Đại Kỷ Nguyên

Chuyện cầu hiền kỳ lạ nhất trong lịch sử: Đổi 5 tấm da dê lấy nhân tài trị quốc (Kỳ 1)

LTS: Những kẻ tài trí lỗi lạc thường có liêm sỉ lễ nghĩa, khí chất thanh cao nào đâu chịu co mình vào khuôn khổ mà luồn cúi theo kẻ khác? Chốn gai góc cũng chẳng phải là nơi chim loan, chim phượng đậu. Thế nên xưa nay, anh hùng thường là sinh bất phùng thời, có khi tóc bạc da mồi mà vẫn chưa tìm ra đất dụng võ. Lần giở lại cổ sử Á Đông, có quá nhiều những anh hùng từng phải bất đắc chí như vậy, điển hình nhất chính là Khương Tử Nha hơn 80 tuổi vẫn ngồi câu cá ở sông Vị chờ thời.

Hôm nay, chúng tôi xin mạn phép thưa cùng quý độc giả câu chuyện về một kỳ tài ẩn dật khác, phải nuôi trâu, chăn dê bao ngày tháng trước khi bước ra và tỏa sáng trên vũ đài lịch sử. Nhưng “cái giá” mà bậc quân vương phải bỏ ra để có được tài năng trác tuyệt của ông thật khiến người ta phải bật cười: vỏn vẹn 5 tấm da dê. Chúng ta đang nói về Bách Lý Hề.

Những người yêu thích “Đông Chu Liệt Quốc” hẳn không mấy xa lạ với cái tên này, một phần cũng vì đọc lên nghe có vẻ hơi… hài hước. Mà đoạn đầu cuộc đời của ông thật cũng chẳng khác gì một tấn trò hề vậy.

Anh hùng không đất dụng võ

Bách Lý Hề chính là “sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan”. Thời đại Xuân Thu, vùng đất Trung Nguyên bị các nước chư hầu chia năm xẻ bảy. Quyền lực của nhà Chu chỉ còn trên danh nghĩa. Các nước chư hầu mạnh, ỷ vào quân đông, lương thảo dồi dào, liên tục chinh phạt các nước yếu nhỏ hòng khuếch trương thế lực.

“Đông Chu Liệt Quốc” chép rằng, Bách Lý Hề vốn người nước Ngu (một nước chư hầu nhỏ), tự là Tỉnh Bá, lúc nhỏ nghèo khổ, ngoài 30 tuổi mới lấy vợ là nàng Đỗ thị, sinh được một con trai. Nam nhi chí tại bốn phương, cũng không thể quanh năm ngày tháng bìu díu vợ con, Bách Lý Hề muốn lên đường lập công danh. Nhưng ngặt một nỗi vợ dại con thơ, không biết cậy nhờ ai, Bách Lý Hề cứ quyến luyến mãi không dứt được, cả ngày ra đứng vào ngồi, thở dài thườn thượt.

Đỗ thị hiểu được tâm sự của chồng, bèn khuyên: “Làm trai chí ở bốn phương, phu quân nay cứ vướng bận gia đình thì biết bao giờ mới làm nên đại sự? Tiện thiếp tuy yếu đuối nhưng vẫn có thể kiếm được cái ăn cái mặc, phu quân chớ bận tâm!”.

Đỗ thị thịt con gà mái duy nhất trong nhà, bẻ then cửa làm củi, nấu một nồi cơm gạo đỏ để tiễn chân phu quân. Bách Lý Hề cảm động đến rơi lệ, đưa miếng thịt lên miệng ăn mà chẳng ra vị gì, chỉ thấy đắng ngăn ngắt. Lúc sau rời đi, Đỗ thị khóe mắt chực trào lệ, nắm lấy tay chồng lắc lắc mà rằng: “Sau này phú quý, xin chớ phụ nhau”. Bách Lý Hề gạt nước mắt mà đi.

Ông lên đường sang đất Tề với mong muốn được yết kiến Tề Tương Công, khi ấy là một quân chủ hùng mạnh ở Trung Nguyên. Một mình bôn ba đất khách quê người, ngày qua tháng lại, Bách Lý Hề vẫn chưa thể vào cung yết kiến vua Tề. Tiền bạc trên người đã tiêu hết từ lâu, ông đành phải ăn xin trên đường phố mà kiếm cơm từng bữa. Tình cảnh thảm sầu kể sao cho xiết!

Một hôm, có người tên là Kiển Thúc, bắt gặp Bách Lý Hề trên phố. Lạ chưa, giữa đô thành phồn hoa, tấp nập mà chẳng thấy cái anh chàng này kéo chân kéo tay, van lơn khách bộ hành, chỉ ngồi im ở vệ đường, bày độc một chiếc bát sứt trước mặt! Từ sáng đến giờ, trong bát vẫn trống không. Kiển Thúc định đi qua bố thí cho ít xu lẻ nhưng kẻ ăn mày kia vừa ngẩng mặt lên thì Kiển Thúc đã phải vội rụt tay lại. Người ấy tuy áo quần rách rưới nhưng tướng mạo cực khôi ngô. Vẻ mặt phương phi, vầng trán cao rộng, râu hùm hàm én, ánh mắt tinh anh, sáng ngời như sao Bắc Đẩu.

Kiển Thúc định đi qua bố thí cho ít xu lẻ nhưng kẻ ăn mày kia vừa ngẩng mặt lên thì Kiển Thúc đã phải vội rụt tay lại… (Ảnh minh họa: kknews.cc)

Kiển Thúc biết là bậc anh hùng, tiến lại hành lễ mà rằng: “Vị huynh đài này tướng mạo tuấn tú, sao lại phải ra nông nỗi này?”.

Bách Lý Hề đứng dậy chỉnh đốn áo quần đáp lễ, đoạn thở dài ngao ngán: “Đã khiến các hạ phải chê cười rồi. Không gặp thời vận, đành phải làm chuyện hạ lưu này để có chút cơm hẩm cháo thiu qua bữa”.

Rồi Bách Lý Hề kể lại một lượt chuyện mình muốn yết kiến Tề vương ra. Kiển Thúc nghe xong, cho là người có chí lớn, ngỏ lời mời về nhà làm cơm thết đãi. Bách Lý Hề thấy Kiển Thúc cũng là một tay anh hùng, bèn kết làm huynh đệ. Kiển Thúc từ đó giữ lại Bách Lý Hề trong nhà, đãi vào hàng thượng khách.

Một hôm, Kiển Thúc cho thết cỗ, làm tiệc sinh nhật, không mời khách khứa lạ, chỉ cùng Bách Lý Hề đối ẩm. Hai người chén tạc chén thù, đến giữa bữa rượu, Bách Lý Hề bỗng dưng ôm mặt khóc. Kiển Thúc cho đám ca nhi lui vào hậu viện, đến bên hỏi chuyện: “Huynh trưởng có điều chi đau lòng không nói ra được?”.

Bách Lý Hề mím môi, chống kiếm đứng dậy, thở dài mà rằng: “Ta từ giã quê nhà, bôn ba bốn biển tính đến nay cũng đã ngót ba năm. Từ ngày vào phủ được hiền đệ gia ân, đón tiếp nồng hậu, cho ăn miếng ngon, lại được nghe tiếng hát, trong lòng vô cùng cảm kích. Nhưng nghĩ đến vợ dại con thơ đang phải bữa rau bữa cháo, cực khổ ở cố quận mà ruột đau như cắt, không sao nâng nổi chén rượu nữa. Chỉ hận sức ta hèn yếu, không thể lập công danh, đã phụ một tấm lòng trong thiên hạ rồi!”.

Kiển Thúc trầm ngâm: “Huynh trưởng chớ cả nghĩ. Lúc này thời thế đảo điên, những kẻ anh hùng tất gặp được thời vận. Gần đây, hiền đệ nghe tin công tử Vô Tri đã giết Tề Tương Công, lên nối ngôi Tề vương, đang treo bảng cầu hiền. Người tài như huynh còn lo gì không có đất dụng võ?”.

Bách Lý Hề quay sang nhìn Kiển Thúc, đoạn lắc đầu, uống cạn chén rượu, mới nói rằng: “Chuyện đó không phải ta không biết. Nhưng đệ nghĩ kĩ mà xem, tiên vương vẫn còn một người em là công tử Tiểu Bạch đang trốn ở ngoài. Vô Tri cướp ngôi, giết hại tiên vương, làm chuyện đại nghịch vô đạo, ắt là không được lâu bền. Ta há lại chịu làm ưng khuyển dưới trướng kẻ vô đạo sao? Hơn nữa, tội của Vô Tri trời đất bất dung, nay mai cũng phải chịu phạt, khó toàn tính mạng. Ta theo Vô Tri chẳng hóa tự chuốc lấy nhơ bẩn sao?”.

Kiển Thúc nghe xong, không can gián nữa, lại rót thêm một chén rượu cho huynh trưởng. Hai người vừa ngồi đối ẩm, vừa xem ca nhi múa hát, đến tận đêm khuya tiệc rượu mới tan.

Khi ấy, có vương tử Đồi, dòng dõi nhà Chu, rất thích chọi trâu. Vương tử cho người săn tìm khắp thiên hạ những giống trâu quý về nuôi, lại treo bảng kén người nuôi trâu giỏi. Những người ấy được nuôi ăn ở ngay trong phủ đệ, được ban thưởng rất hậu, thậm chí nếu nuôi được trâu quý thì còn có cơ hội thăng quan tiến chức.

Kiển Thúc vội vã đến báo cho huynh trưởng của mình. Bách Lý Hề khi ấy đang ngồi câu cá ở hồ nước ngoài thành. Thấy Kiển Thúc vội vã đến, chạy đến xộc xệch cả áo quần. Nghe chuyện, Bách Lý Hề tay vẫn cầm cần trúc nhử cá, đoạn bình thản nói: “Kẻ trượng phu không nên khinh thường giao thân cho người khác. Nếu cầu cạnh người ta, được phong chức quan không vì thực tài, đến khi hoạn nạn mà bỏ đi thì là bất trung, còn nếu ra luồn vào cúi thì lại là bất trí”.

Kiển Thạc can: “Huynh trưởng dạy rất phải nhưng thời thế bây giờ cũng đã đổi khác. Những kẻ tiểu nhân xu nịnh được trọng dụng chốn quan trường, người hiền tài thì bị bỏ quên nơi quê mùa thôn dã. Nếu cứ ngồi không đợi mãi cũng không phải là ý hay. Hay là huynh trưởng cứ đi một chuyến vào đất Chu. Dưới bệ rồng Thiên tử sợ gì không có đất dụng võ cho huynh trưởng?”.

Bách Lý Hề thấy mình ở lại nhà Kiển Thạc đã lâu, ngày ngày chỉ biết rong chơi, cũng có ý ngại, nghĩ đi nghĩ lại ra đi vẫn là hơn, bèn nói: “Hiền đệ thật là hậu đãi ngu huynh quá rồi. Ta ở đây suốt ba năm chưa giúp gì cho đệ được, ngồi không nhàn rỗi cũng thấy không yên bụng. Vậy ta nghe theo hiền đệ, lần này vào đất Chu một chuyến, không cầu công danh phú quý, chỉ cầu gặp được minh chủ. Mai này nếu nên công nghiệp quyết không quên ơn tri ngộ”.

Nói rồi hai huynh đệ mừng mừng tủi tủi nhìn nhau, quyến luyến chẳng muốn rời. Sáng hôm sau khi trời còn mờ đất, Bách Lý Hề đã dậy chuẩn bị tay nải lên đường. Kiển Thạc tặng Bách Lý Hề tấm áo trường bào, tự tay khoác lên mình huynh trưởng, rồi rót một chén rượu ra mời. Bách Lý Hề uống cạn chén ly bôi, vái chào người huynh đệ một lần nữa, rồi cưỡi con tuấn mã đen lao đi vun vút trên đường lớn, trong cái lạnh tê tái của hơi sương sớm, trong từng trận từng trận gió hàn thổi rát mặt…

Hai huynh đệ chia ly mừng mừng tủi tủi. (Ảnh minh họa: sohu.com)

Đường hoạn lộ chưa tỏ đã mờ

Lại nói chuyện Bách Lý Hề vào đất Chu, yết kiến vương tử Đồi, định đàm luận chuyện an bang trị quốc nhưng vương tử lại chỉ thích nói mấy chuyện chọi trâu, đua ngựa, đá gà. Thấy Bách Lý Hề khỏe mạnh, tướng mạo phi thường, ăn nói hoạt bát, vương tử Đồi quý lắm, muốn giữ ở bên mình làm gia nhân. Nhưng Bách Lý Hề khước từ, nói thác rằng thân đang mang trọng bệnh, muốn về quê tĩnh dưỡng. Bách Lý Hề lại ruổi ngựa về nhà người nhà anh em Kiển Thúc, thuật lại chuyện ở đất Chu. Kiển Thúc cũng nói: “Đệ thấy vương tử Đồi chẳng qua chỉ là một công tử mặt trắng, ham chơi, không có chí lớn. Xung quanh vương tử lại có lắm kẻ nịnh thần, tất có ngày làm bậy. Huynh ở dưới trướng người như thế, mong chi được thỏa chí tang bồng?”.

Bách Lý Hề đang lúc tiến thoái lưỡng nan, không biết đi đâu về đâu. Kiển Thúc lại nói: “Chi bằng huynh trưởng trở lại nước Ngu, tiện thăm tẩu tẩu, rồi tìm một cơ hội khác, có phải là hay hơn không? Nước Ngu có một đại phu nổi tiếng cương trực tên là Cung Chi Kỳ, là bạn tâm giao của hiền đệ. Đệ sẽ viết thư tiến cử hiền huynh với ông ta”.

Bách Lý Hề trong lòng vô cùng cảm kích, cầm tay Kiển Thúc mà rằng: “Ngu huynh này có phúc phận gì mà đời này gặp được hiền đệ vậy? Lần này ta về cố quận, ắt phải lập nên công trạng, nếu không thề cả đời này không dám nhìn mặt hiền đệ nữa!”. 

Kiển Thúc cho người dọn tiệc tiễn đưa, cấp thêm vàng bạc làm lộ phí, lần này sai người chuẩn bị một cỗ xe đưa Bách Lý Hề hồi hương. Bách Lý Hề về nước Ngu, lòng như lửa đốt, tất tả tìm về nhà cũ gặp vợ. Nhưng chỉ thấy cửa nhà tuềnh toàng, mạng nhện giăng kín, bụi phủ rêu chen, tựa hồ đã lâu chẳng có bóng người. Bách Lý Hề tìm sang nhà hàng xóm dò la, một cụ ông phều phào kể: “Hiền điệt không biết, từ khi hiền điệt ra đi, phu nhân ở nhà tảo tần hôm sớm, không việc gì không từng làm, kiếm củi gánh nước, giặt giũ may vá, làm thuê ở đợ. Nhưng gặp phải năm mất mùa, dân chúng quanh vùng đói xơ xác, phải đào lấy rễ cây mà làm thức ăn. Phu nhân nuôi con nhỏ, không biết làm gì, bèn phải tha phương lưu lạc, chẳng rõ đi đâu”. 

Tin dữ như sét đánh ngang tai, Bách Lý Hề đổ sụp xuống, tâm thần bấn loạn, phút chốc cảm thấy như không còn chút sức lực nào. Ông khóc thương cho người vợ của mình, lại khóc cho chính cái phận số hẩm hiu của mình, xôi hỏng bỏng không bôn ba chừng ấy năm trời, đến khi hồi hương lại chẳng được nhìn thấy mặt vợ con.

Có nhà không về được, có vợ con lại chẳng được tương phùng, chẳng biết làm thế nào, Bách Lý Hề đành phải đến phủ Cung Chi Kỳ yết kiến. Cung Chi Kỳ vốn là người hào hiệp, trọng nghĩa khí, yêu mến nhân tài, lại thấy có được thư đảm bảo của Kiển Thúc nên đãi Bách Lý Hề vào hàng thượng khách, tạm lưu lại trong phủ đệ. Vài hôm sau, trong buổi chầu, Cung Chi Kỳ dâng sớ tấu lên quốc quân của nước Ngu xin tiến cử Bách Lý Hề.

Vua Ngu mừng lắm, cho đòi Bách Lý Hề vào cung phong làm Trung đại phu. Kiển Thúc ở đất Tề, được tin Bách Lý Hề đã vào hầu vua Ngu, thoạt đầu khấp khởi mừng, nhưng suy xét hồi lâu thì trong lòng lo lắng không yên, bèn gửi thư riêng cho huynh trưởng của mình. Trong thư nói: “Gần đây được tin hiền huynh đã vào làm quan trong triều, thỏa chí tang bồng, tiểu đệ vui mừng khôn xiết. Nhưng trộm nghĩ, quốc quân nước Ngu là người mê muội, tin lời kẻ nịnh, bất tài mà lại tự đắc khoe mình, không phải là vua hiền vậy. Chốn gai góc không phải là nơi chim loan chim phượng đậu. Dám mong hiền huynh cân nhắc kĩ càng”.

Bách Lý Hề đọc xong thư, trầm ngâm chẳng nói, chỉ hồi âm lại bằng mấy câu thơ này:

“Phiêu dạt giang hồ chốc bạc đầu 
Chí lớn kinh bang biết về đâu 
Chủ hiền chưa gặp mong mưa móc 
Dung thân tạm bợ chốn bể dâu” 

Bách Lý Hề đọc xong thư, trầm ngâm chẳng nói, chỉ hồi âm lại bằng mấy câu thơ. (Ảnh minh họa: lishiquwen.com)

Ý nói rằng, Bách Lý Hề lâu nay nghèo khổ, lang bạt khắp bắc nam khác nào cá bị mắc cạn ngóng chờ nước để vùng vẫy. Nay gặp được quốc quân nước Ngu, dù chưa phải là minh chủ hiền quân nhưng cũng là chỗ tạm dung thân ngày tháng vậy.

Làm quan ở nước Ngu, cùng với Cung Chi Kỳ, Bách Lý Hề nổi tiếng là hiền thần, thông minh hiểu rộng, một lòng phò tá quốc quân nước Ngu. Vì thế, tuy quốc quân kém cỏi nhưng nước Ngu vẫn còn chống giữ được một thời gian dài trước sức ép rất mạnh mẽ của Tấn quốc khi ấy đang vào thời trị vì của Tấn Hiến Công. Nổi tiếng hiếu chiến, thường mang quân đánh dẹp chư hầu xung quanh nhưng Tấn Hiến Công gần như không dám động đến nước Ngu bởi nể danh Bách Lý Hề. Để đề phòng quân Tấn, Bách Lý Hề chủ trương liên thủ với nước Quắc láng giềng, hai bên chống đỡ cho nhau. Quân Tấn bởi thế không dám phạm vào.

Nhưng con thuyền liên minh Quắc – Ngu bất ngờ có một lỗ rò, chính là quốc quân nước Ngu. Năm 658 TCN, Tấn Hiến Công quyết định xuất binh cử phạt nước Quắc. Trước đó, theo kế của quân sư Tuân Tức, vua Tấn cho người mang ngựa tốt, xe đẹp và ngọc bích quý đến tặng vua Ngu, xin mượn đường đánh Quắc. Lóa mắt vì lợi, vua Ngu hai lần đồng ý cho quân Tấn mượn đường, đồng thời hứa không xuất binh cứu Quắc. Cung Chi Kỳ và Bách Lý Hề can gián hết lời, vua Ngu một mực không nghe theo. Cuối cùng, nước Quắc bị diệt. Trên đường rút về, đi qua nước Ngu, quân Tấn bất ngờ đánh úp, diệt nốt nước Ngu. Vua Ngu và Bách Lý Hề bị bắt sống.

Nước Ngu mất, từ đại phu Bách Lý Hề giờ trở thành phận vong quốc, phải chịu người khác sai khiến. Có người xui Bách Lý Hề bỏ trốn, tìm cơ hội gây dựng công danh về sau. Nhưng Bách Lý Hề vẫn dùng dằng không dứt, không nỡ bỏ vua Ngu mà đi, vẫn thường ở bên hầu hạ chẳng rời. Ông nói: “Không chọn được minh chủ mà phò tá, đã mang lấy tiếng bất trí, nay lẽ nào còn gánh chịu chữ bất trung nữa đây?”. Tấn Hiến Công khi ấy biết Bách Lý Hề là người tài, cũng tỏ tình mến mộ, thường sai theo hầu. Bách Lý Hề vẫn hay than thở với bằng hữu: “Một thân đảm lược, chỉ trách không gặp được minh quân mà thi thố, lại cứ phải ở đây mãi theo hầu hạ người ta, nào có khác chi kẻ đầy tớ ưng khuyển, thực là nhục nhã không gì bằng”.

Bách Lý Hề từ đó đâm ra phẫn chí, thường mượn chén rượu giải sầu, vỗ kiếm mà ca hát nghêu ngao. Ca rằng:

Quyền mưu kinh sử làu thông
Vận thời chưa gặp, mãnh long ngủ vùi
Anh hùng lệ đổ ngậm ngùi
Nghìn thu di hận một đời dở dang

Nào cùng ta cạn chén vàng
Nào cùng ta giấc mơ màng một phen
Tóc xanh sương nhuốm muộn phiền
Gươm mài dưới nguyệt lệ miên miên sầu

* Muốn biết số phận luân lạc của Bách Lý Hề rồi đây sẽ ra sao, mời quý độc giả đón đọc kỳ sau, hạ hồi phân giải.

Văn Nhược

Exit mobile version