Vào thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên), vua nước Tấn cử một sứ thần sang thăm nước Lỗ.
Một hôm trời nắng, trên đường trở về nước Tấn, sứ thần đi ngang qua nước Kế. Ông nhìn thấy một nông phu đang làm cỏ ngoài đồng và một phụ nữ trẻ, có lẽ là vợ của anh ta, cô đang mang bữa trưa ra cho chồng.
Người phụ nữ trẻ bưng bữa trưa bằng cả hai tay cho chồng một cách rất tôn kính. Và người chồng cũng như vậy, kính cẩn nhận lấy bữa trưa của mình. Trong lúc người nông phu dùng bữa, vợ anh đứng một bên chờ đợi một cách lễ độ.
Vị sứ thần vô cùng ấn tượng trước những gì ông đã thấy và nghĩ rằng: “Họ đối xử với nhau thật là tôn trọng như vậy!” Ông tiến đến nói chuyện với cặp vợ chồng, sau đó mời họ cùng đi về nước Tấn.
Khi về đến nước nhà, vị sứ thần ngay lập tức vào yết kiến vua nước Tấn và kể lại cho nhà vua nghe câu chuyện về cặp vợ chồng. Ông tâu với nhà vua rằng: “Tôn kính là một biểu hiện của đức hạnh. Ai biết kính lễ, ắt là người có đạo đức! Chúng ta cần giáo dục người dân về đức tính tốt này.”
Sau đó, ông tiến cử người nông phu cho nhà vua. Theo lời khuyên của ông, nhà vua phong người nông phu một chức vụ quan trọng của nước Tấn.
Câu chuyện dựa trên các ghi chép trong Tả Truyện (1), một trong những tác phẩm tường thuật lịch sử Trung Quốc đầu tiên, trong đó thuật lại hầu hết thời Xuân Thu.
Về sau câu nói Tương Kính Như Tân 相敬如賓 (Xiang Jing Ru Bin), được dịch là “đối xử với nhau với sự tôn trọng như đối với khách” đã trở thành một thành ngữ, nó được sử dụng để diễn tả cách đối xử giữa phu thê đó là nên tôn trọng lẫn nhau.
Ghi chú:
“Tả Truyện” (左傳), hay còn gọi là “Tả Thị Xuân Thu”, là một trong những nguồn quan trọng nhất để tìm hiểu về lịch sử ở thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên). Nó được cho là tác phẩm của Tả Khâu Minh năm 389 trước Công nguyên và xem như là lời bình cho cuốn biên niên sử “Xuân Thu.”
Theo Epoch Times
Việt Nguyên biên dịch
Xem thêm: