Đại Kỷ Nguyên

Cảm ngộ Thuỷ Hử: Nhiều anh hùng Lương Sơn chết oan, vì sao Lãng Tử Yến Thanh hưởng hậu phúc?

Lãng tử giang hồ thủ tuyệt chiêu
Ra tay nhất tiễn hạ song điêu
Vì mình mấy lượt cam đành chịu
Với chủ bao phen cũng dám liều
Sóng gió bùng lên nơi địa phủ
Phong ba ập tới chốn thiên triều
Tận tâm tận lực trong nguy khó
Khắp cánh giang hồ quý mến yêu.

Mấy vần thơ vịnh Thuỷ Hử ở trên đã thể hiện rõ chân dung và hành trạng của Lãng tử Yến Thanh – một trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc. Cũng võ nghệ cao cường, cũng vào sinh ra tử như các huynh đệ Lương Sơn, nhưng trong khi nhiều hảo hán khác đã phải chết oan dưới làn tên mũi giáo hay bị gian thần hãm hại, thì Yến Thanh lại có một kết thúc nhẹ nhàng viên mãn. 

Vậy nguyên do vì đâu mà Yến Thanh lại được hưởng hậu phúc như vậy? Người xưa cho rằng “Văn dĩ tải Đạo”, văn chương là để truyền tải đạo lý; là một trong Tứ đại danh tác của Trung Hoa, Thuỷ Hử trên bề mặt là chuyện anh hùng tụ nghĩa, ân oán tình thù, mà đằng sau là nội hàm văn hoá bác đại tinh thâm. Tác giả Thi Nại Am có lẽ không ngẫu nhiên mà ưu ái dành tặng cho Yến Thanh một kết thúc trọn vẹn. 

Chân dung Yến Thanh

Yến Thanh vốn là một nhân vật có thật trong lịch sử, nổi tiếng với môn võ Yến Thanh quyền. Trong Thuỷ Hử, Yến Thanh là đầu lĩnh thứ 36 của Lương Sơn Bạc, được sao Thiên Xảo Tinh chiếu mệnh, ngoại hiệu là Lãng tử (Tay chơi). 

Yến Thanh lần đầu tiên xuất hiện trong Thuỷ Hử được miêu tả như sau:

“Nói vừa dứt lời thì chợt thấy một người mình cao sáu thước, tuổi ngoại đôi mươi, lưng nhỏ vai rộng, ria mọc kín mồm, mình mặc áo sa trắng, lưng thắt lụa màng nhện đỏ, chân đi đôi giầy vàng, đầu đội khăn lòng rua, sau gáy có một đôi kim hoàn, bên tai cài bông hoa tứ quý, cùng chạy ra trước thềm để đứng hầu Viên Ngoại. Người này nguyên quán ở đất Bắc Kinh, từ thuở nhỏ cha mẹ đều mất, Lư Viên Ngoại đem về nuôi, sau Viên Ngoại thấy chàng ta trắng trẻo đẹp đẽ, da như miếng tuyết, bèn gọi thợ trổ hoa vào khắp cả mình, chả khác nào trên cột ngọc đình, mà treo thêm những vẻ gấm hoa, không ai là không thấy làm thích mắt. Anh chàng này đàn địch múa hát cũng giỏi, nói năng chữ nghĩa cũng thông, thuộc đủ các thứ tiếng của bọn bán buôn chợ búa, lại tài giỏi về nghề quyền vũ, anh ta thường dùng cây nỏ Tứ Xuyên, và ba mũi tên ngắn để rong chơi ngoài nội, mỗi khi bắn ra tất phải trúng được một vật, tính người lại linh lợi nhanh nhẹn, hễ chuyện gì hơi hé miệng là anh ta biết được cả. Anh ta họ Yến tên Thanh, bài vai thứ nhất, người quen đó thường gọi anh ta là Lãng Tử Yến Thanh, vốn là một người tâm phúc của Lư Viên Ngoại xưa nay”.

Lãng Tử Yến Thanh có võ công cao cường, tài hoa trác tuyệt.

Sau này, khi giải cứu thành công chủ nhân Lư Tuấn Nghĩa, Yến Thanh theo chủ lên Lương Sơn Bạc tạ ơn cứu mạng của các đầu lĩnh. Ông cũng giúp đỡ Lư Tuấn Nghĩa giết Sử Văn Cung, báo thù cho thủ lĩnh Tiều Cái.

Lão Tử nói: “Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân” (Đạo trời không thiên vị ai, luôn giúp đỡ cho người lương thiện). Từ câu chân ngôn này đối chiếu với Yến Thanh, sẽ dần dần nhận ra lý do trong núi đao biển lửa của chiến tranh hay trước lòng lang dạ sói của lũ tặc thần, Yến Thanh dường như luôn được Thượng Thiên phù hộ.

1. Lòng trung nghĩa của Yến Thanh

Lư Viên Ngoại bị Ngô Dụng bày kế đánh lừa rằng sắp có đại kiếp nạn, phải xa lánh về phía Đông Nam, một nghìn dặm thì mới có thể thoát được. Biết đường đi nhất định phải qua Lương Sơn Bạc, quản gia Lý Cố tìm đủ mọi cách thoái thác, viện cớ chân đau không đi theo được. Ngược lại, Yến Thanh khi thấy ý chủ nhân đã quyết thì nói rằng:

“- Nếu vậy thì tôi nhờ phúc ấm chủ nhân cũng học được đôi món côn quyền, nay tôi xin đi hầu chủ nhân, ngộ lỡ ra gặp đám giặc cỏ quấy nhiễu, thì tôi cũng có thể đánh đuổi được dăm ba đứa, không ngại điều chi… Xin chủ nhân cho Lý Đô Quản ở nhà thì phải”.

(Trích Hồi 60: Lừa Ngọc Kỳ Lân Ngô Dụng lập mẹo; Quấy Kim Sa Đọ Trương Thuận trổ tài)

Đấy là lần thứ nhất Yến Thanh tỏ lòng trung nghĩa. Vì đền ơn chủ, Yến Thanh nguyện ý xin được đi vào chốn hiểm nguy để bảo vệ Lư Viên Ngoại. 

Lần thứ hai ta xúc động trước lòng trung nghĩa của Yến Thanh là khi Lư Tuấn Nghĩa bị quản gia Lý Cố và vợ là Cổ Thị thông đồng tố cáo tội làm phản, cướp hết gia tư. Hồi 61: Bắn lãnh tiễn Yến Thanh cứu chúa; Cướp pháp trường Thạch Tú thi gan có viết:

“Sái Khánh vâng lời, đem Lư Tuấn Nghĩa giam vào ngục, rồi Sái Phúc cầm gậy ra đi lối cửa ngục. Chợt đâu thấy một người quần áo rách rưới, tay bưng một thúng cơm, hai hàng nước mắt sướt mướt đầm đìa mà đi vào. Sái Phúc trông biết người đó là Lãng Tử Yến Thanh, liền hỏi rằng:

– Yến Thanh làm gì thế, đi đâu như vậy?

Yến Thanh quỳ xuống nước mắt ròng ròng, nói với Sái Phúc rằng:

– Xin Thiết Cấp Ca Ca thương hại chủ nhân tôi là Lư Viên Ngoại, nay chẳng may bị giam vào trong lao, không có ai đưa tiền cơm nước, vậy tôi kêu xin được thúng cơm đây, để đem vào cho chủ tôi ăn tạm, xin ông rộng phép cứu cho…

Nói đến đó thì khóc nấc lên, rồi nằm phục xuống đất. Sái Phúc đáp rằng:

– Được, việc đó tôi biết cả rồi, anh cứ đem cơm vào cho ông ta, không hề chi.

Yến Thanh lạy tạ, rồi đem cơm vào lao cho Viên Ngoại”. 

Khi mới đọc đoạn miêu tả Yến Thanh lúc ban đầu, ai mà chẳng nhận ra vẻ phong lưu lãng tử? Mà xưa nay có câu: lãng tử đa tình, lãng tử bạc tình… Đến nỗi nhà phê bình Kim Thánh Thán đã phải thốt lên: “Trong bản truyện tả Lư Viên Ngoại, bỗng đâu lại tả ra hai đoạn văn ngắn, nói về Lý Cố, Yến Thanh, truyện của Lý thì rất ân số, truyện của Yến thì rất phong lưu, ngờ đâu với kẻ chịu ơn, chẳng những không báo, còn phản lại cắn chủ; Mà kẻ phong lưu lại dốc trung trinh, liều chết không lầm…” 

Yến Thanh một lòng trung thành báo đáp ân chủ Lư Tuấn Nghĩa.

Kết quả, Lý Cố cùng Cổ Thị sau này bị xử tùng xẻo đến chết, mà Yến Thanh cùng Lư Viên Ngoại xông pha chiến trận lập nhiều đại công. Nên mới nói “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”. Có thơ rằng:

“Trời xanh khéo cũng trêu ngươi
Đem mồi phú quý nhử người tham ngu.
Xưa nay tục tử phàm phu
Biết đâu thiên lý mà lo tránh mình”.

(trích “Thuỷ Hử”)

2. Không tà dâm

Trong phim điện ảnh, mối tình Yến Thanh – Lý Sư Sư được nhào nặn, tô vẽ theo mô-típ anh hùng – mỹ nhân, cuối cùng còn bỏ trốn theo nhau phiêu bạt giang hồ, kỳ thực trong nguyên tác của Thi Nại Am không hề có. Sự thật là, trước tấm nhan sắc mỹ miều của người con gái được Hoàng đế sủng ái, Yến Thanh không hề động tâm.

Hồi 80: Yến Thanh đêm trăng gặp vua Tống, Đới Tung lập kế cứu Nhạc Hoà có chép:

“Yến Thanh chợt trông, vẫn thấy một trang phong vận như xưa: nét mặt hải đường long lanh sương sớm, thân hình dương liễu dập dờn gió đông, tươi như Thượng uyển tiên nương, đẹp hơn Hằng Nga cung quế. Lý Sư Sư xiêm áo thướt tha, lững thững dời gót sen bước ra phòng khách…

Lý Sư Sư nói :

– Cao thái uý là kẻ làm hao binh tổn tướng, uổng phí tiền gạo của triều đình, còn dám tâu trình nỗi gì? Cái đó thì tôi biết tỏng! Mời tôn huynh hãy xơi tạm vài chén rồi sẽ cùng tính liệu xem sao.

Yến Thanh nói :

– Tiểu nhân không quen uống rượu.

Lý Sư Sư nói :

– Đường xa sương gió, đến đây cởi mở chuyện lòng, nghĩ rằng tôn huynh cũng nên uống dăm ba chén?

Yến Thanh từ chối chẳng được, đành nhấp nháp một hai chén để chiều ý chủ nhân.

Nguyên Lý Sư Sư vốn là một ả làng chơi quen thói lẳng lơ, phong trần đã dạn, thấy Yến Thanh lanh lợi đẹp trai, nói năng hoạt bát, lòng riêng đã lấy làm ưa. Bèn chiêu rượu, ả Lý mấy lần tìm lời cợt nhả chọc ghẹo, rượu cạn vài tuần bèn ỡm ờ giọng say xán đến khêu gợi. Yến Thanh là người thông minh, làm gì chẳng hiểu chuyện ấy? Nhưng chàng là một hảo hán có nghị lực, sợ làm hỏng việc lớn của huynh trưởng, đâu dám đáp lại sự tỏ tình của Lý Sư Sư!

Yến Thanh không động tâm trước nữ sắc.

Lý Sư Sư tự tay rót rượu nâng cốc đáp tạ Yến Thanh, giọng khơi tình nũng nịu. Yến Thanh chỉ cúi đầu, ậm ừ cho qua chuyện. Lại cạn mấy chén nữa, Lý Sư Sư cười nói :

– Nghe nói người chàng có xăm chàm hoa rất đẹp, thiếp muốn xem có đẹp thật không?

Yến Thanh cười đáp :

– Tiểu nhân có xăm chàm hoa thật đấy, nhưng lẽ nào dám phanh áo trước mặt nương tử?

Lý Sư Sư nói:

– Đấng nam nhi xâm thân vẽ mình, nào ai bảo là cởi áo đánh trần?

Ba lần năm lượt, Lý Sư Sư cứ nhất định đòi xem. Yến Thanh đành phải cởi áo. Lý Sư Sư hết sức thích thú, bàn tay búp măng cứ xoa đi vuốt lại trên da thịt Yến Thanh. Yến Thanh núng quá vội mặc áo vào. Lý Sư Sư lại chạm cốc với Yến Thanh, cứ thế nũng nịu gợi tình. Yến Thanh sợ ả mớn tay động chân lấn tới nữa thì cái chuyện ấy khó lòng tránh được. Sực nghĩ ra một kế, Yến Thanh bèn hỏi:

– Chẳng hay nương tử niên kỷ bao nhiêu?

Lý Sư Sư đáp:

– Sư Sư năm nay hăm bảy.

Yến Thanh đáp :

– Tiểu nhân chỉ mới hăm lăm, kém nương tử hai tuổi đấy. Nương tử đã có lòng yêu mến, vậy xin kết nghĩa làm chị em!

Nói đoạn liền đứng dậy, sụp lạy Lý Sư Sư tám lạy. Với tám cái lạy ấy, Yến Thanh đã chặn đứng lòng dạ chẳng ngay của ả Lý Sư Sư, giữ mình làm việc lớn. Nếu là một người đam mê tửu sắc thì đại sự tất hỏng rồi. Thế mới biết Yến Thanh có một trái tim sắt đá, đáng là một trang hảo hán nam nhi!”

Đọc cố sự này về Yến Thanh, không khỏi cảm phục chí khí của người anh hùng! Lại nhớ đến chuyện Triệu Tử Long không động lòng trước nữ sắc. “Tam Quốc Diễn Nghĩa” kể rằng: Khi mới thu phục được thành Quế Dương, biết thái thú Triệu Phạm muốn gả chị dâu cho mình, Triệu Vân đã đùng đùng nổi giận. Sau này khi quân sư Gia Cát hỏi, Tử Long đáp: “Triệu Phạm đã cùng với tôi kết nghĩa anh em, nếu lấy chị dâu hắn, thì miệng đời chê cười là một. Người góa chồng bước đi bước nữa là thất tiết, là hai. Triệu Phạm mới hàng, chưa biết bụng dạ thế nào là ba, Chúa công mới dẹp yên được Giang Hán, ngủ còn chưa yên, Vân tôi đâu dám vì một người đàn bà mà bỏ việc lớn của chúa công?”.

Hậu vận cả Triệu Vân và Yến Thanh đều lập nhiều công trạng, sống lâu, phải chăng cũng là thiện báo cho mỹ đức này?

Tấm lòng trong sáng của Yến Thanh đặt trong bức tranh tương phản với những kẻ hoang dâm vô đạo như Cao Nha Nội, Tây Môn Khánh, sư hổ mang Bùi Như Hải… lại càng tỏa sáng rực rỡ. 

Có thơ rằng:

“Trông tang thương những chạnh lòng
Trách ai tham cái má hồng mà chi
Vẻ gì một chút tình si,
Thành tan nước mất tội thì tại ai?
Thương thôi lại giận cho đời,
Trăm năm bao hết giống người vô lương?
Có chăng nhờ bút văn chương
Đem tranh chính nghĩa làm gương cho đời”.

(trích “Thuỷ Hử”)

3. Công thành thân thoái

Luận về trung nghĩa, Tống Giang và nhiều anh hùng Lương Sơn cũng một tấc lòng son như Yến Thanh. Luận về không tà dâm, ngoại trừ Vương Anh háo sắc ra thì các vị hảo hán nơi Thuỷ Bạc cũng đều chẳng bị mê hoặc bởi nữ sắc, thậm chí còn căm ghét phường dâm ô lăng loàn. Ấy vậy mà Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa… chết đi thật oan uổng. Là vì sao vậy?

Trong Hồi 89: Núi Ngũ Đài, Tống Giang đi lễ Phật, Trấn Song Lâm, Yến Thanh gặp bạn xưa, Yến Thanh có dịp gặp lại người bạn cũ tên là Quán Trung. Quán Trung dựng một mái nhà tranh ở nơi non xanh nước biếc, xa lánh thế tục. Khi Yến Thanh lại lựa lời khuyên Quán Trung về kinh sư tìm đường xuất thân, Quán Trung đã thở dài đáp:

– Thời nay, bọn tà gian điều hành chính sự, ghen ghét kẻ hiền tài, rặt những quỷ quái yêu ma đeo đai đội mũ, còn những kẻ trung lương ngay thẳng đều bị hãm hại ở chốn lao tù. Tấm lòng của đệ đã nguội lạnh. Đến ngày công thành danh toại, huynh trưởng cũng nên tìm đường thoái lui. Từ xưa đã có câu: “chim săn đã hết, cung báu cất đi”.

Chính câu nói ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời Yến Thanh. Sau này, khi dẹp xong giặc Phương Lạp, các huynh đệ Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa… đều ra làm quan với triều đình, còn Yến Thanh lại bay bổng giang hồ như cánh chim tự do. 

Hồi 118: Lỗ Trí Thâm bên sông quy tịch, Tống Công Minh áo gấm về làng có viết:

“Lại nói Tống Giang và các tướng rời Hàng Châu lên đường về kinh. Dọc đường, một hôm Lãng tử Yến Thanh đến gặp riêng Lư Tuấn Nghĩa, nói:

– Tiểu nhân từ nhỏ theo hầu ân chủ, được nhờ ơn đức đã nhiều, một lời không nói hết. Nay việc lớn đã xong, tiểu đệ muốn được cùng ân chủ nộp trả lại quan bằng rồi tìm nơi yên tĩnh mà sống cho đến trọn đời. Chẳng hay tôn ý ân chủ thế nào?

Lư Tuấn Nghĩa đáp:

– Từ khi ở Lương Sơn Bạc về quy thuận triều đình, anh em ta xông pha trăm trận, vất vả ở chốn biên cương, anh em bị tổn thất nặng nề, mà một nhà ta với ngươi được sống sót, thật là may mắn lắm. Chính ta đang muốn áo gấm về làng để được phong thê ấm tử, sao hiền đệ lại muốn chuốc một kết quả như thế?

Yến Thanh cười đáp:

– Ân chủ sai rồi! Tiểu đệ đi chuyến này tất phải có kết quả. Chỉ lo ân chủ không được hưởng kết quả mà thôi.

Ân chủ không nghe lời đệ, chỉ sợ về sau hối không kịp...”

Như Yến Thanh, đáng gọi là biết cơ tiến thoái mất còn vậy! Có thơ làm chứng như sau:

Lược địa công thành chí dĩ thù
Trần từ dục bạn Xích Tùng du
Thời nhân khổ bả công danh luyến
Chỉ phạ công danh bất đáo đầu.

Dịch:

Lấy đất xông thành lập chiến công
Lui thân những muốn bạn Xích Tùng
Công danh khổ sở bao người tục
Chỉ sợ công danh chẳng bén cùng.

Lư Tuấn Nghĩa nói:

– Này Yến Thanh, ta không chút dị tâm với triều đình, lẽ nào triều đình lại nỡ phụ ta?

Yến Thanh đáp:

– Ân chủ há lại không biết công lao Hàn Tín to lớn nhường nào, rốt cuộc bị chém đầu ở cung Vị Ương; Bành Việt bị muối xác làm mắm; Anh Bố bỏ mạng vì tên độc đó sao? Ân chủ nên sớm liệu, chớ để tai họa giáng xuống không kịp hối!

Lư Tuấn Nghĩa nói:

– Ta nghe nói Hàn Tín được phong ở Tam Tề rồi tự tiện xưng vương, xui Trần Hy làm loạn; Bành Việt tự giữ đất Lương không về chầu Cao Tổ, nên nhà tan thân nát; Anh Bố nhậm chức ở Cửu Giang còn mưu toan thâu tóm non sông nhà Hán, vì thế Hán Cao Tổ mới giả vờ đi chơi đầm Vân Mộng, ngầm để Lữ hậu ở nhà giết đi. Ta tuy chưa từng được ban quan to tước lớn, nhưng cũng chưa từng phạm tội lớn như thế.

Yến Thanh đáp:

– Ân chủ không nghe lời đệ, chỉ sợ về sau hối không kịp. Tiểu đệ định đến từ biệt Tống tiên phong, nhưng huynh trưởng là người trọng nghĩa, tất sẽ không cho tiểu đệ đi. Vì vậy tiểu đệ chỉ xin ân chủ cho từ biệt”.

Lẽ thường xưa nay, ai mà chẳng mong công thành danh toại, rạng rỡ tổ tông, “phong thê ấm tử”? Những mong ước ấy thiết nghĩ không có gì sai, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là truy cầu danh, lợi, tình nơi thế tục. Trong thời bình trị vua sáng tôi hiền thì không nói làm gì, nay trong buổi loạn lạc, gian thần lũng đoạn triều chính, hiển thị công danh chẳng khác nào làm mồi cho sói. 

Giống Công Tôn Thắng, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng, Đới Tung…, Yến Thanh đã chọn công thành thân thoái, ấy chính là biết đạo tiến thoái ở đời, không chấp trước vào danh lợi. Điểm này là hơn Tống Giang, Lư Tuấn Nghĩa, vậy nên Yến Thanh mới bảo toàn được tính mệnh.

Tuy rằng Thuỷ Hử không nói rõ Yến Thanh đi đâu, chỉ nói “tìm nơi yên tĩnh mà sống cho đến trọn đời”, nhưng từ mấy vần thơ trong lá thư gửi Tống Giang, cơ hồ có thể đoán được chí nguyện của chàng Lãng Tử:

“Nhạn mỏi chia bay thật lạnh mình
Quan bằng xin trả chẳng cầu vinh
Bên mình đã có thư ân xá
Thoát khỏi phong trần hết kiếp sinh”.

Vốn là vì Tinh Tú trên trời giáng sinh, chịu tội khổ hoàn trả nợ nghiệp, nay đã trải đủ bão táp  phong ba, Lãng Tử Yến Thanh thoát khỏi kiếp phong trần, siêu thoát tự do tự tại. Ngẫm về thế đạo hôm nay, nhân tâm suy đồi, tranh danh đoạt lợi…, câu chuyện cuộc đời Yến Thanh nhắn nhủ gì với chúng ta?

(Ảnh minh hoạ trong bài: Phim “Tân Thuỷ Hử”)

Thanh Ngọc

>> Xem trọn bộ Cảm ngộ Thuỷ Hử

Exit mobile version