Đại Kỷ Nguyên

Danh sĩ Nguyễn Tịch thi tửu niên hoa: Thân tại quan trường, tâm hướng Trúc Lâm

Nguyễn Tịch, một danh sĩ nổi tiếng triều Ngụy - Tấn, đứng đầu trong "7 hiền tài Trúc Lâm", còn được ca tụng là một "Mệnh thế đại hiền". Bức tranh cho thấy chân dung của Nguyễn Tịch trong "Cao Dật Đồ" được vẽ bởi Tôn Vị thời Đường. (phạm vi công cộng)

Vào mùa thu đông năm Cảnh Nguyên thứ tư, (tức năm 263 SCN), gió bắc gào thét, Trúc Lâm điêu linh, những cây trúc thanh tao mất đi nhan sắc. Trong năm này, hai nhân vật linh hồn của “Trúc Lâm thất hiền” – Kê Khang và Nguyễn Tịch đã liên tiếp qua đời.

Trong thời đại Ngụy Tấn đầy biến động, các danh sĩ chỉ rất ít người được bảo toàn, sách sử mô tả: “Đồng nhật trảm lục, danh sĩ giảm bán”, ý tứ là nhiều danh sĩ bị chém giết mỗi ngày, chỉ còn lại một nửa. Còn có hậu nhân nói, sau Kê và Nguyễn, không còn danh sĩ nào nữa. Giang sơn mỗi thời đại lại có người tài nổi lên không ít, chỉ là thiếu những người như Kê và Nguyễn.

Kê Khang và Nguyễn Tịch đều là những danh sĩ phong lưu,  bậc thầy văn học. Kê Khang giống như một chiến sĩ oanh oanh liệt liệt, lưu lại bức thư tuyệt giao, bình tĩnh chơi khúc Quảng Lăng tuyệt hưởng (khúc nhạc vĩnh biệt Quảng Lăng) rồi khảng khái đi đến cái chết. Hậu nhân đối với Nguyễn Tịch có ấn tượng thâm khắc chính là một “Nguyễn Tịch xương cuồng, kỳ hiệu cùng đồ chi khốc” (Nguyễn Tịch điên điên, hễ gặp đường cùng là khóc) trong “Đằng Vương các tự”. Cái khóc của Nguyễn Tịch, được ghi chép lại trong chính sử, như một nam tử “thích khóc”, được liệt vào danh sách người đứng đầu trong bảy hiền nhân Trúc Lâm (gọi là Trúc Lâm thất hiền), sau lại được tôn là “Mệnh thế đại hiền”, ông có chỗ nào vượt qua những người khác đây?  

Hễ gặp đường cùng là khóc

Có lẽ ở vùng ngoại ô khi mặt trời lặn, hoặc ở nơi hoang dã với thảm thực vật tịch mịch, Nguyễn Tịch thường đơn độc du hành giữa thiên địa. Dung diện tuấn kiệt kỳ vĩ của ông không lộ ra hỉ nộ, hai mắt trễ nải lặng lẽ nhìn về phía trước. Ông không nghĩ mình muốn đi nơi nào, cũng không có một lộ trình nào, cứ để cỗ xe ngựa đi thong dong vô định đến một nơi vô định. 

Bức tranh thể hiện một phần bức “Trúc Lâm bát hiền” do Du Lĩnh thời Thanh vẽ. (phạm vi công cộng)

Khi cỗ xe ngựa không còn đường nào để đi, Nguyễn Tịch liền đau đớn thống thiết khóc lớn một trận. Sau đó mới chuyển thân, hồi về hiện thực mà ông rốt cuộc không cách nào trốn tránh để đi tiếp. Loại tình tự suy sụp, bất lực và gắng gượng này là điều mà Vương Bột thời Đường không cách nào thể hội. Trong “Bảo Kiếm ký” có nói: “Đại phu hữu lệ bất khinh đạn”, hành vi không hợp lẽ thường và khóc lóc thống thiết đến bất cần hình tượng của Nguyễn Tịch, hẳn có nỗi khổ tâm không thể tả bằng lời.

Nguyễn Tịch trong đời này luôn phải đối mặt với khảo nghiệm sinh tử. Nguyễn Vũ, phụ thân của Nguyễn Tịch, là một trong “bảy người Kiến An” danh tiếng lừng lẫy, nhưng cụ đã mất khi Nguyễn Tịch mới ba tuổi, để lại đứa trẻ mồ côi và góa phụ sống nheo nhóc qua ngày. Nguyễn Vũ, bạn chí hữu của Tào Phi, vì thương xót cảnh ngộ nhà Nguyễn thị, đã viết bài thơ “Quả phụ thi” để chia sẻ nỗi bi ai.

Sương lộ phân hề giao hạ, mộc diệp lạc hề thê thê.
Hậu nhạn khiếu hề vân trung, quy yến phiên hề bồi hồi.

Tạm dịch
Con đường sương sao phân ly, chiếc lá rụng sao thê lương
Chim nhạn hót sao trong mây, chim yến bay về sao bồi hồi

Nguyễn Tịch đã lớn lên trong chính hoàn cảnh thê lương và cô độc đó. Để kế thừa danh tiếng văn học của cha và làm rạng danh gia tộc, Nguyễn Tịch từ nhỏ đã khổ học, chuyên cần đọc thơ sách, sớm đã lập chí tế thế.

Nguyễn Tịch là người như thế nào? Ông từng theo học Thái Ung, tinh thông thơ văn và âm luật, được coi là “kỳ tài”, sau này thành văn sĩ trọng yếu dưới quyền chỉ huy của Tào Tháo. Ông có thể múa bút như gió, trong một khắc hoàn thành một giai tác, ngay cả Tào Tháo cũng không thể thêm bớt nửa chữ. Ông có thể tức hứng gảy đàn, hát một khúc “dịch dịch thiên môn khai, đại Ngụy ứng kỳ vận”, ca ngợi sự nghiệp của Tào Tháo, cũng biểu lộ tâm nguyện trung thành của mình. Nguyễn Tịch quy phục Tào Tháo, tài hoa càng tỏa sáng, cũng hiện thực hóa chí hướng của văn nhân cổ đại, phụ tá minh chủ, báo đáp quốc gia.

Phụ thân Nguyễn Vũ là tấm gương cho Nguyễn Tịch, và cũng giúp ông cảm nhận được sự vô thường và ngắn ngủi của sinh mệnh. Nguyễn Tịch từ nhỏ đã tự lập trong nghịch cảnh, gắng gỏi với tài năng thiên phú và sự chuyên cần, ông 8 tuổi đã có thể làm văn, cả ngày gảy đàn cầm, sớm đã có phong thái của tiên phụ. Ông trong “Vịnh hoài thi” tự mô tả: “Tích niên thập tứ ngũ, chí hướng hảo thư thi. Bị hạt hoài châu ngọc, nhan Mẫn tương dữ kì.” ý tứ là ông học hành nghiên cứu điển tịch Nho gia, lấy đạo đức cao thượng làm trọng tâm, không nghĩ đến vinh lợi, tự so mình với Mẫn Tử Khiên, hy vọng trở thành hiền nhân vĩ đại một thời.

“Thiếu niên học kích kiếm, diệu kỹ quá Khúc Thành.” Nguyễn Tịch thời thiếu niên văn võ kiêm tu, kiếm thuật cũng tinh xảo và xuất chúng như vậy. Nguyễn Tịch, tự Tự Tông, danh và tự của ông đều bao hàm ý nghĩa truyền tục huyết mạch, kế tục gia nghiệp. Nguyễn Tịch cũng không cô phụ kỳ vọng của tiên phụ và gia tộc, trưởng thành một thiếu niên tài năng tuấn tú. 

Không thể tránh khỏi nghiệp làm quan

Tính cách của Nguyễn Tịch toát lên khí chất ngạo nhiên và phóng khoáng, hành sự thường gây bất ngờ. Ở nhà, ông có thể làm “con mọt” cả tháng không ra khỏi cửa, chỉ chuyên tâm đọc sách; ở ngoài, ông có thể lang thang du sơn ngoạn thủy tự do tự tại đến quên cả đường về. Cuộc sống của ông, vĩnh viễn không thể thoát ly thi thư, mỹ tửu, đàn cầm và sáo. Chẳng bao lâu, ông đã thành dị loại và quái tài trong mắt thế nhân.

Bức tranh “Trúc Lâm ngũ quân” do Diêm Lập Bổn thời Đường vẽ (phạm vi công cộng)

Điều khiến người ta không cách nào lý giải, là sự tôn kính nhưng lại tránh xa chốn quan trường của Nguyễn Tịch. Nhưng ông càng nỗ lực lảng tránh, thì quan vận lại càng theo như hình với bóng. Khi ông nhìn thấy các quan viên địa phương, cả một ngày cũng không mở miệng, nhưng không ngờ đối phương lại thập phần bội phục. Trọng thần của triều đình là Tưởng Tế, Tào Sảng trước sau đã lần lượt thỉnh mời, Nguyễn Tịch vì mọi người khổ công thuyết phục, trong tình huống không thể tránh khỏi mà miễn cưỡng nhận lời. Mỗi lần sau khi nhậm chức được ít lâu, ông lại cáo bệnh từ quan, quy ẩn gia hương.

Nguyễn Tịch trong cuộc sống phong nhã của mình có quên đi chí hướng báo quốc năm nào không? Ông từng du hành đến Quảng Vũ, chiến trường cổ thời Sở – Hán, phát ra một câu nói oanh liệt: “Thời vô anh hùng, sử Thụ Tử thành danh!” Có người nhìn nhận, Nguyễn Tịch bất bình với Hạng Vũ, cảm khái vì nhờ Hàn Tín đánh bại bá vương Hạng Vũ, Lưu Bang tài năng tầm thường mới không có đối thủ, mới có thể sáng lập ra đế nghiệp. Có người nhận định, ông đang dùng hình ảnh để ám chỉ chính trị thời cuộc.

“Vương nghiệp tu lương phụ, kiến công sĩ anh hùng.” Đây là tâm thanh của Nguyễn Tịch trong thi ca của mình, ông khát vọng làm lương thần phụ tá Thiên tử, làm anh hùng kiến công lập nghiệp. Nhưng thời đại mà ông sống là một thời kỳ cải triều hoán đại đặc thù. Khi ông lên mười một tuổi (năm 220), Tào Phi xưng đế, kết thúc lịch sử 400 năm của nhà Hán. Sau khi trưởng thành, ông lại phải đối mặt với cục diện dịch chuyển giữa nhà Ngụy và nhà Tấn, triều đình biến thành chiến trường để tập đoàn Tư Mã thị và chính quyền Tào Ngụy minh tranh ám đấu.

Năm Cảnh Sơ thứ 3 (năm 239), Ngụy Minh Đế bị bệnh qua đời, đại tướng quân Tào Sảng và thái úy Tư Mã Ý cùng phò tá hoàng đế nhỏ 8 tuổi Tào Phương. Vào năm Chính Thủy thứ 10 (năm 249), Tư Mã Ý lợi dụng khi Ngụy Đế, Tào Sảng và những người khác tế bái lăng Cao Bình của tiên đế, đã phát động đảo chính, xử tử Tào Sảng và các vây cánh của ông, loại bỏ thế lực của gia tộc họ Tào, độc lãm đại quyền.

Các anh hùng thời đại Tam Quốc đã qua đời từ lâu, Nguyễn Tịch dường như đang cảm thán rằng không ai đương thế có thể chống lại gia tộc Tư Mã, mới khiến những kẻ dã tâm này điều khiển triều chính, nguy cập chính quyền Tào Ngụy. Nguyễn Tịch tiến cũng không thể phò tá Ngụy Đế định quốc an bang, thoái cũng không thể thuận phục đồng mưu hợp ô với loạn thần, điều duy nhất ông có thể làm chính là không màng thế sự, ẩn thân giang hồ. Những năm Chính Thủy, Nguyễn Tịch bắt đầu cùng với Kê Khang và những người khác ngao du đến Trúc Lâm. 

Cuộc sống phiêu dật đã kết thúc đột ngột sau sự biến lăng Cao Bình. Một lượng lớn các danh thần, danh sĩ cho đến các tộc nhân thân Ngụy đều vì liên lụy sự biến mà vẫn mệnh, nhà huyền học Hà Yến, nhà văn Hoàn Phạm và những người khác cũng đều nằm trong danh sách bị sát hại. Trong một thời gian, huyết vũ tinh phong bao trùm vương triều nhà Ngụy. Tư Mã Ý, kẻ thắng lợi sau sự biến, đã lần thứ ba gửi thư thỉnh mời Nguyễn Tịch, lúc đó 40 tuổi, ra làm quan.

Lần này, Nguyễn Tịch không cự tuyệt, nhưng áp dụng sách lược y chang lần trước: làm quan nhưng không hiệu lực. Do mối quan hệ giữa cha ông Nguyễn Vũ và gia tộc Tào thị, Nguyễn Tịch rất có khả năng bị Tư Mã Ý coi là kẻ thù chính trị, trở thành mục tiêu tiếp theo bị tiêu diệt. Kê Khang sau đó, chính vì không hợp tác với Tư Mã Ý mà bị bức hại thê thảm. Dã tâm và thủ đoạn của gia tộc Tư Mã nhân thế đều biết. Trước mắt Nguyễn Tịch chỉ có hai con đường, hoặc hợp tác, hoặc bị giết.

Nguyễn Tịch không giống như Kê Khang, bụng dạ ngay thẳng, hiên ngang thà chết trước kẻ ác, nhưng ông cũng thể làm kẻ tiểu nhân luồn cúi cường quyền, ông chỉ muốn bảo toàn tính mạng trong thời loạn thế, muốn chăm sóc mẫu thân già yếu, bảo vệ những người thân thích của gia tộc, không thể không đi theo con đường thứ ba.

Rượu và thơ của Nguyễn Tịch

Lần này ra làm quan, Nguyễn Tịch không lại tìm cách đào thoát khỏi quan trường nữa. Sau khi Tư Mã Ý qua đời, ông trước sau làm thuộc hạ cho con trai cả Tư Mã Sư và con trai thứ Tư Mã Chiêu. Người bình thường làm quan đều hy vọng xuất một phen chính tích, gia quan tấn tước, nhưng Nguyễn Tịch thì làm việc khác.

Bức tranh thể hiện một phần bức “Trúc Lâm thất hiền” do Du Linh thời Thanh vẽ. (phạm vi công cộng)

Ông tự xưng thích phong thổ nhân tình của Đông Bình, thỉnh cầu đi làm quan, nhưng nhậm chức không quá mười ngày liền tự tiện rời chức, đi về kinh thành. Ông xin được làm giáo úy bộ binh với lý do nhà bếp bộ binh rất giỏi nấu rượu, đã tàng trữ 300 hộc mỹ tửu. Nhưng khi làm quan ở bộ binh, ông cũng không hỏi han chính sự, mỗi ngày chỉ bận rộn tham gia các loại tửu yến.

Chức vị Giáo úy bộ binh rất vi diệu, không quá gần Ngụy đế, cũng không nắm binh quyền thực tế, xua tan mọi nghi ngờ của gia tộc Tư Mã. Đây cũng là chức vụ chính thức đảm nhậm lâu nhất của Nguyễn Tịch, và ông còn được biết đến với biệt danh “Nguyễn bộ binh”.

“Tấn Thư” mô tả cuộc đời của ông trong giai đoạn này: “Giữa hai triều đại Ngụy – Tấn, danh sĩ rất ít người được bảo toàn, Tịch do là không tham gia thế sự, thỏa thích ăn uống là thường.” Từ đó, say rượu đã trở thành một cái thẻ miễn lớn của vị danh sĩ Trúc Lâm này. Một lần khoa trương nhất là khi Tư Mã Chiêu muốn cầu thân với Nguyễn Tịch, vì con trai cả Tư Mã Đàm muốn lấy ái nữ của Nguyễn Tịch. Gia tộc Tư Mã quyền khuynh thiên hạ, Tư Mã Đàm sẽ là hoàng đế khai quốc của Tấn triều tương lai, Nguyễn Tịch cũng không đoái hoài tới chuyện phàn long phụ phượng này. Ông ngày ngày chỉ uống rượu, hai tháng liền say khướt hát hò, mỗi lần đều khiến sứ giả đến cầu thân không cách nào mở miệng. Sau này, Tư Mã Chiêu cũng không cưỡng cầu nữa, thân sự cũng không đề cập nữa.

Trung Hội của gia tộc Tư Mã đã nhiều lần hỏi Nguyễn Tịch về chính sự, cố gắng tìm ra chỗ lậu trong lời nói của đối phương để  cáo buộc tội danh. Nguyễn Tịch không cho ông ta cơ hội đàm thoại, cũng là dựa vào kế say rượu để tránh dây dưa với Trung Hội. Theo “Thế thuyết tân ngữ”, Tư Mã Chiêu cũng cảm thán nói rằng Nguyễn Tịch “cực kỳ thận trọng”, và mỗi lần nói chuyện cùng ông, ngôn ngữ đều huyền viễn, thường ẩn giấu nhân vật.

Đều nói rằng thơ thể hiện ý chí của một người, nhưng Nguyễn Tịch, người cực kỳ thận trọng, không dám thổ lộ tâm thanh quá phận trong thi ca. Ông đã viết tám mươi hai bài thơ “Vịnh Hoài Thi”, được đánh giá là “văn chương ẩn ý xa xôi”, “ý tứ vừa xa vừa thâm”, v.v. Những lời khen ngợi này đều đề cập đến những chủ đề tối nghĩa khó hiểu và đặc điểm khó giải của thơ ca Nguyễn Tịch. Nhưng đại bộ phận Vịnh Hoài Thi đều ẩn hiện phản ánh tâm tình mãi bàng hoàng ưu thương, cô độc và sầu bi của ông. Lấy bài thơ đầu tiên làm ví dụ:

Dạ trung bất năng mị, khởi tọa đạn minh cầm.
Bạc duy giám minh nguyệt, thanh phong xuy ngã khâm. 
Cô hồng hào ngoại dã, tường điểu minh bắc lâm.
Bồi hồi tương hà kiến? Ưu tư độc thương tâm.  

Tạm dịch
Trong đêm không ngủ được, trở dậy vuốt đàn cầm.
Rèm bạc soi minh nguyệt, gió nhẹ thảng tâm tư.
Hồng nhạn kêu đơn độc, phi điểu minh bắc lâm.
Bồi hồi mong gặp lại? Thương một mình ưu tư. 

Trong đêm khuya tịch mịch tĩnh lặng, Nguyễn Tịch trở dậy gảy đàn cầm. Vầng trăng sáng soi bóng dáng cô đơn của ông, làn gió nhẹ thổi ve áo ông, chỉ có hồng nhạn và phi điểu kêu lên những âm thanh thê lương. Nguyễn Tịch kết thúc một khúc hát, vẫn chưa muốn ngủ, tiếp tục loay hoay trong phòng, nội tâm tràn đầy lo lắng không vơi.

Tình tự cô đơn và thê lương mơ hồ này đã tạo nên âm hưởng cho tất cả “Vịnh Hoài Thi”. Nguyễn Tịch vì sao mất ngủ? Ông bồi hồi vì điều gì? Ông sầu tư cũng vì điều gì? Nguyễn Tịch không dám nói ra, nhưng khối ưu tâm dồn tích trong lồng ngực không nôn ra không được, vì vậy ông đành áp dụng phương pháp thỏa hiệp, viết ra một bài thơ để giải tỏa nó.

Phương thức làm thơ này, chẳng phải phản ánh cuộc đời đầy mâu thuẫn của ông sao? Nguyễn Tịch mỗi ngày đều chứng kiến chính quyền Tào Ngụy suy tàn, lại phải chiến đấu với tập đoàn Tư Mã, cuộc sống này giống như đi trên băng mỏng, nhìn không thấy đoạn cuối, chẳng phải là một cực hình sao?

Vượt khỏi quy củ Nho giáo, thuận tự nhiên

Quan trường là gông cùm, là căn nguyên của sự thống khổ, khiến Nguyễn Tịch cay đắng và phẫn hận. Nhưng trong thâm tâm ông vẫn kiên thủ phong cốt và hạnh kiểm của một bậc Nho sĩ, thân tại quan trường, nhưng tâm hướng Trúc Lâm. Đương thời gia tộc Tư Mã tự khoe khoang lấy “danh giáo” trị thiên hạ, còn dùng lễ pháp, danh giáo để đả áp những người chống đối, duy hộ quyền lực của mình. Danh sĩ Trúc Lâm đã rủ nhau chuyển hướng từ Nho học sang triết học Lão Trang, đề xuất chủ trương “việt danh giáo nhi nhậm tự nhiên”, nghĩa là vượt ra khỏi những phép tắc của Nho giáo, thuận theo tự nhiên, điều này để biểu đạt sự bất mãn và phản kháng đối với quyền uy.

Nguyễn Tịch cũng đã có nhiều hành vi khiến nhân thế kinh hãi, như tuyên ngôn: “Những lễ tục này lẽ nào là vì tôi mà thiết lập sao?” Mặc dù có vẻ điên điên, nhưng ông không mất đi tính tình chí chân chí thiện của mình, điểm này được biểu hiện đầy đủ trong hiếu tâm và hiếu hành của ông đối đãi với mẹ. Mẹ của Nguyễn Tịch ly thế rồi, ông biết được tin khi đang chơi cờ với bạn. Bạn ông nhanh chóng bảo ông mau quay về để xử lý tang sự, Nguyễn Tịch không đồng ý, kiên trì lưu lại chơi xong ván cờ.

Sau khi Nguyễn Tịch trở về nhà, lập tức biểu hiện vẻ mặt bi thống tuyệt vọng, uống hết hai xô rượu, lớn tiếng gào khóc, nôn ra nhiều máu. Khi chôn cất mẹ, ông ăn chân giò, uống hai xô rượu rồi mới đi tiễn biệt di thể mẹ. Nhưng chưa được bao lâu, ông lại hét lên và nôn ra nhiều máu. Trong thời gian thủ tang, ông cố ý không tuân tòng tang lễ, không kiêng rượu thịt, nhưng trong nội tâm ông quá thương tiếc, ngoại hình trở nên tiều tụy, như thể ông sẽ chết bất cứ lúc nào.

Bạn của ông, Bùi Giai đến điếu tang, nhìn thấy Nguyễn Tịch đầu tóc rối bù và say xỉn, nhìn thẳng vào ông, không khóc cũng không chào. Bùi Giai mặc kệ, sau khi khóc tế liền bỏ đi. Lúc đó có người hỏi Bùi Giai: “Khi điếu tang, chủ nhân khóc, khách nhân mới tùy lễ mà khóc. Nguyễn Tịch không khóc, ngài vì sao lại khóc đây?” Bùi Giai hồi đáp: “Nguyễn Tịch là người siêu phàm thoát tục, do đó bất tôn sùng lễ chế. Tôi là tục nhân, đương nhiên cần dùng lễ nghĩa để yêu cầu bản thân.”

Nhưng không có nhiều người hiểu Nguyễn Tịch, Nguyễn Tịch chỉ đơn giản dùng “mắt xanh – trắng” để phân biệt đối đãi. Khi gặp người tuân tòng tục lễ, ông hiển lộ mắt trắng, biểu đạt sự khinh thường miệt thị, khi gặp người phong lưu cao nhã, ông lộ ra mắt xanh, biểu đạt sự yêu mến và tôn trọng. Theo ghi chép lịch sử, khi Kê Hỉ, một người tầm thường, đi điếu tang, Nguyễn Tịch dùng đôi mắt trắng đối đãi với ông ta. Sau đó, em trai Kê Khang mang đàn và rượu đến, cũng đi điếu tang, nhưng vì hợp với tâm ý của Nguyễn Tịch, ông lập tức hiện lộ đôi mắt xanh.

Nguyễn Tịch cứ như vậy, dành phần đời còn lại của mình để giả vờ điên loạn, không quan tâm thế sự để độ qua ngày. Mãi đến năm Cảnh Nguyên thứ 4, tức là mười bốn năm sau khi Nguyên Tịch lần thứ ba phải ra làm quan, Tư Mã Chiêu tấn phong Tấn Công, chức vị tướng quốc và chín sắc phong. Chiểu theo thông lệ, Tư Mã Chiêu phải giả ý tạ từ một phen, rồi lại do công khanh đại thần “khuyến tiến” (tiến cử), mới được chính danh ngôn thuận nhậm chức. Nhiệm vụ viết “khuyến tiến biểu” lại rơi vào thân Nguyễn Tịch. Tất nhiên là ông không chịu, nên cũng như lần trước cự tuyệt việc hôn nhân, ông lại chuốc say mèm. Khi sứ giả đi đốc thúc, ông đã nằm trên bàn ngủ ngon lành. Nhưng Tư Mã Chiêu về vấn đề này không hề nhượng bộ. Sứ giả đã cưỡng hành Nguyễn Tịch và nói với ông về chuyện viết “khuyến tiến”. Nguyễn Tịch chỉ có thể mượn tửu ý, trực tiếp nằm trên bàn chỉ bảo. Sứ giả cho người ở hiện trường chép lại rồi giao cho Tư Mã Chiêu.

Bản “Khuyến tiến biểu” này được viết một cách rõ ràng và khí thế, được người đương thời rất coi trọng. Nhưng Nguyễn Tịch cảo văn say có thể nói vì ông không còn cách nào. Những thứ viết khi say rượu, có thể nói là ngôn ngữ hồ đồ, không thể là tác phẩm chính thức, là bởi Nguyễn Tịch miễn cưỡng mà làm, đây cũng là lựa chọn thứ ba mà ông đưa ra khi lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Nhưng Nguyễn Tịch vẫn đêm không ngủ được, ông dường như không thể tự thuyết phục mình an tâm. Chỉ một hoặc hai tháng sau, Nguyễn Tịch đã theo bước chân của Kê Khang, ly khai nhân thế. Không ai biết nguyên nhân cái chết của ông, chỉ nói rằng ông chết vì tuổi già, nhưng có lẽ chính xác hơn nếu mô tả ông với một cái chết đầy uất ức.

Nguyễn Tịch lang thang trong và ngoài quan trường, giữa những khe hở giữa cường quyền và lương tri mà truy cầu một con đường sống tù túng. Có lẽ ông ấy không thể làm được như Kê Khang, giữ tín niệm dù đối mặt với cả ngàn người, dùng nhiệt huyết để viết lên những nét vẽ phong phú đầy màu sắc của văn nhân thời Ngụy – Tấn. Nhưng từ xưa đến nay, cầu tử thì dễ, cầu sinh thì khó, con đường nhân sinh mà Nguyễn Tịch đã trải qua vạn phần gian nan, nhưng cũng khiến cho chúng ta nhìn thấy trí huệ xử thế thông đạt của ông.

Tác giả: Lan Âm, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch 

Exit mobile version