Đại Kỷ Nguyên

Thu phục được cả tướng trung của địch: nghệ thuật dụng nhân như Thần của Tào Tháo

Trong suốt quá trình chinh phục bờ cõi, càng thêm chiến thắng, quy mô quân đội Tào Ngụy càng được mở rộng, các nhân tài quân sự quy phục dưới trướng Tào Tháo ngày một nhiều. Để đạt được kết quả đó, Tào Tháo bên cạnh sự dũng mãnh hơn người khiến trăm quân kính nể, còn phải kể đến thuật dùng người và nhìn người của ông. Những câu chuyện về chủ đề này vẫn luôn khiến hậu nhân phải suy ngẫm và học tập.

Sau khi Tào Tháo tiêu diệt được Viên Thiệu tại trận Quan Độ, thu hồi cả một vùng đất phương Bắc rộng lớn, ông được Hán Hiến Đế giao cho cai trị vùng đất mới chiếm đóng.

Mưu thần Quách Gia vạch 10 điều Tào Tháo thắng Viên Thiệu trước khi giao chiến. Video:

Mưu sĩ Quách Gia nói với Tào Tháo: “Dụng nhân ắt phải chọn người tài, người ở đâu làm quan ở đó mới dễ dàng thu phục lòng người“. Tào Tháo rất tán thành, liền cho xe ngựa tới Ký Châu đón thuộc hạ của Viên Thượng là Thôi Diễm về làm trợ thủ cho mình. Tào Tháo xem xét hộ tịch toàn châu quận rồi nói với Thôi Diễm: “Ký Châu là một châu lớn, nhân khẩu rất nhiều, đủ để đem chinh phạt 30 vạn đại quân“.


Mưu sĩ Quách Gia, một trong những nhà quân sư lỗi lạc thời Tam Quốc. (Ảnh: Internet)

Thôi Diễm nhíu mày, vẻ mặt không mấy vui vẻ đáp: “Cách nghĩ này của Minh Công (chỉ Tào Tháo) thuộc hạ thật khó lòng cảm phục. Hiện thời thiên hạ phân năm xẻ bảy, huynh đệ Viên Gia tranh quyền đoạt vị, bách tính Ký Châu đã phải chịu rất nhiều cực khổ. Minh Công làm chủ triều đình đất Hán thì nên đồng cảm với sự bất hạnh của muôn dân, kéo họ ra khỏi đống bùn lầy. Ấy vậy mà Ngài vừa mới nhậm chức, chẳng nghĩ tới đại sự trị quốc yên dân, lại mưu tính quân binh nhiều ít, điều này lẽ nào phù hợp với kỳ vọng của lê dân bách tính Ký Châu chăng?“.

Tào Tháo nghe xong cảm thấy hổ thẹn vô cùng, liền hướng Thôi Diễm cám ơn lời cảnh tỉnh của y. Sau này ông còn để Thôi Diễm làm Sư Phó cho con trưởng của mình là Tào Phi.

Tào Tháo với Viên Thiệu từng làm quan cùng triều và kết duyên bằng hữu. Vì thương tiếc tình cảnh lụi bại của Viên Thiệu, nên dù sau này hai người đã trở thành đối địch, hơn nữa Viên Thiệu lại trực tiếp bại trận dưới tay Tào Tháo, nhưng Tào Tháo vẫn đích thân tới lễ tang đưa tiễn người bạn cũ này. Đứng trước linh cữu, ông không khỏi bi thương rơi lệ. Sau đó ông còn an ủi phu nhân của Viên Thiệu, đồng thời giao trả hết gia tài của Viên Thiệu cho bà. Ngoài ra, Tào Tháo còn mang tặng gia quyến của Viên Thiệu rất nhiều lương thực, quần áo và đồ dùng,… làm trọn đạo nghĩa đối với cố nhân.


Đứng trước mộ Viên Thiệu, Tào Tháo nói trước ba quân tướng sĩ, vì người này mà ông mới có ngay hôm nay.

Tiếp đó Tào Tháo đánh bại Viên Đàm, tiến vào đóng quân tại Thành Nam Bì. Vương Tu nguyên là quan vận lương của Viên Đàm, nghe tin Chủ Công tử trận thì đau đớn khôn nguôi, lập tức tới tìm Tào Tháo, muốn lấy thi thể của Tào Tháo tế lên Viên Đàm. Sự việc không thành, cuối cùng ông ta vẫn được Tào Tháo cho tiếp tục nhiệm vụ coi sóc lương thảo.

Thời điểm đó, các châu huyện liên tục đầu quân Tào Tháo, chỉ có thái phó Thành Lạc An là Quản Thống nhất quyết không đầu hàng nên sau khi bại trận liền bị bắt làm tù binh. Vương Tu đến Lạc An, tiện đường ghé qua nhà ngục gặp Quản Thống, giúp ông ta cởi dây trói, kêu lính đưa hai người tới Nam Bì gặp Tào Tháo. Vương Tu thưa: “Quản Thống trước sau tận trung không đầu hàng, ông ấy nên được biểu dương mới đúng. Thần tới Lạc An tự ý làm chủ việc đưa ông ấy tới đây gặp Minh Công, xin được thỉnh tội với Người!“.

Tào Tháo vui mừng nói: “Ông đã giúp ta lưu lại một nghĩa sĩ. Ta phong cho Quản Thống chức phó Tư Không đang còn trống, lưu lại bên cạnh làm việc cho ta.”

Tào Tháo sau đó phải quay về Nghiệp Thành bàn việc. Ở đây ông trực tiếp gặp gỡ một thiên tài văn chương tên là Trần Lâm. Họ Trần này trước là thuộc hạ của Viên Thiệu, chủ trì soạn thảo văn kiện. Trước cuộc chiến Quan Độ, y có giúp Viên Thiệu soạn một bài hịch công kích Tào Tháo. Khi nhận được phiến văn này, Tào Tháo đang nằm trên giường tĩnh dưỡng do bị cơn đau đầu hành hạ. Sử thư đứng bên cạnh đọc cho ông nghe, đọc chưa tới cuối, Tào Tháo đã bật dậy khỏi giường, cơn đau một khắc trước còn dữ dội đến thế mà giờ cũng chẳng còn thiết nhớ. Điều này cũng khó trách, bởi Trần Lâm không những chỉ kể ra tội danh của Tào Tháo, mà còn lôi cả tông ti ba đời của ông ra, ngay cả người cha nuôi là thái giám Tào Đằng cũng bị chỉ điểm.


Trần Lâm đứng trước 3 quân tướng sĩ, trước mộ Viên Thiệu, đọc bài hịch chửi 3 đời Tào Tháo.

Sau thất bại của Viên Thiệu, Tào Tháo cho gọi Trần Lâm lên và hỏi: “Ngòi bút của Trần quân (chỉ Trần Lâm) thật đúng là tuyệt diệu, khiến cho ta bội phục. Chỉ có điều cách ông viết cũng thật quá thất đức rồi! Kể ta “mang tội danh ngàn đời không ai sánh kịp” thì đã đành, cớ sao còn mang cả tổ tông ba đời nhà ta ra mắng nhiếc?

Trần Lâm nhận tội, nói rằng bản thân mang trọng trách bên mình, chỉ có thể “tiễn tại huyền thượng” (tên đã bắn là phải xuyên qua nhiều đích), không thể không làm như vậy. Tào Tháo thấy sự thành khẩn của ông ta, cũng không truy cứu thêm, còn mời ông ta về tiếp tục làm chủ quản việc biên soạn văn kiện. 

Theo Epochtimes

Minh Xuân biên dịch

Ánh Trăng hiệu đính

Exit mobile version