Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện về Người và Thần

Không biết năm nào tháng nào, giữa vùng trời mênh mông sinh ra một sinh mệnh, gọi tên là “Người”. Ngay lúc đáp xuống mặt đất thì Người không có mảnh vải che thân, không mang theo vật gì.

Một làn gió thổi tới, Người cảm thấy lạnh, vì vậy trên không trung rơi xuống một bộ quần áo cho Người.

Người cảm động nói: “Ai vậy? Cảm ơn nha!”

Một âm thanh đáp lại từ không trung: “Ta là Thần, nay Ta ban cho con quần áo, Ta còn muốn ban cho con một ít hạt giống, một cái cày, con cần phải đi giúp những người giống như mình ở phương xa, giúp họ gieo trồng hạt giống, giúp họ cày cấy, khi đến mùa thu hoạch thì cùng họ thu hoạch hoa quả. Con phải nhớ kỹ đó, đây hết thảy đều là Ta ban cho con, con phải dùng tất cả để giúp đỡ người khác, con nhớ chưa?”

Người vô cùng cảm kích nói: “Con nhớ kỹ rồi!”

Từ đó trở đi, Người làm theo lời Thần chỉ dẫn và đã tìm được đám người kia, giúp họ cày cấy, giúp họ gieo trồng hạt giống. Thần thấy Người làm theo lời mình mà giúp đỡ người khác, bèn lấy làm vui mừng. Thấy Người cày cấy mà đầu thấm đẫm mồ hôi, Thần sinh lòng thương xót, vì vậy ban cho Người một con ngựa. Người dùng ngựa để cày bừa, tiết kiệm được nhiều sức lực, Người tràn đầy cảm kích đối với Thần, không dám chút sơ suất, luôn tận tụy giúp đỡ người khác.

(Ảnh minh họa)

Mùa thu hoạch đã đến, Người đem hoa quả thu hoạch được chia sẻ với mọi người, mọi người vô cùng cảm kích, cùng ca hát khen ngợi công lao của Người. Người vô cùng hổ thẹn nói rằng: “Không nên như vậy, đây đều là Thần ban tặng! Tôi vốn dĩ hai bàn tay trắng, tôi có thể làm gì chứ!”

Lại một mùa thu hoạch nữa đến, hoa quả thu hoạch nhiều mà khó mang đi, vì vậy Người hỏi Thần: “Thần ơi! Ngài có thể nghĩ cách giúp con không?” Thần vì vậy lại ban cho Người một chiếc xe ngựa, như vậy có thể chở được rất nhiều đồ, mọi người lại cùng ca hát khen ngợi tán tụng công đức của Người. Người khiêm tốn đáp: “Đây đều là Thần ban ân, Thần đã ban cho tôi những thứ này là để tôi có thể giúp đỡ mọi người, tôi chỉ là đưa ân huệ của Thần đến cho mọi người, tôi có làm gì đâu chứ!”

Thời gian thấm thoát thoi đưa, nhiều năm dần trôi qua, Người nhận được nhiều lời khen ngợi. Người bắt đầu cảm thấy tự mãn, cảm giác bản thân mình thật là giỏi, giúp người khác được rất nhiều. Người cũng bắt đầu có sự phân biệt đối xử với những người xung quanh: Thấy Trương Tam khen mình nhiều, liền giúp Trương Tam thêm một chút; thấy Lý Tứ không vừa mắt, liền dứt khoát không để ý tới hắn nữa, mặc kệ hắn đau khổ. Trước mặt mọi người, Người khoe khoang bản lĩnh của mình để được nghe thêm những lời khen ngợi, cảm kích công đức của mình, Người cũng bắt đầu cò kè mặc cả để mọi người  xây dựng cho mình một toà trang viên mỹ lệ.

Hết thảy chuyện đó Thần đều thấy, trong tâm lo lắng, khuyên nhủ Người không nên như thế. Nhưng Người đối với Thần lại không còn tôn kính như xưa, Người nói: “Chỉ có tôi mới có thể vì mọi người làm nhiều chuyện như vậy, Ông chỉ là cho tôi công cụ mà thôi, không có tôi Ông có thể làm gì?”

Bởi vì sự ích kỷ của Người, con ngựa kia bắt đầu không muốn phục vụ Người nữa, làm việc càng ngày càng chậm, cái cày cũng bắt đầu han gỉ. Người thấy ngựa không muốn làm việc, liền lạm dụng trí huệ Thần ban cho để tạo một cây roi, quất mạnh vào ngựa. Không lâu sau đó ngựa vì bị hành hạ mà chết, cái cày cũng bị va phải đá mà gãy. Người bắt đầu oán trách Thần, vì sao ban cho mình một con ngựa không nghe lời, một cái cày khó sử dụng. Thần nghe xong, nhận thấy Người đã bị mê mờ. Rồi vào một đêm bão tố, một tia chớp khiến trang viên của Người bốc cháy, Người lo chạy trốn mà không kịp mang theo vật gì, trang viên biến thành tro tàn trong đám lửa.

Người trần truồng đứng trên một cánh đồng bát ngát. Trong gió rét giá lạnh, lúc này mới nhận ra mình đã trắng tay rồi. Người oán trách ông Trời vì sao đối với mình không công bằng như vậy.

(Ảnh minh họa)

Một làn gió mát làm tỉnh lại trí nhớ đã bị bụi trần phong kín. Người bắt đầu nhớ lại hoàn cảnh của bản thân lúc vừa đến Trái Đất này, nhớ tới lời Thần nhắc nhở và những đồ vật Thần đã ban cho. Người rốt cuộc tỉnh ngộ, xấu hổ không thôi, trong tâm tràn đầy sự hối hận, khóc không thành tiếng hướng lên trời và than:

“Thần ơi! Con thật không còn mặt mũi nào cầu Ngài tha thứ. Mọi điều của con đều được Ngài ban cho, vì để con giống Ngài mà giúp đỡ chúng sinh… Ngài ban cho con thêm nhiều thứ như vậy là để con có thể phục vụ cho mọi người thêm nhiều, vậy mà con lại làm trái ý muốn của Ngài, xem năng lực Ngài ban cho là khả năng của mình, cho mình tài trí hơn người, mưu cầu tư lợi. Con vốn chỉ có hai bàn tay trắng, là Ngài ban cho con hết thảy, chỉ khi làm lợi cho chúng sinh, con mới có hết thảy mọi điều tốt đẹp. Nhưng nay con đã làm trái lời Ngài dạy bảo, con bỏ qua mục đích thật sự là phục vụ chúng sinh, giờ con lại trở về hai bàn tay trắng. Con thật sự hối hận vô cùng, cầu xin Thần từ bi, ban cho con một cơ hội nữa, con sẽ làm hết khả năng của mình để tạo phúc cho mọi người, thực hiện ý muốn của Ngài, giống như Ngài mà từ bi với mọi người.”

Nói xong Người quỳ xuống mãi nhưng Thần cũng không xuất hiện, chỉ có gió lạnh từng hồi… Người cảm thấy vô cùng bi thương, hối tiếc cho lỗi lầm không thể tha thứ của mình, rồi Người ngất đi.

Không biết qua thời gian bao lâu, Người dần dần tỉnh lại. Khi hai mắt mở ra, Người thấy dê bò khắp núi, hoa mầu khắp nơi, ngựa chạy thành đàn, vạn hoa khoe sắc, trăm chim ngân hót, nắng ấm trời trong, mây trời bay múa, chúng sinh hoan hô ca xướng, ngợi khen Thần vĩ đại, Thần từ bi. Người nhận ra mình cùng chúng sinh lại được có những điều tốt đẹp hơn trước, không khỏi vô cùng cảm kích, mừng rỡ, lệ tuôn đầy mặt.

Đọc đến đây có lẽ bạn cũng nhận ra rằng, đây không chỉ là câu chuyện Người và Thần của một thuở xa xưa. Con người sinh ra rồi chết đi, đến cuộc sống này với hai bàn tay trắng và ra đi cũng không thể mang theo thứ gì. Vậy hết thảy những gì chúng ta có trong đời này, tiền tài, danh vọng, địa vị, v.v., tất cả là vì lẽ gì? Có câu nói rằng:

Giầu tài sản, không bằng giầu đức hạnh, 
Giầu điền viên, không bằng giầu phước huệ,
Mỹ sắc tuy hảo, không bằng tâm đại hảo,
Trí tài cao cả, không bằng chỗ chân thật tu tâm,
Oai quyền trọng phẩm, cũng không hơn Giác ngộ!

Theo Chánh Kiến
Nhật Hạ

Xem thêm:

Exit mobile version