Đại Kỷ Nguyên

Đẹp như một kiếp hoa đào: Nhân sinh ảo mộng cõi người phù du

Mùa xuân vẫn đến, hoa đào vẫn nở, gió tuyết hay sương sa cũng không ngăn được hoa đào làm đẹp cho đời.

Mùa xuân, Bắc có hoa đào thắm, Nam có hoa mai vàng. Nếu như mai thể hiện khí tiết thanh cao của người quân tử, thì đào lại tượng trưng cho tấm lòng của bậc nữ nhi son sắt. Nếu mai kiên cường mạnh mẽ, thì đào mềm mại thướt tha; mai quyền quý cao sang, đào lại dịu dàng đằm thắm; mai cười rạng rỡ trong nắng xuân, còn đào là đôi môi hồng e ấp. Hai thứ hoa, hai cốt cách, hai phương trời, cũng là hai sắc màu xuân sang.

Bài viết này, xin dành tặng hoa đào…

Đẹp xinh những cánh hoa đào

Trước hết, phải nói rằng: Hoa đào rất đẹp! Quả vậy, đẹp từ khi đào mới kết nụ, đơm bông, cho tới khi hoa nở, thậm chí hoa tàn vẫn đẹp đến nao lòng. Chẳng phải thế sao? Ngắm những nụ đào còn chúm chím trên cành, sẽ thấy nét mơ màng e lệ của nàng Xuân. Rồi khi hoa mãn khai nhuộm thắm một góc trời, đôi chân sẽ lạc bước vào tiên cảnh. Hoa tàn hoa rụng lại càng đẹp và mộng mơ hơn nữa. Đó là “đào hoa lưu thủy”, trôi theo dòng nước; hay là hình ảnh cánh hoa nương theo làn gió, bay lả tả khắp không gian; hoặc cũng có thể là phơn phớt cánh đào trải thảm hồng trên nền cỏ biếc.

Hoa đào đẹp, còn là đẹp từ thiên thượng tới nhân gian. Bởi vì, đào cũng là một loài hoa nơi tiên cảnh. Tương truyền, Tây Vương Mẫu có một vườn đào tiên do chính bà vun trồng, có hết thảy 3.600 cây. Phía trước là 1.200 cây với hoa nhỏ trái nhỏ, 3.000 năm mới chín, ăn vào thì thân thể nhẹ nhàng, thanh xuân mãi mãi. Ở giữa là 1.200 cây, hoa nở thành tầng, trái thơm quả ngọt, 6.000 năm mới chín, ăn vào có thể cưỡi mây lướt gió, bay bổng lên chín tầng thiên. Phía sau là 1.200 cây, trái tím hạt vàng, 9.000 năm mới chín, ăn vào sẽ phúc lộc cùng trời đất, thọ ngang cùng nhật nguyệt, mãi mãi bất lão trường sinh. Những trái đào tiên ngàn năm ấy vẫn thường được Vương Mẫu nương nương bày tiệc tại yến Dao Trì để cùng chư tiên thưởng lãm. Người ta nói, đào là tinh hoa của Ngũ Hành, cũng là vật báu của thiên địa.

Những chốn bồng lai tiên cảnh, không thể không có sắc hoa đào. Nổi tiếng nhất là ghi chép của Đào Tiềm trong “Đào hoa nguyên ký”. Câu chuyện xảy ra vào triều Thái Nguyên thời nhà Tấn, kể rằng một người đánh cá ở Vũ Lăng tình cờ thấy những cánh hoa đào trôi ra từ khe núi. Thấy lạ, chàng bèn lần theo dòng nước, đi mãi đi mãi, bỗng lạc đến một rừng đào, hoa tươi rực rỡ, ngan ngát cỏ thơm. Chàng băng qua khu rừng thì thấy một cửa hang, bước vào trong liền ngỡ ngàng như lạc vào thế giới khác. Nơi đây dân cư đông đúc, cuộc sống tự do tiêu sái, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Chàng đánh cá lưu lại vài ngày rồi cáo biệt ra về, nhưng đến khi quay lại tìm chốn đào nguyên thì tìm hoài mà không thấy.

Hoa đào đẹp, còn là đẹp từ thiên thượng tới nhân gian, hoa đào cũng là một loài hoa nơi tiên cảnh. (Ảnh: ngocbao.org)

Đến thời Hán Minh Đế, có hai chàng thư sinh là Lưu Thần và Nguyễn Triệu. Một ngày hai chàng lên núi hái thuốc, tình cờ lạc vào một rừng đào. Họ hái những trái đào để ăn thì thấy trong người nhẹ nhàng, bay bổng. Sau đó, cũng tại nơi rừng đào thơ mộng ấy, họ gặp hai nàng tiên tuyệt sắc. Người phàm kết duyên cùng tiên nữ, chẳng phải mối lương duyên ngàn năm có một hay sao? Nhưng một ngày nơi động tiên bằng một năm trên trần thế. Sau trăm ngày trải qua cuộc sống thần tiên giữa bạt ngàn đào thắm, hai chàng muốn trở về thăm nhà, thì quê xưa đã thay đổi hoàn toàn, không còn ai nhận ra họ. Còn rừng đào nơi tiên cảnh cũng đã thành thế giới mộng ảo không bao giờ quay lại được nữa.

Nơi tiên cảnh là thế, vậy còn chốn nhân gian? Kể rằng, hoa đào là vẻ đẹp của người thiếu nữ, cũng là vẻ đẹp của những cuộc tình thơ. Giống như trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, mối tình đầu của Kim Trọng và Thúy Kiều luôn thấp thoáng bóng hoa đào. Đến khi chàng Kim phải về Liêu Dương thụ tang người chú, sau nửa năm xa vắng, chàng trở lại vườn Thúy thì mọi vật đều đã đổi thay. Người xưa không còn nữa, chỉ thấy:

“Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Cũng không thể không nhắc đến giai thoại “hoa đào Thôi Hộ”, bởi màu hoa ấy đã làm nền cho chuyện tình lãng mạn nhất trong thi ca. Năm ấy, nhân tiết thanh minh, Thôi Hộ dạo chơi ở phía nam thành Lạc Dương, nơi đây trồng rất nhiều đào, hoa nở đẹp rực rỡ. Chàng thấy khát, bèn ghé vào một Đào Hoa Trang xin nước uống. Mở cửa là một thiếu nữ xinh đẹp, hai má ửng hồng, rụt rè đưa nước cho chàng. Thôi Hộ cũng ngượng ngùng, đón lấy bát nước uống rồi cáo biệt ra về.

Người nhớ cảnh, cảnh nhớ người, đúng một năm sau trong tiết thanh minh, chàng Thôi trở lại chốn cũ nhưng chỉ thấy cửa đóng then cài, người xưa không biết ở chốn nao, mặc cho ngàn hoa vẫn rực rỡ. Chàng cảm khái muôn phần, cuối cùng đã để lại bài thơ trên cánh cổng:

“Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.”

Dịch (Trần Trọng Kim):

Hôm nay, năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông.

Đến chiều, người thiếu nữ cùng cha đi viếng chùa xa trở về, nhìn thấy bài thơ trên cổng, nàng đoán ngay là của vị khách năm ngoái, lòng xiết bao xúc động bồi hồi. Từ đó nàng có ý ngóng trông, nhưng ai kia vẫn bặt vô âm tín. Vì nỗi tương tư mà lâm bệnh, người thiếu nữ ngày một tiều tụy, e là sẽ không còn sống được bao lâu nữa. Ví như là thuốc tiên thì cũng chỉ có thể chữa khỏi bệnh trên thân thể, đâu có thứ tiên dược nào chữa được bệnh tương tư?

Đến khi người thiếu nữ hấp hối trên giường bệnh, thì cha già chỉ có thể cầu mong phép màu xuất hiện. May thay đúng lúc ấy chàng Thôi tìm đến, nhìn thấy người mình mong nhớ vừa mới trút hơi thở cuối cùng. Chàng quá thương cảm vội quỳ xuống bên giường, cầm lấy tay nàng mà thổn thức. Kỳ lạ thay, nước mắt chàng vừa nhỏ xuống khuôn mặt người thiếu nữ thì nàng từ từ mở mắt sống lại.

Nếu như hoa đào Thôi Hộ đã chắp cánh cho một thiên tình sử, viết nên câu chuyện đẹp tựa bài thơ, thì hoa đào của nàng Lâm Đại Ngọc trong “Hồng Lâu Mộng” lại khóc thương cho một khách hồng nhan:

“Hoa bay hoa rụng ngập trời
Hồng phai hương lạt ai người thương hoa?

Ngẫm khi xuân muộn hoa tàn,
Cũng là khi khách hồng nhan về già.
Hồng nhan thấp thoáng xuân qua
Hoa tàn, người vắng ai mà biết ai?”

Nàng Đại Ngọc yêu hoa, nhưng cũng lại thương hoa, khóc hoa, rồi chôn hoa, phải chăng bởi vì nàng đã nhìn thấu cái mong manh của kiếp người, cũng là cái bạc bẽo vô tình của kiếp nhân sinh?

Nàng Đại Ngọc yêu hoa, nhưng cũng lại thương hoa, khóc hoa, rồi chôn hoa, phải chăng bởi vì nàng đã nhìn thấu cái mong manh của kiếp người. (Ảnh: youtube.com)

Kiếp người hay một kiếp hoa đào

Hoa đào đẹp, quả vậy! Đẹp từ chớm nụ cho tới khi hoa tàn, cánh vương đầy mặt đất. Nhưng dẫu đẹp và nên thơ đến mấy, thì “kiếp hoa” kia mới thật ngắn ngủi, khiến cho cái đẹp ấy lại trở thành tang thương. Thế nên, thi nhân xưa thấy hoa rơi mà lòng đau nhói: “Thủy hoa lưu tạ lưỡng vô tình” (nước chảy, hoa tàn, cả hai cùng vô tình), lại thấy: “Lạc hoa hữu ý tùy lưu thủy. Lưu thủy vô tình luyến lạc hoa” (Hoa rơi hữu ý theo nước chảy. Nước chảy vô tình cuốn hoa trôi). Tại vườn hoa Kim Cốc ở thành Lạc Dương, Đỗ Mục thấy hoa rơi mà nhận ra cái tan tác của một kiếp người:

“Phồn hoa sự tán trục hương trần
Lưu thủy vô tình thảo tự xuân
Nhật mộ đông phong óan đề điểu
Lạc hoa do tự trụy nhân lâu”

(Những việc phồn hoa đã tan tác theo lớp bụi thơm
Nước vô tình chảy, cỏ cứ tự tươi thắm
Chiều về chim kêu ai oán trong gió đông
Hoa rụng như người nào năm xưa nhảy xuống lầu)

Kiếp hoa cũng giống như kiếp người, thoát sao được vòng quay của sinh – lão – bệnh – tử? Con người là “sinh – lão – bệnh – tử”, Thiên Địa là “thành – trụ – hoại – diệt”. Cho nên, ngắm hoa mà ngẫm đến kiếp người, suy ngẫm về đời người mà nhận ra quy luật của thiên nhiên vạn vật, cũng là quy luật bất biến vĩnh hằng của tạo hóa. Có người ngắm hoa đào mà say sưa giấc mộng hồng (chìm trong cõi mê), lại có người ngắm hoa đào mà bừng ngộ, thấu triệt Pháp lý vần xoay của vũ trụ (tỉnh thức, thoát khỏi cõi mê).

Linh Vân thiền sư nhìn thấy hoa đào mà ngộ Đạo. (Ảnh: Wikipedia)

Thiền sư Linh Vân tu đạo trên núi, ngài đã 30 năm cần mẫn tu hành nhưng vẫn chưa thật sự đắc Đạo. Ngày hôm nay ngồi tham thiền trong rừng đào, một cơn gió thổi đến khiến những cánh hoa vương đầy trên mặt đất, ngài bỗng ngộ ra chân Pháp chân Đạo từ những cánh đào rơi.

“Tam thập niên lai tầm kiếm khách.
Kỉ hồi lạc diệp kỉ trừu chi.
Tự tòng nhất kiến đào hoa hậu.
Trực đáo như kim bất cánh nghi”.

Dịch:

Ba chục năm qua tầm kiếm khách
Bao lần lá rụng với cành trô
Từ khi được thấy hoa đào rụng
Cho đến ngày nay chẳng chút ngờ

Người thường là say trong sắc hoa, hương hoa, tình hoa, mà ảo tưởng về cuộc sống phồn hoa giả tạm nơi trần thế. Nhưng kiếp người chỉ có trăm năm, dẫu là công tử vương tôn quyền quý, là anh hùng hào hoa tuấn kiệt, hay là phận nữ nhi yểu điệu, làm bóng hồng lưu luyến trong trái tim ai… thì cuối cùng, hết thảy đều trở về cát bụi! Hoa đẹp đến mấy cũng phải héo tàn, người đẹp đến mấy cũng phải đến lúc già nua, những gì là oanh oanh liệt liệt, vẻ vang lừng lẫy, rồi cũng đến lúc trở thành dĩ vãng. Kiếp người này là giả tạm đến thế, phù du đến thế, hư ảo đến thế, sao bằng buông bỏ tất cả những thứ phồn hoa giả tạm ấy để trở về với Phật Pháp vĩnh hằng? Vì lẽ đó mà những bậc chân tu như Linh Vân thiền sư, chỉ thấy hoa đào rơi mà bừng ngộ.

Lẽ dĩ nhiên, không phải ai ai cũng trở thành thiền sư, ai ai cũng tu hành. Dẫu ai đó trong chúng ta không tha thiết làm bậc chân tu để ngộ Đạo, thì vẫn có thể làm một người bình thường – nhưng là người sống trọn vẹn kiếp nhân sinh.

Mùa xuân vẫn đến, hoa đào vẫn nở, gió tuyết hay sương sa cũng không ngăn được hoa đào làm đẹp cho đời. Mong sao mỗi người khi đứng trước hoa đào, sẽ có thể vì hoa mà tôn lên người đẹp, vì người mà hoa càng đẹp hơn. Giống như hoa đào kia đã sống đẹp kiếp hoa, người cũng nên sống đẹp kiếp người, dù chỉ chóng nở chóng tàn nhưng vẫn cống hiến hương sắc cho đời đến giây phút cuối cùng…

Hồng Liên

Exit mobile version