Đại Kỷ Nguyên

Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm, cao quý

Người xưa tin rằng, lòng từ bi và đạo đức luôn phải được đặt lên hàng đầu trong bất cứ nghề nghiệp gì. Nhưng rất nhiều người đang đánh đổi tất cả để thu lấy lợi nhuận trước mắt. Trong thương trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt ngày nay liệu những người trung thực có thể thành công không? 

Có 4 nhà tư bản công nghiệp mẫu mực tại Nhật Bản. Kazuo Inamori, người sáng lập tập đoàn Kyocera và Giám đốc điều hành hiện tại của Japan Airlines, là một người trong nhóm này. Inamori khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng và đã thành lập 2 công ty nằm trong danh sách 500 công ty lớn mà tạp chí Fortune xếp hạng: Tập đoàn Kyocera và công ty viễn thông lớn thứ hai tại Nhật Bản, KDDI. Trong 47 năm từ khi thành lập, Tập đoàn Kyocera chưa bao giờ lỗ, đó là một thành quả vượt bậc.

Kazuo Inamori (sinh ngày 30 tháng 1 năm 1932) là một nhà hoạt động xã hội Nhật Bản, một doanh nhân và là người sáng lập ra Kyocera và KDDI. Ông là chủ tịch của Japan Airlines. Ảnh dẫn theo linkedin.com

Khi được hỏi về bí mật thành công, Inomori có một câu trả lời vô cùng đơn giản. Ông tin rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời là phải đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta có mặt tại đây?”. Câu trả lời của ông là: “Chúng ta có mặt ở đây để nâng cao đức tính của chúng ta. Chúng ta muốn trở thành một người có đạo đức tốt hơn khi mới sinh ra, và không còn một mục đích nào khác. Để hiểu tại sao ta có mặt tại đây, cần phải tìm đi một con đường chân chính”. Ông tin rằng không có sự khác biệt nào giữa việc đối xử trong cuộc sống hằng ngày và các hoạt động kinh doanh. 

Sáng kiến của Inamori là xuất phát từ văn hoá truyền thống phương Đông, đặc biệt là văn hoá Phật giáo. Những quan niệm triết lý của Khổng Tử và Đức Phật là căn bản trí huệ của ông. Ông tin rằng việc tạo dựng một doanh nghiệp phải dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp khắt khe nhất. Nếu một người không có những tiêu chuẩn đạo đức cao, người đó không thể làm việc tốt. Người đó phải nâng cao đức tính của mình để phát triển công việc kinh doanh của mình. Vì thế, bí mật để thành công chính là phải nâng cao đạo đức. 

Inamori chỉ mới 27 tuổi khi ông thành lập Tập đoàn Kyocera. Ông không có kinh nghiệm nào khi ấy và không biết phải tiến hành ra sao. Ông quyết định làm theo lời khuyên của cha mẹ và thầy giáo của ông về tầm quan trọng của sự trung thực, vui vẻ, thành tín, biết ơn, kiên nhẫn, vị tha, siêng năng, tiết kiệm, chịu khổ, không oán hận hay ganh tị… Đây đều là những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp căn bản.

Ông tìm thấy tất cả các câu trả lời từ những khó khăn dựa trên căn bản là những điều đó đúng hay sai, thiện hay ác. Tóm lại, sự phán xét các vấn đề của ông đều hoàn toàn dựa trên lương tâm. Ông đã lãnh đạo công ty của mình đến thành công bằng cách đi trên con đường chân chính. 

***

Lại có một câu chuyện về ông Koike, một nhà thầu khoán thành công người Nhật Bản. Ông là người sáng lập và chủ sở hữu một công ty môi giới chứng khoán. Sự thành tín và trung thực của ông nổi tiếng khắp mảnh đất này. Năm 13 tuổi, ông rời nhà ở quê lên thành phố kiếm kế mưu sinh. Ông phụ giúp bán hàng trong một cửa hàng nhỏ, đồng thời cũng là người bán hàng của một công ty máy móc. 

Khi lên 20 tuổi, ông điều hành một công việc kinh doanh nhỏ do tự mình lập ra. Ông áp dụng kinh nghiệm bán hàng của mình để phát triển kinh doanh và ký được 33 hợp đồng bán hàng chỉ trong 2 tuần. Ông thậm chí còn nhận được tiền đặt cọc trước từ khách hàng. 

Tuy nhiên, không lâu sau khi ký những hợp đồng này, ông phát hiện rằng giá sản phẩm mà mình bán cho khách hàng hơi cao hơn giá ở các công ty khác. Ông nghĩ khách hàng của ông sẽ tiếc nuối nếu họ biết mình đã ký hợp đồng với giá cao hơn. Do đó ông mang theo hợp đồng và tiền cọc khi ghé thăm từng khách hàng một.

Sự thành tín và trung thực sẽ giúp bạn trở thành một người giàu có và sự tôn trọng từ người khác. Ảnh dẫn theo inaz.vn

Ông giải thích về giá cả cho khách hàng và nói với họ rằng mình đồng ý hủy bỏ hợp đồng và trả lại tiền đặt cọc. Các khách hàng của ông cảm động sâu sắc trước sự thành tín và trung thực ấy. Kết quả là, không ai trong số họ hủy bỏ hợp đồng cả. Thay vào đó, họ còn tin tưởng và kính trọng ông hơn trước. Sự thành tín và trung thực đã giúp ông Koike trở thành một người giàu có. Hiện nay, ông là nhà thầu khoán nổi tiếng và được kính trọng nhất Nhật Bản.

***

Có một ông lão chuyên nghề sửa khóa, đã làm trên 50 năm nên rất nổi tiếng về tài phá khóa. Để tìm một người đệ tử kế thừa, ông đã gạn lọc rất nhiều người và cuối cùng chỉ còn hai đồ đệ mà ông cho rằng có thể xứng đáng nhận lãnh trách nhiệm nặng nề ấy. Nhưng vinh dự ấy chỉ dành cho một người nên họ phải trải qua một cuộc tranh tài. 

Đạo đức nghề nghiệp là 1 điều rất quan trọng nó tạo nên uy tín, thương hiệu và sự tin tưởng từ khách hàng. Ảnh dẫn theo youtube.com

Thể lệ cuộc thi chỉ đơn giản là ai mở khóa nhanh nhất và trả lời được một câu hỏi của thầy sẽ giành chiến thắng. Ông lão đã chuẩn bị hai chiếc rương, đặt vào mỗi phòng và khóa lại rất kỹ bằng loại khóa rất hiện đại. Nếu không phải là tay nghề chuyên nghiệp thì không mong có thể mở ra.

Kết quả chưa đầy 5 phút thì người đệ tử thứ nhất đã mở ra được. Người đệ tử thứ hai phải mất 20 phút mới mở xong. Ai cũng tin chắc đệ tử thứ nhất sẽ được kế thừa vì kết quả vòng một đã quá rõ ràng. Vòng hai bắt đầu, ông thầy già hỏi đệ tử thứ nhất: “Sau khi mở khóa, con thấy trong rương có những gì?“. Mắt vị đệ tử thứ nhất sáng lên và nhanh nhảu trả lời: “Dạ thưa thầy, trong rương có thật nhiều tiền và vàng ạ“. Cũng câu hỏi đó, vị thầy quay sang hỏi vị đệ tử thứ hai: “Trong rương có gì không con?”. Anh nói: “Dạ thưa thầy, con chỉ biết mở khóa thôi, nên không thấy có gì trong rương ạ“. 

Cuộc thi chấm dứt, mọi người hồi hộp chờ đợi kết quả. Ai cũng tin chắc rằng, người thứ nhất sẽ giành phần thắng tuyệt đối. Bấy giờ, ông thầy trịnh trọng tuyên bố: “Đệ tử thứ hai được kế thừa sự nghiệp của ta“. 

Người đệ tử thứ nhất không chấp nhận liền phản đối: “Thầy làm như vậy là không công bằng chút nào“. Người thầy từ tốn trả lời: “Nghề của ta cần phải có lương tâm và đạo đức. Mục đích mở khóa là giúp người làm lại chìa khóa, để họ tiện sử dụng những gì cần thiết. Nhà ngươi do lòng tham nên đã cố gắng mở rất nhanh vì mục đích tìm kiếm tiền bạc. Do đó, ngươi sau này nếu không thay đổi tâm tính sẽ là tên siêu trộm lấy cắp của người. Còn mong gì kế thừa sự nghiệp của ta đây?“. 

***

Người xưa có một bí quyết kinh doanh tuy đơn giản mà thâm sâu: “Chữ Tín quý hơn vàng“. Trong 4 nguyên tắc đạo nghĩa của người xưa, có một đạo dành cho người kinh doanh, đó là: “Thương Đạo thù Tín“, tức là đạo kinh doanh đền đáp người biết giữ chữ Tín.

Washington đã từng nói: ”Nhất định phải giữ lời hứa, không được làm những việc quá sức“. Vì vậy chúng ta nhất thiết không nên khinh suất đưa ra lời hứa với người khác, không làm được như lời đã nói thì dễ đánh mất chữ tín. Khổng Tử nói: ”Chơi với bạn mà không tin sao được?”, Mạnh Tử nói: ”Người không có chí sẽ không có trí, người mà lời nói không đáng tin thì hành động cũng chẳng ích gì”. Còn có câu: ”Một lời hứa đáng giá nghìn vàng, một lời nói trăm nút buộc”, ”một lời đã nói ra, xe tứ mã đuổi không kịp”, đều là nhấn mạnh một chữ ”Tín” ấy.

Washington tổng thống đầu tiên của nước Mỹ đã từng nói: ”Nhất định phải giữ lời hứa, không được làm những việc quá sức”. Ảnh dẫn theo ĐKN

Ngày nay, chữ Tín chính là thương hiệu. Viện Đạo đức kinh doanh quốc tế (International Business Ethics Institute) ở Mỹ đã từng xác định 4 việc mà các công ty cần phải thực hiện để củng cố và gia tăng uy tín cho thương hiệu của mình. Trong đó, việc trung thực với các nhà đầu tư và người tiêu dùng được xếp thứ nhất, trong khi việc đánh bóng thương hiệu chỉ đứng thứ 3. Bởi vậy, chúng ta thấy nhiều hãng trên thế giới phải tiến hành thu hồi hàng loạt sản phẩm khi phát hiện ra lỗi, dù phải bỏ ra hàng triệu USD bồi thường cho người tiêu dùng. Tất cả vì giữ chữ Tín trong kinh doanh.

Người xưa tin rằng sống, chết, giàu có, và địa vị xã hội mà một người có thể đạt được đều tùy thuộc vào số phận. Nền tảng của đời sống là phải dựa trên công bằng và đạo đức. Tài sản có được là thước đo về hành xử đạo đức của người đó. Khả năng tích lũy của cải là kết quả của việc có đạo đức tốt. Những người không có đạo đức thực sự đang chiêu mời sự nghèo khổ và hoạn nạn vào trong nhiều kiếp sống của họ. 

Video: Vì sao tình yêu kiểu ‘bao bọc’ thường tạo ra những con người vô ơn?

Exit mobile version