Đại Kỷ Nguyên

Đây mới là bài học kinh doanh quý giá nhất mà trường học không dạy bạn

Vào thời kỳ nhà Minh khi hoàng đế Minh Thế Tông trị vì, một thương buôn có tên là Kim đến từ tỉnh Giang Tô đã thành lập một cửa hiệu cầm đồ trong thị trấn nơi ông sinh sống. Bởi vì ông rất tốt bụng và chân thành, các khách hàng của ông đều được hưởng mức lãi suất và kỳ hạn trả nợ có lợi cho họ. Đặc biệt là với những vị hàng xóm và người quen cao tuổi, ông luôn dành cho họ những ưu đãi về lãi suất cầm đồ.

Một lần, vợ của một người nông dân trong vùng trở bệnh nặng. Gia đình anh này rất nghèo khổ và không thể xoay sở để có đủ tiền đi bác sĩ hay mua thuốc, nên anh ta phải đem cầm chiếc áo choàng mùa đông để đổi lấy tiền chữa trị cho vợ mình. Không lâu sau đó, mùa đông giá lạnh ùa về, nhưng người nông dân vẫn không có đủ tiền để chuộc lại chiếc áo của mình, và anh thường xuyên run rẩy vì lạnh giá.

Lo cho anh nông dân sẽ không chịu nổi tiết trời khắc nghiệt của mùa đông, Kim đã đề nghị người nông dân lấy lại chiếc áo của mình bằng việc tính lãi bằng 0% cho anh ấy. Người nông dân đã cảm động sâu sắc đến nỗi anh không thể thốt nên lời vì hành động cao cả đó của ông Kim.

Bằng những cách cho vay như vậy, với những chiếc áo choàng mùa đông và bộ quần áo mùa hè vay không lãi, cửa hiệu cầm đồ của ông Kim đã giúp đỡ rất nhiều nông dân nghèo khó trong vùng. Qua thời gian, không biết có bao nhiêu người đã được hưởng lợi từ sự hào phóng này và được giúp đỡ để thoát ra khỏi cuộc sống túng thiếu khó khăn của họ.

Cửa hiệu cầm đồ của ông Kim đã giúp đỡ rất nhiều nông dân nghèo khó trong vùng. Ảnh dẫn theo (en.wikipedia.org)

Nhưng thật kỳ lạ là với cách làm có vẻ như rất thiệt thòi cho mình đó, cửa hiệu cầm đồ của ông Kim đã trở nên thậm chí ngày càng phát đạt hơn, và biến ông trở thành một trong số rất ít những cư dân địa phương giàu có.Thật ra không có gì đáng ngạc nhiên vì người truyền người, sự nổi tiếng về sự tử tế của ông Kim đã lan rộng rất nhanh và cửa hiệu cầm đồ luôn luôn đông đúc. Dĩ nhiên, việc kinh doanh trở nên tốt đẹp một cách khác thường.

Hiển nhiên, nhân cách tốt đẹp của một người là điều cốt yếu của sự thịnh vượng vốn dĩ hiệu quả hơn việc quảng cáo kinh doanh nhiều lần! Đây là cách thât sự để kiếm tiền một cách đúng đắn và chân chính nhất.

Hơn thế nữa, một người nhân đức có thể không chỉ trở nên giàu có mà cuộc sống và tài sản của anh ta còn được bảo hộ một cách thần kỳ. Một năm nọ, một nhóm cướp đã đến thị trấn và nhiều người giàu có đã bị chúng cướp đi vô số tài sản giá trị. Lạ lùng thay, một trong những người giàu có như ông Kim lại không bị cướp bóc, thay vào đó những tên cướp bỏ qua cửa hiệu cầm đồ của ông. Toàn bộ gia đình ông Kim vẫn bình an vô sự và tài sản của họ vẫn an toàn.

Vị quan trong vùng đã vô cùng thắc mắc vì sao lại như vậy. Ông cho rằng, hẳn là không thiếu những tên lưu manh trong những người nghèo khổ, những người thường xuyên lui tới cửa hiệu cầm đồ và có thể có mối quan hệ mật thiết với Kim. Liệu có thể có việc ông Kim cộng tác với những tên cướp đó không? Thật khó để giải thích lý do tại sao những tên cướp không đụng tới cửa hiệu cầm đồ mặc dù ông ấy nổi tiếng xa gần vì sự giàu có của mình.

Sau đó, những tên cướp cuối cùng cũng bị bắt. Trong suốt quá trình thẩm vấn nghiêm ngặt, họ luôn phủ nhận rằng mình không có thông đồng gì với ông Kim. Quan tòa đã tiến hành điều tra rộng hơn về các mối quan hệ của Kim. Và cuối cùng, những gì họ thu nhận được càng thêm khẳng định rằng ông Kim thật sự là một người đàn ông chân thật, người không chỉ đối đãi công bằng với mọi người, mà còn thường xuyên giúp đỡ những người đang rơi vào cảnh khốn cùng.

Vị quan đã rất tò mò và hỏi đám cướp: “Các ngươi luôn quan tâm đến bất cứ cơ hội nào để cướp tiền, vì vậy tại sao ngươi không cướp cửa hiệu cầm đồ của ông Kim? Hãy thú nhận động cơ phạm tội của ngươi cho ta nghe!”

Đám cướp đã phải thành thật kể ra câu chuyện nghe có vẻ hoang đường mà mình trải qua. Hóa ra chúng đã lên kế hoạch để cướp cửa hiệu cầm đồ nhiều lần, nhưng mỗi lần chúng đến cửa hiệu cầm đồ vào ban đêm, chúng luôn luôn thấy vô số những vị Thần trong bộ áo giáp vàng sáng chói đứng trên mái nhà của cửa hiệu cầm đồ, tay cầm gươm với sức mạnh chiến đấu trong dáng vẻ nghiêm trang.

Vì thế, những tên cướp sợ hãi đến mức không dám cướp cửa hiệu cầm đồ. Quan tòa và những nhà cầm quyền nghe xong câu chuyện liền nhận ra rằng lòng tốt được thực hành hàng ngày của ông Kim không phải là để có được điều gì đó mà xuất phát từ trái tim nhân từ của ông. Chính vì lẽ đó, các vị thần cảm động bởi những nghĩa cử cao đẹp của ông và bảo vệ ông khỏi sự rủi ro khi bị cướp.

Không lâu sau đó, vị quan đã ban cho ông Kim tấm biển hiệu trên đó có viết rằng “Mong Trời ban phước lành cho ngôi nhà nhân ái này” để động viên ông tiếp tục thực hiện những hành vi nhân ái cao cả của mình.

Cửa hiệu cầm đồ của ông Kim đã trở nên thậm chí ngày càng phát đạt hơn. Ảnh dẫn theo (youtube.com)

Câu chuyện nghe có vẻ đầy hoang đường, nhưng đó là lời nhắn nhủ của người xưa đối với thế nhân về việc làm người tốt sẽ được phước báo và bảo hộ của Thần linh. Chúng ta cứ luôn nói rằng con người thời xưa thiếu hiểu biết nên phải tự nghĩ ra sự tồn tại của Thần để giải thích những điều họ không thể hiểu nổi, cũng như có một chỗ dựa để tự an ủi bản thân khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng bởi cuộc sống thời xưa không bị cuốn theo những vòng xoáy tiền tài danh vọng nhiều như ngày nay, họ có cơ hội để quan sát nhiều hơn. Họ có thể đã nhận ra có những quy luật nhất định trong cuộc sống, những thứ vô hình nhưng hoàn toàn có thể tác động được đến mỗi người.

Không phải ngẫu nhiên mà các nền văn hóa khác nhau trên thế giới, những vùng đất cách xa nhau về mặt địa lý, những chủng tộc khác biệt về ngôn ngữ lại đều có cùng những khái niệm về Thần linh và sự hình thành vũ trụ, con người… từ thời rất xa xưa khi điều kiện chưa cho phép có sự giao lưu văn hóa.

Chúng ta đang đánh giá người thời xưa từ vị trí hiện tại của chúng ta, bằng cách nghĩ của chúng ta. Có lẽ nào, chúng ta đã đang bỏ qua điều gì đó?

Cho dù đã từng có thời kỳ Thần triển hiện cho con người thấy nhiều điều hay không, thì những bài học người xưa rút ra được chính là chiếc phao neo giữ đạo đức của nhân loại. Chúng ta không thể phủ nhận được rằng sẽ có những điều mãi trường tồn cùng thời gian, và quy phạm đạo đức ước thúc hành vi con người để chúng ta không rơi vào hố đen tự diệt của sự sa đọa về nhân cách chính là một trong những điều đó.

Câu chuyện trên đã minh chứng cho sự đúc kết của người xưa về lòng tốt có thể cảm hóa cả những kẻ lưu manh, làm rung động khắp đất trời.

Bằng những hành động không mưu cầu danh lợi, không vị tư chỉ nghĩ cho riêng mình mà thay vào đó là lòng vị tha, sự hòa ái bao la, đó chính là ánh sáng khiến những kẻ cướp có ý đồ đen tối cũng phải kinh sợ lùi bước.

Con người không bao giờ được phép xao lãng việc thực hành sự thiện lương bởi vì dù nhỏ nhưng nếu được tích lũy thành thói quen tốt, nó sẽ mang đến cho con người những sức mạnh vô biên.

Phương Lâm – Thu Hiền

Xem thêm:

 

Exit mobile version