Đại Kỷ Nguyên

Danh tiếng có thơm nhờ đức hạnh, truy cầu mua bán chỉ uổng công

Nhà nọ có hai anh em, nhưng tâm tính khác nhau. Em thì muốn an phận thủ thường, anh thì lại chỉ thích công danh phú quý.

Khi cha mất được ít lâu, anh bèn thu thập tiền nong đem ngay ra tỉnh, để lo lót lấy chút phẩm hàm. Đợi mãi gặp dịp, anh mới lo được chút “cửu phẩm văn giai” (bậc thứ chín trong phẩm trật các quan văn). Anh lấy làm tự tôn tự trọng, bèn trở về quê cũ, áo sa, nón giứa, rõ ra dáng ông Cửu lắm, để sắp sửa ăn khao cả làng xã.

Anh về nhà, thấy em đang cởi trần, xúc thóc đổ vào vựa, thì lấy làm thẹn thò mà bảo rằng: “Chú làm ăn, tôi coi hèn hạ lắm. Sao chú không theo tôi kiếm lấy chút phẩm hàm, lại cứ đành giữ cái tiếng bạch đinh người ta chê cười ấy?” (“Bạch đinh” nghĩa là chân trắng, chỉ những người ở trong làng không có phẩm tước ngôi thứ gì).

Em đáp: “Em cũng biết ở chốn hương thôn, có chút phẩm hàm, thì vẻ vang thật. Nhưng em thiết nghĩ phải tốn bao nhiêu công của, mất bao nhiêu ngày giờ, lại còn vào luồn ra cúi, khốn khổ đến thế nào, mới mua được chút công danh hão, thì em đây thật không muốn. Cái chí của em chỉ muốn nối lấy nghiệp cũ của ông cha cho xứng đáng; làm ăn tuy có phần vất vả, nhưng trong bụng lúc nào cũng được thong thả, vui vẻ, không phải lo lắng, luồn lụy ai sốt cả”.

Em thì muốn an phận thủ thường, anh thì lại chỉ thích công danh phú quý. (Ảnh: Youtube.com)

***

Cổ nhân có câu: trong thế tục chỉ có hai hạng người, một là người cầu danh, hai là người cầu lợi. Mọi suy nghĩ, buồn vui, ngược xuôi tất bật của đời người rốt cuộc cũng vì danh lợi cả. Người anh gom góp tiền bạc, mua lấy chút “cửu đỉnh văn giai”, âu cũng vì chút hư danh, mong mở mày mở mặt với thiên hạ.

Danh tiếng tự nó không phải điều xấu, xưa nay có biết bao anh hùng trí giả trung nghĩa tiết tháo để lại tiếng thơm muôn đời. Trong lịch sử, kể không xiết những trang tuấn kiệt thà mất đi sinh mạng chứ quyết không chịu để ô danh.

Nhưng danh tiếng lại không phải là thứ để truy cầu. “Đệ tử quy” có câu:

“Hạnh cao giả, danh tự cao.

Nhân sở trọng, phi mạo cao.

Tài đại giả, vọng tự đại.

Nhân sở phục, phi ngôn đại”.

Dịch nghĩa: Người (đức) hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài. Người tài năng, tiếng tự cao. Được người phục, chẳng do khoe.

Đức của người quân tử thì như gió, đức của người dân bình thường thì như cây cỏ. (Ảnh: pinterest.com)

Một người có đức hạnh thì danh tiếng của họ tự nhiên sẽ được truyền ra ngoài. Họ không cần phải đi tuyên truyền hay quảng cáo, người khác cũng tự biết. Khổng Phu Tử trong “Luận Ngữ” có nói: “Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong, tất yển”. Đức của người quân tử thì như gió, đức của người dân bình thường thì như cây cỏ; khi luồng gió đức hạnh thổi qua thì cây cỏ cúi rạp mình xuống, cũng như tất cả những người dân bình thường đều nhận được sự giáo hóa, đều học tập theo, noi theo tấm gương đức hạnh của người quân tử.

Một người ở xứ Đạt Hạng nói: “Khổng Tử thật là vĩ đại, học rộng nhưng rất tiếc lại chẳng có danh tiếng gì!”. Khổng Tử nghe được liền nói với học trò rằng: “Ta làm cái gì? Đánh xe ư? Bắn tiễn ư? Ta làm nghề đánh xe vậy!”. Đối với người có đức hạnh, thì danh tiếng và phú quý chỉ là “đám mây trôi”, không đáng để vì nó mà lao tâm khổ tứ.

Một người lấy phát tài, nổi danh làm mục tiêu cuộc sống, thì tâm trí ắt thường lo toan bận bịu, khó lúc nào được thảnh thơi. Một người lấy bình an, nhàn nhã làm mục tiêu cuộc sống, thì có thể giản giản đơn đơn, an nhiên tự tại đi hết kiếp nhân sinh. Còn ai đó lấy đức hạnh trang nghiêm làm mục đích nhân sinh, thì đã tự chọn cho mình một con đường vất vả, khó nhọc, đòi hỏi kiên trì và dũng khí tu luyện bản thân; nhưng phía cuối con đường đó là quang minh huy hoàng.

Thanh Ngọc

Exit mobile version