Đại Kỷ Nguyên

Dẫu là ai bạn cũng xứng đáng được hạnh phúc

Lan ngỡ ngàng không dám tin vào tai mình, mạch suối mát trong lần đầu tiên chảy tới cánh đồng hoang khô cạn trong tâm hồn cô suốt bao năm qua.

Lan giật mình khi có người gõ cửa phòng học. Một cô gái với đôi mắt thật đẹp với bờ mi cong vút bước vào hỏi: “Cho tớ ngồi nhờ với nhé!”, “Ừ cậu ngồi đi!”. Lan bỗng thấy nhồn nhột khắp người. Đôi mắt đẹp của cô gái xa lạ quét một lượt từ đầu đến chân Lan. Đột nhiên Lan thấy phòng học trở nên lạnh ngắt, cô vơ vội sách vở cho vào cặp và rảo bước ra khỏi căn phòng trống.

Hôm sau, cô chủ nhiệm giới thiệu lớp Lan có thêm một thành viên mới: “Bạn Chi sẽ học cùng lớp chúng ta. Bạn ấy bảo lưu năm nay mới đi học lại”. Chi vô tình bước tới bàn Lan và ngồi xuống, bốn mắt nhìn nhau, ai nấy đều bất ngờ.

Chi lớn hơn Lan vài tuổi. Chi đang học thì xin bảo lưu vì sinh em bé. Ngày ngày Chi đều hớt hải đeo cái túi xách to đùng vội vã bước vào lớp. Hễ cô giáo kiểm tra bài là Chi lại cuống quýt cả lên. Vừa phụ chồng làm hàng, lại vừa phải làm việc nhà và chăm con, Chi không còn nhiều thời gian dành cho bài vở nên trong đầu cô chỉ là những khoảng trống kiến thức. Mỗi ngày Chi đều phải cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi để bước chân vào lớp. 

Các bạn trong lớp đều túm năm tụm ba, duy chỉ có Lan luôn lầm lì, lủi thủi một mình. Tan học Lan lại vội vội vàng vàng, chân trước chân sau chạy ngay ra bến xe buýt trước cổng trường cho kịp chuyến, phải đi cả tiếng đồng hồ sau 2 lần chuyển xe Lan mới về được đến nhà. Nhà nghèo nên ngoài giờ học Lan phải phụ mẹ làm việc đồng áng, nấu cám nuôi gà, nuôi lợn. Còn Chi cũng vội vã sấp ngửa về chăm con. Có lẽ những nét hoàn cảnh tương đồng đã kéo Lan và Chi xích lại gần nhau hơn.

Chi có làn da trắng trẻo, người tròn trịa, đôi mắt với cặp lông mày đen nhánh thanh thoát, đẹp như tranh vẽ. Cô rất giỏi ngoại giao, chỉ cần trò chuyện một lúc mà hai người như đã thân quen lâu lắm. Chuyện trên trời dưới biển không gì là không thể nói. Ngược lại, Lan luôn tự ti về ngoại hình và khả năng ăn nói của mình.

Người ta thường bắt gặp dáng hao gầy, làn da ngăm đen, khuôn mặt xương xương thường đăm chiêu và đôi mắt hay tư lự của Lan. Lan chẳng biết nói gì mà chỉ biết lắng nghe. Chi lại có vô số chuyện, từ chuyện nhà cửa, chuyện chồng con đến chuyện học hành để than vãn cho vơi bớt gánh nặng trong lòng. Thế là tự bao giờ Lan và Chi thường sóng bước cùng nhau trên khắp nẻo đường nơi giảng đường đại học.

(Ảnh minh họa: soha.vn)

Dấu ấn tuổi thơ in hằn những bóng râm trong tâm hồn Lan

Hôm nào học cả ngày Lan lại mang theo chiếc bánh mỳ hay gói xôi ăn cho no bụng. Cô cũng chỉ có vài bộ quần áo đơn sơ, cũ kỹ. Có lẽ vì vậy Lan lại càng thêm tự ti với đám bạn toàn những cậu ấm cô chiêu xúng xính trong những bộ quần áo đẹp. Nhưng Chi lại khác. Chi không xa lánh cũng không nhìn Lan bằng ánh mắt khác lạ. Chi thường khen ngợi và động viên Lan: “Tớ thấy cậu đúng là người biết lắng nghe, lại tốt bụng, còn học giỏi nữa này!”. Lan cứ tròn mắt nghe những lời khen ngợi của cô bạn mà như không dám tin vào đôi tai của mình.

Từ nhỏ Lan thường bắt gặp những ánh mắt thương hại mình mà chẳng dám cất đầu lên: “Ô, mắt cháu làm sao thế?”, “Bao giờ có tiền đi phẫu thuật thẩm mỹ là xong nhỉ?”, “Bố cháu dạo này còn say xỉn nữa không?”.

Mẹ kể năm hai tuổi, Lan ốm một trận thập tử nhất sinh. Người cô tím ngắt lại, đến mức ông nội tưởng mất đứa cháu nhỏ đã bật khóc. Bố Lan ôm chặt lấy con, gọi tên Lan thất thanh, cố hết sức lay cho con gái tỉnh giấc. Mẹ Lan vội vàng bế thốc cô qua nhà thầy lang, Lan may mắn từ cõi chết trở về. Nhưng sau đó, đôi mắt Lan không còn như xưa, tụi bạn thường trêu cô “mắt bồ câu, con bay con đậu”. Đàn ông coi trọng tài, phụ nữ coi trọng sắc. Vậy nên từ nhỏ Lan đã canh cánh bên lòng nỗi mặc cảm về khuôn mặt mình và rất ngại tiếp xúc với người lạ. Lan sợ ánh mắt hiếu kỳ và sự thương hại của người khác.

Lan ngỡ ngàng không dám tin vào tai mình, mạch suối mát trong lần đầu tiên chảy tới cánh đồng hoang khô cạn trong tâm hồn cô suốt bao năm qua.

Mẹ thường nhìn Lan với ánh mắt xót xa, lo lắng cho cô con gái nhỏ tội nghiệp không biết sau này sẽ ra sao, liệu có lấy được tấm chồng ưng ý hay không. Nghe tiếng thở dài của mẹ, Lan vừa thương mẹ lại vừa thấy tủi cho phận mình. Cô càng thu mình vào ốc đảo của riêng mình và chẳng dám mở miệng nói chuyện với ai.

Lan còn nhớ ngày đầu tiên khi nhập học vào trường đại học, cô phải đi xe buýt, mà xe buýt thì đông người. Mỗi khi cô xuất hiện dường như mọi ánh mắt đều dán chặt lấy khuôn mặt cô. Có những ánh mắt thoáng ngạc nhiên rồi ý tứ vội vàng quay đi, cũng có những ánh mắt tò mò cứ nhìn xoáy mãi như muốn hỏi chuyện gì đã xảy ra với cô gái ấy nhỉ.

Đến mức Lan cảm thấy sợ hãi, chỉ ước gì mình là người tàng hình, hay là một hạt bụi bay lơ lửng giữa không trung để chẳng ai có thể nhìn thấy cô. Nhưng Lan biết rằng nếu không đi học Lan sẽ chẳng còn con đường nào khác dành cho mình, sự nghèo đói và ánh mắt thương hại của mọi người sẽ luôn đeo đẳng cô đến hết cuộc đời. Nên dẫu trong lòng vô cùng sợ hãi ngày ngày Lan vẫn phải lấy hết dũng khí chen chân trên xe buýt và đối diện với những ánh mắt hiếu kỳ.

Một lần nọ, khi ấy Lan đã học đại học năm thứ hai, một chàng trai tới bắt chuyện làm quen với Lan. Không hiểu sao Lan chẳng thể mở miệng nói với anh được vài câu. Anh hỏi gì Lan đáp nấy, đáp thật nhanh như thể tránh nói chuyện lâu hơn, khiến anh cũng ngại ngùng thấy mình thật vô duyên. Sau vài câu xã giao anh ngồi im lặng và Lan cũng ngồi im như thóc. Nhưng anh không biết rằng Lan đang cố sức kìm nén để người mình khỏi run lên từng cơn bần bật vì xấu hổ và sợ hãi. Lan nghĩ rằng sẽ chẳng có người con trai nào buồn để mắt đến mình cả.

Lan vẫn luôn nghĩ rằng số phận của mình giống như mẹ tiên đoán, sẽ chẳng có gì sáng sủa cả. Cuộc sống mưu sinh khó nhọc khiến mẹ thường hay nóng nảy và gắt gỏng. Bất kể chỗ đông hay vắng người, hễ nổi cơn tam bành lên là Lan bị mẹ mắng vuốt mặt không kịp. Lan chỉ thấy mình thật tệ, làm gì cũng không nên hồn, thấy mình vừa chậm chạp vừa ngốc nghếch. Nhiều khi Lan chỉ ước gì mình chưa từng xuất hiện trên cõi đời này. Từ nhỏ Lan đã thường tìm một góc khuất, nơi không ai thấy, lặng lẽ khóc thầm, thương cho số phận mình.

Lan đã thường tìm một góc khuất, nơi không ai thấy, lặng lẽ khóc thầm, thương cho số phận mình. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Vậy nên khi nhận được lời khen ngợi từ Chi, Lan ngỡ ngàng không dám tin vào tai mình, mạch suối mát trong lần đầu tiên chảy tới cánh đồng hoang khô cạn trong tâm hồn cô suốt bao năm qua.

Những chiều rảnh rỗi Chi lại rủ Lan vào siêu thị tha thẩn ngắm hết thứ này đến thứ khác. Chi khá hào phóng, hễ món gì ngon là Chi mua và kéo Lan cùng ăn. Lúc ấy đối với Lan, những món ăn vặt như xúc xích, kem ốc quế chỉ là những thứ đồ xa xỉ. Hai cô bạn hào hứng nhất là chỗ quầy quần áo. Nhưng Lan chỉ dám đứng tần ngần, lặng người nhìn ngắm, cô chẳng bao giờ nghĩ rằng mình có đủ tiền để mua một chiếc áo trong siêu thị.

Chi vạch chiếc áo hồng thắt nơ bên eo ướm lên người Lan, tấm tắc khen: “Cái áo này đẹp đấy, rất hợp với cậu!” Chi nhanh tay kéo Lan vào phòng thay đồ. Diện chiếc áo mới, Lan ngắm mình trong gương ngỡ ngàng như đang nhìn một ai đó khác. Chi gật gù phán một câu xanh rờn: “Duyệt! Trông cậu xinh hẳn lên.” Lan tần ngần mâm mê tà áo, thầm nghĩ: “Mình làm gì có tiền mua chiếc áo này”.

Dường như hiểu được tâm sự của cô bạn, Chi cười như hoa nở, vui vẻ nháy mắt với Lan: “Tớ tặng cậu nhé!” “Nhưng…” Lan ngần ngừ. “Không nhưng nhị gì hết, có 50.000 đồng thôi mà. Tớ có tiền cậu đừng lo”. Lan nhớ là đã lâu lắm rồi cô chưa được khoác trên mình một tấm áo mới. Hai anh em cùng vào đại học nên tiền bạc luôn là mối lo hàng đầu của mẹ. Vậy nên Lan cũng phải chắt chiu từng đồng. 

Về đến nhà, Lan khoác ngay chiếc áo mới và lặng lẽ ngắm mình trong gương. Những lời của Chi hôm đó lại vang lên văng vẳng bên tai: “Trông cậu xinh hẳn lên”. Lan nhớ là từ hồi Lan sinh ra đến giờ Chi là người đầu tiên khen Lan xinh đẹp. Từ nhỏ Lan chỉ ao ước mình có được một đôi mắt bình thường như bao đứa trẻ khác, để có thể sống vui vẻ, vô tư, không bị bạn bè trêu trọc, không phải tự ti khi đứng trước mọi người.

Nhưng mơ ước chỉ là mơ ước mà thôi. Lần đầu tiên Lan dám nghĩ rằng mình xinh đẹp, dám nghĩ mình cũng xứng đáng có được hạnh phúc. Lan chợt thấy sống mũi cay cay và đôi mắt tự nhiên nhòa lệ. Lan đã khóc, nhưng không phải vì buồn tủi, mà là những giọt nước mắt hạnh phúc. Những lời khen chân thành của Chi đã khơi dậy ước mơ đã tắt ngấm từ lâu trong lòng Lan về một tương lai hạnh phúc.

Đã hơn một lần, Lan nói với Chi trong niềm xúc động nghẹn ngào: “Cảm ơn ông Trời đã mang cậu đến bên tớ. Cha mẹ sinh ra thân xác này của tớ. Nhưng cậu mới là người đã thắp sáng ước mơ trong tâm hồn tớ”. Chi chớp chớp hàng mi cong vút xinh đẹp, nhìn bạn mắt ươn ướt, long lanh. Chi không thể ngờ rằng những lời khen quá đỗi bình thường ấy của mình lại khiến cô bạn xúc động tới vậy. Chi choàng tay qua vai Lan đang thổn thức thì thào: “Tớ phải cảm ơn cậu mới đúng! Cậu đã lắng nghe những vui buồn trong cuộc sống của tớ. Nếu không có cậu, chắc tớ bỏ học từ lâu rồi. Thời gian học bài, ôn bài của tớ đều là những khi hai đứa đi chung đường. Đến cái ngã rẽ chia tay cậu tới khi về đến nhà là tớ ngập ngụa với việc nhà, chăm con và làm hàng với chồng rồi”. Sau những lời xúc động, hai cô bạn lặng thinh nhìn nhau dưới ánh nắng chiều tà nhàn nhạt.

Dẫu là ai bạn cũng xứng đáng được hạnh phúc!

Cứ thế suốt hai năm đại học, dường như lúc nào Lan và Chi cũng sánh bước bên nhau. Hai cô cố bước thật chậm để con đường về dài thêm ra, để hai đứa được ở gần nhau thêm lúc nữa trước khi Lan lên xe buýt và Chi đạp xe về nhà. Loáng một cái 2 năm đã trôi qua, thời khắc mà Lan sợ nhất cũng đã đến.

Tụi bạn mừng mừng tủi tủi trao nhau những dòng lưu bút, ríu rít rủ nhau đi chụp ảnh kỷ niệm, cũng có những bạn năng động đã đi làm và trông trững trạc, ra dáng lắm. Sau ngày nhận bằng tốt nghiệp Lan và Chi sẽ mỗi người mỗi ngả, chẳng còn được gặp nhau hàng ngày như xưa. Bất giác Lan cảm thấy hoảng sợ. Cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, mà bầu trời như sắp đổ ập xuống.

Lan đột nhiên cảm thấy bơ vơ như chú chim nhỏ lạc mẹ, chao đảo quẩn quanh, tìm đường về tổ lúc trời sẩm tối. Đột nhiên Lan lại thấy hoảng sợ khi tự mình phải cầm tấm bằng tốt nghiệp đi khắp nơi xin việc. Cô lại nghĩ đến đôi mắt của mình và thoáng run rẩy. Cô sợ, sợ người ta sẽ không thuê cô khi nhìn thấy khuôn mặt của mình. Cô sợ, sợ mình sẽ mãi sống trong cảnh nghèo túng và thiếu thốn như từ khi cô sinh ra đến giờ.

Bỗng nhiên Chi từ đâu bước tới đưa điện thoại cho Lan bảo: “Cậu nghe đi này, ông ấy đang tìm trợ lý đấy! Cậu thử nói chuyện xem”. “A lô, chào ông!” Lan hoảng cả lên, vội vàng đưa tay đón lấy chiếc điện thoại. “Xin chào! Chỗ tôi đang cần tuyển gấp một trợ lý, cô có thể qua chỗ tôi phỏng vấn được không?” Từ đầu dây bên kia một giọng hiền từ trầm ấm cất lên. “Dạ, được ạ”…

Sau buổi lễ trao bằng tốt nghiệp cuộc sống của mỗi người sẽ bước theo mỗi ngả khác nhau. Lan bùi ngùi chia tay Chi. Dáng Lan nhỏ bé, cô đứng lặng thinh giữa sân trường như trải dài ra vô tận, nhìn mãi nhìn mãi cho tới khi bóng Chi khuất dần. Giây phút ấy mọi thứ dường như ngưng lại, Lan chợt thấy mình như cánh chim cô liêu đang chao đảo giữa biển rộng mênh mang. Lan biết rằng Chi tới bên đời Lan để mở cánh cửa ước mơ và khát khao hạnh phúc cho cô, trao cho Lan niềm tin rằng mình xứng đáng được hạnh phúc, nhưng cô vẫn phải tự bước đi trên đôi chân của chính mình.

Những lời động viên khích lệ chân thành có thể vô tình mang lại hy vọng cho cuộc sống của một ai đó. (Ảnh minh họa: blogspot.com)

Những lời động viên khích lệ chân thành có thể vô tình mang lại hy vọng cho cuộc sống của một ai đó. Niềm tin và khát khao hạnh phúc sẽ luôn cháy mãi trong tâm hồn mỗi người, dẫu họ cao hay thấp, gầy hay béo, xấu hay đẹp, giàu hay nghèo… Khi nhen lại mạch suối nguồn hạnh phúc cho một ai đó, dòng nước mát trong ấy lại quay trở lại tưới tắm tâm hồn của chính chúng ta.

Hiểu Mai

Exit mobile version