Đại Kỷ Nguyên

Cựu hiệu trưởng 5 trường học tại Ấn Độ: ‘Pháp Luân Đại Pháp là lòng dũng cảm đạo đức của tôi’

Nếu một người luôn giữ vững được tinh thần dũng cảm và thiện tâm trong mọi thử thách, thì cuộc đời của người ấy xứng đáng là một câu chuyện truyền cảm hứng cho bất kì ai. Người mẹ đơn thân một mình nuôi nấng hai cậu con trai trong câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Làm việc trong ngành giáo dục 30 năm, Giáo sư Harvinder đã cống hiến cả cuộc đời mình để nuôi dưỡng, dạy dỗ và khích lệ người khác. Từng giữ chức vụ hiệu trưởng của 5 trường học các bang Odisha, Jharkhand, Karnataka, Kerala and Andhra Pradesh tại Ấn Độ, Giáo sư Harvinder nhận thức được từ rất sớm rằng tâm linh là chìa khoá duy nhất cho sự hoà ái, lương thiện. Người phụ nữ truyền cảm hứng này chia sẻ, trái tim bà luôn mong mỏi tìm được con đường giúp bà hiểu được bản thân mình. Điều này cứ thôi thúc bà mãi cho đến ngày bà khám phá được môn tu luyện Phật gia thượng thừa.

“Tôi luôn cố gắng để làm một người trung thực và sống có mục đích. Là một nhà giáo, tôi đã được trải nghiệm rất nhiều điều trong đời – từ làm việc tại những nơi đẹp đẽ như Mussoorie cho tới những khu định cư của các bộ lạc tại Daltonganj, Jharkhand. Cuộc đời không như là một giấc mơ, có lúc vui vẻ, hào hứng nhưng có lúc lại buồn chán, thất vọng. Nhưng kể cả những lúc bận rộn nhất, tôi vẫn luôn cố gắng tham gia các khoá học về tâm linh. Tôi luôn trân trọng công việc của mình và coi công việc như một nhiệm vụ đặc biệt.”

Nhưng bà tin rằng làm cha mẹ thì không hề giống làm giáo dục chút nào, và chính hành trình làm mẹ đã tạo cho bà rất nhiều cơ hội để nâng cao tâm tính của mình mỗi ngày.

Giáo sư Harvinder và 2 con trai (Ảnh: NTD Ấn Độ)

Giáo sư Harvinder biết đến Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp luân Công) tại Hội nghị Hội trưởng ASISC (2007) lần thứ 50 tại Bangalore. Pháp luân Đại Pháp là môn tu luyện Phật gia thượng thừa dựa theo nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn của vũ trụ, bao gồm 5 bài công pháp đơn giản và 9 bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Bà tin rằng những giá trị tâm linh chân chính sẽ tạo ra sức ảnh hưởng lan truyền, và cách tốt nhất để cha mẹ truyền đạt được các điều ấy tới con trẻ là họ phải tuân thủ những nguyên tắc đó.

Giáo sư Harvinder đang đọc cuốn Chuyển Pháp luân, cuốn sách chính của Pháp luân Đại Pháp (Ảnh: Veeresh/TĐN Ấn Độ)

“Suốt 10 năm tu luyện Pháp Luân Công, dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, tôi luôn sống dựa trên các giá trị Chân, Thiện, Nhẫn. Khi tôi dần buông bỏ được tính nóng giận, tự ngã và những nhân tố tiêu cực từ suy nghĩ và thân thể, tôi cảm thấy nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Giống như một chiếc lọ đựng đầy chất bẩn – càng loại bỏ bớt nhiều chất bẩn, chiếc lọ sẽ càng nổi lên trên mặt nước,” bà nói. 

Giáo sư Harvinder đang thực hành bài công pháp số 5 – Thiền định của Pháp luân Đại Pháp (Ảnh: Veeresh/NTD Ấn Độ)

“Làm cha mẹ tức là phải giáo dục con cái về cuộc sống, và bài học giáo dục tuyệt vời nhất xuất phát từ chính những trải nghiệm hàng ngày – cha mẹ phải làm gương cho các con. Các con luôn dõi theo chúng ta mọi lúc và tiếp nhận những giá trị chúng ta thực hành và thể hiện. Chứng kiến việc tôi đã cố gắng đề cao tâm tính mỗi ngày thế nào, các con trai tôi cũng dần thấm nhuần  tư tưởng tốt đẹp”, bà nói thêm. 

Con trai lớn của Giáo sư Harvinder là một diễn viên có triển vọng tại Mumbai. Tuy nhiên, bà tự hào rằng mặc dù phải đối mặt với rất nhiều căng thẳng và áp lực, con trai bà không bao giờ thoả hiệp các giá trị chân chính của bản thân.

“Con trai tôi có một nhịp sống rất sôi động nhưng không khi nào quên đi các nguyên lý mà mẹ mình luôn lưu giữ trong tâm. Từ việc tài trợ tiền học cho một cô bé đến rất nhiều các quyết định lớn nhỏ trong cuộc sống, thằng bé vẫn tuân thủ những điều đã được dạy dỗ từ nhỏ”, bà chia sẻ.

Thằng bé vẫn tuân thủ những điều đã được dạy dỗ từ nhỏ (Ảnh: Veeresh/TĐN Ấn Độ)

“Con trai út của tôi cũng là một học viên Pháp luân Đại Pháp. Thằng bé cũng giống như những đứa trẻ cùng trang lứa, có ước mơ và hoài bão riêng, nhưng có một thứ luôn giúp cháu nổi trội và đặc biệt, đó chính là quan điểm của cháu về những điều dù to hay nhỏ trong cuộc sống. Thay vì nghĩ rằng “mẹ sẽ nói là,” cháu tập trung vào việc đồng hoá các hành vi và tư tưởng của mình với các giá trị Chân, Thiện, Nhẫn.”

“Nhờ thực hiện các bài thiền định, tôi có thể kiểm soát được cơn nóng giận của mình, nên tại bất kì trường học nào tôi làm việc, mọi người đều gọi tôi là một “vị hiệu trưởng ôn hoà,” trong khi các con trai gọi tôi là “người phụ nữ thép”. Sức mạnh của người phụ thực sự đến từ vẻ đẹp tâm hồn. 

Qua đức hạnh và đức tin của mình, bà mẹ dũng cảm này chứng minh được rằng, “mạnh mẽ” là từ bi, “hoà ái” là trách nhiệm, “người phụ nữ thép” là tấm gương cho sự kiên trì theo đuổi những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. 

Theo NTD Ấn Độ 

Phương Linh 

Exit mobile version