Đại Kỷ Nguyên

Chính trực mới chính là cái gốc làm người

Trong phòng phẫu thuật của một bệnh viện lớn, một cô y tá trẻ lần đầu tiên phụ giúp kíp mổ nói với bác sỹ mổ chính: “Thưa bác sỹ, bác sỹ đã lấy ra 11 cái khăn, nhưng chúng ta lại cần dùng 12 cái ạ”.

Bác sỹ quả quyết: “Tôi đã lấy hết ra rồi. Bây giờ chúng ta bắt đầu khâu vết mổ”.

“Không được! Chúng ta dùng 12 cái” – cô y tá trẻ nói rắn rỏi.

“Tôi chịu trách nhiệm. Khâu đi!” – Bác sỹ nghiêm giọng nói.

“Bác sỹ không được làm như thế! Bác sỹ phải nghĩ cho bệnh nhân!” – Cô y tá trẻ nói, giọng vang cao vì xúc động.

Cô y tá trẻ mới được nhận vào làm kia, chống lại bác sỹ chính, sẽ có nguy cơ không được nhận làm sau thời gian thử việc. Một cô gái nông thôn, bao năm đèn sách, là bao nhiêu năm cha cô tưới mồ hôi trong những ngày hè nóng nực cày ruộng, là bao ngày mẹ cô ngâm chân dưới bùn lạnh ngắt ngày đông hàn cấy lúa.

Mỗi ngày cô học ở trường được đánh đổi biết bao thóc lúa thấm đẫm mồ hôi của cha mẹ. Cả đứa em trai cô mấy năm nay cũng không được manh áo mới, món đồ chơi mới, chỉ để dành dụm tiền cho cô được ăn học nên người. Mà cha mẹ cô còn phải vay họ hàng món tiền lớn, hy vọng sau này cô đi làm trả nợ dần.

Cô biết, khi cô kiên quyết phản đối bác sỹ chính, cô có thể đối mặt với mất việc, thì cô biết ăn nói thế nào với cha mẹ cô đây? Rồi món nợ kia sẽ xoay xở thế nào đây? Bạn bè, họ hàng, gia đình sẽ nghĩ cô thế nào? Cô là niềm hy vọng duy nhất của gia đình, cũng là niềm hy vọng gánh vác trách nhiệm nuôi em trai cô ăn học. Nếu mất việc, tất cả hy vọng của mọi người đều bị dập tắt, tương lai của cô và gia đình sẽ như đêm tối mịt mùng.

Cô bỗng lo sợ. Nhưng nhìn người bệnh đang nằm bất động, cô trào lên lòng thương cảm. Cô vẫn nhớ như in những lời mẹ dạy cô từ nhỏ: “Thương người như thể thương thân”. Lời ông nội dạy: “Nhân chi sơ tính bản thiện”, và “Làm người phải lấy chính trực làm gốc, sống sao không hổ thẹn với lòng mình”. Lo sợ trong tâm cô bỗng tan biến, cô mỉm cười, nhìn thẳng vào mắt bác sỹ chính, sẵn sàng đón nhận bất cứ điều gì có thể xảy ra.

Vị bác sỹ mổ chính nhìn cô, rồi mỉm cười cầm chiếc khăn thứ 12 giơ ra cho cô y tá trẻ xem, nói giọng hài lòng: “Tốt lắm! Cô đã đạt yêu cầu làm y tá chính”.

Người chính trực có tầm nhìn cao xa (Ảnh: Pinterest)

2500 năm trước, Khổng Tử cũng từng dạy học trò: “Nhân chi sinh dã trực, võng chi sinh dã hạnh nhi miễn”, nghĩa là: “Con người sống phải chính trực, sống không chính trực chỉ là may mắn chưa bị tai họa mà thôi”.

Khi còn trẻ, Abraham Lincoln bán tạp hoá cho một cửa hàng. Có lần ông phát hiện ra một vị khách trả thừa vài xu, ông đã chạy theo vài dặm đường để trả lại cho vị khách đó. Câu chuyện được truyền tai và ông nổi tiếng với biệt danh ”Abe trung thực”. Sau này sự trung thực và chính trực là những phẩm chất chính yếu giúp Lincoln dẫn dắt nước Mỹ qua giai đoạn đau thương nhất trong lịch sử, khi sự tồn vong của quốc gia lâm nguy.

Ngoài George Washington thì Abraham Lincoln là vị Tổng thống được kính trọng và ngưỡng mộ nhất nước Mỹ vì những đóng góp của ông. Tâm điểm của những thành quả đó chính là sự chính trực đã thôi thúc ông khi còn là một chàng trai trẻ.

Nhạc Phi anh hùng chống quân Kim bị Tần Cối dùng tội danh “không cần có” khép tội chết. Chỉ mấy chục năm sau, Nhạc Phi được minh oan, được triều đình Nam Tống xây miếu thờ ở núi Thê Hà, hồ Tây Tử, Hàng Châu. Ở quê Nhạc Phi huyện Thang Âm tỉnh Hà Nam, nhân dân cũng tự quyên góp tiền xây đền thờ ông. Ông được nhân dân tôn là Võ Thánh, hương hỏa thờ phụng suốt gần nghìn năm nay.

Nhạc Phi xứng danh anh hùng (Ảnh: huang-xiaoming.info)

Còn Tần Cối mọc một cái mụn độc khó hiểu trên cột sống, mấy ngày sau, đau đớn mà chết ở tuổi 65. Dân gian dùng bột mì nặn hình Tần Cối và Vương thị, bỏ vào chảo dầu rán, gọi là “Rán Tần Cối”, nghe nói đây chính là nguồn gốc của bánh cuốn thừng hiện nay. Đến triều Nguyên, mọi người đến mộ Tần Cối đại tiểu tiện chửi rủa, gọi là “cái mả thối”.

Có thơ viết: “Đất trên mộ thái sư, thối um tận chân trời”. Tần Giản Tuyền, hậu nhân của dòng tộc họ Tần đời Thanh đến trước mộ Nhạc Phi ở Tây Hồ – Hàng Châu, tự nói: “Từ sau đời Tống ít tên Cối, tôi trước mộ ông thẹn họ Tần”. Hãm hại Nhạc Phi, tượng quỳ của vợ chồng Tần Cối đúc đi đúc lại 13 lần do bị nhân dân căm hận đập phá.

Chính trực là cái gốc làm người, quả là chí lý, vì người chính trực là người chân thành, có đạo đức cao cả, tiết tháo nghĩa hiệp, nhưng rất khiêm nhường, hòa ái, thương yêu người. Đặc biệt, họ có dũng khí, sẵn sàng chấp nhận thua thiệt, rủi ro vì người khác như cô y tá trẻ trên, hay sẵn sàng hy sinh vì sơn hà xã tắc như Nhạc Phi, và coi trọng sự trung thực, cẩn trọng như Lincohn.

Ông bà ta cũng dạy rằng: “Thật thà là cha quỷ quái”. Người trung thực, chính trực có thể chịu thiệt trước mắt, nhưng những gì chờ đón họ là một tương lai tươi sáng. Nhưng điều quan trọng nhất là họ sống thoải mái, an nhiên, tự tại, vô lo vô nghĩ, vì họ không bao giờ làm gì thẹn với lòng mình.

Trong lịch sử, thời Khổng Tử làm quan Đại Tư Khấu nước Lỗ, chỉ trong 3 tháng, nước Lỗ trở lên thịnh trị, ra đường không có người nhặt của rơi, ban đêm nhà nhà không cần đóng cửa. Ngoài ra, nhiều thời đại lịch sử cũng đã xuất hiện xã hội tốt đẹp như thời Trinh Quán chi trị nhà Đường, Hồng Đức thịnh trị thời vua Lê Thánh Tông. Nếu trong xã hội, ai ai cũng chính trực, chân thành, thiện lương, thì có lẽ sẽ không có những vấn đề nhức nhối và những tệ nạn xã hội như hiện nay, và thời thái bình thịnh trị sẽ lại xuất hiện.

Nam Phương

Exit mobile version