hóa biết kính thiên tri mệnh, trọng đức hành thiện, thiên nhân hợp nhất. Dẫu là người phương Đông hay phương Tây, dẫu khác biệt thế nào về văn minh và tín ngưỡng thì họ luôn có một điểm chung: đó là tin vào Thần (người Đông phương thờ Phật, Đạo, người Tây phương thờ Chúa Trời), và lấy đạo đức làm thước đo.
Vì sao trong lịch sử, tại mỗi chu kỳ văn minh đều có Giác Giả giáng sinh truyền Pháp? Đó có thể là các vị Thần của Hy Lạp cổ đại, là Jesus, Lão Tử và Thích Ca mà chúng ta đã biết, và còn rất nhiều vị Thần của các nền văn minh từ thời tiền sử xa xưa mà ta không được biết. Ấy là bởi Thần luôn chăm sóc cho nhân loại nên mới khai sáng cho nhân loại thứ văn hóa Thần truyền, tạo ra một sợi dây kết nối giữa nhân gian và thiên thượng. Vì sao con người quá khứ lại tín Thần, tín Phật đến vậy? Và vì sao họ có thể tu luyện trở thành Thần? Chính là nhờ có sợi dây kết nối này.
Vậy là trải qua hàng triệu, triệu năm, qua bao kiếp bao đời, con người – những đứa con của các vị Thần – vẫn đang chờ đợi đến ngày thiên môn khai mở, để được trở về với vị Thần đã sáng tạo ra mình. Chính nền văn hóa kính thiên tri mệnh và tín ngưỡng vào Thần đã giúp loài người giữ vững chân nguyện của mình, không còn bị lầm lạc giữa các kiếp luân hồi. Đó cũng là lý do một vị Thánh nhân đã nói: Văn hóa Thần truyền là để trải thảm cho con đường dẫn lên thiên giới!
Nhưng nhân gian vốn là cõi mê, con người vì đắm chìm trong danh lợi mà ngày càng rời xa truyền thống của họ. Rồi sẽ đến một thời kỳ mà loài người không còn tin Thần, không còn kính Phật, vô Pháp vô Thiên. Họ sẽ cho rằng Thần Phật chỉ là lời bịa đặt, tín ngưỡng chỉ là thứ thuốc phiện tinh thần, và đạo đức thì là thứ rẻ mạt “bao nhiêu đồng một cân?”. Sẽ có ngày họ tranh tranh đoạt đoạt, giành giật tư lợi, họ truy cầu lợi ích, thỏa mãn dục vọng, phóng túng ma tính mà chẳng e dè gì. Sẽ có ngày họ phủ nhận nguồn gốc thần thánh của mình (là đứa con của Thần) và xếp nhân loại vào cùng một hàng với thú vật (cho rằng vượn tiến hóa thành người). Sẽ có ngày các bậc Thánh bị loài người phỉ báng, còn xú nhân thì được rước lên điện đài sùng bái…
Bởi nhân loại càng ngày càng rời xa Thần, họ đã tự biến mình trở nên xấu xí, họ đã vô tình chiêu mời những thứ tà ma, xấu xa, quỷ quái. Nào là trộm cướp, nào là tà dâm, nào là đồng tính, nào là loạn luân, nào là khủng bố, nào là… quả thực là quá nhiều không kể xiết. Khi bị những thứ tà, thứ ác này thao túng, thì điều chờ đợi nhân loại sẽ là một kết cục đáng sợ vô cùng.
Đức Thánh Vương Phật Chủ đã nhìn thấy hết thảy những điều này, và Ngài không khỏi xót xa rơi lệ. Một giọt nước mắt của Ngài đã rơi xuống, qua tầng tầng không gian, xuyên suốt bao đại khung thiên thể. Cuối cùng khi đến tầng trời này, giọt nước mắt ấy đã vô tình hòa lẫn một giọt mực của thiên đình nên mới có màu xanh thăm thẳm như bầu trời rồi rơi xuống nơi Tam Giới, trở thành biển nước mênh mông.
Kể đến đây, Đức Phật Như Lai dừng lại một lát. Ngài cúi xuống, chỉ thấy Văn Bút đang chăm chú nghe, hai hàng lệ của nó tuôn trào bên khóe mắt. Rồi Ngài chậm rãi nói:
– Văn Bút, đó chính là giọt nước mắt từ không trung mà con nhìn thấy sáng hôm nay. Giọt nước mắt ấy đã hòa lẫn với màu mực trên lông bút của con, như vậy coi như con đã kết một đoạn duyên phận của mình với Phật Chủ. Được rồi, giờ hãy để ta kể tiếp…
Phật Chủ vì muốn cứu vớt nhân loại nên đã quyết định hạ thế truyền Đại Pháp. Nhưng nhân loại thời mạt kiếp là vạn ma xuất thế, cái tà cái ác đang lũng đoạn hoành hành ở thế gian, khiến con người lầm lạc trong thứ văn hóa biến dị mà rời xa truyền thống, đánh mất con đường trở về thiên quốc của chính mình. Chính vì vậy, ta cùng các chư Phật, chư Tiên khắp tầng trời đang tìm người hữu duyên, nguyện ý hạ trần để trợ giúp Phật Chủ làm chính lại văn hóa của nhân loại.
Văn Bút chắp tay hỏi:
– Thưa Như Lai, vậy đã có vị Thần nào nguyện ý hạ thế chăng?
Như Lai thở dài đáp lại:
– Có hằng hà sa số chư tiên nhiều như số cát sông Hằng, nhưng những vị dám hạ phàm lại chẳng có bao nhiêu. Cho đến nay mới có một vị tiên nữ nguyện dùng vũ múa để phục hưng văn hóa, lại có một vị nam Thần thệ ước dùng hội họa để truyền tải thông điệp thiện lương, thêm một vị Thần hứa sẽ dùng tiếng trống hào hùng để xua đuổi ác tà… Ngoài ra cũng có những vị Thần từ các đại khung xa xôi khác, nhưng so với các chư Thiên khắp tầng trời thì con số ấy là không đáng kể. Nhân gian quả là chốn hiểm ác, chẳng trách sao không mấy ai muốn đặt chân vào.
Văn Bút dõng dạc thưa:
– Con không biết chốn nhân gian hiểm ác nhường nào, nhưng con nguyện ý vì Phật Chủ mà hạ thế, dẫu gian khổ thế nào cũng không từ!
Như Lai mỉm cười nhìn Văn Bút:
– Con thành tâm thành ý như vậy, thực là đáng khen. Nhưng con chỉ là một cây bút lông bé nhỏ, liệu con có thể làm gì đây?
Văn Bút nói:
– Con biết sức mình có hạn, nhưng con có thể viết, và con nguyện được viết ra bằng tất cả trái tim mình để đánh thức thế nhân đang mê lạc, khơi gợi thiện niệm trong tâm họ, và đưa họ trở về với văn hóa Thần truyền.
Như Lai gật đầu cười mãn nguyện. Ngài lại hỏi:
– Con còn trẻ người non dạ, chắc con chưa lường trước rằng đó là nơi thập ác bất xá, ngũ độc câu toàn, bất kể thứ gì của thế gian cũng là cạm bẫy rình rập có thể khiến con không thể trở về. Con có dám xuống đó không?
– Thưa, con dám!
– Nhưng lăn lội giữa hồng trần cuồn cuộn, con sẽ bị bạn bè hiểu lầm, bị người đời thóa mạ, lại bị kẻ cường quyền bức hại khiến con phải sống cảnh nghèo túng… Con có chấp nhận không?
– Thưa, con chấp nhận!
Văn Bút vừa dứt lời thì cũng là lúc các tiên nữ rải hoa khắp bầu trời. Đức Như Lai nói tiếp:
– Xuống thế gian lần này, nhiệm vụ của con là phục hưng văn hóa truyền thống, giúp con người nhận ra đâu là cái hay cái đẹp chân chính, từ đó mà rời xa cái ác, trở về với thiện lương và đạo đức. Nhưng vì nhân loại đã bại hoại, ngay cả làm việc tốt cũng vấp phải sự hoài nghi đố kỵ. Bởi vậy, con nhất định phải kiên trì bền lòng, khó khăn nào cũng không được dao động, thử thách nào cũng không được lung lay. Nếu có thể giữ vững chân tâm như vậy, thì sẽ có ngày cổng trời khai mở, văn hóa được phục hưng và kỷ nguyên mới sẽ lại bắt đầu.
Được rồi, giờ thì con hãy đi đi…
Dứt lời, Đức Như Lai vẫy tay một cái, nơi Văn Bút đứng giờ chỉ còn là một làn khói xanh mờ ảo. Các vị Thần cùng chạy đến và nhìn xuống Tam Giới, chỉ thấy biển lớn mênh mông, nước xanh biêng biếc, từng đợt từng đợt sóng xô vào bờ cát, bao bọc lấy các khối lục địa xanh xanh. Trên những mảnh đất ấy, đông qua xuân đến, thu đi hạ về, đâu đó giữa dòng người tấp nập vẫn có những cây bút đang ngày đêm cặm cụi viết, và mặc kệ bão táp phong ba, vẫn đang cặm cụi viết không ngừng…
Tâm Minh