Đại Kỷ Nguyên

Dân gian nói ‘Nợ như chúa Chổm’, vậy chúa Chổm rốt cuộc là ai?

Từ một người: “Khố rách áo ôm” sống trong nghèo khó, nợ nần chồng chất, chúa Chổm bỗng nhiên trở thành vua. Đây có lẽ là trường hợp lên ngôi có một không hai trong lịch sử nước Nam…

Dân gian tương truyền chúa Chổm chính là vua Lê Trang Tông (1533-1548), ông vua đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng. Còn chính sử cho biết vua Lê Trang Tông tên húy là Duy Ninh, có một tên khác là Huyến; ông là con trai của vua Lê Chiêu Tông, mẹ là Phạm Thị Ngọc Quỳnh, người Cao Trì, huyện Thụy Nguyên (nay là huyện Ngọc Lạc, Thanh Hóa).

Chuyện kể rằng: nước Việt, năm Đinh Hợi (1527), Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lên làm vua. Vua Lê Chiêu Tông bị họ Mạc bắt nhốt vào tử lao chờ ngày hành quyết.

Trong ngục lạnh tại Đông Hà, nhà vua có gặp một người đàn bà hàng ngày được phép mang cơm đến cho vua ăn. Dù mỗi ngày một gầy gò héo hắt vì bị giam cầm nhưng nhà vua cũng cảm thấy lòng mình đỡ u buồn tẻ lạnh khi bên cạnh có một người thiếu phụ nhan sắc bình dị thường ngày vẫn ngoan ngoãn tận tình chăm nom săn sóc ông.

Một hôm, nàng cho nhà vua biết là mình đã có thai, đồng thời lại báo tin là họ Mạc định bức tử nhà vua. Vua vẫn bình thản trao cho nàng một ngọc ấn mà từ lâu đã giấu kín trong đai áo, đoạn buồn bã dặn:

– Nếu đứa con của chúng ta sau này là trai thì đây là một chứng vật, không ai chối cãi được nó là dòng dõi đế vương. Còn nếu nó là gái thì nàng hãy liệng ngọc ấn giữa dòng, đừng để cho một kẻ nào lợi dụng!

Chẳng bao lâu sau, vua Lê Chiêu Tông bị nhà Mạc giết chết. Người đàn bà đưa cơm may mắn sinh được một người con trai đặt tên là Duy Ninh. Sợ tung tích bại lộ, nàng bỏ nghề cũ, đem con trốn về thôn quê, chọn nghề buôn bán kiếm kế nuôi thân.

Ninh lớn lên, vẻ người tuấn tú khác thường. Ai gặp cũng phải tấm tắc khen là người có tướng tốt. Nhưng Ninh mắc phải cái tật ăn chơi ngông nghênh, tiêu pha hoang toàng, mẹ con cậu thiếu thốn vất vả tứ bề, có lắm khi phải nhịn đói, uống nước lã cầm hơi. Cũng bởi vậy đầu làng cuối phố dường như không nơi nào là Duy Ninh không nợ nần, vay chịu.

Lê Duy Ninh từ nhỏ đã có tướng mạo tuấn tú, khó người bì kịp (Ảnh: newbranch.info)

Được cái tuy gia cảnh bần hàn nhưng tính Ninh rất xuề xòa phóng khoáng, tương truyền rằng người nào được Ninh mua mở hàng cho thì bán rất đắt. Người bán hàng gặp Ninh thì tranh nhau mời cậu ta mua cho kỳ được. Ninh bảo không tiền và hẹn chừng nào Ninh làm ăn khá giả sẽ trả, họ đều rất đồng ý. Cũng bởi lý do đó mà càng ngày Ninh vay nợ càng nhiều.

Khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, các bề tôi nhà Lê kẻ chạy theo tân triều, kẻ tuẫn tiết, kẻ nổi lên chống Mạc. Trong số những bậc trung thần có ông Nguyễn Kim trốn sang Sầm Châu, nơi biên giới Ai Lao (biên giới Việt – Lào), nhờ quốc vương Lào giúp đỡ để gây thanh thế chống lại nhà Mạc.

Muốn gây dựng được thanh thế chính nghĩa, Nguyễn Kim quyết định phải tìm cho được một người dòng dõi nhà Lê. Nhưng đã lâu ngày, vì sự đàn áp thẳng tay của họ Mạc, hậu duệ vua Lê đâu mất cả, Kim không tìm thấy một ai.

Năm Quý Tỵ (1532), thế lực của Nguyễn Kim khá mạnh, mà dòng dõi nhà Lê vẫn chưa tìm được, ông rất nóng lòng khôi phục cơ đồ, mới nhờ một vị pháp sư suy đoán việc đại sự. Pháp sư làm lễ, gieo quẻ và trịnh trọng tiên đoán:

– Dòng Lê nào đã hết đâu! Hiện nay vua Chiêu Tông vẫn còn một hoàng tử cuối cùng và vẫn sống lang thang khắp xứ. Nếu có ý muốn tìm, thật chẳng khó. Cứ thấy một thanh niên có tướng mạo phi phàm, đầu đội mũ sắt, mình ngồi kiệu cối xay thì hẳn là đúng đó. Người ấy sẽ đem nhà Lê và non sông trở về với phong thái cũ.

Nguyễn Kim mừng lắm, hạ lệnh cho nha lại và binh sỹ chẳng quản xa gần, ngày đêm tìm kiếm.

Bấy giờ Nguyễn Kim đóng binh ở biên giới Việt Lào để chống lại quân của Mạc Đăng Dung, cũng là lúc Duy Ninh đang lang bạt ở đấy. Một hôm, Ninh vừa trong một quán rượu lướt thướt đi ra bỗng gặp một trận mưa rào đổ xuống. Ninh không dù không nón, nhân tìm thấy một cái chảo bỏ không, liền chụp ngay lấy mà đội lên đầu che mưa. Tiếng náo động của trận mưa làm con chó đang ngủ bên đường thức dậy. Nó lại thấy Ninh lạ kỳ quá bèn sủa vang lên và đuổi theo cắn. Ninh đâm hoảng, chạy bổ vào nhà người, nhảy ngay lên một cái cối xay lúa ở hàng ba mà tránh.

Quân sĩ của Nguyễn Kim đang trên đường đi tìm kiếm hậu duệ của nhà Lê về, xa xa trông thấy dáng Ninh thì la lớn:

– Vị hoàng tử mà tướng công ta tìm kiếm, chắc là người đội chảo sắt và ngồi kiệu cối xay kia!

Quân sĩ của Nguyễn Kim trông thấy Duy Ninh đội chảo sắt ngồi trên cối xay thì vui mừng chạy tới. (Ảnh: Youtube)

Duy Ninh nghe thấy thế lại tưởng là quân Mạc đuổi bắt mình nên hoảng hốt, ù té chạy.

Từ đấy, mẹ con Ninh thấp thỏm lo âu, đem nhau sang đất Lào, tạm sống bằng nghề thợ nhuộm. Tuy cuộc sống không sung túc gì, nhưng ở đây xa lạ, không ai biết được tông tích nên mẹ con Ninh tự thấy đỡ khổ đôi phần.

Một hôm, nhân bại trận, Nguyễn Kim rút binh sang Lào. Ông rất ngạc nhiên khi đi ngang qua một căn nhà nhỏ, vách đất cột tre, trước cửa có dán một câu đối bằng chữ Hán:

“Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,
Triều đình chu tử tận ngô môn”.

Tạm dịch:

“Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ
Đỏ tía triều đình tự cửa ta”.

Nội dung câu đối ấy đọc sơ qua thì ý tứ tuy biểu lộ được rằng chủ nhân của nó làm nghề thợ nhuộm, nhưng suy ngẫm kỹ thì bên trong còn hàm súc một khí phách phi thường, điều này làm cho Nguyễn Kim chú ý. Ông liền ghé vào nhà ân cần gạn hỏi và nói rõ nguyện vọng của mình.

Quả nhiên Nguyễn Kim không lầm. Người mà ông mơ ước muốn tìm gặp từ lâu bỗng nhiên xuất hiện. Mẹ con Duy Ninh kể lại đoạn đời đau khổ vừa qua và đưa ra ngọc ấn làm tin.

Nguyễn Kim bèn rước Duy Ninh về Thanh Hóa, cử đại binh đánh Mạc. Duy Ninh được suy tôn đế vị, tức là vua Lê Trang Tông.

Tương truyền lúc Duy Ninh được Nguyễn Kim xa giá rước về, khi ngang qua các hàng quán cũ, chỗ mẹ con Duy Ninh lánh nạn khi xưa, một số người thường hay bán chịu cho Ninh tự thuở nào đổ xô ra đòi tiền. Họ không biết Duy Ninh làm ông gì nhưng thấy được đi xa giá, lại có cả ngàn quân binh hộ vệ thì tin chắc là Ninh đã thành đạt, nên họ nhắc lại lời hứa của Ninh đoạn nhao nhao đòi nợ. Có nhiều người không phải là chủ nợ nhưng thừa nước đục thả câu, cũng đổ xô lại yêu cầu, đòi hỏi. Người người tấp nập đầy đường.

Tin chắc là Ninh đã thành đạt, nên dân chúng nhắc lại lời hứa của Ninh đoạn nhao nhao đòi nợ. (Ảnh: Zing)

Nhà vua không biết mình nợ ai và cũng không biết làm sao mà trả cho hết nên truyền miễn thuế một năm cho khắp cả dân làng, phường phố để trừ nợ. Mặt khác, triều đình ra lệnh cấm những người đòi nợ chỉ tay xúc phạm nhà vua. Do đó con đường nhỏ mà vua từng đi qua mới có tên là “Cấm Chỉ” – cái tên ngõ khá đặc biệt này hiện vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở Hà Nội.

Cũng kể từ đó câu nói: “Nợ như chúa Chổm” trở thành một thành ngữ chỉ những người nợ nần chồng chất ngập đầu ngập cổ. Còn trong dân gian sau này thì có truyền tụng câu ca dao như sau:

“Vua Ngô ba sáu tấn vàng
Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm mắc nợ tì tì
Thác xuống âm phủ kém gì vua Ngô”.

Đường Minh

Exit mobile version