Đại Kỷ Nguyên

Cổ nhân dạy về đạo làm quan và lòng trung hiếu như thế nào?

Tinh thần “Trung hiếu” vô cùng tốt đẹp mà Nho gia trước đây từng dốc sức xây dựng và thúc đẩy đã bị con người ngày nay bóp méo thành “Ngu trung” và “phong kiến”. Vậy rốt cuộc chữ ‘Trung’, chữ ‘Hiếu’ của cổ nhân được định nghĩa như thế nào? 

Chữ Hiếu trong tư tưởng Nho gia: Nội hàm rộng lớn hơn chúng ta nghĩ 

Hiếu Kinh là một trong 13 Kinh điển Nho gia, nó tập trung giảng về đạo Hiếu trong tư tưởng luân lý Nho gia. Xưa nay, Hiếu Kinh là kinh điển bắt buộc phải học của các bậc đế vương cai trị quốc gia và của thần dân giữ chức phận, tu thân. Chữ Hiếu cũng có vị trí đặc biệt quan trọng trong tư tưởng Nho gia.

Khổng Tử coi Hiếu là quy phạm mà Thượng Thiên quy định. “Phù hiếu, Thiên chi kinh dã, địa chi nghĩa dã, nhân chi hạnh dã”, nghĩa là: Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất, là phẩm hạnh của con người. Hiếu là “Chư đức chi bản, giáo chi sở do sinh dã”, nghĩa là, hiếu là gốc của mọi đức hạnh, việc giáo dục giáo hóa con người cũng từ hiếu mà ra.

Hiếu là đức tính truyền thống tốt đẹp của các nước Á Đông, nó không chỉ là sự báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ, mà còn là sự tuân theo dạy bảo giáo hóa của cha mẹ. 

Nếu mở rộng ra mà nói, kính Trời, trung quân, hiếu thân, tôn sư, kỳ thực đều nằm trong nội hàm của nhữ Hiếu. Do đó bậc Thánh vương dùng đạo hiếu để cai trị quốc gia, thần dân dùng đạo Hiếu để thờ vua, lập thân. Do đó, “Tột cùng của Hiếu đễ” có thể “Câu thông với Thần linh, chiếu sáng khắp bốn biển, không nơi nào không thông tỏ”

Mở đầu Hiếu Kinh đã nói rõ rằng: “Thân thể, tóc da, đều nhận từ mẹ cha, không được để bị hủy hoại, tổn thương, đó là khởi đầu của chữ Hiếu. Lập thân hành Đạo, lưu danh cho hậu thế, để hiển vinh mẹ cha, đó là tột cùng của Hiếu. Hiếu, bắt đầu bằng thờ mẹ cha, tiếp đến là thờ vua, cuối cùng là lập thân”. 

Khổng Tử từng nói Hiếu là kinh của trời, là nghĩa của đất, là phẩm hạnh của con người. (Ảnh: ĐKN)

Trong văn hóa truyền thống, hiếu thuận mẹ cha chỉ là bắt đầu của đạo Hiếu, về căn bản là khiến cho con người có lòng cảm ân. Thông qua thể ngộ Thiên kinh địa nghĩa, kế thừa chí cha và sự giáo dục của Thần, sau khi nên người thành nhân tài, đảm đương trách nhiệm xã hội và sứ mệnh theo phận sự, gây dựng công tích, sự nghiệp, để tiếng thơm lưu truyền hậu thế.

Cha mẹ tổ tông cũng vì vậy mà được vẻ vang, cuối cùng đạt được sự hoàn thiện về nhân cách, cảnh giới đạo đức được nâng cao, đó chính là ý nghĩa đích thực của đạo Hiếu.

Chữ Hiếu với đạo làm quan

Thời cổ đại, chư hầu, các khanh và sỹ đại phu đều là tầng lớp có địa vị rất cao, họ hoặc là các trọng thần rường cột quốc gia, hoặc cai trị bách tính một vùng, hoặc là bậc hiền tài hiển đạt trong xã hội, có tri thức, danh tiếng khắp thiên hạ, là tinh hoa của xã hội. Do đó trách nhiệm gánh vác cũng rất trọng đại, nên phải trở thành tấm gương mẫu mực tuân theo đạo Hiếu.

Đạo Hiếu của chư hầu và các khanh đại phu trong Hiếu Kinh giảng, kỳ thực cũng bao gồm đạo làm quan, làm bề tôi cho tầng lớp quan lại để giữ được phú quý, tước lộc lâu bền.

Trong thiên “Chư hầu” của Hiếu Kinh có giảng, chư hầu nên giống như lời dạy trong thiên Tiểu Mân, Tiểu Nhã của Kinh Thi: “Thời thời đều cảnh giới cẩn thận ‘Cẩn thận thận trọng, như đứng bên miệng vực sâu, như đi trên băng mỏng”.

“Ở địa vị cao không được kiêu ngạo, tiết chế cẩn thận về mức độ, ở địa vị cao mà không kiêu ngạo, khiêm tốn giữ lễ, thì sẽ không có hiểm nguy bị lật đổ”.

“Của cải giàu có mà không xa hoa, thì có thể giữ được của cải giàu sang lâu dài. Là chúa tể của xã tắc mà bình dị an hòa, thì đó là đạo Hiếu của chư hầu”.

“Khanh đại phu là bậc lương đống quốc gia, nếu họ có thể tuân theo phép tắc giữ lễ, ‘Không phải trang phục do tiên vương đặt ra thì không dám mặc, không phải lời dạy của tiên vương thì không dám nói, không phải đức hạnh của tiên vương thì không dám làm’ ”

Vua quan đều phải là tấm gương về đạo đức, xã tắc mới thịnh trị. Vua sai có cận thần can ngăn, thần sai có bề trên dạy bảo. (Ảnh: Wikipedia)

Lời nói việc làm đều tuân theo phép tắc, đạo lý, giống như thiên Chưng dân, Đại nhã của Kinh Thi nói, ngày đêm không bê trễ, cung kính phụng sự vua, thì có thể giữ được tông miếu, đó là đạo Hiếu của khanh đại phu. 

Người quân tử có đạo ở địa vị cao, mọi người tôn xưng là “Đại nhân”, do đó càng ở vị trí cao thì càng phải tăng cường tu dưỡng bản thân, thực hiện đạo của người quân tử, giáo hóa bách tính bằng phong thái và đức hạnh của bậc quân tử, thì mới không phụ lòng mong mỏi của mọi người. 

Bậc đại nhân, “hợp đức với Thiên địa, hợp minh với nhật nguyệt, hợp trật tự với tứ thời, hợp cát hung với quỷ thần”. 

Vì ngôn hạnh hợp với đạo nghĩa, có đức dày và trí tuệ để nghênh cát tránh hung, đó là trách nhiệm người làm quan, do đó mới có thể tạo phúc cho bách tính một vùng, tích công đức vô lượng. Mọi người ca tụng, tôn kính ông, trên dưới hòa niềm vui, tự nhiên tước vị sẽ lâu bền, có thể giữ được tông miếu xã tắc, đó mới là Chân Hiếu.

Trái lại, ở ngôi vị đó mà không mưu sự công việc trách nhiệm đó, kiêu ngạo ngang ngược xa hoa, trái nghịch đạo Trời, sẽ gây nguy hại cho rất nhiều bách tính lê dân, tội nghiệt tất nhiên cũng rất nặng nề.

Đã trái ý Trời lại phụ lòng dân, tước lộc tông miếu không giữ được, tổ tông cũng vì vậy mà chịu tủi nhục, đó là đại bất hiếu.

Làm bề tôi, làm quan, hiếu với mẹ cha, trung với vua cho đến lập thân, đều cần phải tuân theo đạo nghĩa. Do đó trung hiếu không có nghĩa là cứ nhất nhất tuân theo, trong Hiếu Kinh có viết:

“Xưa bậc thiên tử có 7 người bề tôi can gián, tuy thiên tử vô đạo, cũng không bị mất thiên hạ”.

“Bậc chư hầu có 5 người bề tôi can gián, tuy chư hầu vô đạo, cũng không bị mất nước”.

“Bậc đại phu có 3 người bề tôi can gián, tuy đại phu vô đạo cũng không bị mất gia tộc”.

“Kẻ sỹ có bạn bè can gián, thì không bị mất thanh danh”.

“Bậc làm cha có con can gián, thì không rơi vào bất nghĩa”.

“Do đó để tránh bất nghĩa, thì con không thể không can gián cha, bề tôi không thể không can gián vua”. 

Điều gọi là “Thờ vua bằng đạo, không được thì dừng” nghĩa là, dùng đạo nghĩa để phụng sự vua, khuyên can vua mà không được thì từ quan không làm nữa, tuyệt đối không được giúp kẻ ác làm điều ngang ngược. 

Người làm vua, làm cha, về tư tưởng hành vi, không tránh khỏi có sai lệch, trách nhiệm của kẻ bề tôi, làm con là nhắc nhở, khuyên can, để họ tỉnh ngộ, từ đó quay trở lại với chính đạo. 

Xưa bậc thiên tử có 7 người bề tôi can gián, tuy thiên tử vô đạo, cũng không bị mất thiên hạ. (Ảnh: kknews)

Trung Hiếu và Ngu Trung 

Trung hiếu nhân nghĩa, lấy nhân nghĩa làm trung tâm. Dạy chữ Hiếu để nuôi dưỡng chữ Nhân, dạy chữ Trung để vẹn toàn chữ Nghĩa.

Nếu không có cội nguồn nhân nghĩa này, thì hiếu sẽ là tình riêng, trung sẽ là ngu trung, đều không được theo. Do đó hiếu cuối cùng là lập thân, lấy đạo nghĩa làm yếu chỉ.

Hứa Hành một đời giữ công chính, khắc chế bản thân, “Lê tuy không có chủ nhân, nhưng lòng tôi có chủ”, câu chuyện thành ngữ nổi tiếng này nói về Hứa Hành.

Hứa Hành làm quan triều Nguyên, trước sau luôn kiên trì nguyên tắc “Bất sỹ bất nghĩa”, nghĩa là không làm quan cho kẻ bất nghĩa.

Trong suốt 27 năm trên đường hoạn lộ, ông cương trực không a dua, không phụ họa quyền thế, “không suy chuyển vì lợi”, “không khuất phục bởi quyền”, được người đương thời ca ngợi là “Ngụy Trưng” đời Nguyên.

Ông nhiều lần được vời vào triều làm quan, lại nhiều lần do người cầm quyền “Bất nghĩa” mà từ quan về quê cũ, tự mình cày cuốc, cấy lúa trồng dâu.

Năm Chí Nguyên thứ 7 (năm 1270), Hứa Hành được thăng làm Trung thư tả thừa. Đương thời, Trung thư bình chương chính sự A Hợp Mã lộng quyền triều chính, muốn sắp đặt cho con trai Hốt Tân làm Khu mật viện kiểm sự, nắm giữ binh quyền. Văn võ khắp triều miệng câm như hến, “đại đa số a dua theo”, duy chỉ có Hứa Hành khăng khăng phản đối.

Do A Hợp Mã lộng quyền, mà Hứa Hành không được sự trợ giúp đắc lực của Hốt Tất Liệt, ông “cáo bệnh xin từ chức cơ vụ”, không màng đến vinh hoa phú quý. Cả đời tiến thoái, làm quan, đối nhân xử thế, ông đều lấy Nhân Nghĩa làm chuẩn mực, quyền thế không thể khiến ông khuất phục, phú quý không thể khiến ông khom lưng cúi gối, được hậu thế ca tụng.

Do đó có thể thấy, đạo Hiếu mà Nho gia đề xướng, ngoài việc kính trọng, hiếu dưỡng, trung trinh đối với cha mẹ, bề trên ra, điều quan trọng hơn là ghi nhớ kế thừa đạo người lẽ Trời mà họ đã truyền lại, tu thân dưỡng đức, giúp đỡ người khắp thiên hạ, tận tụy làm hết chức trách, đường đường chính chính lập thân giữa Trời đất, có trách nhiệm với bản thân, với bách tính, với quân vương, ngẩng mặt cúi đầu đều không thẹn.

Tầng lớp sỹ phu (trí thức xưa), và vô số bậc lương thần, khởi nguồn từ Khổng Tử và các bậc Thánh hiền cổ đại, thực sự đã có tác dụng như những cột đá giữa dòng. Còn những kẻ vinh hoa phú quý lại trái với đạo đức nhân nghĩa, là những gian thần của các triều đại, tuy nhất thời quyền hành khuynh đảo, oai phong rợp đất, nhưng chỉ để lại tiếng xấu muôn đời. Bọn họ cuối cùng đã đem lại nỗi sỉ nhục và tai họa cho cha mẹ, cho gia tộc. 

Sử xanh còn mãi, thế sự như vở kịch, có mở màn có hạ màn. Ngày nay, kết cấu xã hội và giá trị quan đã khác xưa nhiều. Nếu so sánh các sỹ đại phu, các chư hầu xưa với các đại quan, ông to bà lớn, và những công chức ngày nay, thì vai trò, trách nhiệm, quyền hạn đại thể tương đương. Nhưng cái đạo làm quan của người xưa với người nay thì đã cách xa một trời một vực rồi.

Tinh thần “Trung hiếu” mà Nho gia dốc sức thúc đẩy đã bị người nay bóp méo thành “Ngu trung” và “phong kiến”. Sau khi phủ nhận sự tồn tại “Trên đầu ba thước có Thần linh” từng giờ từng khắc ghi chép lại đức hạnh, tiết thủ của con người, thì chữ Trung mà con người phải trung với lẽ Trời với đạo nghĩa, đã bị biến thành “Ngu trung” đối với kẻ nắm trong tay quyền lực.

Đạo Trời, Thần linh chí cao vô thượng đều bị phủ định, thì quyền lực sẽ lắc mình biến thành hóa thân của chân lý, sẽ thay thế hết thảy các Thánh nhân, Thần linh, từ đó xuất hiện lý luận “bắp tay sao chống nổi bắp đùi”. 

Kiến thức mà con người biết, cũng chỉ như những gì con người nhìn thấy. Ngày nay, trên các phương tiện thông tin, mạng Internet đang thịnh hành các bộ phim cổ trang, nếu bỏ tư tưởng căn bản kính sợ Trời đất đi, bỏ ngôn ngữ cổ nhân đi, thì như những người mất đi linh hồn, thực sự cảm thấy tư duy hỗn loạn, ngu muội đáng cười. Nhưng đây thực sự chỉ là cái mà người hiện đại nhìn nhận người xưa, chứ không phải là người xưa. Không phải người xưa ngu muội, mà là người hôm nay trong tâm không hiểu được ý nghĩa sâu xa cổ xưa vậy. 

Soundofhope.org 
Nam Phương biên dịch 

Exit mobile version