Đại Kỷ Nguyên

Chuyện người thợ mộc của Trang Tử: Đạo lý làm người huyền diệu gói gọn trong 3 chữ ‘quên’

Cuộc sống là tự nhiên, do đó không cần phải đạt được bao nhiêu, truy cầu thế nào, mà chỉ cần buông bỏ thứ gì, quên đi thứ gì, thì hết thảy những điều cần đến sẽ tự nhiên đến…

Con người luôn mong muốn sống hạnh phúc và vui vẻ, nhưng đường đời lại va vấp trắc trở, không như ý, mâu thuẫn và nghịch cảnh liên miên không dứt. Nhưng nếu chúng ta có thể học cách tu dưỡng để hoàn thiện bản thân, bao dung và thiện đãi người khác, thì chúng ta sẽ thấy trước mặt là biển rộng trời cao.

Giữ tâm bình lặng, quên đi thành kiến

Cuộc sống là tự nhiên, do đó không cần phải đạt được bao nhiêu, truy cầu thế nào, mà chỉ cần buông bỏ thứ gì, quên đi thứ gì, thì hết thảy những điều cần đến sẽ tự nhiên đến.

Trong Nam Hoa Kinh – thiên Đạt Sinh, Trang Tử kể câu chuyện về một người thợ mộc tên là Tử Khánh:

Tử Khánh đẽo gỗ làm giá chuông, ai coi cũng bội phục khen là khéo như Thần. Lỗ hầu trông thấy hỏi thuật đẽo ra sao, Tử Khánh đáp:

“Tôi là một người thợ bình thường, nào có thuật pháp nào đâu. Nhưng có điều này: Trước khi đẽo cái giá đó, tôi không dám để hao tổn nguyên khí mà phải trai giới để tĩnh tâm. Trai giới được ba ngày thì không nghĩ tới khen thưởng, tước lộc nữa. Trai giới được năm ngày thì không nghĩ tới lời phê bình khen chê khéo vụng nữa. Trai giới được bảy ngày thì quên rằng thân có hình thể tay chân. Lúc đó, tôi không biết có triều đình của nhà vua nữa. Tôi chuyên tâm vào nghệ thuật mà bao nhiêu phiền loạn ở ngoài tiêu tan hết.

Sau, tôi mới vào rừng, quan sát tính chất của từng cây. Thấy cây nào hình chất hoàn toàn thích hợp rồi thì hình cái giá chuông mới hiện rõ trong đầu và thế là tôi bắt tay vào việc. Nhờ sự hoà hợp giữa cái tự nhiên của tôi với cái tự nhiên của cây mà giá chuông mới khéo như Thần đẽo, có lẽ vậy chăng?”.

Người thợ mộc đã nói ra đạo lý chất phác mà lại huyền diệu, đó là cần vượt qua ba giai đoạn: quên lợi, quên danh, quên mình. Nếu có thể làm được ba điểm này, thì sẽ biết được phép tắc của Đạo thế gian, “dùng cái tự nhiên hợp với tự nhiên”.

Câu chuyện người thợ mộc cho chúng ta thấy: cần vứt bỏ các tâm thành kiến, cơ mưu tính toán, phân biệt, vọng tưởng thì mới có thể “dùng cái tự nhiên hợp với tự nhiên”, khiến cho cái tâm của bản thân gần với Đại Đạo.

Người thợ mộc đã nói ra đạo lý chất phác mà lại huyền diệu, đó là cần vượt qua ba giai đoạn: quên lợi, quên danh, quên mình. (Ảnh minh họa)

Ngoài biến đổi nhưng trong không biến đổi, thừa vật để du ngoạn tâm

Trong thiên Tri bắc du, Trang Tử đã mượn lời Khổng Tử để đề xuất một quan niệm nhân sinh:

Khổng Tử nói với Nhan Uyên: “Cổ nhân thích ứng với biến hoá ở ngoài mà trong lòng không thay đổi. Ngày nay người ta thay đổi trong lòng mà không thích ứng với biến hoá ở ngoài. Ai muốn thích ứng với biến hoá ở ngoài thì phải biết cái luật bất biến hoá. Yên tĩnh biến hoá, mà cũng là yên tĩnh không biến hoá; yên tĩnh tiếp xúc với vật nhưng đừng nhiều quá”.

“Bên ngoài biến đổi, trong tâm không biến đổi” nghĩa là bề ngoài biến đổi tùy theo vật, nhưng nội tâm kiên định, trầm tĩnh bất biến.

Một người có thể trở thành chính bản thân người đó, chính là ở đặc tính riêng của tự ngã. Giá trị quan riêng, phong cách riêng, và một nội tâm kiên định đã làm nên bản sắc riêng của một cá nhân. Một người bề ngoài có thể vô cùng hòa đồng, thuận theo ngoại cảnh, nhưng nội tâm anh ta lại giữ được đặc tính riêng của mình, vẫn kiên định với lý tưởng của mình, thì đó gọi là “trong lòng không biến đổi”.

Sinh tồn tùy theo cơ ngộ mà yên định, trong cuộc sống nên giữ vững sự kiên trì. Đối diện với thế giới bên ngoài thì cần thông đạt và thuận ứng, nhưng khi đối diện với nội tâm lại cần kiên trì bản tính của mình, không động theo trào lưu ắt sẽ không bị cuốn trôi theo dòng.

Một người nếu có thể đối nhân xử thế được vẹn tròn, nhưng nội tâm luôn giữ vững được nhân sinh quan, giá trị quan thuần phác ban đầu, thì người đó đã đạt đến cảnh giới khá cao của Đại Đạo, sự việc sự vật bên ngoài không thể làm tâm họ dao động.

Chỉ khi “bên ngoài biến đổi, trong tâm không biến đổi” thì mới có thể “thừa vật để du ngoạn tâm”. “Thừa vật” có nghĩa là làm chủ quy luật, tri thức và phép tắc tự nhiên. Muốn thừa vật thì trước tiên phải thuận vật, tức là phải bên ngoài thay đổi. Nhưng lại phải kiên trì cái tâm ban sơ của mình, đó chính là trong tâm không biến đổi.

Chỉ có thuận ứng theo tự nhiên, kiên trì tự ngã thì mới có thể “thừa vật mà du ngoạn tâm”, đạt đến cảnh giới tự do và giải thoát tinh thần.

Chỉ có thuận ứng theo tự nhiên, kiên trì tự ngã thì mới có thể “thừa vật mà du ngoạn tâm”, đạt đến cảnh giới tự do và giải thoát tinh thần. (Ảnh minh hoạ)

Niềm vui chân chính

Trong Thiên Đạo, Trang Tử viết: “Hòa với người gọi là niềm vui con người, hòa với Trời gọi là niềm vui của Trời”.

Trang Tử chia niềm vui thành hai loại: Một loại là niềm vui của con người, tức là niềm vui giữa người với người; Một loại là niềm vui của Trời, tức là niềm vui giải thoát, niềm vui hài hòa cùng Trời Đất, đó là niềm vui đạt đến cực đỉnh, gọi là Chí Lạc.

Trong Chí Lạc, Trang Tử viết: “Chí lạc vô lạc, chí dự vô dự”, nghĩa là niềm vui đạt đến cực đỉnh thì trong sâu thẳm nội tâm không có biểu hiện. Vinh dự chân chính là vinh dự không có ca ngợi, không có biểu hiện ở bên ngoài.

Niềm vui chân chính là niềm vui dung hợp với tự nhiên, cảm ứng với Trời Đất, là niềm vui điềm đạm hư vô, an nhiên tự tại, là niềm vui không lo không nghĩ, không tiếng không hình.

Do đó niềm vui chân chính không liên quan đến địa vị, không liên quan đến tài sản, không liên quan đến sự nghiệp thành bại. Loại niềm vui này không phải do các nhân tố vật chất hay địa vị quyết định, mà quyết định bởi cảnh giới tinh thần, và chỉ liên quan đến cái tâm của chúng ta.

Theo Sound of Hope
Nam Phương biên dịch

Exit mobile version