Đại Kỷ Nguyên

‘Chiếc bẫy chuột làm chết cả con bò’: Câu chuyện đáng suy ngẫm về lòng quan tâm

Ảnh minh hoạ: Pixabay.

Trong một trung tâm thương mại đông đúc, một người phụ nữ cao tuổi với khuôn mặt phúc hậu đang tiến lại gần một cặp thanh niên trẻ. Bà muốn xin chữ ký thỉnh nguyện để giúp đỡ những nạn nhân bị bức hại ở một đất nước xa xôi.

Chàng trai và cô gái đang thong dong tản bộ, nhưng nghe mấy chữ “xin chữ ký thỉnh nguyện” thì nhíu mày đáp:

– Xin lỗi bác! Chúng cháu đang vội. Mà những người này ở tận đẩu tận đâu, họ bị hại thì có liên quan gì tới chúng cháu? Hơn nữa, chúng cháu có ký thì cũng như muối bỏ bể mà thôi!

Người phụ nữ nhìn vào mắt đôi bạn trẻ, ôn tồn nói:

– Các cháu à! Số phận của họ thật sự rất liên quan đến các cháu đấy. Các cháu đã nghe câu chuyện chiếc bẫy chuột làm chết một con bò hay chưa?

“Chiếc bẫy chuột làm chết một con bò”?? Không nén nổi tò mò, đôi thanh niên dừng lại nghe người phụ nữ kể chuyện…

***

Con chuột nhìn qua vết nứt của vách tường và trông thấy một bác nông dân cùng với vợ đang mở một chiếc hộp. “Hẳn là có đồ ăn gì trong hộp?” – Chuột ta thầm nghĩ. Nhưng liền sau đó, nó hốt hoảng khi phát hiện ra đó lại là một cái… bẫy chuột.

Chuột ta bèn chạy ra ngoài vườn và la làng: “Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”…

Chị gà cục ta cục tác chạy tới: “Chú chuột này, đây quả thật là mối lo ngại ghê gớm đối với chú, nhưng nó chẳng phiền hà gì với tôi. Tôi không thể nào bị vướng một cái bẫy chuột”.

Chuột quay sang nói với anh heo, vẻ lo lắng: “Anh heo ơi, trong nhà ta có một cái bẫy chuột”. Anh heo tỏ ra thông cảm: “Tôi rất lấy làm tiếc, cậu em ạ! Tôi chẳng thể làm gì được, nhưng tôi sẽ cầu nguyện cho cậu”.

Chuột chạy tới bác bò, tỉ tê. Bác bò một lần nữa trấn an: “Tôi rất thông cảm với cậu, nhưng tôi chẳng thể giúp gì”. Chuột lẳng lặng bước vào nhà. Lòng buồn thỉu buồn thiu, nó lo lắng nhìn cái bẫy chuột.

Thế rồi đêm nọ, một tiếng động vang lên trong ngôi nhà, có lẽ là tiếng sập bẫy. Vợ bác nông dân chạy tới để xem có bắt được con chuột nào không. Thực ra, cái bẫy đã sập vào đuôi con rắn. Trong đêm tối, loạng choạng, bà đã bị rắn độc cắn.

Bác nông dân nhanh chóng đưa vợ vào trạm xá. Tuy nhiên, khi về nhà, bà bị sốt. Bác nông dân đã bắt chị gà làm thịt để nấu cháo cho vợ bồi dưỡng sức khỏe. Thế nhưng bệnh tình vợ ông không giảm.

Bạn bè và xóm giềng tới thăm hỏi, để thết đãi họ, ông đã làm thịt anh heo.

Sau nhiều ngày chống chọi với cơn bệnh bởi nọc rắn độc, vợ bác nông dân đã qua đời. Nhiều người đến lễ tang và vì thế, ông đã mổ thịt bác bò để có đủ thức ăn đãi khách, đãi những người đã quan tâm tới gia đình ông.

***

Có phải cuộc sống hiện đại quá bận rộn để ta có thì giờ quan tâm tới người khác? Có phải mỗi người đã đủ đau đầu với rắc rối cá nhân tới nỗi không còn hơi sức lắng nghe vấn đề của những người xa lạ? Có phải thế giới quá rộng lớn còn lòng ta thì chật hẹp…?

Chúng ta đang sống trong một thế giới với những mối quan hệ khăng khít và cơ duyên kỳ diệu. Đó là một thế giới mà chiếc bẫy chuột có thể ảnh hưởng tới sinh mạng của các loài vật khác như gà, lợn, bò. Còn nhớ trong câu chuyện cổ tích, những bà Tiên ông Bụt thường hóa thân thành những người ăn xin nghèo khổ, và chỉ ai đủ tình thương và sự tử tế để quan tâm tới kẻ rách rưới xa lạ ấy mới được nhận sự hồi báo ngọt ngào nhất.

Có câu nói rằng: “Sự chín chắn bắt đầu đến khi bạn biết quan tâm đến người khác nhiều hơn quan tâm đến bản thân mình” (John MacNoughton). Đừng thờ ơ, lãnh cảm hay vô tâm trước khó khăn của người khác, bởi giúp người cũng là giúp chính mình. Và hãy tin tôi đi, khi bạn mở lòng ra để lắng nghe người khác, rất có thể một phép màu sẽ tháo gỡ mọi mối phiền lo của bạn rồi.

Thanh Ngọc

Exit mobile version